Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Châm cứu trị liệu

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 10


Hôm nayHôm nay : 2258

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 19499

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4051763

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

XI.TÚC THIẾU DƯƠNG ĐẢM KINH

Thứ bảy - 07/12/2019 22:57
XI.TÚC THIẾU DƯƠNG ĐẢM KINH
(Khí huyết của đảm đi dọc qua phần dương ít ở chân)
Túc Thiếu dương Đảm kinh chủ trị :
« Nội kinh » nói rằng : « Đảm là chức vụ trung chính, quyết đoán từ đó mà ra, gồm 11 tạng đều lấy quyết của Đảm vậy. Đảm là thanh trường. Lại nói Đảm là phủ thanh tịnh ».
Mọi phủ đều chuyền thứ tanh đục, riêng Đảm không có trong đường chuyền, do đó gọi là thanh tịnh. Hư thì mắt mờ như mưa mà thương đảm. Nếu như mửa làm thương Đảm lệch đi thì nhìn vật bị đảo thật.
Túc Thiếu dương Đảm kinh huyệt ca :
Thiếu dương túc kinh Đồng tử liêu,
Tứ thập tứ huyệt hành điều điều,
Thính hội, Thượng quan, Hàm yếm tập,
Huyền lư, Huyền ly, Khúc mấn kiều ( ?),
Xuất cốc, Thiên xung, Phù bạch thứ,
Khiếu âm, Hoàn cốt, Bản thần yêu,
Dương bạch, Thừa khấp, Mục song tịch,
Chính doanh, Thừa linh, Não không giao,
Phong trì, Kiên tỉnh, Uyên dịch bọ,
Nhiếp cân, Nhật nguyệt, Kinh môn biểu,
Đới mạch, Ngũ khu, Duy đạo tục,
Cự liêu, Hoàn khiêu, Phong thị siêu,
Trung độc, Dương quan, Dương lăng huyệt,
Dương giao, Ngoại khâu, Quang minh tiêu,
Dương phụ, Huyền chung, Khâu khư ngoại,
Túc lâm khấp, Địa ngũ hội, Hiệp khê,
Đệ tứ chỉ đoan Khiếu âm hóa.
(Cả hai bên phải trái là 88 huyệt).Đó là một đường kinh dọc, bắt đầu từ ở Đồng tử liêu, hết ở Khiếu âm, lấy Khiếu ấm, Hiệp khê, Lâm khấp, Khâu khư, Dương phụ, Dương lăng tuyền làm Tỉnh, Vinh, Du, Nguyên, Kinh, Hợp.
Mạch bắt đầu từ đầu nhọn khóe mắt, lên đến dưới góc đầu, xuống sau tai, theo cổ đi trước thủ Thiếu dương, đến trên vai, đi giao ra phía sau thủ Thiếu dương, vào hố đòn, còn một nhánh, từ phía sau tai, vào trong tai, đi ra trước tai, đến sau đầu nhọn khóe mắt. Còn một nhánh tách từ khóe mắt xuống Đại nghinh, hợp với Khuyết bồn, xuống trong ngực, xuyên qua cách, lạc với Can, thuộc Đảm, đi theo trong sườn, ra Khí xung, vòng quanh mép lông, ngang vào đùi, ẩn vào trong. Còn đường thẳng, từ hố đòn xuống nách, đi theo ngực, qua sườn cụt, xuống hợp với đùi, ẩn vào trong, từ đó đi xuống theo mặt dương của đùi, ra cạnh ngoài đầu gối, xuống ngoài xương mác, ở phía dưới trước, thẳng xuống đúng chỗ Tuyệt cốt, xuống ra trước mắt cá ngoài, đi theo trên mu bàn chân, vào khe ngón 4 và ngón út chân, còn một nhánh nữa tách từ mu bàn chân vào ngón cái, theo xương bàn trong cùng ra đến đầu chót, lại xuyên vào móng ở chỗ chỏm lông tam mao. Kinh này nhiều khí, ít huyết, giờ Tý khí huyết trú ở đó.
Phủ giáp Mộc đó, chứng hậu ở Quan bộ mạch.
CÁCH TÌM ĐÚNG HUYỆT :
1.ĐỒNG TỬ LIÊU : 瞳子髎(Lỗ con ngươi mắt ; có tên là Thái dương- Tiền quan)
- Vị trí : Ở phía ngoài phía khóe mắt ngoài 5 phân, ở cuối đuôi mắt. Chỗ thủ Thái dương, thủ Túc Thiếu dương gồm 3 mạch hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm dưới da, mũi kim ra phía ngoài, sâu 3 – 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 5’.
- Chủ trị : Bệnh mắt ; liệt mặt ; viêm giác mạc ; khuất quang bất chỉnh (cong hình) ; mù về đêm ; teo thần kinh nhìn ; mắt có màng mộng trắng ; thanh manh không nhìn thấy ; nhìn xa mờ mờ ; mắt đỏ đau chảy nước mắt và mắt nhiều nhử ; trong khóe mắt ngứa ; hầu đau bế.
- Tác dụng phối hợp : với Thiếu trạch trị đàn bà sưng vú ; với Thượng tinh, Hợp cốc trị khuất quang bất chính ; với Tinh minh, Dưỡng lão trị mù về đêm ; với Tán trúc, Phong trì, Dương phù trị đau đầu ; với Khâu khư trị trong mắt có màng che.
2.THÍNH HỘI :聽會(Hội họp về sự nghe)
- Vị trí : Ở phía trước và dưới bình tai, ngang với lỗ trống bờ cắt dưới bình tai, khi há miệng dùng ngón tay ấn vào thấy có chỗ lõm là huyệt.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 2- 3 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 10’.
- Chủ trị : Tai ù ; tai điếc ; răng đau ; liệt mặt ; viêm tai giữa ; câm điếc ; miệng mắt méo lệch ; trúng gió liệt một bên người ; chạy cuồng ; giật duỗi (khế túng), xương hàm dưới lòi cối ra cách nhau 1- 2 thốn ; hàm răng cấp không cắn được vật ; răng đau sợ vật lạnh ; hoảng hốt không vui.
- Tác dụng phối hợp : với Ế phong trị tai điếc ; với Thính mẫn, Trì tiền trị tai điếc ; với Giáp xa, Địa thương trị trúng gió miệng mắt méo lệch ; với Phong trì trị tai điếc.
3.KHÁCH CHỦ NHÂN :髂主人(Người chủ và khách ; Có tên là Thượng quan)
- Vị trí : Ở bờ trên cung quyền, thẳng huyệt Hạ quan lên, há miệng lấy ở chỗ lõm, chỗ thủ túc Thiếu dương, Dương minh hội ở đó. :Tố Vấn » : CẤM CHÂM SÂU, sâu thì phá mạch làm cho dò vào trong gây điếc tai.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 0,5 – 1 thốn, cứu 3 mồi, hơ 3 – 5’.
- Chủ trị : Thần kinh mặt tê bại ; tai ù ; tai điếc ; đau răng ; viêm tai giữa ; khớp răng cắn chặt ; môi mép cứng ; miệng mắt méo lệch về một bên ; thanh manh ; mắt lim dim mờ mờ ; sợ gió lạnh ; sâu răng ; điên ; động kinh ra nước bọt ; nóng rét ; ống chân dẫn vào trong xương đau.
4.HÀM YẾM :頷厭(Sợ sệt cái hàm)
- Vị trí : Huyệt Đầu duy xuống 1 thốn, sờ vào có động mạch chảy, Thủ, Túc Thiếu dương, Dương minh hội ở đó. « Đồng Nhân » : đâm sâu làm cho người ta điếc tai.
- Cách châm cứu : Châm chếch 3 – 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 10’.
- Chủ trị : Đau phía bên đầu ; mắt hoa ; tai ù ; viêm mũi ; thần kinh mặt tê bại ; điên nhàn ; co rút ; mắt không nhìn thấy ; khóe mắt ngoài cấp ; hay hắt hơi ; đau cổ ; đau các khớp mà ra mồ hôi.
5.HUYỀN LƯ :懸顱(Xương sọ treo lơ lửng)
- Vị trí : Trên đường nối từ huyệt Hàm yến đến huyệt Khúc mấn, lấy chỗ cách 1/3 trên về phía Hàm yếm. Thủ, Túc Thiếu dương, Dương minh hội ở đó. « Tố Chú » :... Đâm sâu làm cho người ta không nghe thấy gì ».
- Cách châm cứu : Châm chếch 2 – 3 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 10’.
- Chủ trị : Đau một bên đầu ; thần kinh suy nhược ; đau răng ; mặt sưng da đỏ ; bệnh nhiệt phiền tức ; mồ hôi không ra ; đau từ một bên đầu dẫn vào làm đỏ khóe mắt ngoài ; mình nóng ; hang mũi nước đục ra không dứt ; chuyển làm máu cam ; mắt tối mờ ; mắt mù.
6.HUYỀN LY :懸厘(Một ly treo lơ lửng)
- Vị trí: Trên đường từ huyệt Hàm yến đến huyệt Khúc mấn lấy chỗ cách 1/3 dưới. Thủ, Túc Thiếu dương, Dương minh hội ở đó.
- Cách châm cứu: Châm chếch 3 – 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 10’.
- Chủ trị: Đau bên đầu; thần kinh suy nhược; đau răng; mặt phù thũng; da mặt sưng đỏ; tâm bứt rứt không muốn ăn; trung tiêu có khách nhiệt; bệnh nhiệt mồ hôi không ra; khóe mắt đau.
7.KHÚC PHÁT :曲髮(Góc cong của tóc mai ; có tên là Khúc mấn)
- Vị trí : Chỗ ngang bằng với phía trên vành tai và thẳng đứng với phía trước tai gặp nhau. Khi gõ 2 hàm răng vào nhau ở đó có chỗ lõm. Túc Thiếu Dương, Thái dương hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm chếch 3 – 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 10’.
- Chủ trị : Hàm và má sưng đau ; khó há miệng ; đau đầu ; gáy cứng ; đau thần kinh tam thoa ; cơ thái dương co rút ; 2 góc não đau là Điên phong (phong chóp núi) dẫn vào làm chột mắt (kiểu như thiên đầu thống).
8.SUẤT CỐC :率谷(Cái hang nhận lệnh)
- Vị trí : Ở phía trên tai, vào trong mép tóc 1,5 thốn, cắn hàm răng mà lấy huyệt. Túc Thiếu dương, Thái dương hội ở đó
- Cách châm cứu : Châm dưới da, mũi kim hướng về phía sau tai hoăc hướng về huyệt Thái dương tiến kim từ 0,5 – 1 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 – 10’.
- Chủ trị : Đau bên đầu ; mắt sưng đỏ ; nôn mửa ; đau răng ; da dẻ sưng lên ; huyễn vận (say xẩm) ; bệnh mắt ; đàm khí đau ở cách ; hai góc não cứng đau ; đầu nặng phong sau khi say rượu ; da lạnh ; ăn uống tức bứt rứt.
- Tác dụng phối hợp : với Đầu duy trị đau nửa đầu.
9.THIÊN XUNG :天沖(Xông lên tới trời)
-Vị trí : Sau huyệt Suất cốc 5 phân, sau gốc tai thẳng lên, vào trong tóc 2 thốn. Túc Thiếu dương, Thái dương hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm chếch 5 – 8 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 15’.
- Chủ trị : Đau đầu ; răng lợi sưng đau ; điên nhàn ; sưng tuyến giáp trạng ; hay sợ hãi ; phong động kinh.
10.PHÙ BẠCH :浮白(Trắng mà nổi)
- Vị trí : Trên gốc tai lùi lại về phía sau 1 thốn (vào trong tóc) huyệt Thiên xung xuống và lùi về sau 1 thốn. Túc thiếu dương, Thái dương hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm chếch 5 – 8 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 16’.
- Chủ trị : Tai ù ; tai điếc ; viêm amidan ; bướu cổ ; đau đầu ; đau răng ; viêm phế quản ; ngực tức không thở được ; ngực đau ; chân không thể đi được ; vai cánh tay không giơ lên được ; phát nóng rét.
11.ĐẦU KHIẾU ÂM : 頭竅陰 (Mấu chốt của phần âm trên đầu ;có tên là Chẩm cốt)
- Vị trí : Ở giữa huyệt Phù bạch và huyệt Hoàn cốt, chỗ Túc Thái dương và Thủ, Túc Thiếu dương hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm chếch 5 – 8 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 15’.
- Chủ trị : Đau mắt ; đau đỉnh đầu ; tai đau, tai ù, tai điếc ; viêm phế quản ; viêm hầu ; tức ngực ; tuyến giáp trạng sưng to ; tứ chi chuột rút ; cuống lưỡi ra máu ; ho lao ; ung thư phát khắp nơi ; tay chân nóng bứt rứt ; mồ hôi không ra ; lưỡi cứng đau mạng sườn ; trong miệng sợ đắng.
12.HOÀN CỐT :完骨(Cái xương rắn tốt)
- Vị trí : Chỗ lõm dưới và sau mỏm chũm, cúi đầu lấy huyệt, chỗ Túc Thái dương, Thiếu dương hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm chếch 5 – 8 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 15’.
- Chủ trị : Tai ù ; má sưng ; thần kinh mặt tê bại ; đau đầu ; đầu mặt phù thũng ; điên ;sưng quai bị ; chân tay mềm yếu ; không đi đất được ; đi không gọn ; cổ gáy đau ; đầu phong đau sau tai ; tâm bứt rứt ; đi đái vàng đỏ ; hầu bại răng sâu ; miệng mắt méo lệch.
13.BẢN THẦN :本神(Gốc của thần khí)
- Vị trí : Đuôi mắt ngoài thẳng lên, vào mép tóc 5 phân, huyệt Khúc sai sang bên cạnh là 1,5 thốn, huyệt Thần đình ra 3 thốn. Túc Thiếu dương và Dương duy hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm chếch kim sâu đến 8 phân, cứu 3 mồi
-Chủ trị : Điên nhàn ; cổ cứng ; đau đầu ; mắt hoa ; đau sườn ngực ; liệt một bên người ; kinh giản nôn ra bọt dãi.
14.DƯƠNG BẠCH :陽白(Chỗ trắng ở phần lồi ra)
- Vị trí : Mắt nhìn thẳng, giữa mày lên 1 thốn, thẳng Đồng tử lên. Thủ túc Thiếu dương, Dương minh và Dương duy là 5 mạch hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm dưới da 3 – 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 3 – 5’.
- Chủ trị : Đau đầu trước trán ; bệnh mắt ; thần kinh mặt tê bại ; đau thần kinh trên hốc mắt ; sụp mi ; khuông mắt máy động ; mù về đêm ; ngứa gãi mi mắt ; nôn mửa ; sợ lạnh ; cứng gáy ; đồng tử ngứa đau ; mắt nhìn ngước lên ; nhìn xa mờ mờ ; mắt đau chảy nước mắt ; lưng trên và đầu gối lạnh rung ; mặc nhiều áo mà không thấy ấm.
-Tác dụng phối hợp : với Tán trúc, Hợp cốc, Phục lưu trị phức thị (nhìn thấy nhiều hình ảnh trùng chéo lên nhau) ; với Thái dương, Đầu duy, Phong trì trị sụp mi ; với Tứ bạch, Khiên chính, Địa thương trị thần kinh mặt tê bại.
15.LÂM KHẤP : 臨泣(Đang lúc có nước mắt)
- Vị trí : Mắt nhìn thẳng, thẳng đồng tử lên, vào qua mép tóc lên 5 phân. Túc Thiếu dương, Dương duy, Thái dương hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm chếch 5 – 8 phân, CẤM CỨU.
- Chủ trị : Tắc mũi ; bệnh mắt ; trúng gió ; kinh giản ; mắt hoa ;mắt có màng ; sốt rét ; cấp mãn tính viêm kết mạc ; mắt có nước mắt ; đau xương chẩm hộp sọ ; đại phong ; đau khóe mắt ngoài.
16.MỤC SONG :目窗(Cửa sổ con mắt)
- Vị trí : Từ huyệt Lâm khấp lên 1,5 thốn, túc Thiếu dương, Dương duy hội ở đó. Châm 3 độ làm cho mắt người ta sáng.
- Cách châm cứu : Châm chếch 5 – 8 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 15’.
- Chủ trị : Bệnh mắt ; mặt phù thũng ; đau đầu ; hoa mắt ; viêm kết mạc mắt ; mắt đỏ đau ; đau răng ; trúng gió ; mắt mờ mờ nhìn xa không rõ ; nóng rét mồ hôi không ra ; sợ lạnh.
17.CHÍNH DOANH :正營(Dinh lũy chính yếu)
- Vị trí : Sau huyệt Mục song 1,5 thốn, Túc Thiếu dương, Dương duy hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm chếch 5 – 8 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 15’.
- Chủ trị : Đau đầu hoa mắt ; đau răng ; đầu gáy cứng đau ; nôn mửa ; sâu răng ; môi mép cấp cứng.
18.THỪA LINH :承靈(Chịu nhận sự linh hoạt)
- Vị trí : Sau huyệt Chính doanh 1,5 thốn, Túc Thiếu dương, Dương duy hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm chếch 5 – 8 phân, CCĐT ghi « CẤM CHÂM », cứ 3 mồi, hơ 5 – 15’. Kinh huyệt tiện lãm ghi CẤM CHÂM.
- Chủ trị : Đau đầu ; tắc mũi ; mũi chảy máu cam ; viêm phế quản ; bệnh mắt ; não phong đau đầu sợ gió lạnh ; thở xuyễn không lợi.
19.NÃO KHÔNG :腦空(Khoảng trống trong não ; có tên là Nhiếp nhu)
- Vị trí : Huyệt Phong trì lên 1,5 thốn, chỗ lõm kẹp hai bên xương Ngọc chẩm. Túc Thiếu dương, Dương duy hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm chếch 5 – 8 phân, cứu 5 mồi, hơ 5 – 15’.
- Chủ trị : Đau đầu ; mũi chảy máu ; hen xuyễn ; cảm mạo ; điên nhàn ; bệnh tinh thần ; tim hồi hộp ; tai ù ; tật lao gầy mòn ; mình nóng ; cổ gáy cứng không thể ngoái lại ; đầu nặng đau không thể chịu nổi ; mắt mờ ; phát thì làm điên phong (phong chóp núi), dẫn vào làm chột mắt (thiên đầu thống) ; đau mũi.
Ngụy Văn Đế nạn đầu phong, phát thì làm tim loạn, HOA ĐÀ châm Não không khỏi ngay.
20.PHONG TRÌ :風池 (Cái đầm chứa gió)
-Vị trí : Ở phía sau xương đầu, trong tóc, ở hố lõm hai bên gáy, ở giữa gáy thẳng lên vào tóc 1 thốn rồi lại sang 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn, cạnh ngoài cơ thang. Thủ, Túc Thiếu dương, Dương duy hội ở đó.
-Cách châm cứu : Châm sâu 5 - 8 phân, khi châm huyệt Phong trì bên phải mũi kim hướng về phía hốc mắt bên trái, khi châm huyệt Phong trì bên trái thì mũi kim hướng về phía hốc mắt bên phải. Cảm giác có thể tê tức chuyển lên đến đỉnh đầu và khu mắt, hoặc chuyển đến vùng bả vai, cứu 3 mồi, hơ 5- 10’.
- Chủ trị : Đau đầu ; cảm mạo ; phát sốt ; ho hắng ; cổ gáy cứng đau ; váng đầu ; mất ngủ ; bệnh mắt ; bệnh mũi ; tai ù ; răng đau ; động kinh ; cao huyết áp ; tai điếc ; điên nhàn ; liệt nửa người ; bệnh ở não ; sốt rét ; bướu cổ ; nóng rét lai rai ; thương hàn và ôn bệnh mồ hôi không ra ; đau thẳng dọc bên đầu ; mắt ra nước mắt ; hay ngáp luôn ; mũi chảy máu cam ; khóe trong mắt đỏ đau ; khí phát ra tắc lỗ tai ; mắt nhìn không rõ ; thắt lưng và lưng trên đều đau ; thắt lưng gù còng, dẫn lên gân cổ không có lực và không gọn ; đại phong trúng phong ; khí tắc dãi lên không nói được ; hôn nguy.
- Tác dụng phối hợp : với Đại chùy, Hậu khê, trị đau sau đầu ; với Khúc trì, Túc tam lý, trị cao huyết áp ; với Hợp cốc, trị đau mắt hàn ; với Đại chùy, Hợp cốc trị cảm mạo ; với Tinh minh, Đồng tử liêu, Tán trúc trị teo thần kinh nhìn (teo rút) ; với Yêu kỳ, Nhân trung, Nội quan trị điên nhàn ; với Đại chùy, Khúc trì, Túc tam lý, Thái xung trị cao huyết áp ; với Phế du trị lưng dưới, lưng trên còng khom ; với Ngũ xứ trị mắt không sáng.
21.KIÊN TỈNH :肩井(Cái giếng ở vai ; có tên là Bạc tỉnh)
- Vị trí : Ở chỗ lõm trên vai, khi ngồi ngay, lấy điểm chính giữa của đường nối từ huyệt Đại chùy đến mỏm xương nhô cao lên ở đầu vai, nó ngang với phía dưới mỏm gai đốt sống lưng thứ nhất ra, nếu chiếu thẳng xuống phía trước là đầu vú. Thủ, túc Thiếu dương, Túc Dương minh và Dương duy hội ở đó liền vào 5 tạng. Nếu châm sâu hại khí của 5 tạng mà choáng đổ thì châm Túc tam lý để cấp cứu lại.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 3 – 5 phân, không nên châm sâu, châm sâu dễ say kim và tổn thương phổi, cần phải chú ý, cứu 3 - 7 mồi, hơ 5 – 10’.
- Chủ trị : Đau vai và lưng trên ; sái cổ ; đau vú ; ít sữa ; cao huyết áp ; trúng gió liệt nửa người ; viêm tuyến vú ; công năng tính xuất huyết dạ con ; lao hạch ở cổ ; sây xẩm ; đầu gáy cứng đau ; khí lên ho ngược ; trúng gió ; khí tắc ; dãi lên không nói được ; khí nghịch ; đàn bà khó đẻ ; sau khi sảy thai quyết nghịch châm Kiên tỉnh khỏi ngay ; ngũ lao thất thương ; cánh tay đau ; hai tay không đưa lên đầu được.
- Tác dụng phối hợp : với Khúc trì chữa cánh tay khó đưa lên ; với Trung cực trị sót nhau ; với Thiên tông, Thiếu trạch trị ung vú ; với Phong trì, Kiên ngung trị đau vai ; với Thiếu hải, Dương phù trị lao hạch dưới hố nách ; với Khúc trì trị đau cánh tay.
22.UYÊN DỊCH :淵液(Chất lỏng ở sâu ; có tên là Tuyền dịch)
- Vị trí : Giữa hố nách thẳng xuống 3 thốn, khe liên sườn 5 – 6, giơ tay mà lấy huyệt. Sách « Minh Đường » nói : « Không nên cứu, cứu làm cho người ta sinh thực mã sang, vỡ vào bên trong thì chết, nóng rét thì sống ».
-Cách châm cứu : Châm chếch 5 phân đến 1 thốn, CẤM CỨU, Cấm châm sâu.
-Chủ trị : Viêm mạc lồng ngực, đau thần kinh liên sườn, viêm hạch ở hố nách, đau vai và cánh tay.
23.NHIẾP CÂN :顳筋(Gân tự ý làm bậy ; có tên là Thừa quang – Đảm mộ)
- Vị trí : Phía trước huyệt Uyên dịch 1 thốn, khe sườn 5 – 6, giơ tay lấy huyệt. Túc Thái dương, Thiếu dương hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm chếch 0,5 – 1 thốn, cứu 3 mồi, hơ 3 – 5’.
- Chủ trị : Nôn mửa ; ợ chưa ; chảy dãi ; hen xuyễn ; viêm mạc lồng ngực ; trong ngực bạo tức không nằm được ; thở dài ; hay buồn ; bụng dưới nóng ; muốn chạy ; hay nhổ bọt ; nói năng không chỉnh ; tứ chi không gọn ; nôn mửa ra nước túc (nước chứa lâu ngày trong dạ).
24.NHẬT NGUYỆT:日月(Ngày tháng - Mặt trời, mặt trăng ; huyệt Mộ của Đởm)
-Vị trí : Thẳng đầu vú xuống khe sườn 7 – 8, Túc Thái âm, Thiếu dương và Dương duy hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm chếch ra theo khe sụn sườn, sâu 0,5 – 1 thốn, cứu 5 mồi, hơ 10 – 20’.
- Chủ trị : Đau liên sườn ; nôn mửa ; ợ chua ; viêm gan cấp mãn tính ; nấc ; viêm túi mật ; loét ở dạ dày và tá tràng do tiêu hóa ; co thắt cơ hoành ; thở dài hay buồn ; bụng dưới nóng muốn chạy ;hay nhổ bọt ; nói năng không chỉnh ; tứ chi không gọn.
25.KINH MÔN :京門(Cửa kinh đô ; Có tên là Khí du – Khí phủ ; huyệt Mộ của Thận)
- Vị trí : Dưới đầu sườn 12 (đầu sườn ngực phía sau), khi nằm sấp hoặc nằm nghiêng lấy chỗ dưới đầu chót sườn nối cao lên.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 3 – 5 phân, cứu 5 mồi, hơ 5 – 10’.
- Chủ trị : Sôi bụng ; đau bụng ; ỉa chảy ; đau sườn ; viêm thận ; trường sán ; lưng đùi đau ; vai và lưng trên lạnh đau ; ống chân và cạnh trong xương bả vai đau ; thắt lưng đau không thể cúi ngửa và đứng được lâu ; nóng lạnh bụng chướng dẫn sang lưng trên không thể thở được ; thủy đạo bất lợi ; đái vàng ; bụng dưới cấp sưng ; khớp hông dẫn đau.
- Tác dụng phối hợp : với Hành gian trị đau lưng.
26.ĐỚI MẠCH :帯脈(Mạch đai quanh lưng)
- Vị trí : Thẳng huyệt Chương môn xuống, ngang rốn ra, gặp nhau của hai đường đó là huyệt. Hai mạch túc Thiếu dương và Đới mạch hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 1 – 1,5 thốn, cứu 5 mồi, hơ 10 – 20’.
- Chủ trị : Viêm màng trong dạ con ; viêm bàng quang ; lưng dưới, lưng trên và sườn đau ; kinh nguyệt không đều ; khí hư ; bại liệt do ngoại thương ; đau trường sán ; lị ; giật duỗi ; thắt lưng và bụng xệ xuống như cái bọc nước ; đàn bà đau bụng.
- Tác dụng phối hợp : với Bạch hoàn du, Âm lăng tuyền, Tam âm giao trị nhiều khí hư ; với Trung cực thấu Khúc cốt, Địa cơ, Tam âm gao trị viêm màng trong dạ con ; với Thận tích, Hoàn khiêu, Khiêu dược, Tứ cường trị bại liệt ; với Hiệp khê trị bụng dưới rắn đau, kinh nguyệt không đều.
27.NGŨ KHU :五樞(Năm cái then cửa )
- Vị trí : Huyệt Đới mạch xuống phía trước 3 thốn, ngang huyệt Quan nguyên, ở phía trước mào chậu trước. Túc Thiếu dương và Đới mạch hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 3 – 5 mồi, hơ 10 – 15’.
- Chủ trị : Đau bụng dưới ; đau lưng ; viêm màng trong dạ con ; viêm trứng dái, khí hư nhiều ; đau trường sán ; có hàn hạch ; sa ruột ; sa bàng quang ; sa thận ; con trai hàn sán ; trứng dưới co lên vào bụng dưới đau ; khế túng (giật duỗi) ; lưng dưới và lưng trên đau ; bí ỉa.
- Tác dụng phối hợp : với Đới mạch, Tử cung trị viêm màng trong dạ con ; với Khúc tuyền, Thái xung trị viêm trứng dái ; với Quy lai trị trứng dái co lên.
28.DUY ĐẠO :维道(Giữ gìn đường lối)
- Vị trí : Huyệt Ngũ khu xuống 3 phân, Túc Thiếu dương và Đới mạch hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 3 mồi, hơ 10 – 30’.
- Chủ trị : Viêm màng trong dạ con ; đau bụng dưới ; tập quán táo bón ; viêm phần phụ ; sa dạ con ; đau trường sán ; nôn mửa không dứt ; thủy thũng ; tam tiêu không điều ; không muốn ăn.
29.CƯ LIÊU :巨髎(Cái lỗ chiếm lấy cư trú)
- Vị trí : Huyệt Duy đạo xuống và ra sau 3 thốn, khi gấp đùi lên thì ở đầu ngoài nếp gấp háng, Túc Thiếu dương và Dương kiều hội ở đó. Giữa đường nối mào chậu trước trên và mấu chuyển động hông.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 1- 2 thốn, cứu 3 mồi, hơ 10 – 15’.
- Chủ trị : Đau lưng ; đau bụng dưới ; viêm trứng dái ; viêm màng trong dạ con ; viêm bàng quang ; đau dạ dày ; lưng đùi đau ; bệnh tật ở khớp hông và tổ chức phần mềm chung quanh ; lưng đau dẫn vào trong bụng dưới đau ; chân và đùi bại liệt hoặc mềm yếu không có sức ; ỉa lị ; vai đau dẫn với ngực ; cánh tay cong cấp ; bàn tay và cánh tay không nâng lên đến vai.
- Tác dụng phối hợp : với Cách du, Can du, Tỳ du trị loét dạ dày tá tràng ; với Hoàn khiêu, Ủy trung trị đùi đau phong thấp.
30.HOÀN KHIÊU :環跳(Nhảy vòng tròn)
- Vị trí : Ở trong hố lõm mặt nghiêng của mông, nằm nghiêng hoặc nằm sấp mà lấy huyệt, tính từ đầu xương cụt lên 2 ngón tay, từ đó quay sang hai bên, qua cơ mông lớn đến lồi cầu xương đùi ở khớp hông. Đoạn này chia làm 3 phần, huyệt Hoàn khiêu ở chỗ cách 1/3 về phía lồi cầu xương đùi. Chỗ đó có hỗ lõm, huyệt ở giữa hố lõm, đã châm không thể động đậy, sợ gãy kim. Túc Thái dương và Thiếu dương hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 2 – 3 thốn, nói chung có cảm giác tê tức theo sau đùi xuống đến ngón chân, cứu 7 mồi, hơ 10 – 20’.
- Chủ trị :  Lưng đùi đau đớn ; bán thân bất toại ; phong thấp đau háng đùi ; đau thần kinh tọa ; chi dưới bại liệt ; tê bại ; bệnh tật ở khớp hông và tổ chức phần mềm xung quanh ; cước khí ; thủy thũng ; phong chẩn ; đầu gối không thể xoay sang cạnh và co duỗi.
- Tác dụng phối hợp : với Dương lăng tuyền, Huyền chung trị phong thấp bại ; với Thừa sơn trị đau thần kinh tọa ; với Chí âm trị ngực sườn đau không cố định  chỗ đau, lưng gối cùng dẫn đau gấp; với Huyền chung trị đùi đau chân tê.
« CCĐT » lưu ý như sau : Huyệt Hoàn khiêu tự nhiên đau, sợ sinh ung ở phụ cốt.
Nhân Thọ Cung bị nạn cưới khí phong 1 bên người, Châu Quyền Phụng sắc châm Hoàn khiêu, Dương lăng tuyền, Dương phụ, Cự hư, Hạ liêm mà có thể dậy đi được.
31.PHONG THỊ :風市(Cái chợ gió)
- Vị trí : Ở cạnh ngoài đùi, đầu gối lên 7 thốn, khi đứng thẳng hoặc nằm thẳng, xuôi 2 tay dọc áp vào đùi, đầu ngón tay giữa áp vào đùi là huyệt.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, mũi kim vào phía cạnh trong đùi, cứu 5 mồi, hơ 5 – 10’, sâu 5 – 8 phân, cảm giác chướng buốt hướng vào cạnh trong đùi.
- Chủ trị : Chi dưới bại liệt ; lưng đùi đau ; ngứa gãi khắp người ; dị ứng mẩn ngứa ; đau thần kinh hông ; trúng phong đùi và đầu gối không có lực ; cước khí.
- Tác dụng phối hợp : với Ủy trung, Hành gian trị đau lưng khó động ; với Âm thị, Dương lăng tuyền, trị viêm khớp đầu gối và chi dưới bại liệt ; với Âm thị trị đùi và chân không có sức.
32.TRUNG ĐỘC :中瀆(Cái rãnh ở giữa)
- Vị trí : Ở huyệt Phong thị xuống 2 thốn là Lạc của Túc Thiếu dương tách ra đi sang quyết âm.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 1 – 3 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5 – 20’.
- Chủ trị : Bán thân bất toại ; đau thần kinh tọa ; cước khí, chi dưới tê bại, bại liệt ; khí hàn khách ở trong khe thịt ; công đau lên xuống.
33.TẤT DƯƠNG QUAN :膝陽关(Mặt dương của khớp gối)
- Vị trí : Ở Dương lăng tuyền lên 3 thốn, trong hố lõm sau huyệt Tất nhỡn, ngoài khe gân và xương.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim mũi kim hướng vào cạnh trong đầu gối, sâu 0,5 – 1 thốn, CẤM CỨU.
- Chủ trị : Đau khớp gối ; bệnh tật ở khớp gối và các tổ chức phần mềm chung quanh ; chi dưới bại liệt ; hạc tất phong ; cước khí ; sưng đầu gối ; đầu gối không do duỗi được.
- Tác dụng phối hợp : với Độc tị trị khớp gối sưng đau, thấu Khúc tuyền ; với Dương lăng tuyền thấu Âm lăng tuyền trị khớp gối viêm.
34.DƯƠNG LĂNG TUYỀN :陽陵泉(Cái suối và quả núi ở mặt dương ; huyệt hội của Cân, huyệt Hợp thổ)
-Vị trí : Ở phía dưới, cạnh ngoài khớp gối, có một đầu xương nhô cao lên, lấy huyệt ở chỗ trước đầu xương đó, chỗ mạch túc Thiếu dương nhập là Hợp, Thổ. « Nạn kinh » nói rằng : « Cân hội Dương lăng tuyền ». « Sớ » nói rằng : « Bệnh cân trị ở đó ».
-Cách châm cứu : Châm đứng kim, mũi kim hướng vào cạnh trong chân, sâu 0,5 – 1 thốn, hoặc châm thấu Âm lăng tuyền, cảm giác tê tức có khi chuyển đến ngón chân 3 – 4, có khi lên đến sườn nách, cứu 3 mồi, hơ 5 – 10’.
-Chủ trị : Lưng đùi đau đớn ; đau sườn ; bán thân bất toại ; tê dại cạnh ngoài chi dưới ; vai bong gân ; đau dạ dày ; đau đầu ; tiểu tiện khó ; táo bón ; cao huyết áp ; viêm gan ; viêm túi mật ; đau thần kinh liên sườn ; đau khớp gối ; chi dưới bại liệt ; trong miệng lưỡi hầu họng sưng ; đầu mặt sưng ; đái rơi rớt ; cước khí ; khớp hông và đầu gối lạnh bại ; chân lạnh không có màu máu ; đắng trong họng.
-Tác dụng phối hợp : với Âm lăng tuyền trị sốt rét ; với Đảm nang huyệt, Nội quan, Hiệp tích D8, D9 trị viêm túi mật ; với Khúc trì trị bán thân bất toại ; cứu Dương lăng tuyền trị tiểu tiện không cầm ; với Túc Tam lý, Thượng liêm trị bụng sườn đầy tức.
35.DƯƠNG GIAO :陽交(Chỗ giao nhau của dương khí ;có tên là Biệt dương – Túc liêu ;huyệt Khích của mạch Dương duy)
- Vị trí : Mắt cá ngoài lên 7 thốn, cạnh sau xương mác, là Khích huyệt của mạch Dương duy.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 – 25’.
- Chủ trị : Đau cạnh nhoài bụng chân ; đau thần kinh tọa ; hen xuyễn ; ngực tức sưng ; đầu gối đau ; chân không gọn ; hàn quyết sợ cuồng ; hầu bại mặt sưng ; đau một bên đầu ; viêm hạch lâm ba ở cổ.
36.NGOẠI KHÂU :外丘(Cái gò ở mặt ngoài ; huyệt Khích của Đởm)
- Vị trí : Ở mắt cá ngoài lên 7 thốn, phía trước xương mác, trước huyệt Dương giao 1 thốn, giữa mắt cá ngoài chân và Dương lăng tuyền. Chỗ Thiếu dương sinh.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 0,8 – 1,5 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5’.
- Chủ trị : Cổ gáy cứng đau ; đau sườn ngực ; đau cạnh ngoài bắp chân ; chi dưới tê bại ; yếu đuối ; đau đầu ; viêm gan ; chi dưới bại liệt ; da đau ; sợ gió lạnh ; chó dại cắn bị thương độc không ra được phải lấy ngay 3 mồi ngải cứu chỗ nốt răng và Túc Thiếu dương lạc Trung độc – Quang minh ; còn chữa điên tật ; trẻ em ngực rùa.
- Tác dụng phối hợp : với Côn lôn trị cạnh ngoài bắp chân đau.
37.QUANG MINH :光明(Sáng sủa rõ ràng ; có tên là Túc Quang minh ; huyệt Lạc với Túc quyết âm Can)
- Vị trí : Mắt cá ngoài chân thẳng lên 5 thốn, dựa sát vào cạnh trước xương mác, là Lạc của Túc Thiếu dương tách đi sang quyết âm.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 0,5 – 1 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5’.
- Chủ trị : Bệnh mắt ; chi dưới đau ; đàn bà đẻ đau tức bầu vú ; có thể làm giảm sữa ; mù về đêm ; teo thần kinh nhìn ; bạch nội chướng (đục nhân mắt) ; đau một bên đầu ; đau cạnh ngoài bụng chân dưới bứt rứt ; buốt đau không thể đứng lâu được ; bệnh nhiệt mồ hôi không ra ; tự nhiên cuồng ; hư thì yếu ; ngồi không thể đứng dậy được, bổ ở đó ; Thực thì cẳng chân nóng, đầu gối đau, thân không thể sử dụng được dễ dàng, hay cắn phải má, tả ở đó.
- Tác dụng phối hợp : với Hợp cốc trị bệnh mắt.
38.DƯƠNG PHỤ :陽輔(Giúp đỡ cho dương khí ; có tên là Phân nhục)
- Vị trí : Mắt cá ngoài chân lên 4 thốn, sát bờ trước xương mác, chỗ mạch Túc Thiếu dương hành là Kinh, Hỏa. Đảm thực tả ở đó.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 1 – 2 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 – 20’.
- Chủ trị : Đau lưng ; đau khớp gối ; đau các khớp toàn thân ; nơi đau di động ; đau 1 bên đầu ; viêm hạch lâm ba ở cổ ; liệt một bên chi dưới tê bại ; thắt lưng rung rinh như ngồi ở trong nước ; từ đầu gối trở xuống phù thũng ; gân co ; dưới nách sưng teo ; hầu bại ; bướu kẹp 2 bên cổ ; quyết nghịch ; miệng đắng ; thở dài ; tâm và sườn đau ; mặt lấm chấm đen như bụi ; góc đầu và hàm đau ; mắt lòi ra ; khóe mắt đau ; trong hố đòn sưng đau ; mồ hôi ra rét run ; sốt rét ; đau suốt 1 dải từ giữa ngực đến sườn ; sườn cụt ; đùi, cạnh ngoài gối đến Tuyệt cốt và phía trước mắt cá ngoài chân ; sắc mặt hay bị trắng trong hoặc xanh.
39.HUYỀN CHUNG :懸鐘(Cái chén, cái chuông treo lơ lửng ;có tên là Tuyệt cốt ; huyệt Hội của Tủy)
-Vị trí : Ở mắt cá ngoài chân lên 3 thón, dựa theo cạnh sau xương mác, theo CCĐT thì ở mắt cá ngoài chân lên 3 thốn, giữa động mạch, tìm nắn ở chỗ xương mác nhọn là Đại lạc của Túc tam dương, ấn ở đấy thì Dương minh lạc đứt, nhưng lấy ở đấy... (như vậy thì Tuyệt cốt phải ở trước xương mác, trên đường thẳng từ Ngoại khâu, Quang minh, Dương phù xuống Khâu khư mới đúng. Nếu bảo ở sau xương mác là có thể nghi ngờ, cần dùng các loại máy chính xác để kiểm nghiệm lại).
« Nạn kinh » nói : « Tủy hội Tuyệt cốt ;... », Sớ nói : « Bệnh tủy chữa ở đó ». Viên Thị nói : « Chân có thể bước được vững vàng là nhờ có Tuyệt cốt » vậy.
-Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 0,5 – 1 thốn, hoặc thấu huyệt Tam âm giao, cứu 3 – 5 mồi, hơ 5 – 10’.
-Chủ trị : Bán thân bất toại ; sái cổ ; đau bên đầu ; đau sườn ngực ; đau đầu gối ; đau chân ; lao hạch ở cổ ; đau thần kinh tọa ; bệnh tật ở khớp gối ; khớp cổ chân và tổ chức phần mềm chung quanh ; mũi chảy máu cam ; hầu bại ; ho nghịch ; ngực bụng chướng tức ; đau thắt lưng ; trúng gió liệt nửa người ; cước khí ; nóng trong dạ không muốn ăn ; gân cốt co đau chân không không gọn ; đi ỉa ; trĩ ở ruột ứ huyết ; não có khối u ; đái ỉa rít ; trong mũi khô ;  tức bứt rứt ; cuồng lạ thường.
- Tác dụng phối hợp : với Dương lăng tuyền trị đau cẳng ngoài bắp chân, chi dưới mỏi yếu ; với Túc tam lý (cứu mồi ngải), có thể phòng trúng gió, lại có tác dụng làm giảm huyết áp xuống ; với Hiệp khê, Phong trì đau bên đầu ; với Túc tam lý, Tam âm giao trị cước khí ; với Nội đình trị bụng trên đầy tức.
40.KHÂU KHƯ :丘墟(Núi và gò ; huyệt Nguyên)
-Vị trí : Ở phía trước và dưới mắt cá ngoài chân, lấy ở chỗ lõm cạnh ngoài gân cơ duỗi dài ngón chân. Chỗ mạch Túc Thiếu dương qua là Nguyên, Đảm hư, thực đều lấy ở đó.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 0,5 – 1 thốn, hoặc châm thấu sang huyệt Chiếu hải, cứu 3 mồi, hơ hơ 5 – 10’.
- Chủ trị : Đau đầu ; đau sườn ngực ; mất ngủ ; bệnh mắt ; bệnh nhiệt ; viêm túi mật ; viêm hạch lâm ba ở hố nách ; đau thần kinh tọa ; bệnh tật ở khớp cổ chân và các tổ chức phần mềm chung quanh khớp ; chân bong gân ; sốt rét ; sưng ở dưới bụng ; đau trường sán khí ; dưới nách sưng ; nuy quyết ; ngồi không thể dậy được ; mắt sinh màng mộng ; đùi và ống chân buốt ; chuột rút ; nóng rét cổ sưng ; thắt lưng và háng đau ; thở dài.
- Tác dụng phối hợp : với Côn lôn, Huyền chung chữa cạnh ngoài chi dưới đau ; với Tam dương lạc trị đau thần kinh liên sườn.
41.LÂM KHẤP :臨泣(Đang lúc có nước mắt ; có tên là Túc lâm khấp ; huyệt giao hội với Đới Mạch, huyệt Du Mộc)
- Vị trí : Ở chỗ lõm trước 2 xương bàn số 4 và 5 gặp nhau nối vào xương cổ chân. Chỗ Túc Thiếu dương trú là Du, Mộc.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 3 – 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 – 10’.
- Chủ trị : Viêm kết mạc ; đau sườn ngực ; viêm tuyến vú ; lao hạch ; đau đầu ; xây xẩm choáng váng ; đau chân ; lui sữa ; đau mắt ; sưng dưới nách ; sưng cổ, sưng (ung) vú ; kinh nguyệt không đều ; mu bàn chân thấp đau sưng ; hay cắn phải má ; cẳng chân buốt ; đau xương chẩm và hộp sọ ; rét run rả rích ; đau tim ; bại vòng quanh ; chỗ đau không nhất định ; quyết khí nghịch xuyễn không thể đi được ; sốt rét lâu dài mà phát hàng ngày ; đau tức sườn cụt.
42.ĐỊA NGŨ HỘI :地五會(Chỗ hội thứ 5)
- Vị trí : Ở khe xương bàn số 4 – 5 trước huyệt Túc lâm khấp 0,5 thốn.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 3 – 5 phân, CẤM CỨU.
- Chủ trị : Tai ù ; nách đau ; viêm tuyến vú ; đau vùng lưng dưới ; mu bàn chân sưng đau ; nội tổn mà nhổ ra máu ; ở ngoài bàn chân không mịn màng.
43.HIỆP KHÊ :俠溪(Cái khe suối của hiệp khí)
- Vị trí : Ở khe nối ngón 4 – 5 lui ra phía sau 0,5 thốn, chỗ mạch Túc Thiếu dương lưu, là Vinh, Thủy, Đảm thực tả ở đó.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 3 – 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 3 – 5’
- Chủ trị : Tai ù ; đau đầu ; choáng váng ; đau ngực ; đau thần kinh liên sườn ; đau 1 bên đầu ; cao huyết áp ; nóng rét thương hàn ; bệnh nhiệt mồ hôi không ra ; khóe mắt ngoài đỏ ; mắt hoa ; sưng má hàm ; tai điếc ; trong ngực đau không thể xoay sang cạnh ; đau không nhất định nơi nào.
44.KHIẾU ÂM :竅陰(Chỗ mấu chốt của âm khí ; có tên là Túc khiếu ấm)
- Vị trí : Ở cạnh ngoài gốc  móng chân thứ 4, cách gốc móng hơn 1 phân thốn, chỗ mạch túc Thiếu dương xuất, là Tỉnh, Kim.
- Cách châm cứu :  Châm chếch kim, sâu hơn 1 phân thốn, cứu 3 mồi, hơ 5’.
- Chủ trị : Đau đầu ; đau sườn ngực ; mất ngủ ; bệnh mắt ; bệnh nhiệt cao huyết áp ; viêm kết mạc ; đau thần kinh liên sườn ; hen xuyễn ; viêm mạc lồng ngực ; chân tay nóng bứt rứt ; mồ hôi không ra ; tai tự nhiên điếc ; chuột rút ; ung thư ; đầu đau ; tâm bứt rứt ; hầu bại ; lưỡi cứng miệng khô ; khuỷu tay không thể nâng lên được ; mộng mị ; đau khóe mắt nhỏ.


Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Danh từ Huyệt vị châm cứu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ