Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » T

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 9


Hôm nayHôm nay : 881

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 13379

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4067022

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa chứng viêm phù nề màng ngoài tim

Chủ nhật - 28/07/2019 04:49
      Ngày 16 tháng 8 năm 2001, khi tôi đang ngồi châm cho bệnh nhân, chợt nghe thấy tiếng ông Vũ Lợi chào. Ông Vũ Lợi bước vào nhà, theo sau là hai người, một nam, một nữ. Cả ba người lần lượt lấy ghế ra ngồi, im lặng chờ đợi.

     Thường thì, mỗi khi châm xong ở một bệnh nhân, tôi lại rửa tay, rửa đĩa đựng kim và dao lam cắt tỏi.  Thấy tôi rửa tay, ông Vũ Lợi tranh thủ nói với tôi: “Thưa thầy, đáng lẽ ra em phải đến xin phép trước, được thầy nhận, em mới đưa người bệnh đến.  Nhưng hôm nay gấp quá, em đã đưa người bệnh đến thẳng đây, mong thầy thông cảm.  Rồi ông nói tiếp: “Anh Đoàn Phú Thiện đây là cựu chiến binh, trước cùng ở đơn vị với em.  Chúng em cùng nhau đi chiến đấu ở Miền Nam, cùng ra quân một đợt.  Đã lâu lắm, hai anh em chưa gặp nhau.  Tình cờ, sáng nay em đến thăm anh Thiện, được chứng kiến bệnh đau của chị Hương, vợ anh.  Thấy nỗi buồn thảm, tuyệt vọng của mọi người trong gia đình anh.  Không cầm lòng nổi, em mạnh dạn khuyên anh Thiện đi ngay cùng em, đưa chị Hương đến nhờ thầy cứu.”
     Trong khi ông Vũ Lợi nói chuyện với tôi, ông Thiện ngồi im lặng, vẻ mặt đăm chiêu.   Hình như ông còn e ngại, vì đây là lần đầu tiên ông gặp tôi.  Cũng có thể, trong dáng vẻ ấy, ẩn chứa một nỗi niềm chẳng mấy hy vọng.  Ông không thể dễ tin được rằng, người thầy đây sẽ có thể giúp được vợ mình qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo này.   Ông ngồi nghe anh bạn Vũ Lợi kể với tôi về bệnh tình của vợ ông, nhưng ánh mắt ông lơ đãng, như hồn ông đang phiêu diêu tận nơi góc biển, chân trời.
     Nhà điêu khắc Vũ Lợi kể tiếp:“Khi em đến, thấy chị Hương đang hai tay ôm chặt lấy ngực, đầu đập vào tường cùng cục.  Mọi người xúm lại đỡ chị ra. Cụ già mẹ cô Hương kể với em: “Chứng đau ngực của em Hương đã năm ngày nay.  Khi đau quá, em nó đập đầu như thế đấy.  Em rể của anh Thiện là tiến sỹ S., làm ở Viện Châm cứu Trung ương, khi đến thăm bệnh của chị Hương, S.  đã nói rằng: “Châm cứu không chữa được bệnh này.”  Hôm qua anh Thiện đưa em Hương đến phòng khám chất lượng cao, giáo sư bác sỹ trực tiếp khám bệnh, cho thuốc.  Ông dặn về nhà uống đủ 10 ngày rồi đến khám lại.   Em về đã uống thuốc, nhưng cả ngày hôm qua và đêm vừa rồi, đau đớn không thấy giảm được chút nào. Em nó đau quá, đã chẳng ăn uống đuợc thứ gì, lại không ngủ được.  Cám cảnh thương tâm lắm anh Lợi ạ!”  Trong khi ông Vũ Lợi kể, tôi nhìn về phía người bệnh quan sát.  Cô Hương ngồi trên ghế, lưng tựa vào tường.  Thân người cô tiều tuỵ, ánh mắt không có thần.  Sắc da cô tái mét, hơi thở nông, ngắn như muốn đứt.  Hai tay luôn xoa trên ngực.
    Tôi vội nói với mấy người bệnh, xin họ nhường cho cô được khám và xử lý trước.  Mọi người ai nấy đều ái ngại cho cô, nên rất đồng tình với lời đề nghị của tôi.
    Tôi dùng máy đo đơn chiếc để đo nhiệt độ kinh lạc ở ngón tay, ngón chân người bệnh, ghi vào bảng, rồi tính toán để tìm mô hình bệnh.  Do thấy bảng tính có biểu hiện chứng của viêm.  Trong đó, số so sánh giữa trung bình kinh với trung bình chi của kinh Tâm bào rất cao.  Tôi phát hiện ra bệnh của cô ở màng ngoài tim. Tôi nói nhận định này để ông Vũ Lợi và ông Thiện được biết.   Sau đó tôi tiến hành châm cho người bệnh ngay, theo phương huyệt sau:
     - Phía lưng: Châm các huyệt: Cự khuyết du, Quyết âm du, Tâm du, Thần đạo, Can nhiệt huyệt, Can du.  Do người bệnh quá yếu, tôi chỉ dùng thủ pháp từ tật, niệm chuyển, khai bế.  Vê tả 36 lần ở mỗi huyệt.  Tiếp theo, châm bổ các huyệt: Chí dương, Đảm du, Dương cương.  Vê bổ 81 lần ở mỗi huyệt.
      - Phía ngực: Châm các huyệt: Hoa cái, Chiên trung, Thần tàng, Thiên trì. Thủ pháp: vê tả 36 lần.
      - Cổ tay: Châm các huyệt: Đại lăng, Ngoại quan, Chi câu. Vê tả 36 lần.
      - Bàn chân: Châm huyệt Khâu khư. Vê bổ 81 lần; huyệt Thái xung. Vê tả 36 lần.
      Nhận thấy đây là bệnh rất nặng, lại cấp.  Tôi nói để cô vào nằm nghỉ trên chiếc ghế xích đu ở phía trong.  Chờ đến cuối buổi, tôi sẽ châm thêm lần nữa.  Bệnh nhân lên ghế nằm được một lát đã nói: “Cháu thấy đỡ đau nhiều rồi.”  Cuối buổi, mặc dù cô đã giảm đau, tôi vẫn châm chữa cho cô lần nữa như đã định.
     Sáng hôm sau, khi vừa đến nơi, với vẻ mặt hơi tươi, cô kể: “Chiều qua về, cháu không hề thấy đau, ăn đã biết ngon.  Tối qua, cháu thấy người tỉnh táo nên đã đi chơi đây đó, mọi người thấy thế cho là lạ, xúm đến hỏi han.  Đêm qua cháu ngủ ngon, vì đã qua năm đêm không ngủ được chút nào.  Sáng nay dậy, cháu thấy bụng đói, cháu đi ăn một bát phở cho đỡ thèm.   ,Bây giờ cháu lại thấy đau, nhưng không bằng trước đây.”   Tôi hỏi ngay cô: “Cô ăn phở gì?” Cô Hương nói: “Cháu thèm ăn phở bò quá, nên ăn cho đã.” Tôi vội kêu lên: “Thôi rồi, hôm qua vì phải tập trung suy nghĩ phưng huyệt châm chữa cho cô, châm xong lại quên khuấy đi mất, tôi không dặn cô những thứ cần kiêng khem ăn uống.  Thế là, tại thịt bò làm cho cô đau lại.  Nhưng không lo, từ nay cô nhớ mà kiêng thì bệnh sẽ mau khỏi.”
     Khi tôi châm cho cô Hương, ông Thiện nói chuyện với tôi.   Phần vì ông Vũ Lợi hôm nay không có mặt, phần nữa, ông bắt đầu tin tưởng, do thấy được kết quả tôi chữa, bệnh của vợ ông đã giảm. Nét mặt ông có vẻ tươi hơn. Ông nói: “Thưa với thầy, hôm cháu đưa nhà cháu đi khám, giáo sư Ph. Tr. L. kết luận là vợ cháu bị viêm phù nề màng ngoài tim.  Ông cho thuốc về uống, vợ cháu uống rồi, nhưng bệnh không đỡ.  Đến đây, thầy khám, thầy cũng nhận định là bệnh viêm màng ngoài tim, nhưng từ lúc thầy châm xong, vợ cháu đã thấy đỡ đau ngay.  Thật là may cho gia đình cháu.”  Thấy ông vui mừng kể truyện, tôi hỏi ông: “Cô Hương trước khi bị bệnh này, có bệnh mạn tính gì mà thân hình gày yếu quá thế?” Ông Thiện kể rằng: “Ngày 13 tháng 7 năm 2000, vợ cháu bị con mèo của nhà cắn.   Hai đứa con cháu cũng bị mèo cắn trước đó ít ngày, các cháu đã đi tiêm phòng dại.  Khi vợ cháu bị con mèo đó cắn, cô ấy cũng đi tiêm phòng ngay.  Con mèo sau khi cắn người được ít ngày, nó đã chết.   Lúc vợ cháu bị mắc bệnh này, có người đã nói rằng, có thể do tiêm phòng dại mà bị thế.  Cháu nghĩ, thời gian tiêm phòng dại đến nay đã quá xa, chắc chắn không vì thế mà thành bệnh này.”  Tôi nói với ông Thiện: “Đúng như ông vừa nói.   Nhưng bất kể là mắc bệnh vì lý do gì, điều quan trọng là phải chữa ngay, càng nhanh càng tốt.”
     Tôi chữa cho cô Hương đến ngày 10 tháng 9 năm 2001, thì cô khỏi hẳn đau đớn, cô ăn, ngủ, làm việc bình thường.  Thực ra, chỉ sau khi chữa được ba ngày, cô đã vừa chữa bệnh vừa bán hàng (nhà cô có cửa hàng tạp hoá lớn, sau các buổi sáng được chồng đưa đi chữa bênh, chiều về cô lại đứng bán hàng). Đặc biệt dịp trung thu năm ấy, cửa hàng nhà cô đại thắng lợi. 
    Thường lệ, mỗi tuần lễ tôi chỉ chữa có 5 ngày.  Tính tổng số ngày tôi châm chữa cho cô, vừa tròn hai chục ngày, có 21 lần châm (ngày đầu tiên,châm 2 lần).
      Bệnh viêm phù nề màng ngoài tim là bệnh danh mới. Trong Đông y học chỉ có chứng “tạng thao” là chứng tương ứng với bệnh ở Tâm bào.  Nhưng theo tạng phủ biện chứng luận trị, bệnh tâm bào (màng ngoài tim) là bệnh của tâm. Không có cách luận trị riêng của tâm bào, do đó đã hình thành câu “Ngũ tạng, lục phủ.”  Nay nhờ có máy đo nhiệt độ kinh lạc, ta đã tìm ra các chỉ số sinh lý, bệnh lý riêng của tâm bào.  Lần theo phép Tý ngọ lưu chú , ta biết thêm được vai trò tâm bào làm chủ các hoạt động của 5 âm kinh ở 5 ngày âm can.  Nó cùng với tam tiêu làm chủ các hoạt động của 5 dương kinh, ở năm ngày dương can, hình thành chu kỳ vận hành âm dương, khí huyết trong con người theo chu kỳ sinh học 10 ngày, theo 10 thiên can.  Tìm trong Du huyệt học, ta thấy được những huyệt chuyên trị bệnh của tâm bào, như: Cự khuyết du, Quyết âm du, Thiên trì.  Huyệt Thiên trì là huyệt gốc của kinh tâm bào, hơn nữa lại là nơi có cảm giác đau đớn rõ rệt nhất, mỗi khi tâm và tâm bào có bệnh.  Chiên trung là mộ huyệt của tâm bào.  Đại lăng, Ngoại quan là cặp biểu lý Tâm bào chủ, Tam tiêu khách.  Hoa cái, Thần tàng là chỗ phản ứng đau a thị huyệt, có tác dụng chữa tại chỗ, lân cận và tạng phủ bên trong tương ứng. Chi câu là huyệt chữa các bệnh thần kinh vỏ lồng ngực (liên sườn) có hiệu.  Can nhiệt huyệt, Can du, Thái xung, có tác dụng thanh nhiệt ở trong can. Tất cả các huyệt trên, tôi đã làm thủ pháp tổng hợp, gồm từ tật , niệm chuyển, cửu lục, khai bế, theo tả pháp.  Riêng ở kinh đảm, số đo là lý hàn.  Hàn là ngưng, ngưng thì khí không thông lợi.  Khí không thông thì đau (bất thông tắc thống).  Đảm hàn là dương hư.  Sách nói: “Chữa bệnh cốt yếu là điều chỉnh âm dương, lấy bình làm mức.”  Đảm hàn, ta châm bổ: Chí dương, Đảm du, Dương cương, Khâu khư là những huyệt có tác dụng khử hàn ở kinh và phủ Thiếu dương.   Hàn hết, khí thông, thông thì không đau (thông tắc bất thống).
      Đó là toàn bộ lý lẽ của phương huyệt chữa khỏi bệnh Viêm phù nề màng ngoài tim cho bệnh nhân Phạm Thanh Hương. Nay viết lại chuyện này như một kỷ niệm về một bệnh khó, nhưng nhờ có sự kết hợp giữa phép khám hiện đại của Tây y với kinh nghiệm sử dụng châm cứu của Đông y đã đưa đến điều trị thành công ca bệnh này.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ