Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » C

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 7


Hôm nayHôm nay : 1442

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 14491

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4068134

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa chứng viêm tắc động mạch chi dưới

Chủ nhật - 28/07/2019 07:11
      Ngày 10 tháng 4 năm 2003, chị H., con dâu ông bà T., hàng xóm cũ của tôi, (trong khu tập  thể  Uỷ ban thống nhất trung ương, làng Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) chị đưa người chị gái là bà Ng. T. Ph., đến nhờ tôi chữa bệnh theo lời hẹn  từ trước.
      Bà Ph. trình bày: “Cháu ở phố Lò Đúc, là công nhân đã nghỉ mất sức theo chính sách lao động.  Cháu bị bệnh này đã hai năm.” Bà vừa nói vừa vén cao ống quần đến lưng cẳng chân, để lộ ra hình ảnh bệnh ở chân bà, bà nói tiếp: “Lúc đầu, cháu thấy hai chân sưng đỏ lên, cháu có sốt nhẹ.  Đêm đến, chân cháu đau nhức nhiều.  Vết sưng đỏ từ trên vùng cổ chân, xuống mu bàn chân. Các ngón chân đều tê dại, gan bàn chân nóng rát như bị bỏng. Khi bước đi, cháu cảm giác như có rất nhiều gai nhọn đâm vào lòng bàn chân. Cháu đi khám bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế, các bác sỹ nói rằng cháu bị bệnh viêm tắc mạch máu.  Họ cho cháu uống thuốc sắc Đông y.  Cháu uống thuốc theo từng đợt, mỗi đợt chừng hai tháng. Uống thuốc vào thì thấy bệnh có đỡ. Nghỉ uống thuốc, bệnh lại tăng lên.   Người ta bảo với cháu, bệnh này lâu  ngày, dần dần càng nặng hơn. Cuối cùng là hoại tử, phải tháo đi từng đốt xương. Hiện giờ các đầu ngón chân cháu đã tê lắm, móng chân thì tím bầm lại, chắc nguy cơ hoại tử sắp đến với cháu, cháu lo quá.”
     Tôi nói với bà: “Bệnh này ngày  xưa  gọi là  hoại thư. Tôi chưa dám nói với bà điều gì chắc chắn cả.  Nhưng, năm ngoái tôi đã chữa mấy trường hợp viêm tắc tĩnh mạch đều có hiệu quả tốt.  Nay ta kiên trì, cùng nhau phối hợp chữa thử.   Về phía bà, bà phải chú ý theo dõi phần ăn uống.   Nếu thấy ăn món gì làm bệnh khó chịu hơn, bà phải dừng ngay.”
      Bệnh học Đông y cho rằng: Nguyên nhân bệnh nổi rõ lên, thường do bị lạnh cóng, ẩm thấp. Sau khi bị hàn thấp, khí huyết ứ trệ, làm cho mạch lạc dần dần vướng tắc không thông, phát sinh đau đớn. Bệnh lâu ngày do không được khí huyết nuôi dưỡng, có thể phát sinh hoại tử.
    Diễn biến của bệnh:
- Người bệnh phần nhiều là nam giới (theo khảo sát của Trung Quốc), độ tuổi từ 25 đến 45, ( ở Việt Nam, tôi gặp nữ giới mắc bệnh này cũng nhiều, độ tuổi cũng lớn hơn). Bệnh ưa phát ở đầu chót tứ chi, thường thấy nhất ở chi dưới, là loại bệnh mạn tính.
  - Thời gian đầu, chi có bệnh sợ lạnh, có cảm giác tê như gỗ. Vùng bắp cẳng chân, bàn chân có đau đớn không định chỗ. Xuất hiện đi khập khiễng không liên tục. Chủ yếu là do chi có bệnh bị thiếu máu.Có một số người bị bệnh viêm tĩnh mạch hiểm ở chi dưới, do tắc máu mà bệnh di chuyển ngược sang động mạch.
- Thời kỳ giữa của bệnh, chân giảm rõ rệt độ nóng ấm, sợ lạnh, có hiện tượng kém dinh dưỡng. Chi có bệnh đau đớn liên tục, đau nhiều hơn về ban đêm. Khi người bệnh nằm, nâng cao chân có bệnh sẽ thấy màu da trắng bủng. Khi thả chân có bệnh xuống thấp, thấy rõ da có sắc đỏ tím. Sức đập của động mạch ở mu bàn chân và động mạch sau cẳng chân nhỏ yếu dần và mất đi.
- Thời kỳ cuối đau đớn dần dần nặng thêm, ngón chân phát sinh vỡ loét, hoặc hoại tử (thường là thể khô). Nếu có phát kèm nhiễm trùng, cục bộ sẽ kiêm có sưng đỏ, đau đớn sẽ dữ dội thêm, lại có thể xuất hiện chứng trạng toàn thân...

    Tôi tiến hành châm phương kinh nghiệm của tiền nhân: “Trung quản, Nội quan, Túc tam lý, Tam âm giao” (do phương này có thể chữa chứng viêm mạch máu nói chung, gồm cả động và tĩnh mạch.  Để chữa chứng tê các ngón chân, tôi thêm nhóm huyệt Bát phong, ở khe nối giữa các ngón chân với bàn chân.   Mỗi chân có 4 khe, hai chân có 8 khe).
    Với chứng đau buốt lòng bàn chân, tôi châm huyệt Dũng tuyền.  Các huyệt trên tôi đều dùng tổng hợp năm thủ pháp: Từ tật, niệm chuyển, đề sáp, cửu lục, và khai bế, làm tả pháp  (36x3 =108).  Mỗi ngày châm một lần, một tuần châm 5  ngày, thứ bẩy, chủ nhật nghỉ châm.
   Bà Ph. rất chăm chỉ đến châm chữa.  Chỉ khi thật cần thiết, bà mới xin nghỉ để lo việc gia đình một vài ngày.  Bệnh tình của bà thuyên giảm rõ rệt từng ngày.  Những người bệnh khác họ luôn theo dõi kết quả chữa bệnh ở bà, họ động viên bà cố gắng, bền bỉ chữa cho đến khi dứt bệnh.
     Đến hết 10 ngày đầu tháng 8 năm 2003, bà thấy có thể tạm yên tâm.   Bà xin phép tôi nghỉ chữa một thời gian.  Bà nói: “Cháu xin thầy cho nghỉ một đợt để lo việc nhà.   Nếu có dấu hiệu bệnh tái phát, cháu lại đến xin thầy chữa tiếp cho.”  Hai ngày sau đó, bà đến gặp tôi báo cáo kết quả, bà đã làm siêu âm mầu ở bệnh viện Bạch Mai. Bà đem kết quả siêu âm nói cho mọi người có mặt cùng nghe.  Bà nói: “Bác sỹ đọc kết quả siêu âm: Trong mạch không có máu đông, thành mạch trơn nhẵn, lưu lượng máu trong mạch tốt, không còn dấu hiệu viêm tắc.”
     Từ sau đó, bệnh của bà không có dấu hiệu tái phát.  Bà vẫn cùng người em gái buôn bán hàng vặt ở ngay trong xóm tôi ở cũ  (khu Tập thể Thống Nhất, làng Hào Nam).

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ