Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Châm cứu trị liệu

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 14


Hôm nayHôm nay : 2285

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 19526

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4051790

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

III.TÚC DƯƠNG MINH VỊ KINH

Chủ nhật - 08/12/2019 10:04
III.TÚC DƯƠNG MINH VỊ KINH
(Khí huyết của vị đi qua phần bắt đầu dương ở chân)
Túc dương minh vị kinh chủ trị:
“Nội kinh” nói rằng: “Vị là chức vụ kho chứa, ngũ vị từ đó mà ra”. Lại nói: “Vị là hoàng trường”.
Ngũ vị vào mồm, chứa ở dạ dày để nuôi khí của 5 tạng. Vị là các bể chứa thủy cốc (thủy cốc chi hải), là chỗ gốc lớn của 6 tạng phủ. Khí vị của lục phủ, ngũ tạng đều từ dạ dày mà ra cả.
Túc dương minh vị kinh huyệt:
Kinh này có 45 huyệt là : Đầu duy, Hạ quan, Giáp xa, Thừa khấp, Tứ bạch, Cự liêu, Địa thương, Đại nghinh, Nhân nghinh, Thủy đột, Khí xá, Khuyết bồn, Khí hộ, Khố phòng, Ốc ế, Ưng song, Nhũ trung, Nhũ căn, Bất dung, Thừa mãn, Lương môn, Quan môn, Thái ất, Hoạt nhục môn, Thiên khu, Ngoại lăng, Đại cự, Thủy đạo, Quy lai, Khí xung, Bễ quan, Phục thỏ, Âm thị, Lương khâu, Độc ty, Túc tam lý, Thượng cự hư, Điều khẩu, Hạ cự hư, Phong long, Giải khê, Xung dương, Hãm cốc, Nội đình, Lệ đoài (cả hai bên là 90 huyệt).
Kinh này bắt đầu ở Đầu duy, dứt ở Lệ đoài. Lấy Lệ đoài, Nội đình, Hãm cốc, Xung dương, Giải khê, Tam lý làm Tỉnh, Vinh, Du, Nguyên, Kinh, Hợp.
Mạch bắt đầu ở giữa mũi gioa lên giữa trán, bên cạnh khoảng mạch thái dương xuống theo cạnh ngoài mũi, lên vào trong hàm răng, lại ra cạnh miệng, vòng quanh môi, giao xuống Thừa tương, luồn theo cạnh dưới, sau má, ra Đại nghinh, theo Giáp xa, lên trước tai, qua Khách chủ nhân (huyệt Thượng quan) theo mép tóc đến sọ trán. Một nhánh riêng từ phía trước Đại nghinh đi xuống Nhân nghinh theo hầu họng đi vào hố đòn, xuống cách, thuộc vị, có nhánh nối sang tỳ. Đường đi thẳng của nó từ hố đòn xuống cạnh trong vú, kẹp hai bên rốn vào giữa Khí xung. Còn một nhánh nữa bắt đầu từ miệng dưới dạ dày, đi theo phía trong bụng xuống đến Khí xung mà hợp lại đổ xuống Bễ quan, xuống Phục thỏ, xuống vào giữa đầu gối, bánh chè, đi xuống cạnh ngoài ống chân, xuống mu bàn chân, vào giữa khe ngoài ngón hai và ngón giữa. Một nhánh tách ra từ trên mu bàn chân vào khe ngón cái, ra ngoài đầu để giao vào Thái âm. Kinh này nhiều khí, nhiều huyết, giờ Thìn khí huyết trú tại đó.
Phủ Mậu, Thổ; mạch ở quan bộ bên phải. Vị khí đều đặn, ngũ tạng ở yên chỗ.
CÁCH TÌM ĐÚNG HUYỆT :
1.ĐẦU DUY : 頭維(Giữ gìn cái đầu)
- Vị trí : Tại góc tóc phía trên cạnh ngoài trán, từ huyệt Bản thần sang bên 1,5 thốn, từ huyệt Thần đình ra bên cạnh 4,5 thốn. Túc dương minh và Thiếu dương hội ở đó.
- Cách lấy huyệt : Ngồi ngay hoặc nằm ngửa, từ giữa hai lông mày thẳng lên vào qua tóc 5 phân, lại từ đó sang ngang hướng ngoài mỗi bên khoảng 4,5 thốn, hoặc từ góc trán vào tóc 5 phân.
-Cách châm cứu : Mũi kim đi dưới da hướng lên đầu, sâu 3 phân, không nên cứu, sách cổ ghi CẤM CỨU.
- Chủ trị : Đau đầu, đau bên nửa đầu, hoa mắt, đau xương cạnh ụ mày, gặp gió chảy nước mắt, chứng thần kinh phân liệt, chứng tê dại thần kinh mặt, nhìn vật không rõ, khuông mắt máy động không dứt, xuyễn nghịch phiền tức, đau đầu như phá mà mắt đau như lồi ra.
- Tác dụng phối hợp: Đầu duy thấu Suất cốc trị đau bên đầu ; với Hợp cốc thấu Hậu khê, Thái xung thấu Dũng tuyền trị chứng thần kinh phân liệt ; với Liệt khuyết trị đau một bên đầu ; với Dương bạch, Ế phong, Địa Thương, Nghinh hương trị tê bại thần kinh mặt ; với Tán trúc( Toản trúc) trị khuông mắt động.
  2.HẠ QUAN :下關(Dưới khớp ;có tên là Khách chủ nhân)
- Vị trí : Ở phía trước bình tai, Túc dương minh và Thiếu dương hội ở đó
- Cách lấy huyệt : Ngồi ngay, cắn hàm răng, dùng ngón tay áp vào phía trước gốc bình tai khoảng 7 - 8 phân, cắn hàm răng thì có một kẽ lõm, khi há miệng chỗ lõm đó lồi thành chỗ cao lên.
-Cách châm cứu : Châm đứng kim, hơi chếch xuống trước, sau, tiến kim sâu 3- 5 phân. Châm chếch về hướng khóe mép hoặc xuống hướng huyệt Giáp xa tiến kim từ 1-1,5 thốn, cứu 3- 5 mồi, hơ 5- 7 phút.
- Chủ trị : Miệng mắt méo lệch, đau răng, tai ù, tai điếc, liệt mặt, viêm tai giữa, trễ khớp hàm. Chỗ lợi răng sưng, há miệng lấy kim 3 cạnh chích máu mủ ra , thường ngậm nước muối thì không bị phong.
-Tác dụng phối hợp : với Ngoại quan trị viêm tai giữa ; với Thái dương trị đau thần kinh tam thoa ; với Hợp cốc trị viêm khớp hàm dưới ; với Giáp xa, Ế phong trị cơ nhai co rút ; với Nhĩ môn, Ế phong, Trung chữ trị câm điếc.
3.GIÁP XA : 頰車(Cái xe má, miếng tròn của má ; có tên là Cơ quan, Khúc nha)
- Vị trí : Ở chỗ lõm trước và trên góc quai hàm
- Cách lấy huyệt : Ngồi ngay hoặc ngồi dựa ngửa, ở trước và trên góc quai hàm khoảng 8 phân, khi ngậm miệng cắn chặt hàm răng thì cơ nhai có một cục cơ nổi cao lên, huyệt ở giữa chỗ cao đầu cơ đó, dùng tay ấn vào có cảm giác buốt đau là đúng.
- Cách châm cứu : Châm đứng, sâu 4 phân hoặc hước về huyệt Địa thương châm chếch, từ 1- 2 thốn hoặc thấu Địa thương, cứu 3- 5 mồi, hơ 5- 7 phút.
- Chủ trị : Miệng mắt méo lệch, răng đau, quai bị, chứng giản, viêm amidan, liệt mặt, viêm khớp hàm dưới, cơ nhai co rút, thần kinh mặt tê bại, cổ gáy cứng đau, mất tiếng.
- Tác dụng phối hợp : với Nhân trung, Hợp cốc trị hàm răng cắn chặt ; với Hợp cốc, Ế phong trị quai bị, viêm amidan ; với Nha thống điểm, Hạ quan, Hợp cốc, Nội đình trị đau răng ; với Ế phong, Hợp cốc trị viêm quai bị cấp tính ; với Thừa tương, Hợp cốc trị miệng ngậm không há.
4.THỪA KHẤP : 承泣(Chịu nhận nước mắt, nhận nước mắt chảy xuống)
- Vị trí : Thẳng đồng tử mắt xuống, dưới mắt 7 phân, Túc dương minh, Dương kiều mạch, Nhâm mạch hội ở đó
-Cách châm cứu : Nằm ngửa, nhắm mắt lấy huyệt, thẳng đồng tử xuống theo bờ hố mắt. Nhắc người bệnh nhìn ngược lên, theo bờ hốc mắt dưới. Châm đứng kim sâu 1 - 1,5 thốn hoặc châm ngang xuyên hướng vào khóe mắt trong. CẤM CỨU.
Sách « Đồng Nhân » nói CẤM CHÂM, châm ở đó làm cho mắt người ta màu đen. « Minh Đường » nói : châm 4- 5 phân không nên cứu, sau khi cứu làm cho mắt người ta to như nắm tay, thịt thở ngày càng lớn như quả đào, đến 30 ngày thì đúng là không nhìn thấy vật gì : « Tư sinh » nói ở đó không cứu, không châm.
Đông Viên nói : « Ngụy Bang phu nhân mắt có màng màu lục, từ phía dưới lấn lên, Tử dương minh đến ».
-Chủ trị : Mù về đêm, mi mắt cứng đờ, teo thần kinh nhìn ; viêm kết mạc cấp, mãn tính ; cận thị ; viễn thị ; ánh sáng tóe ra ; nhìn lệch về phía trong ; mù màu, thanh quang nhãn (giãn đồng tử) ; viêm thần kinh nhìn ; đục nhân mắt ; võng mạc biến hình ; mắt lạnh, chảy nước mắt ; mắt nhìn ngước lên ; ngứa đồng tử ; khuông mắt động dẫn xuống miệng ; miệng mắt méo lệch ; miệng không nói được ; mặt rung rinh co động ; tai ù, tai điếc.
-Tác dụng phối hợp : với Hợp cốc, Thái dương trị bệnh mắt ; với Tình minh, Phong trì, Hợp cốc, Túc tam lý, Can du, Thận du trị teo dây thần kinh nhìn ; châm ngang thấu Tình minh trị cận thị ; với Tình minh, Phong trì, Khúc trì, Thái xung trị giãn đồng tử ; với Kiện minh, Kiện minh 5, Phong trì, Tỳ du, Thận du, Can du trị võng mạc biến hình.
5.TỨ BẠCH :四白(Bốn cái sạch hoặc bốn cái rõ ràng)
-Vị trí : Dưới mắt 1 thốn
-Cách lấy huyệt : Nằm ngửa, giữa bờ dưới hốc mắt, thẳng mắt xuống chỗ đó có 1 lỗ là huyệt.
-Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 2 - 3 phân, châm ngang kim từ trên xuống dưới từ 3 - 5 phân, KHÔNG CỨU. Phàm biết cách thành thạo mới được hạ kim. Châm quá sâu làm cho mắt người ta màu đen.
-Chủ trị : Mắt đỏ, sưng đau ; liệt mặt ; viêm mũi ; thần kinh mặt tê bại và co giật, đau thần kinh tam thoa ; viêm giác mạc ; viêm xoang cạnh mũi ; cận thị ; giun chui ống mật ; dị ứng sưng mặt ; đau đầu hoa mắt ; khô nước mắt mà mờ mắt ; mắt ngứa, mắt có màng ; miệng mắt trễ không nói được.
-Tác dụng phối hợp : với Hợp cốc, Nghinh hương trị viêm mũi ; với Đảm nang huyệt, Thiên khu, Quan nguyên trị giun chui ống mật ; với Dương bạch, Địa thương, Phong trì, Hợp cốc trị liệt mặt.
6.CỰ LIÊU : 巨髎(Lỗ xương to ; có tên là Cự giao)
-Vị trí : Mắt nhìn thẳng, chiếu từ đồng tử xuống về phía dưới cánh mũi sang ngang gặp nhau, Thủ túc dương minh và Dương kiều mạch hội ở đó.
- Cách châm cứu : Châm chếch 3- 5 phân, cứu 5 mồi, hơ 5 phút.
- Chủ trị : Tê liệt thần kinh mặt ; mũi chảy máu ; đau răng, má sưng đau ; viêm mũi ; đau thần kinh tam thoa ; khế túng ; mắt chướng không nhìn thấy ; nhìn xa mờ mờ ; màng da qua khỏi lòng trắng che lấp con ngươi ; hay lác và nhìn ngước lên ; cước khí sưng đầu gối.
7.ĐỊA THƯƠNG :地倉(Chỗ làm kho)
-Vị trí : ngồi ngay, dựa ngửa, hoặc nằm ngửa, ngang mép ra gặp đường rãnh cánh mũi chạy xuống là huyệt (cách bờ cao góc mép khoảng 4 phân), dưới đó có động mạch nhảy. Thủ túc dương minh và Dương kiều mạch hội ở đó.
-Cách châm cứu : Mũi kim hướng về dái tai, châm sâu 3-5 phân, châm ngang thấu tới huyệt Giáp xa, tiến kim 1- 2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5 phút.
-Chủ trị : Liệt mặt, miệng mặt méo lệch, góc mép chảy dãi ; sưng chân ; mất tiếng không nói được ; khuông mắt động không dứt ; ngứa đồng tử mắt ; nhìn xa mờ mờ ; đêm tối không nhìn thấy ; bệnh thì lấy bên đối diện, nên châm cứu đều đều nhiều lần để lấy hết phong khí đi. Miệng mắt méo lệch thì lấy sự cân lại làm mức độ châm cứu, mồi ngải nếu to quá, miệng chuyển thành méo đi. Cứu Thừa tương 7 x 7 = 49 mồi thì khỏi.
-Tác dụng phối hợp : với Giáp xa, Hợp cốc trị đau thần kinh tam thoa, góc miệng chảy dãi ; với Hậu khê chữa góc mép cứng đờ ; với Ngư tế, Tứ bạch trị đau thần kinh tam giao ; với Giáp xa, Nghinh hương, Hợp cốc trị liệt mặt ; với Thừa tương, Hợp cốc trị chảy nước dãi.
8.ĐẠI NGHINH :大迎(Đón cái to lớn, nghĩa bóng há mồm đón ăn)
-Vị trí : Ở chỗ lõm trước góc quai hàm, hàm dưới, ngang huyệt Giáp xa ra phía trước 5 phân, trong chỗ lõm xương có động mạch.
-Cách châm cứu : Châm chếch phía trước hoặc phía sau sâu 5 phân đến 1 thốn, tránh động mạch, cứu 3 mồi, hơ 5- 10 phút.
-Chủ trị : Hàm răng cắn chặt , má sưng , răng đau ; thần kinh mặt tê dại ; sưng quai bị ; phong co giật ; vòng quanh môi mép máy động ; nóng rét cổ đau ; tràng nhạc ; hụt hơi nhiều lần ; sợ lạnh ; lưỡi cứng không nói được ; phong tỏa làm mặt sưng phù ; mắt đau không nhắm được.
9.NHÂN NGHINH : 人迎(Đón tiếp người ; có tên là Ngũ nội)
- Vị trí : Ở chỗ động mạch nhảy cạnh kết hầu. Túc dương minh, Thiếu dương hội ở đó
- Cách lấy huyệt : Lấy huyệt ở cạnh cổ, ở kết hầu ra ngang hai bên cách 1,5 thốn, có động mạch cổ nhảy, tránh động mạch. Ngửa cổ mà lấy huyệt để hiểu khí của ngũ tạng. Hoạt Thị nói : « Ngày xưa lấy hai bên hầu làm Khí khẩu, Nhân nghinh đến đời Tần, Vương Thúc Hòa lấy ngay thốn khẩu ở hai bên trái phải tay làm Nhân nghinh, Khí khẩu ».
- Cách châm cứu : Ép động mạch về phía cơ ức đòn chũm, châm thẳng từ phía trước ra phía sau, sâu từ 1- 3 phân. CẤM CỨU. Tô Chú nói : « Châm quá sâu giết người ».
- Chủ trị : Ho hắng, xuyễn ; lao hạch ; sưng tuyến giáp ; họng hầu sưng đau ; cao huyết áp ; thấp huyết áp ; phát âm khó khăn ; mửa ngược lên ; hoắc loạn ; nói cuồng ; thấy, nghe lung tung.
- Tác dụng phối hợp : với Túc tam lý, Khúc trì chữa cao huyết áp ; với thấu Thiên đột, Hợp cốc, Túc tam lý, Trạch tiền, Thái khê, Nội quan, Tam âm giao trị sưng tuyến giáp trạng ; với Nhân trung, Thái xung, Nội quan, Tố liêu luân phiên sử dụng trị huyết áp thấp.
10.THỦY ĐỘT : 水突(Nước xâm phạm, nước bất ngờ ; có tên là Thủy môn)
- Vị trí : Phía trước cơ ức đòn chũm, ở giữa đường nối huyệt Nhân Nghinh và huyệt Khí xá.
- Cách châm cứu : Từ ngoài hơi chếch vào trong, châm chếch 0,5- 1 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 - 15 phút.
- Chủ trị : Hầu họng sưng đau, hen xuyễn ; bệnh tật ở thanh đới ; sưng tuyến giáp trạng.
11.KHÍ XÁ : 氣舍(Nhà của khí)
- Vị trí : huyệt Nhân nghinh thẳng xuống, bờ trên xương đòn.
- Cách châm cứu: Châm đứng 3 - 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 5- 15 phút
- Chủ trị : Hầu họng sưng đau, hen xuyễn, cổ cứng, sưng tuyết giáp trạng, lao hạch ở cổ.
12.KHUYẾT BỒN : 缺盆(Cái chậu rách, chậu sứt ; có tên là Thiên cái)
- Vị trí : Điểm giữa hố lõm trên xương đòn, thẳng đầu vú lên
- Cách châm cứu : Châm đứng 3- 5 phân, tránh động mạch, không nên châm sâu, cứu 3 mồi, hơ 5 - 10 phút.
- Chủ trị : Hầu họng sưng đau ; hen xuyễn ; viêm mạc lồng ngực ; đau thần kinh liên sườn ; nấc ; lao hạch cổ ; thủy thũng ; mồ hôi ra nóng sưng ở trong hố đòn ; ngoài thì mọc mụn ; trong ngực nóng mà tức, thương hàn ngực nóng không dứt.
13.KHÍ HỘ : 氣戶(Cửa của khí)
- Vị trí : Phía dưới xương đòn, huyệt Toàn cơ ra 4 thốn, dưới Cự cốt, cạnh Du phủ, ở hai bên ra 2 thốn.
- Cách châm cứu : Châm chếch 5- 8 phân, cứu 5 mồi, hơ 5 phút.
- Chủ trị : Hen, viêm phế quản, đau lồng ngực, nấc, thở hít khó khăn, đau thần kinh liên sườn, ăn không biết vị.
14.KHỐ PHÒNG : 庫房(Buồng kho)
- Vị trí : Khe liên sườn 1- 2, huyệt Hoa cái ra hai bên 4 thốn, khoảng giữa xương đòn.
- Cách châm cứu : Châm chếch 5 - 8 phân, cứu 5 mồi, hơ 5- 15 phút
- Chủ trị : Viêm phế quản, sườn ngực chướng đau, thở ra hít vào không lấy nhịp thở, nhổ ra máu mủ và nước bọt đục.
15.ỐC Ế : 屋翳(Màng che nhà)
- Vị trí : Khe liên sườn 2 -3, huyệt Tử cung ra hai bên 4 thốn.
- Cách châm cứu : Châm chếch 5- 6 phân, cứu 5 mồi, hơ 10 phút.
- Chủ trị : Viêm phế quản ; đau sườn ngực ; hen xuyễn ; rôm sảy ;viêm tuyến vú ; ho ngược khí lên ; nhổ ra máu, mủ, đàm ẩm ; sưng mình mẩy, da dẻ đau rát không thể đụng áo vào được ; bứt rứt ; co giật , không thể sử dụng  được.
16.ƯNG SONG : 鷹窗(Cửa song của lồng ngực)
- Vị trí : Khe liên sườn 3- 4 , từ huyệt Ngọc đường ra hai bên 4 thốn.
- Cách châm cứu : Châm chếch 5- 8 phân, cứu 5 mồi, hơ 5- 15 phút.
- Chủ trị : Ho hắng ; hen xuyễn ; đau sườn ; sôi bụng ỉa chảy ; viêm tuyến vú ; viêm phế quản ; tức ngực ; ngắn hơi nằm không yên ; môi sưng.
17.NHŨ TRUNG : 乳中(Giữa vú)
- Vị trí : Giữa đầu vú, thẳng giữa xương đòn xuống bờ dưới khe liên sườn 4- 5.
- Cách chấm cứu : Không châm cứu, chỉ dùng làm tiêu chuẩn đo lấy huyệt ở vùng ngực bụng. « Đồng nhân » nói : « Đâm nhẹ 3 phân, CẤM CỨU, cứu thì sinh mụn có trùng ăn mòn, trong mụn có mủ máu, nước trong thì còn có thể chữa được, trong mụn có thịt thừa hoặc như mụn có trùng ăn mòn là chết ». Tố Vấn nói rằng : « Đâm trên vú, giữa bầu vú là sưng gốc trùng ăn mòn ». Đan Khê nói : « Bầu vú là chỗ kinh dương minh đi qua, đầu vú là chỗ thuộc quyết âm can. Vú, bỏ tiếng, là mẹ của đứa con, không biết điều dưỡng mà tức giận ngược lên, cái uất nản ấy ngăn ở đó, thức ăn quá béo bổ gây lên men tại đó, đưa đến khí quyết âm không hành, khiếu không được thông, sữa không ra được, huyết của dương minh sôi lên, nóng quá thì hóa ra mủ. Cũng có đứa con của cái vú đó, trong cách đó có đàm trệ, hơi ở trong miệng đốt nóng ngậm vú mà ngủ, khí nóng thổi vào đó, rồi sinh kết hạch. Khi mới bắt đầu cần chịu đau một tí, day làm cho mềm đi, mút để cho nước sữa thông, tự nó có thể tan đi. Cái đó mà không chữa ngay tất sẽ thành ung nhọt, nếu như thêm ngải cứu châm lửa vài ba mồi thì kết quả càng mau khỏi. Thợ vụng càng dùng cao, kim tự nhiên đụng vào bệnh một cách vụng về, cũng như người bệnh chẳng được vui vì chồng và em vợ, em chồng, mà lo giận, uất phiền, tỳ khí hỏng mất, can khí ngang ngược, rồi thì thành kết hạch như quân cờ, không đau, không ngứa, mấy mươi năm sau làm thành mụn lõm, gọi là nhũ nham, hình mụn như cái lỗ để khảm, giống như cái hốc ở trong mỏm đá, không thể chữa được chứng đó. Nếu như mới sinh mà gặp, có thể làm mất gốc bệnh ngay là làm cho mát lòng, yên thần, sau mới chữa thuốc thì mới có thể khỏi dược.
18.NHŨ CĂN : 乳根(Gốc rễ của vú)
- Vị trí : Dưới đầu vú.
- Cách lấy huyệt : Nằm ngửa, ở đầu vú thẳng xuống 1 thốn, ở khe sườn 5- 6, đối với đàn bà thì lấy ở khe ngấn bầu vú.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu từ 2- 3 phân, cứu 3 mồi, hơ từ 6 – 10 phút.
- Chủ trị : Ít sữa ; vú sưng đau ; viêm phế quản ; dưới ngực buồn bằn ; ngực đau cách khí ; ăn không xuống ; bệnh nghẹn ; cánh tay sưng đau ; nhọt ở vú ; đau rét thê thảm ; không thể ấn ép ; ho ngược lên ; hoắc loạn chuột rút , tứ quyết.
19.BẤT DUNG :不容(Không chứa chấp)
- Vị trí : Rốn lên 6 thốn là Cự khuyết, sang ngang 2 thốn là huyệt
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 5- 8 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 - 20 phút
-Chủ trị : Giãn dạ dày ; đau thần kinh liên sườn ; đau dạ dày ; nôn mửa ; bụng đầy có hòn hạch ; mửa ra máu ; miệng khô ; tim đau ; ngực và lưng trên cùng dẫn đau ; ho hen ; không muốn ăn ; bụng rỗng kêu ; có hòn ; sán ; hà.
20.THỪA MÃN : 承滿(Chịu đựng sự đầy tức)
-Vị trí : Rốn lên 5 thốn là huyệt Thượng quản, từ đó sang ngang 2 thốn là huyệt
-Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 1- 2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5- 20 phút
-Chủ trị : Viêm dạ dày cấp, mãn ; đau dạ dày ; co dúm cơ thẳng bụng ; sôi ruột, đau sán khí ; tiêu hóa không tốt ; bụng chướng ; khí hen ngược lên ; ăn không xuống ; thở bằng vai ; nhổ ra máu
21.LƯƠNG MÔN : 梁門(Cái cửa cầu)
- Vị trí : Thẳng rốn lên 4 thốn là huyệt Trung quản, từ đó sang ngang 2 thốn là huyệt.
- Cách châm cứu : Châm đứng 1- 2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5- 15 phút.
- Chủ trị : Đau bụng, chướng bụng không muốn ăn cơm ; sôi ruột, ỉa chảy ; loét dạ dày, tá tràng ; viêm dạ dày cấp mãn ; thần kinh dạ dày rối loạn ; trong bụng tích khí kết đau ; đại trường tiết ra dễ trơn ; đồ ăn ở dạ dày không hóa.
-Tác dụng phối hợp : với Trung quản, Thủ tam lý, Túc tam lý trị bệnh loét dạ dày, tá tràng ; với Nội quan, Lương môn trị chứng thần kinh dạ dày rối loạn.
22.QUAN MÔN : 關門(Cửa đóng ; cửa của khớp nối hay cửa của quan hệ)
- Vị trí : Rốn lên 3 thốn là huyệt Kiến lý, từ đó sang ngang 2 thốn là huyệt.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 1- 2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5- 20 phút.
- Chủ trị : Đau bụng, chướng bụng, không muốn ăn cơm ; sôi ruột, ỉa chảy ; phù thũng ; khí chạy trong bụng , đau cấp hai bên cạnh rốn ; mình sưng ; sốt rét đờm lạnh, run ; đái rơi rớt.
23.THÁI ẤT :太乙( Bộ sử lớn. Lớn thứ nhì. Bản sao lại của vũ trụ)
- Vị trí : Rốn lên 2 thốn là huyệt Hạ quản, từ đó sang ngang 2 thốn là huyệt.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 1-2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5- 20 phút.
- Chủ trị :Đau dạ dày, sa ruột, đái dầm, bệnh tinh thần, cước khí, điên cuồng, tâm bứt rứt, lưỡi thè lè.
24.HOẠT NHỤC MÔN : 滑肉門(Cửa thịt trơn tru. Cửa về sự sống của bắp thịt)
- Vị trí : Rốn lên 1 thốn là huyệt Thủy phân, từ đó sang ngang 2 thốn là huyệt.
- Cách châm cứu :Châm đứng kim, sâu 1- 2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5 - 20 phút.
- Chủ trị : Nôn mửa, đau dạ dày, bệnh tinh thần, bệnh đường ruột cấp, mãn, điên cuồng, lưỡi thè lè, lưỡi cứng.
25.THIÊN KHU :天樞(Then cửa của trời ;Có tên là Trường khê, Cốc môn ;huyệt Mộ của Thủ dương minh Đại trường)
- Vị trí : Ở hai bên cạnh rốn
- Cách lấy huyệt : Nằm ngửa, tính từ giữa rốn sang hai bên, mỗi bên hai thốn.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 0,5- 1,5 thốn, cứu 7- 15 mồi, hơ 5- 15 phút
- Chủ trị : Đau bụng, chướng bụng, sôi ruột, ỉa chảy, lỵ, táo bón, ỉa ra máu, đau bên cạnh rốn, kinh nguyệt không đều, khí hư, trẻ em tiêu hóa kém, viêm dạ dày cấp mãn tính ; viêm ruột cấp, mãn tính ; liệt ruột ; viêm phúc mạc ; giun đường ruột ; viêm màng trong dạ con ; bí ỉa ; đau lưng ; nôn mửa ; đái nhỏ giọt mà đục ; không thể có chửa ; trưng hà, bôn đồn, chướng sán ; ăn không xuống ; thũng nước ; khí xông lên ngực ; không đứng lên được ; tích khí lạnh lâu dài, chung quanh rốn đau như cắt ; có khí xông lên tim ; tức bứt rứt nôn mửa ; hoắc loạn ; mùa đông cảm lạnh đi ỉa ; sốt rét nóng  lạnh nói cuồng ; thương hàn ; uống nước quá nhiều ; khí xuyễn ; máu kết thành hòn, ra nhỏ giọt nước trắng, đỏ.
- Tác dụng phối hợp : với Thượng cự hư trị khuẩn lỵ cấp tính ; với Túc tam lý, tiêm bằng Hoa sinh du trị khuẩn lỵ ; với Khí hải, Đại trường du, Thượng liêu, trị ruột tê bại ; với Âm giao, Quan nguyên trị đau bụng hành kinh ; với Thủy tuyền trị kinh nguyệt không đều ; với Chi câu trị nôn mửa, hoắc loạn.
26.NGOẠI LĂNG : 外陵(Quả đồi phía ngoài ; cạnh ngoài quả đồi)
- Vị trí : Dưới rốn 1 thốn là huyệt Âm giao, từ đó sang ngang 2 thốn là huyệt.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 1- 2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 10- 20 phút.
- Chủ trị : Đau bụng,  hành kinh đau bụng, sán khí, đau dương vật, dưới tim bâng khuâng dẫn đau xuống rốn.
27.ĐẠI CỰ :大巨(Rất to; to lớn lắm)
- Vị trí: Dưới rốn 2 thốn là huyệt Thạch môn, từ đó sang ngang 2 thốn là huyệt.
- Cách châm cứu: Châm đứng kim sâu 1- 2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 10 - 20 phút.
- Chủ trị: Viêm bàng quang, đau bụng, lỵ, di tinh, tắc ruột, viêm tuyến tiền liệt, bụng dưới chướng tức, quý sán, khô một bên, tứ chi không gọn, hồi hộp không ngủ.
28.THỦY ĐẠO :水道(Con đường của nước)
- Vị trí : Dưới rốn 3 thốn là huyệt Quan nguyên, sang ngang 2 thốn là huyệt. Huyệt này bên trái còn gọi là Bào môn, bên phải là Tử hộ.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 1,5- 2,5 thốn, cứu 5 mồi, hơ 10- 15 phút.
- Chủ trị : Viêm thận, viêm bàng quang, bí đái, viêm trứng dái, bụng dưới chướng đau, nhiệt kết tam tiêu, đái không thông, đau dẫn vào âm vật, xương thắt lưng đau cấp, trong dạ con có khối u cục, cổ dạ con và âm đạo lạnh, đái ỉa không thông.
- Tác dụng phối hợp : với Thủy phân, Âm lăng tuyền, Túc tam lý trị bụng có nước ; với Thận du, Bàng quang du, Tam âm giao trị viêm thận ; với Trung cực, Âm lăng tuyền, Tam âm giao trị viêm bàng quang.
29.QUY LAI : 歸來(Quay trở lại)
- Vị trí : Dưới rốn 4 thốn là huyệt Trung cực, từ đó sang ngang 2 thốn là huyệt.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 1- 2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 10- 20 phút.
- Chủ trị : Viêm màng trong dạ con, viêm phần phụ, kinh nguyệt không đều, viêm trứng dái, sán khí, bế kinh, khí hư, không thể có chửa, liệt dương, trứng dái co vào trong bụng, dẫn đau vào dương vật, đàn bà huyết tạng tích lạnh.
- Tác dụng phối hợp : với Thái xung trị sán khí thiên trụy (sa trứng dái làm lệch một bên) ; với Khí hải, Huyết hải, Tam âm giao trị viêm màng trong dạ con ;  với  Trung cực, Khúc cốt, Tử cung, Tam âm giao trị kinh nguyệt không đều ; với Thái khê, Khí hải, Phục lưu trị viêm âm đạo do đích trùng.
30.KHÍ XUNG : 氣冲(Hơi xông lên mạnh mẽ ; có tên là Khí nhai)
- Vị trí : Rốn xuống 5 thốn là huyệt Khúc cốt, từ đó sang ngang 2 thốn là huyệt. Gần đúng chỗ động mạch ứng với tay ; Xung mạch bắt đầu từ đó.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 1- 2 thốn, cứu 5 mồi, hơ 10 - 15 phút.
Chú ý : Đâm trúng mạch, máu không ra, làm sưng bẹn mà ngã.
- Chủ trị : Bệnh bộ máy sinh dục nam và nữ ; sán khí ; đau trứng dái ; đau dương vật ; các bệnh đàn bà như : kinh ra máu nhỏ giọt, không chửa ; các chứng của thai ,sản ; bụng đau không thể nằm ngay ngắn được ; nóng trong đại trường, mình nóng ; bụng đau ; đại khí nước rắn như đá (thạch thủy) ; bụng có khí nghịch lên tim ; bụng đầy chướng lên tim, đau không thở được ; lưng đau không thể cúi ngửa ; buồn bẳn ; thương hàn nóng trong dạ dày ; kinh nguyệt không lợi, có chửa mà con xông lên tim ; đẻ khó ; nhau không ra ; Viêm đường bạch mạch.
-Tác dụng phối hợp : với Khúc tuyền, Thái xung trị sán khí; với Quan nguyên thấu Trung cực, Tam âm giao trị cảm nhiễm đường tiết niệu ; với Chương môn trị không thể nằm.
Đông Viên nói rằng : » Tỳ vị hư nhược, cảm thấp thành nuy liệt », mồ hôi ra nhiều, ăn uống trở ngại , lấy kim 3 cạnh chích ra máu ở Tam lý, Khí xung ». Lại nói : «  Mửa ra máu nhiều không khỏi lấy kim 3 cạnh châm ở Khí xung ra máu là khỏi ngay ».
31.BỄ QUAN : 髀關(Khớp xương đùi)
- Vị trí : Huyệt Phục thỏ thẳng lên 6 thốn, ngang bằng huyệt Hội âm.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 1- 3 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5- 15 phút.
- Chủ trị : Chi dưới tê bại, bại liệt, viêm hạch háng ; đau lưng ; teo cơ chi dưới ; viêm khớp gối ; dị ứng mẩn ngứa ; gân cạnh trong đùi đau cấp, không gập duỗi được ; bụng dưới đau dẫn lên đầu ; đau háng.
- Tác dụng phối hợp : với Ủy trung, Thừa phù trị viêm khớp hông.
32.PHỤC THỎ : 伏兔(Con thỏ ẩn nấp)
- Vị trí : Cạnh ngoài, phía trên xương bánh chè lên 6 thốn.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 1 – 3 thốn. CẤM CỨU (Đại thành), cứu 3- 5 mồi, hơ 5- 15 phút (Châm cứu học Thượng hải).
- Chủ trị : Chi dưới tê bại, bại liệt, viêm khớp gối ; dị ứng mẩn ngứa ; đau háng, đau thắt lưng ; bệnh cước khí.
Theo « Tỷ Sử Nam Tri”: Chỗ định ung thư làm chết có chín (9) nơi, Phục thỏ chiếm một. Lưu Tông Hậu nói : « Mạch lạc hội ở đó », chữa đầu gối lạnh không được ấm, phong lao bại nghịch, cuồng tà, bàn tay co rút, trên mình có nốt chân chim, bụng chướng ít hơi, đầu nặng mọi bệnh đàn bà ở tám chỗ ».
- Tác dụng phối hợp : với Biên bộ, Phong thị, Lăng hậu trị chi dưới tê bại, tản hoán.
33.ÂM THỊ : 陰市(Cái chợ của âm khí ; Có tên là Âm vạc)
- Vị trí : Cạnh ngoài phía trên bánh chè lên 3 thốn.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 1- 3 thốn, CẤM CỨU (Đại Thành), cứu 3- 5 mồi, hơ 5- 15 phút (Châm cứu học Thượng Hải)
-Chủ trị : Đầu gối tê bại, đau buốt, viêm khớp gối, chi dưới tản hoán, thắt lưng và chi dưới như nước lạnh ; đầu gối lạnh, bại mềm không sử dụng được, không dập duỗi được ; tự nhiên hàn sán ; sức yếu ít hơi, bụng dưới đau ; chướng tức ; cước khí ; dưới chân và trên Phục thỏ lạnh, tiêu khát.
34.LƯƠNG KHÂU : 梁丘(Cái gò có cầu)
- Vị trí : Ở phía ngoài và trên xương bánh chè đầu gối là 2 thốn khe giữa hai gân.
- Cách lấy huyệt : Ngồi ngay, co đầu gối vuông góc mà lấy huyệt, tính từ bờ giữa xuống bánh chè lên 2 thốn, lại từ đó ra phía ngoài là 1 thốn, khi duỗi thẳng chân ra thì ở đó có một chỗ lõm.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 5 phân- 1 thốn, cứu 3- 7 mồi, hơ 5 phút.
- Chủ trị : Đau khớp gối, chi dưới bất toại, đau dạ dày, sôi ruột, vú sưng đau ; ỉa chảy ; viêm khớp gối và tổ chức phần mềm xung quanh ; thắt lưng đau; sợ sệt nhiều.
- Tác dụng phối hợp : với Trung quản, Nội quan chữa đau dạ dày ; với Địa Ngũ hội trị sưng vú.
35.ĐỘC TỴ : 犢鼻(Cái mũi con nghé ; có tên là Tất nhỡn)
- Vị trí : Ở chỗ nối tiếp đầu trên xương chày và xương bánh chè
- Cách lấy huyệt : Ngồi ngay co đầu gối vuông góc, chân để thoải mái mà lấy huyệt, ở chỗ hố lõm cạnh ngoài gân phía dưới xương bánh chè, chỗ tiếp giáp xương bánh chè và đầu xương chày.
- Cách châm cứu : Mũi kim chếch về phía trong, sâu 3- 5 phân, cũng có thể châm luồn sau gân giữa xương bánh chè thấu sang huyệt Tất nhỡn phía trong, cứu 3 mồi, hơ 5- 10 phút.
- Chủ trị : Đau khớp gối và tổ chức phần mềm chung quanh, cước khí, chi dưới tê bại. Nếu như Độc tị rắn cứng, không nên công, trước hết rửa, chườm, đâm nhẹ thì khỏi, Tố vấn nói : « Châm Độc tị ra dịch là què ».
- Tác dụng phối hợp : với Âm lăng tuyền, Dương lăng tuyền chữa phong thấp đau đầu gối ; với Lương khâu, Dương lăng tuyền trị viêm khớp gối.
36.TÚC TAM LÝ : 足三里(Ba dặm ở chân ; huyệt Hợp, Thổ)
- Vị trí : Ở cạnh ngoài, phía dưới đầu gối, dưới Tất nhỡn 3 thốn, ấn ở đó cực nặng thì động mạch ở mu bàn chân mất. Mạch Túc dương minh vị ở đó vào, gọi là Hợp, Thổ.
- Cách lấy huyệt : Bệnh nhân ngồi ngay hoặc nằm ngửa, co đầu gối, bàn chân để tự nhiên. Nói bệnh nhân úp lòng bàn tay cùng phía lên chính giữa xương bánh chè, lấy đầu ngón tay giữa làm mức, rồi lại sang phía ngoài 1 thốn là huyệt. Hoặc lấy tay nắn phía dưới lồi cao đầu xương chày, từ đó ra ngoài 1 thốn là huyệt.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 0,5 – 1,5 thốn, nói chung trước hết có kinh cảm giác buốt tức tại chỗ, dần dần chuyển đến đạt mức trước ống chân, có khi thẳng xuống ngón chân 3 – 4, có khi hướng trên chuyển tới bụng, cứu từ 7 – 10 mồi, hơ 30’.
- Chủ trị : Bệnh đường ruột, nôn mửa, đau dạ dày, đau bụng, lị, tiêu hóa kém, ỉa chảy, táo bón, váng đầu, đau đầu, mất ngủ, cao huyết áp, cảm mạo, đau răng, đau lưng, liệt, kinh nguyệt không đều, đau bụng khi hành kinh, bế kinh, huyệt này có tác dụng làm khỏe mạnh, có thể phòng trúng gió, cũng có thể hoãn giải cơn mỏi mệt. Trị viêm dạ dày, loét hành tá tràng cấp, mãn tính, viêm ruột cấp, mãn tính, viêm tụy cấp mãn tính, ngất xỉu, hư yếu, thiếu máu, quá mẫn cảm, hoàng đản, điên giản, xuyễn, bệnh tật ở bộ máy sinh dục, thần kinh suy nhược, bụng có nghịch khí xông lên, thắt lưng đau không, thể cúi ngửa, tiểu trường khí, thủy khí trúng độc, quỷ bắn, hòn hạch, tứ chi đầy tức, đau gối, ống chân buốt đau, mắt không sáng, đàn bà đẻ huyễn vận (thiếu máu mà xây xẩm choáng váng), đái khó, bụng dưới sưng đau, đái dầm.
Tần Thừa Tổ nói : « Mọi bệnh đều trị »
Hoa Đà nói : « Chủ ngũ lao gầy mòn, thất thương hư mệt, trong ngực ứ huyết, ung ở vú »
Thiên Kim Dực nói : « Trong bụng lạnh mà chướng tức, trong ruột kêu như sấm, khí xông lên ngực, xuyên không đứng được lâu, đau bụng, trong ngực bụng ứ máu, tiểu trường chướng, da sưng, âm khí  không đủ, bụng dưới rắn, thương hàn sốt không dứt, bệnh nhiệt mồi hôi không ra, hay nôn, miệng đắng, sốt cao, mình uốn ngửa, miệng cắn, hàm run lập cập, sưng đau không thể quay lại được, miệng giãn trễ ra, sưng vú, hầu bại không nói, vị khí bất túc, ỉa dễ kéo dài, ăn không hóa, dưới sườn và chi đầy tức, không đứng lâu được, đầu gối yếu, nóng rét, ở trung tiêu đói cồn cào (chứng đói giả), bụng nóng mình bứt rứt, nói cuồng, ung vú, hay sợ, sợ khi ngửi mùi thức ăn, hát cuồng, cười vô cớ, sợ giận, chửi to, hoắc loạn, đái rơi rớt mất khí, dương quyết sợ lạnh lê thê, đầu có hạch, đái khó, hay ụa, cước khí.
Ngoại Đài Bí Yếu nói : « Người ta đã trên 30 tuổi, nếu không cứu Tam lý làm cho khí người ta xông lên mắt ».
Đông Viên nói : « Ăn uống không hạn chế và lao dịch hình chất âm hỏa thừa vào trong khôn thổ gây ra. Cốc khí, Vinh khí, Thanh khí, Vị khí, Nguyên khí không thăng lên được, giúp thêm vào dương khí của lục phủ, là khí của ngũ dương mất trước hết là ở ngoài.
Ngoài là Thiên vậy, lưu xuống vào ở trong khôn thổ âm hỏa, đều phải do 5 thứ giặc hỉ, nộ, bi, ưu, khủng gây thương, mà sau vị khí không hành, lao dịch ăn uống không hạn chế, kế đó là nguyên khí lại thương, đáng lấy ở giữa huyệt Túc tam lý, thôi thúc ở đó cho Dương khí dấy lên, nguyên khí được triển khai ».
Lại nói : « Khí nghịch loạn lấy Túc tam lý, khí xuống thì dừng, không xuống lại trị ». Lại nói : « Vị quản đúng tâm mà đau, chia lên hai sườn, cách nghẹn không thông ăn uống không xuống, lấy Tam lý mà bổ ».
Lại nói : « Khách tà của Lục dâm và thượng nhiệt hạ hàn, bệnh ở gân, xương, da, thịt, mạch máu, lấy nhầm ở Hợp của vị (Túc tam lý), nguy to ».
Lại nói : « Có người trẻ tuổi mà khí nhược, thường cứu ở Túc tam lý, Khí hải, mỗi lần năm bảy chục mồi, đến khi về già bị nhiệt quyết đầu thống, tuy rét to vẫn thích gió lạnh, khỏi đau vẫn sợ chỗ ấm và khói lửa, đều là do cứu quá vậy ».
- Tác dụng phối hợp : với Hợp cốc, Khúc trì chữa cao huyết áp ; với Thái xung chữa viêm gan ; với Can du trị mắt hoa mờ ; với Trung quản trị đau dạ dày ; với Thiên khu, Khí hải chữa bụng chướng, lỵ, ỉa chảy, táo bón ; với Hạ cự hư, Dương lăng tuyền, Nội quan trị viêm tuyến tụy ; với Nội quan, Hợp cốc, Trung quản, Thiên khu, Đại trường du, Thứ liêu trị cấp tính tắc ruột ; với Hợp cốc, Thiên khu, Quan nguyên trị tiêu hóa không tốt ; với Trung phong, Thái xung trị bước đi khó khăn ; với Bất dung trị tích khí.
37.THƯỢNG CỰ HƯ :上巨虛(Chỗ trống rỗng lớn ở trên ; có tên là Thượng Liêm)
- Vị trí : Huyệt Túc tam lý xuống 3 thốn.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim 1 - 2,5 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 - 20 phút.
- Chủ trị : Đau bụng, chướng bụng, ỉa chảy, lỵ ; viêm ruột thừa ; viêm ruột ; viêm dạ dày ; liệt nửa người ; bệnh cước khí ; tạng khí bất túc ; ống chân buốt đau, khó co duỗi ; không đứng lâu được ; thủy phong gối sưng ; xương tủy lạnh đau ; đại trường lạnh ; ăn không hóa, ỉa như cháo loãng ; lao phổi ; sát hai bên rốn và sườn đau ; trong ruột đau như cắt và rên như sấm ; khí xông lên ngực ; thở xuyễn không đi được ; thương hàn nóng trong dạ dày.
-Tác dụng phối hợp : với Thiên khu trị viêm  ruột, khuẩn lỵ ; với Hạ cự hư trị ỉa như cháo loãng.
Đông Viên nói : «  Tỳ, vị hư yếu, thấp teo, ra mồi hôi, kém ăn, Tam lý, Khí xung chích ra máu không khỏi, ở Thượng liêm chích ra máu. »
38.ĐIỀU KHẨU: 條口(Cái  miệng)
- Vị trí : Từ huyệt Thượng cự hư xuống 2 thốn, từ huyệt Độc tị xuống 8 thốn.
- Cách châm cứu : Châm đứng 1,5 - 2,5 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 - 20’.
-Chủ trị : Viêm khớp gối ; chi dưới bại liệt ; đau dạ dày ;viêm chung quanh khớp vai ; phong khí ; dưới bàn chân nóng, không đứng lâu được ; chân lạnh đầu gối đau ; ống chân lạnh thấp bại, chân đau, cẳng chân sưng ; chuột rút, chân nhẽo chùng ra, không co được.
39.HẠ CỰ HƯ : 下巨虛(Chỗ trống rỗng rất lớn ở dưới ; có tên là Hạ liêm)
- Vị trí : Từ huyệt Thượng cự hư xuống 3 thốn, từ huyệt Độc tị xuống 9 thốn là Hạ hợp huyệt của Túc dương minh và Tiểu trường.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 1- 2,5 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5 - 20’.
- Chủ trị : Viêm ruột cấp mãn tính ; chi dưới bại liệt ; đau thần kinh liên sườn ; viêm gan cấp mãn tính ; tiểu trường  khí bất túc, mặt không có màu sắc ; phong teo 1 bên đùi ; chân không đi bộ trên đất ; phong nhiệt ; hàn bại không theo ý mình điều khiển ; phong thấp bại, hầu bại ; khí ở chân không đủ, nặng nề, môi khô ; nước dãi ra không biết, mồ hôi không ra được ; lông tóc khô ; thịt biến mất ; thương hàn nóng trong dạ, không muốn ăn ; ỉa ra máu mủ ; ngực sườn và bụng dưới kéo xuống hòn dái mà đau ; khí ra đã khốn quẫn thì đúng chỗ trước tai nóng ; như rét quá lắm, như sờ vào trên tai nóng quá lắm, và khe ngón trỏ, ngón út tay đau , bạo kinh cuồng ; tiếng nói khác thường, đàn bà ung vú, mu bàn chân không gọn ; đau gót chân.
40.PHONG LONG : 風隆(Nhiều nhiều ; huyệt Lạc với kinh Túc thái âm Tỳ)
- Vị trí : Ở giữa cạnh trước và ngoài ống chân, từ mắt cá ngoài lên 8 thốn, lấy thẳng từ mắt cá ngoài lên Dương lăng tuyền, cách mắt cá ngoài 8 thốn rồi lui về phía trước 1 thốn là huyệt. Là Lạc của Túc dương minh tách đi sang Túc thái âm.
- Cách châm cứu: Châm đứng kim sâu từ 3- 8 phân,cứu 3 mồi, hơ 5 - 10’.
- Chủ trị : Nhiều đờm, ho hắng, hen xuyễn ; đau bụng ; váng đầu ; táo bón ; đau chi dưới ; điên giản ; tứ chi sưng ; bế kinh, băng huyết.Quyết nghịch ; biếng lười ; ngực đau như dao đâm ; bụng đau như dao cắt ; chân xanh, thân lạnh ; hầu bại không thể nói ; trèo cao mà ca, vất áo mà chạy, thấy quỷ hay cười ; khí nghịch thì hầu bại, ngứa, câm. Thực thì điên cuồng, tả ở đó ; Hư thì chân không gọn, ống chân khô, bổ ở đó.
- Tác dụng phối hợp : với Trung quản trị các chứng đàm ẩm ; với Liệt khuyết hoặc Nội quan trị ho hắng, xuyễn ; với Khâu khư trị điên giản ; với An miên, Thần môn trị váng đầu, mất ngủ ; với Phế du trị ho hắng nhiều đờm ; với Khâu khư trị ngực đau như đâm.
41.GIẢI KHÊ : 解溪(Cái khe suối tỏa ra; huyệt Kinh, Hỏa)
-Vị trí : Ở chính giữa mặt trước cổ chân, chỗ Túc dương minh vị hành là Kinh, Hỏa, Vị hư bổ ở đó.
- Cách lấy huyệt : Ngồi ngay, bàn chân để ngay ngắn bằng phẳng, lấy huyệt ở giữa nếp ngang cổ chân, chỗ mu bàn chân và ống chân nối nhau, ở khe lõm giữa hai gân cơ duỗi dài ngón chân và cơ duỗi dài ngón chân cái.
- Cách châm cứu : Mũi kim hướng về gót chân, châm đứng kim, sâu 0,5 – 0,8 thốn, cứu 5 mồi, hơ 5 - 15’.
-Chủ trị : Bong gân khớp cổ chân, nôn mửa; chi dưới bại liệt, đau đầu; viêm thận; viêm ruột; điên giản; viêm khớp cổ chân và bệnh tật phần mềm chung quanh; bàn chân xuôi xuống; phong mặt phù thũng; mặt đen; quyết khí xông lên; bụng chướng; đi ỉa ra nặng; đầu gối, đùi, ống chân sưng; chuột rút; mắt hoa; điên; phiền tâm buồn khóc; thổ tả; đầu phong mặt đỏ; mắt đỏ; cùng ụ mày đau không chịu nổi; choáng váng; mồm đau; bụng sưng, hồi hộp.
- Tác dụng phối hợp : với Dương cốc trị chứng hồi hộp; với Phục lưu, Thận du, Âm lăng tuyền trị viêm thận; với Thiên đột trị quyết khí xông lên bụng.
42.XUNG DƯƠNG : 冲陽(Dương khí xông lên mạnh mẽ ; huyệt Nguyên)
- Vị trí : Ở trên mu bàn chân, dưới huyệt Giải khê 1,5 thốn, chỗ mạch Túc dương minh vị qua là Nguyên ; Vị hư, thực đều dùng. Tố Vấn : Đâm động mạch trên mu bàn chân, máu ra không ngừng, chết ».
- Cách lấy huyệt : Ngồi ngay, đặt bàn chân bằng mà lấy huyệt, chỗ cao nhất trên mu bàn chân, ở cạnh trong gân duỗi dài ngón chân chỗ có động mạch đập là huyệt.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 2 - 3 phân, tránh động mạch, KHÔNG CỨU.
- Chủ trị : Chi dưới bại liệt, mu bàn chân sưng, đau răng hàm trên, đầu mặt phù thũng, điên giản, đau đầu, liệt mặt, sốt rét, bệnh tinh thần, bệnh nhiệt, bệnh ý (Histeri).
43.HÃM CỐC : 陷谷(Cái hang tụt dưới sâu, Hang lõm; huyệt Du, Mộc)
-Vị trí: Chỗ lõm phía trước khe xương bàn chân số 2- 3, chỗ mạch Túc dương minh trú là Du, Mộc.
- Cách châm cứu: Châm đứng, sâu 0,5 - 1 thốn, cứu 3 mồi, hơ 5’.
-Chủ trị: Mặt mày phù thũng, phù sôi bụng, đau bụng, mu bàn chân sưng; viêm kết mạc; bệnh Histeri; hay sặc ( hẹp môn vị); bệnh nhiệt vô độ; mồ hôi không ra; bệnh sốt rét run.
Đông Viên nói: “Khí ở tay chân lấy ở đó, trước tránh động mạch, sau lấy ở Túc dương minh Vinh, Du Nội đình, Hãm cốc.”
44.NỘI ĐÌNH :内庭(Đơn vị xét xử phía trong, nơi xét xử phía trong )
- Vị trí : Ở giữa khe nối ngón hai và ngón ba chân, hơi hướng về phía sau một chút là huyệt. Chỗ mạch Dương minh vị lưu là Vinh, Thủy.
- Cách châm cứu : Châm đứng kim sâu 3 - 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 5’.
- Chủ trị : Đau răng ở hàm trên, đau hầu, miệng khát, đau dạ dày, đau bụng, chướng bụng, ỉa chảy, mất ngủ ; táo bón ; đau bụng kinh nguyệt ; đau thần kinh tam thoa ; viêm amidan ; viêm ruột cấp, mãn tính, đau sa ruột ; cước khí ; đau lợi răng ; chảy máu mũi ; đau mắt ; méo miệng, miệng cắn chặt ; tai ù ; hầu bại ; lỵ trắng đỏ ; đái ra máu ; ẩn chẩn ; tứ chi quyết nghịch ; nhiều lần ngáp ; sợ nghe tiếng người ; rét run ; sốt rét không muốn ăn ; đau da trên đầu não, thương hàn chân tay nghịch lạnh ; mồ hôi không ra.
- Tác dụng phối hợp : với Hợp cốc trị đau răng, viêm amidan ; với Túc lâm khấp trị bụng dưới chướng túc ; với Thượng tinh trị đau tròng con mắt.
45.LỆ ĐOÀI : 厲兌(Thay đổi sự hung ác, thay đổi hình phạt, trao đổi đẹp đẽ ; huyệt Tỉnh, Kim)
- Vị trí : Ở cạnh ngoài gốc móng ngón chân 2, cách gốc móng ra hơn 1 phân.
- Cách châm cứu : Châm sâu hơn 1 phân, cứu 3 mồi, hơ 5’.
- Chủ trị : Ung ruột, hôn mê, bệnh sốt cao ; nhiều mộng mị ; điên cuồng ; đau bụng ; chảy máu cam ; não bần huyết ; thần kinh suy nhược ; viêm amidan ; viêm gan ; tiêu hóa không tốt ; bệnh thần kinh chức năng ; bụng trên đầy chướng ; thủy thũng ; bệnh nhiệt mồ hôi không ra ; sốt nhẹ ; không muốn ăn ; mặt sưng ; ống chân lạnh ; hầu bại ; răng hàm trên đau ; sợ lạnh mũi không lợi ; thường hay sợ ; ưa nằm ; cuồng muốn trèo cao, vất áo mà chạy ; vàng da ; miệng méo ; môi sưng lên (sưng mọng lên ) ; cổ sưng ; đầu gối bánh chè sưng đau ; đau dọc theo đường kinh vị từ ngực qua đùi đến cạnh ngoài ống chân và trên mu bàn chân ; thức ăn tiêu nhanh mà mau đói ; nước đái vàng.
- Tác dụng phối hợp : với Nhân trung, Nội quan trị hôn mê ; với Lan vĩ, Thiên khu trị ung ruột ; với Ẩn bạch trị nhiều mộng mị.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Danh từ Huyệt vị châm cứu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ