Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » B

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 13


Hôm nayHôm nay : 2132

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 19373

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4051637

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa bệnh viêm đường bạch mạch và bệnh giun chỉ

Thứ bảy - 29/06/2019 08:35
    Lần này không phải y sỹ Nghị, mà là y sỹ Giang bên cơ quan tỉnh đội, người Nam Bộ, có nước da trắng trẻo, bộ mặt luôn tươi cười, với chiếc răng bịt vàng nép trong khoé mép.  Anh nhanh nhẹn nhảy qua mấy hòn đá lớn, cúi đầu chui vào gộp đá, nơi tôi đang làm việc.  Giang vừa nói, vừa gãi gãi tai : “ Anh Sửu à, Giang đưa cậu T. lên (tôi đã quên mất tên nên tạm đặt thế) nhờ anh chữa giùm Giang nhé.  Cậu này bị viêm đường bạch mạch.”
    Tôi chưa gặp bệnh này lần nào nên đã vui vẻ nhận lời.  Giang chỉ đợi có thế, liền chui ra khỏi gộp đá (khe rỗng giữa những hòn đá to chồng lên nhau, không phải là hang đá như ở núi đá vôi), thoăn thoắt nhảy qua các hòn đá mà biến đi nhanh chóng.  Lát sau Giang trở lại, nhưng đi chầm chậm, thận trọng, đỡ bên người một chú linh cảnh vệ to cao.  Chú này  chống gậy, lò cò từng bước bằng chân phải, chân trái thì đùi giơ lên, đầu gối co lại, bàn chân thõng xuống .  Tôi ra khỏi gộp đá, chỉ cho Giang và chú linh ngồi xuống một hòn đá to, nơi có mặt bằng khá lớn.  Ở đó có mảng nắng sáng, lọt từ khe hai ngọn cây chiếu xuống, tiện xem bệnh cho rõ.
     Tôi ngồi bên cạnh hai người nghe Giang giảng giải : “Anh xem này.”   Giang vừa nói vừa chỉ vào một đường đỏ hồng, rộng chừng dăm bảy ly mét, kéo dài từ mắt cá trong chân trái, ven theo cạnh trong xương chày, lên tới khớp gối, đầu trong nếp gấp khoeo chân, rồi lên thêm một đoạn nữa ở cạnh trong đùi.  Tiếp đó Giang cầm bàn tay tôi đặt vào háng chú linh và nói : “Hạch bạch huyết ở háng cũng đã sưng to rồi, anh sờ cho thấy rõ đi.”  Giang lại nói tiếp: “Bệnh này trước hết là sưng hạch ở háng và khoeo chân, làm cho đau đớn, không đi lại được.  Nếu viêm nặng thành mủ, sẽ làm hỏng động mạch, và phải cắt bỏ chân.  Muốn chữa, ta phải dùng kháng sinh diện rộng, liều cao giảm dần.  Mà như anh Sửu đã biết, túi thuốc cơ quan, nếu dốc ra chữa bệnh này, sẽ không còn để sẵn sàng chiến đấu, cấp cứu chiến thương.”
    Nghe Giang nói xong, tôi liền mở sách ra xem. Vâng, lại sách.  Sách vừa là thầy của tôi, cũng là ông thánh đã ban cho tôi được thấy nhiều phép lạ của ông.  Sách đã cùng tôi vượt hàng rào điện tử bờ Nam sông Bến Hải, vào tới đất Cực nam Trung Bộ này và luôn ở bên tôi.  Sách lại dạy tôi rằng : “Huyệt Khí xung, Huyết hải, chữa viêm đường bạch mạch và hạch bạch huyết ở chi dưới.”   Vui mừng quá đỗi, tôi vội nói với Giang chuẩn bị cùng tôi châm ngay.  Rồi cũng ngay tại hòn đá ấy, chỗ chòm sáng mặt trời lọt xuống ấy, chúng tôi vừa vê kim, vừa nói chuyện với nhau.
     Gần tối hôm đó, Giang tới chỗ tôi, cho tôi biết, bệnh nhân đã giảm sốt, vết đỏ đã bớt đậm màu, chân có thể cử động hơn được chút ít .  Tôi nói với Giang rằng : “Người xưa nói, bệnh cấp và nặng, thì ngày phải châm nhiều lần.”  Chúng tôi lại đi châm cho bệnh nhân lần nữa.
     Ngày hôm sau, tuy bệnh đã đỡ nhiều, chúng tôi vẫn châm cho bệnh nhân ba lần, thế là bệnh khỏi hẳn.

     Năm 1993 bác sỹ Thịnh, làm việc tại khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Quân y 103, đến gặp tôi, ông kể rằng : “Khoa ông có một bệnh nhân bị bệnh giun chỉ .  Từ đùi đến đầu gối và cổ chân to đều và thẳng như một cây chuối (dân gian gọi là bệnh chân voi, Đông y gọi là bệnh đại cước phong). Ông đang muốn chữa bằng Đông y mà chưa biết chọn cách nào cho hay nhất.”   Tôi nói : “Ông hãy cho tôi biết cơ chế của bệnh này xem nó ra sao?.”  Ông Thịnh giải thích rất rõ ràng : “Thưa thầy, giun chỉ thấm qua da, theo đường bạch mạch, đi dần vào trong cơ thể.  Độc tố của giun chỉ gây ra sưng đường bạch mạch, chân có dạng phù căng toàn bộ.”
     Nhớ lại kinh nghiệm năm xưa ở chiến trường Cực nam Trung Bộ, tôi nói với ông Thịnh : “Ông hãy về châm cho họ hai huyệt  Khí xung và Huyết hải, nhớ lưu kim, làm vê kim kích thích tả pháp.  Hãy theo dõi kỹ và báo lại cho tôi biết kết quả.”
    Sau đó gặp lại nhau, ông Thịnh kể tỷ mỷ : “Em châm hai huyệt đó theo đúng phép tả, lưu kim kích thích từng đợt, chừng 30 phút sau, thấy chân có vẻ hơi nhỏ đi, em đo lại vòng đùi trên đầu gối, rồi đem so với số đo trước lúc châm, thật là quá bất ngờ, khi thấy số đo đã rút đi được 3 cm.  Em châm thêm hai lần nữa trong ngày.  Hai hôm sau, em đều châm mỗi ngày 3 lần. Thế là chân rút hết chỗ sưng, trở lại như cũ.  Bệnh nhân ra viện nhưng có vẻ còn lo lắng.  Do nhà bệnh nhân ở ngay thị xã Hà Đông, nên em nói để bệnh nhân yên tâm rằng, nếu thấy bệnh trở lại, cứ vào đây để tôi chữa tiếp.   Nhưng cho đến hôm nay (lúc gặp lại nhau này) em chưa thấy bệnh nhân trở lại khám.”     

    Ông Thịnh học Tây y ở Đông Đức, về nước ông lại nảy ra ham muốn học Đông y.  Trong quá trình học, tôi đã nói về bài châm chữa chứng viêm đường bạch mạch và hạch bạch huyết ở chi dưới,. Nhưng lần này, do ông Thinh đã áp dụng thành công, nên ông muốn nắm chắc cơ chế của huyệt châm, ông mong được tôi phân tích rõ hơn.  Tôi đã dựa vào du huyệt học, phân tích tác dụng của hai huyệt đó như sau : - Huyệt Khí Xung- Chủ trị : bệnh ở bộ máy sinh dục…bụng có khí nghịch lên tim…  -Huyệt Huyết hải – Chủ trị :…nổi mề đay ngứa; thấp chẩn; viêm da thần kinh…các bệnh cấp tính về huyết…   Theo đó ta thấy, huyệt Huyết hải có sức chống dị ứng mạnh.  Huyệt vị lại nằm ngay trên đường đi của bạch mạch. Huyệt khí Xung cũng nằm trên vùng hạch bạch huyết vùng khớp háng. Hai huyệt hỗ trợ nhau chống viêm đường bạch mạch tốt, còn nhờ ở sự phối hợp chặt chẽ của khí (Khí xung) và huyết (Huyết hải), nên đã có sức mạnh thần kỳ như ông đã chứng nghiệm vừa qua.. Ông Thịnh ngồi lặng đi suy nghĩ. Tính cách ông vẫn thế mà.

          Thưa các bạn, thế là ứng dụng của phương huyệt chữa viêm đường bạch mạch, lại có thể dùng vào chữa bệnh chân voi, bởi vì chúng cùng một cơ chế .

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ