Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » V

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 8


Hôm nayHôm nay : 1438

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 18679

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4050943

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa chứng viêm niệu đạo cấp tính. (Đi tiểu nhiều lần, nước tiểu ra ít một, nóng, đau buốt, bàng quang căng đau).

Chủ nhật - 28/07/2019 15:35
Mùa hè năm Ât dậu (2005) vừa qua, ở khu tập thể Khương Trung này, trời nóng dữ lắm. Nhà khá giả thì đổ xô đi mua máy điều hoà nhiệt độ về lắp. Nhà tôi không đủ điều kiện lắp máy điều hoà nhiệt độ; chú Đinh Lai Thịnh đã mua giúp một máy quạt đá, dùng tạm cũng tháy đỡ mệt mỏi.  Trời nóng đến mức, nước hồ Hoà Bình đã ở mức thấp nhất. Điện lực đã phải cắt điện luân phiên từng khu phố.  Sinh hoạt của dân cư thật là khổ sở. Truyền thông đại chúng thì luôn nhắc nhở, khuyên người già và trẻ nhỏ không nên đi ra ngoài nhà, khi ánh nắng còn gay gắt, để đề phòng cảm nặng.
    Một hôm, đã trưa rồi, khi tôi sắp nghỉ làm. Bỗng nhiên bàTr. T. Nh. bước vào (bà là công nhân xí nghiệp .nhà nước đã nghỉ hưu. Nhà bà ở dãy A 6, cách nhà tôi không xa lắm). Bà khẩn khoản nói: “ Thầy cứu em với!  Bụng dưới em căng đau, khó chịu lắm.  Xin lỗi thầy, khi em đi tiểu thì són ra ít một. Muốn đi luôn luôn, nước tiểu ra được thì nóng buốt. Tối nay gia đình em có việc, em phải đi tàu hoả vào Vinh. Cứ đau như thế này thì thật khổ quá.”   Tôi hỏi: “Bà đau như thế này đã lâu chưa ?”        Bà nói: “Mới đây thôi, sáng nay em còn ra ga Trần Quý Cáp mua vé tầu. Về đến nhà một lúc là em bị ngay.” Tôi hỏi tiếp: “Bà đi mua vé bằng phương tiện gì ?” Bà nói: “Em đi xe máy của nhà.” Tôi hỏi thêm: “Nơi bà gửi xe máy là chỗ nắng rọi, không có mái che, phải không bà?” Bà hỏi lại tôi:
“Sao thầy biết.” Tôi giải thích cho bà hiểu điều bí ẩn này như sau: “Đó là kinh nghiệm mà. Làm nghề chữa bệnh thì phải biết chứ. Này nhé, yên xe máy của bà có đệm xốp, bọc bằng vải giả da màu đen. Xe phơi ngoài nắng to, chúng hấp thụ bức xạ nhiệt từ ánh nắng mặt trời và giữ chúng rất  lâu.   Khi bà mua được vé rồi, bà vội vã lấy xe, ngồi lên và đi về nhà ngay. Từ ga về nhà, đường xa, người đông đúc, qua những nơi đèn vàng, đèn đỏ, phải dừng đỗ xe lại nhiều lần, nên thời gian bà ngồi trên yên xe cũng khá dài. Bộ máy bài tiết của bà bị sức nóng tù yên xe hun hấp, nên đã  gây ra bệnh này. Các cụ xưa gọi là chứng lậu nhiệt (nhiệt là nóng, lậu là nước tiểu ra nhỏ giọt như nhà dột).
     Giải thích xong, tôi nói với bà chuẩn bị để tôi châm ngay. Các huyệt tôi châm là: Trung cực, Hội âm. Tôi làm thủ pháp tả tổng hợp (từ tật, khai bế, niệm chuyển, đề sáp và cửu lục), vê kim kích thích lão âm số (36 x 3 = 108). Sau đó tôi lại châm thêm hai huyệt Liệt khuyết, Côn luân, cũng làm thủ pháp như trên.
     Khi tôi châm xong, bà đứng dậy và nói: “Tài nhỉ, em thấy đã dễ chịu đi một ít rồi. Thôi, em phải về ngay đây.”   Vì quá vui và tin tưởng, bà đã đưa biếu tôi một tờ tiền chẵn, không chịu nhận lại tiền thừa, (tờ tiền bà đưa có giá trị gấp bốn lần thường ngày mọi người trả công tôi khi đó).
     Bốn ngày sau, bà sang chơi và kể rằng: “Hôm ấy, em về đi tiểu được nhiều thầy ạ, đỡ nóng và đỡ buốt hơn. Đêm ngồi trên tàu, đi đến nơi ngon lành. Thế là khỏi hẳn.”
     Để giải đáp câu hỏi rằng, tại sao tôi lại phát hiện ra nguyên nhân bệnh nhanh chóng đến như thế. Xin thưa, cổ thư đã ghi: “Bệnh lậu nhiệt” thường thấy nhiều ở đất nước Mông Cổ.  Xứ này, nghề chính là chăn nuôi đại gia súc.  Người dân luôn ngồi trên lưng ngựa, sức nóng ở trên lưng ngựa hun hấp vùng hạ âm, nên đã gây ra bệnh kể trên.”
     Ở nước ta, khi chưa có nhiều xe máy, tôi đã gặp một số ca bệnh, do người ngồi trên yên xe đạp bị phơi nắng, yên xe nóng cũng gây ra bệnh này. Ngày nay yên xe máy to, mức giữ nóng nhiều hơn, khác gì lưng ngựa. Đặc biệt trái đất lại đang nóng dần lên, khí hậu thay đổi, mùa nắng nóng kéo dài, lượng xe máy lại nhiều, ắt nhiều người bị bệnh mà không rõ nguyên nhân. Vì vậy, ta phải giúp họ biết cách phòng tránh, hãy giữ và làm mát yên xe, trước khi ngồi lên. 
     Còn như về ý nghĩa  phương huyệt dẫn đến chữa thành công ca bệnh, cũng cần làm rõ cơ sở lý luận như sau: Bệnh nhiệt lậu, chủ yếu là viêm ở niệu đạo, từ đó gây ra khó tiểu tiện mà căng bàng quang. Huyệt Trung cực là mộ của phủ bàng quang, loại huyệt mộ có tác dụng chữa bệnh cấp tính của tạng, phủ. Huyệt Hội âm là huyệt đặc hiệu chữa bệnh cấp, mạn tính ở bộ máy sinh dục, bại tiết phía trước và sau nó. Huyệt Liệt khuyết giúp phế khí hoá bàng quang, thông điều thủy đạo. Huyệt Côn luân, loại kinh, trong ngũ du huyệt, hành hoả, có tác dụng chữa các chứng nhiệt thuộc đường kinh và phủ thái dương bàng quang.
    
     *Phụ chú:  Bệnh này ngoài nguyên nhân ngồi trên lưng ngựa, yên xe đạp, xe máy, bị phơi ngoài nắng, còn có một nguyên nhân do vệ sinh cá nhân không tốt gây ra.
      Riêng ở nữ giới, những người âm mao nhiều và dài sẽ rất dễ nhiễm bẩn. Trong mọi sinh hoạt, những sợi âm mao này cọ xát làm tổn thương niêm mạc ở miệng ống bài tiết, gây ra viêm nhiễm. Vì vậy, cần cắt ngắn gọn âm mao, sẽ trừ được một đầu mối gây hại.
    Còn một cách chữ bệnh này, tôi đã học được từ kinh nghiệm của danh y Vương Chấp Trung là: Khi không có điều kiện châm chữa, ta cho người bệnh dùng lá cây Vương bất lưu hành (thuốc nam thay bằng lá cây vảy ốc, cây trâu cổ, cũng gọi là nam vương bất lưu hành) để chữa. Lá này lấy về phơi nơi râm mát (âm cang) cho khô, đem sao vàng, hạ thổ.  Mỗi ngày chỉ dùng 10 lá, sắc nước uống. Trong vòng 1 đến 3 ngày đã thấy hiệu quả rõ rệt. Bà con dân dã có thể mách bảo nhau thu hái lá thuốc, dành để khi cần thì dùng. Đỡ tốn tiền thuốc lại mau khỏi bệnh.   Tôi có một suy nghĩ, tên cây thuốc phải là “Nhâm bất lưu hành” mới đúng tác dụng của nó.  Chữ Nhâm là ở đây danh từ trong bài ca Thập thiên can tương ứng :
“Giáp đảm, ất can, Bính tiểu trường...
...Nhâm thuộc bàng quang,Quý thận tàng...
    Chữ Nhâm, gồm bộ miết nằm trên chữ sỹ.       Nhưng do tam sao thì thất bản, khi người chép lại, đã chép thành bộ miết trên chữ thổ.  Đến người khắc ván in, lại khắc thành bộ nhất trên chữ thổ. Thế là từ chữ Nhâm biến thành chữ Vương. Bênh Vương bất lưu hành, nghe sao vô lý.  Bệnh Nhâm bất lưu hành lại đúng với tác dụng của cây thuốc như tên của nó vậy.  Xin độc gỉa thử lưu ý tra cứu giùm thêm.


Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ