Chữa chứng dò vết mở khí quản

Chữa chứng dò vết mở khí quản
     Đầu năm 2001, ngày 29 tháng chạp năm Canh Thìn, nhà điêu khắc Vũ Lợi đến thăm tôi. Ông mang đến biếu tôi một con gà trống thiến khá to.
    Ông nói với tôi: “ Thưa thầy, chắc thầy còn nhớ, có lần em đến xin nhờ thầy chữa bệnh cho một cháu bé. Sau khi nghe em kể bệnh của cháu, thầy đã dặn em cách chữa, rồi thầy khuyên em chữa cho cháu giúp thầy. Em về làm thử cách chữa cho gia đình bệnh nhi xem. Các ngày sau đó, bố mẹ cháu tự chữa cho cháu. Nay cháu đã khỏi hẳn, bố mẹ cháu mang con gà này đến tạ ơn em và nói:   “Bác Lợi giỏi hơn giáo sư.” Em ngượng quá, từ chối mãi, họ vẫn không chịu nghe lờiem, em đành phải nhận. Nhưng em nghĩ, công lớn là của thầy dạy em. Em giúp để họ chữa cho con họ khỏi bệnh, em đã tích được một phần âm đức là mừng rồi. Vợ chồng em bàn nhau, đem con gà này đến biếu thầy, cũng là báo cáo kết quả việc học hành của em để thầy mừng cho em.  Tôi nói : “A, tôi nhớ ra rồi, thằng cháu là con trai của một gia đình quen với cô Oanh. Nhà cháu cạnh cửa hàng đồ gốm nội thất của cô. Hồi đó ông kể với tôi: Cháu bị bệnh nặng phải vào viện cấp cứu. Cháu được mở khí quản để thở bằng ô xy. Sau khi khỏi bệnh về, vết rạch ở cổ không lành, phát thành lỗ dò. Bệnh viện đã phải mổ đi mổ lại cho cháu tới bốn lần rồi, mà nay chứng dò vẫn không khỏi.  Vết mổ và khâu ở cổ cháu đã thành sẹo lồi, như có con thạch sùng lớn bám vào đó. Bố mẹ cháu rất sợ phải mổ lại cho cháu thêm nữa. Cô Oanh nhà em nghe được chuyện, giục em đến xin thầy nhận chữa cho cháu.”).
      Ông Lợi nói: “Thầy nhớ giỏi thật”  Tôi nói tiếp với ông : “Ông hãy kể lại xem, tôi đã hướng dẫn ông thế nào, ông về làm mẫu và hướng dẫn lại cho bố mẹ cháu ra sao mà hiệu quả tốt như thế ?” Ông nói: “Hôm đó thầy đã nhắc lại bài học về cách chữa những chứng đối lập nhau cho dễ nhớ:
“ Mụn lâu ngày không làm da lành miệng, cứu mồi ngải ở huyệt Hợp cốc. Mụn đã lành da nhưng phá dò từ trong sâu ra, cứu ở huyệt Huyền chung (Tuyệt cốt).” Thầy còn dặn em: “Bệnh nhi còn nhỏ tuổi, da non, cứu trực tiếp dễ gây bỏng.   Nên dùng phép cứu hơ bằng điếu ngải. Em về gặp bố mẹ cháu, em dặn họ lên phố Lãn  Ông mua mười điếu ngải cuộn sẵn. Khi đã có điếu ngải, em đến nhà cháu đánh dấu vào huyệt ở cạnh ngoài, phía trước xương mác, từ mắt cá chân lên ba thốn. Em bẻ điếu ngải làm đôi, tay cầm một nửa điếu, đốt cho bén lửa.   Em hơ từng huyệt ở từng bên chân cháu, khi cháu bé đã ngồi duỗi thẳng chân ra.  Điểm lửa ở mồi ngải, em để cách xa mặt da huyệt chừng hơn 2 cm.    Chờ cho sức nóng của ngải hun xuống, làm cho sắc da đỏ dần lên.  Khi mồi ngải có tàn tro, gạt bỏ tàn tro đi rồi hơ tiếp.  Nửa điếu ngải dài chừng 7cm.  Khi ngải cháy gần hết, cũng là lúc mặt da huyệt vị ửng hồng, thành một quầng rộng thì dừng.  Hơ xong huyệt ở chân trái, hơ sang huyệt ở chân phải. Bố mẹ cháu ngồi xem kỹ các thao tác em làm. Từ sau đó, hàng ngày bố mẹ cháu thay nhau chữa cho cháu.  Nhà cháu dùng hết 10 điếu ngải đó, lại đi mua tiếp 10 điếu nữa.   Nhưng lần mua thêm sau này mới dùng gần một nửa, bệnh của cháu đã khỏi.”
     Khi ông Vũ Lợi nói xong, tôi mới khen: “Ông nhớ đúng, làm đúng đấy, giỏi lắm.” Vũ Lợi thành thật thổ lộ: “Em học thầy, chủ yếu là tiếp thu Triết học Phương Đông để làm nghệ thuật. Còn về châm cứu, chỉ mong biết về nguyên nhân, chứng trạng của các bệnh, để đề phòng là chính. Đây là lần đầu tiên em đi chữa bệnh cho người. May mà thành công.”
    Tôi nhắc thêm ông Vũ Lợi rằng: “Sách châm cứu xưa, nay, có hai thuyết về vị trí huyệt Tuyệt cốt khác nhau, có sách nói ở sau xương mác, lại có sách nói ở trước xương mác. Sách có niên đại xa hơn thì nói ở trước, sách có niên đại gần hơn thì nói ở sau. Tôi e rằng những sách nói vị trí huyệt ở sau xương mác là có ý giấu nghề, nên làm sách giả (man thư). Chính vì huyệt này có nhiều tác dụng đặc hiệu đáng quý.   Trong các loại sách xuất bản gần đây, phần Du huyệt học chỉ ghi một số tác dụng chữa bệnh thường gặp của huyệt Tuyệt cốt.  Nội dung không ngoài ý nghĩa chung là: Huyệt từ đầu gối đến đầu ngón chân, từ khuỷu tay đến đầu ngón tay, chữa những chứng bệnh ở tạng, phủ sở thuộc của đường kinh ấy, lại có thể chữa những chứng bệnh thuộc tạng, phủ có quan hệ biểu lý với đương kinh ấy, và bệnh tật ở những nơi đường kinh ấy đi qua.  Nhưng ở những sách cổ như:  Sách Nạn kinh đã ghi:“…Tuyệt cốt là Tuỷ hội (một trong tám huyệt hội)…”   Sách Nạn kinh sớ viết: “Bệnh tuỷ chữa ở đó…”   Sách Châm cứu đại thành chép: “Huyệt Tuyệt cốt: Chủ tri …Não thư” (loại mụn âm tính, không có sưng, nóng, đỏ, đau)…”  Nếu ta muốn tìm được những tác dụng đặc hiệu của huyệt, phải chịu tìm sách để đọc.  Lại phải khiêm tốn học hỏi thêm kinh nghiệm ở các bậc lão y và đồng ngjiệp, mới có cơ hội gặp may mắn đó.
        Ông Vũ Lợi nay dã lớn tuổi, nhưng khi nói chuyện với tôi vẫn xưng em, thưa thầy.  Một phần vì ông học tôi môn Triết học cổ Phương Đông và châm cứu chữa bệnh.  Một phần nữa còn là, ông quen biết tôi đã từ rất lâu.    Năm 1976, tại Triển lãm Điêu khắc toàn quốc,Vũ Lợi có tác phẩm “Kéo pháo”, chất liệu đất nung, đoạt giải.  Cũng tại triển làm này, Viện bảo tàng Mỹ thuật đã tìm từ kho lưu trữ, đem tác phẩm “Ông lão dân quân”, chất liệu thạch cao của tôi ra bày, cũng đoạt giải. (Tác phẩm này tôi sáng tác năm 1962, đã được Viện mua). Chúng tôi cùng nhau tâm đầu ý hợp về quan niệm nghệ thuật.  Lúc đó Vũ Lợi tuổi còn rất trẻ.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009