Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » S

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 2


Hôm nayHôm nay : 568

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 10948

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4064591

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa bệnh nhiệt nhập tâm bào, người bệnh sốt cao, thấy hình ảnh lạ đe doạ

Thứ sáu - 28/06/2019 21:30

      Khoảng giữa mùa xuân năm 1970, toàn cơ quan chúng tôi có chuyến đi vận chuyển lương thực, từ một vùng căn cứ của tỉnh Bình Thuận, về căn cứ của tỉnh Tuyên Đức, nằm ở phía nam huyện Đơn Dương (thuộc tỉnh Lâm Đồng ngày nay).
     Trên tuyến đường rừng này, có một đoạn phải đi qua trảng tranh (rừng tranh bằng phẳng, không có cây lớn) mất tám gìờ đồng hồ.  Khi qua đây, tất cả mọi cuộc hành quân đều phải đi vào ban đêm, bởi vì ban ngày máy bay đầm già (máy bay do thám) và tầu gáo (một loại trực thăng lùng sục, có thể bay thấp len lỏi vào các khe suối, bãi trống nhỏ) thường xuyên bay lượn quan sát, nếu thấy có gì khả nghi là chúng bắn rốc két, có bóng người là chúng đổ trực thăng vây bắt cho bằng được.
    Đêm ấy chúng tôi đi qua trảng tranh, chỉ huy không dám cho giải lao giữa chừng.  Chỉ được phép tạm dừng khi có nhu cầu vệ sinh cá nhân hàng loạt.  Vì thế khi chưa đi hết trảng tranh chúng tôi đã quá mệt.  Nhưng ở nơi  hết trảng tranh lại tiếp nối một đoạn dốc cao và dài. Chỉ huy yêu cầu chúng tôi phải vượt lên đỉnh dốc, vào sâu trong rừng già mới được nghỉ chân, tìm nơi có nước nấu ăn để còn đi  tiếp.
    Ai đã từng hành quân mang nặng, leo dốc mới thấy được tư thế đi hợp lý nhất là thân hơi cúi xuống, đầu đưa cằm ra, mũi thở đều, mắt nhìn vào lưng người đi trước.   Và tất nhiên là từng bước chân phải được đặt vững vàng rồi mới rướn người đưa chân lên phía trước. Cảnh tượng im lặng, thận trọng của đoàn người ngoằn nghoèo, di chuyển chậm chạp lên dốc, vừa có vẻ nặng nề, mệt mỏi, lại vừa có vẻ cảnh giác đề phòng mọị bất trắc.  Đúng lúc cả đoàn quân lên tới lưng chừng chừng dốc, tổ xích hầu (tổ vũ trang sẵn sàng chiến  đấu) đi trước, chỉ còn cách bìa rừng đầu trên của dốc chừng dăm chục mét, bỗng dưng có một tiếng hô lớn : “biệt kích.” Tiếng hô ngắn gọn, dứt khoát.  Chúng tôi như một phản xạ thành thạo, tất cả đều đồng loạt nằm xuống ngay tại chỗ, tai thì lắng nghe mọi tiếng động khác lạ, mắt thì hướng về phía bất kỳ, do tư thế mỗi người đã tự nằm xuống để quan sát, thăm dò.
    Chừng dăm bảy phút sau chúng tôi được lệnh đứng dậy đi tiếp.  Vừa đi, chúng tôi vừa nghe thông tin từ đầu đoàn quân truyền xuống rằng, có một chú vệ binh trẻ đi đầu hàng quân bị sốt cao, tâm thần hoảng hốt.  Khi chú hô xong tiếng “ biệt  kích ” liền tự động nằm xuống, và mọi việc đã xảy ra như vừa kể ở trên.  Thật là gặp một phen hú vía.
    Tối hôm đó, khi về đến căn cứ, anh Nghị là y sỹ cơ quan đến cho tôi biết, chú lính đó bị sốt cao mê sảng, vẫn luôn tay chỉ về mọi phía mà nói : “biệt kích kia kìa, nó đang cầm dao định chém cháu”.   Khoảng gần trưa hôm sau, y sỹ Nghị lại đến gặp tôi nói rằng, anh đã cho cháu uống thuốc hạ sốt, thuốc cắt cơn sốt rét, nhưng bệnh tình vẫn chưa giảm.  Anh tỏ vẻ lo lắng giãi bày rằng : “Cháu Thanh này tuổi còn rất nhỏ, nhà ở ấp Thanh Bình, ngoại thành Đà Lạt, tham gia cách mạng từ đợt hai tổng tấn công Mậu Thân, cùng với mấy chục thanh niên trong ấp.  Nếu không chữa cho cháu khỏi bệnh thì sẽ ảnh hưởng tới tinh thần của cả lứa đó.  Đã có cháu xì xào với nhau, cho rằng, ma rừng ếm chú linh đó rồi đấy.”   Dừng lời một giây lát, y sỹ Nghị dè dặt nói với tôi : “Anh Sửu xem sách thử, nếu có cách gì thì chữa giúp tui.”
.   Thường ngày, tôi tuy có biết châm cứu và có sách châm cứu mang theo, nhưng tôi không bao giờ tỏ vẻ lấn sân công việc của y tế cơ quan.  Chỉ tham gia khi có yêu cầu của các cán bộ chuyên môn.  Lần này cũng thế khi anh Nghị yêu cầu, tôi liền mở sách và tìm được nhóm huyệt chữa chứng nhiệt nhập tâm bào, sốt cao mê sảng, sinh ra ảo thính, ảo thị, là các huyệt Tâm du, Thần  đạo, Thiên tỉnh.  Sau khi anh Nghị dẫn cháu Thanh tới, liền giúp tôi sát trùng kim và huyệt vị.  Tôi châm cả năm cây kim theo thứ tự : Thần đạo rồi đến Tâm du cả hai bên, sau cùng là Thiên tỉnh cả hai bên.
    Cứ năm phút tôi lại vê kim kích thích tả pháp một lần.  Lâu lâu, khi thấy cháu nhìn không ngơ ngác nữa, tôi hỏi cháu : “Cháu còn thấy biệt kích nữa không ?.”  Cháu tỉnh táo nói : “Không thấy nữa ạ.”
    Tôi nói với anh Nghị kẹp nhiệt kế vào nách xem đã hạ sốt chưa.  Anh Nghị lấy nhiệt kế ra, kẹp cẩn thận xong chúng tôi cùng ngồi trao đổi về cơ chế bệnh này theo lý luận Đông y.
    Theo thói quen nghề nghiệp, anh Nghị đợi đủ thời gian kỹ thuật quy định mới lấy nhiệt kế ra xem.  Anh nói : “Giảm sốt rồi, chỉ còn 37,6 độ C.” Tôi hỏi để so sánh : “Khi chưa châm kim, nhiệt độ sốt của cháu bao nhiêu.”  Anh Nghị nói : “Lúc cao nhất là 39,8 độ C.”  Trong khi tôi rút kim thì anh Nghị giúp tôi thu dọn đồ nghề, sách vở và nói : “May quá !. Thiệt là tài tình !.”  Thấy y sỹ Nghị còn lạ lẫm với phép châm cứu, tôi đã phân tích tác dụng của số huyệt trong phương, theo du huyệt học cho anh Nghị nghe. Tôi nói : “Huyệt Tâm du – Chủ trị : Tim bồn chồn,tim đập mạnh…bệnh tim do phong thấp…tim động quá nhanh…bệnh thần kinh chức năng…tâm khí hoảng hốt; tâm trúng phong…tâm ngực bứt rứt… Huyệt Thần đạo – Chủ trị :…bệnh nhiệt; bệnh tâm tạng…thương hàn phát nhiệt… Huyệt Thiên tỉnh – Chủ trị :…sốt rét, điên tật; tim ngực đau…nóng rét rầu rầu khong vui…hồi hộp…
     Tổng hợp lại, phương huyệt đã làm lên tác dụng thần kỳ như anh Nghị đã thấy đấy. Anh nói với tôi : “Hết chiến tranh, tôi nhất định sẽ xin đi học châm cứu anh à.” Tôi động viên anh Nghị : “ Hoà bình rồi, chúng ta còn có thể học được nhiều thứ, chẳng riêng gì một môn châm cứu.”
    Cho tới gần trưa ngày hôm sau, đón chừng trước cơn sốt có thể sảy ra, tôi và anh Nghị lại châm cho cháu Thanh, cũng lưu kim kích thích như ngày hôm trước.  Thế rồi cơn sốt và ảo thị, ảo thính đã không sảy đến ở cháu ấy nữa .

- Từ đó tới nay phương huyệt này đã được tôi sử dụng chữa cho nhiều bệnh nhân sốt cao mê sảng, có ảo thính, ảo thị. tất cả đều thu được hiệu quả giống nhau.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ