Chữa bệnh ngoại cảm khó giải

Chữa bệnh ngoại cảm khó giải
Nhiều người đã biết đến tên cố nghệ sỹ điêu khắc quân đội Ng. M. Đ..   Có thể nói, ông là một tài năng về làm tượng Bác Hồ.  Thủa sinh thời, ông quen biết tôi từ ngày ông được quân đội cử sang học tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.   Khi tôi nghỉ hưu, ông vẫn thường qua lại thăm tôi.   Ông cũng cùng tôi tham gia đề tài nhà nước của Học viện Quân y.   Chỉ vì, theo ông nói, trong người ông còn có chút di truyền từ cụ thân sinh ông để lại, đó là lòng yêu mến môn thuốc Nam chữa bệnh người Việt Nam.

     Khoảng giữa năm 1983, một hôm ông đến chơi thăm tôi, ông khoe với tôi về một thành công mới của mình.   Đó là việc ông vừa chữa khỏi bệnh cảm mạo dai dẳng cho một nhà văn, cùng phòng Văn nghệ Quân đội với ông.  Trước khi kể vào nội dung, ông nói giáo đầu câu truyện với tôi như sau: “Anh Sửu này, không hiểu là vì sao, mà, cứ mỗi khi anh nói với tôi một bài chữa bệnh gì đó, chỉ sau một vài ngày, tôi gặp ngay bệnh nhân như anh đã nói đến.   Tôi châm cho họ những huyệt như anh dặn, đúng là bệnh khỏi, thế mới lạ chứ.”  Sau đó ông kể: “Tuần trước cậu Đ.C. về phép.   Vừa về hôm trước, hôm sau đã lên ngay đơn vị.  Cậu ấy bị cảm sốt.   Quân y đơn vị chữa mãi không khỏi.
      Nhân lúc thăm hỏi nhau, Đ.C. kể về bệnh của mình: “Tuần trước, như các bạn đã thấy, trời nắng gay gắt như thế, tôi đi xe ô tô khách về đến huyện, lại đi bộ tiếp khoảng chừng năm cây số nữa mới về đến nhà.   Trên người tôi mang quân phục chỉnh tề, đeo ba lô nặng trĩu, nóng từ mặt trời bên ngoài soi vào khắp người.  Bên trong thì trái tim tôi tăng tốc, tăng lực bù đắp cho bước chân hăng hái, đã làm cho công sinh nhiệt bừng bừng.   Mồ hôi tôi tuôn ra thành dòng, áo quần đều ướt đẫm.   Về đến nhà, mới qua sân, tới bậc thềm, tôi chỉ kịp chào mẹ tôi một câu ngắn gọn.   Sau đó, tôi vội đặt ba lô xuống, chạy ra chum nước mé sân.   Việc đầu tiên tôi làm để giải nóng bức là, tay tôi cầm lấy cái cán gáo, vục gáo vào chum, múc một gáo nước đầy.  Tôi cúi đầu xuống, dội nước từ phía sau đỉnh đầu cho nước chảy tràn xuống bốn phía :Trước trán, hai bên thái dương, hai tai.  Cuối cùng, tất cả nước đều dồn xuống mặt mũi.  Tay còn lại, tôi xoa lên mặt mũi cho nước mát ngấm vào da, cho mồ hôi trôi đi.   Nước mưa được hứng từ cây cau, chum nước lại đặt dưới đất ẩm.  Cạnh chum là những bụi cây rau thơm tươi tốt.  Tất cả đã giữ cho nước trong chum mát lạnh là thế.   Nhưng tôi phải dội lên đầu tôi tới gáo nước thứ ba, đến lúc ấy mới tạm dịu được cái nóng nực trời cho khi tôi đi trên đường.   Kéo chiếc khăn mặt vắt sẵn trên vai đã ướt đẫm mồ hôi xuống, tôi thả vào cái chậu sắt tráng men hoa, dội nước, vò khăn cho sạch mồ hôi.   Một tay tôi mở phanh cúc áo ngực, một tay thay nước sạch vào chậu.    Rồi sau đó, tôi dùng khăn vắt chưa khô hẳn, lau lên cổ, ngực, nách và hai cánh tay.   Nước còn lại trong chậu được tôi vụm tay, vớt té lên hai ống chân để rửa cho sạch sẽ.

    “Vào nhà chưa được bao lâu, tôi thấy đầu mình đau như búa bổ, mặt nóng bừng bừng, hơi thở ào ào.  Suốt dọc xương sống tôi ớn lạnh như có gió lùa.  Thế là tôi phải lên giường nằm.   Mẹ tôi thấy con uể oải, mệt mỏi, cụ tới sờ vào đầu tôi và nói: “Con bị cảm rồi.  Ban nãy nghe tiếng con chào mẹ, mẹ còn đang làm dở việc trong nhà.   Khi ra đến cửa thì đã thấy con dội nước lên đầu, mẹ không kịp ngăn lại.   Bây giờ các con đang lúc tuổi còn trẻ, sức còn khoẻ, không biết giữ gìn, nên muốn sao làm vậy.   Ngày xưa, ông bà đã dặn mẹ : Khi đi nắng, làm việc ngoài nắng về, phải ngồi nghỉ ở nơi râm mát cho ráo mồ hôi, bấy giờ mới được rửa ráy, tắm gội.   Lại còn phải nhớ, bất kể là giờ nào, mùa nào, trước khi tắm gội, phải dội nước cho ướt khắp hai bàn chân, tới cổ chân, sau đó mới được dội nước lên người.   Có làm đúng như thế, mới tránh được cảm lạnh đột ngột.   Chiều hôm đó mẹ tôi nấu cho tôi nồi cháo có hành tươi, tía tô thơm phức.   Cụ còn đập vào bát cháo nóng một quả trứng gà nhà mới đẻ.   Khuấy cho trứng tan đều trong cháo, cụ đưa cho tôi ăn.  Tôi ăn xong bát cháo, mẹ tôi nói tôi nên nằm xuống.  Cụ kéo chăn trùm lên người tôi và dặn tôi: “Con phải đắp kín chăn lên người cho ra được mồ hôi.”  Tôi mệt quá, ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy thì trời đã tối hẳn.   Mẹ tôi giục em tôi đi sắp cơm cho tôi ăn (cả nhà muốn để tôi nghỉ, nên đã ăn cơm trước), cơm của tôi, mẹ tôi đang ủ lại trong bếp cho nóng.
     “Lúc này cơn sốt đã giảm, nhưng tôi không muốn ăn cơm.   Mẹ tôi cũng không ép tôi ăn.  Cụ nói: “Nồi cháo mẹ nấu lúc chiều đang còn, khi nào con thấy đói, mẹ đun nóng lại cho con ăn.”  Rồi cụ lại nói tiếp: “Con đã ăn cháo nóng, đắp chăn kín mít, thế mà không ra mồ hôi được, con bị cảm nặng rồi đấy.”   Suốt đêm đó tôi chập chờn lúc tỉnh, lúc mê.   Khi tỉnh, tôi thấy toàn thân đau như sâu cắn.   Sáng hôm sau, tuy thấy người mình còn mệt mỏi, nhưng tôi đã xin phép mẹ cho tôi được trở lại đơn vị.   Tôi nói với mẹ tôi rằng: “Con lên đơn vị còn có quân y, có đồng đội lo cho con.   Nếu con ở nhà, ngộ nhỡ bệnh con nặng hơn lên, vất vả cho mẹ và em quá.”   Mẹ tôi thấy tôi nói phải, nhưng cụ vẫn thu xếp để em tôi cùng đi theo giúp đỡ tôi trên đường.
      “Từ hôm lên đến đây, như các bạn đều biết, quân y đơn vị vừa tiêm, vừa cho uống thuốc, đã được hơn một tuần lễ, bệnh vẫn không dứt.   Hiện giờ, tôi như kẻ ốm vờ, không còn sốt cao, nhưng luôn luôn ớn lạnh, sợ gió.   Ngửi thấy hơi cơm nóng là tôi sợ ăn như muốn nôn nao.    Khắp các khớp xương thì đau mỏi.   Tôi chỉ muốn nằm, nhưng nằm thì không yên, phải luôn xoay người, quăng quật tay chân.   Quân y muốn cho tôi đi nằm viện, nhưng tôi lại không muốn, chỉ vì thấy bệnh mình chẳng được xếp vào danh mục nào cả...”

     Ông M. Đ. kể tiếp chuyện với tôi: “Thấy Đ.C. nói thế, tôi hỏi thử: “Đ.C. có dám để M. Đ. châm chữa bệnh này cho Đ.C. không?”   Đ.C. chưa kịp trả lời, tôi đã nói luôn (cũng là để các bạn cùng phòng đều nghe): “Bệnh này, ngày xưa các cụ gọi là bệnh “mùa lào”, “đậu lào.”  Uống thuốc nhầm, dễ dẫn tới bệnh nặng hơn và rất nguy hiểm.  Dân gian thường chích lể, khêu nặn, hoặc đánh gió, đánh cảm bằng củ ráy, trứng gà luộc có nhét đồng bạc trắng hoa xoè vào trong.   Có người còn sao tóc rối cho nóng để xoa xát khắp người.    Những thứ đó hiện đây ta không có.   Tôi có thể châm cho Đ.C. theo bài châm 1 kim của ông Sửu mới truyền cho.”   Thấy nói đến 1 kim, Đ.C. có vẻ chấp nhận được.  Đ.C. hỏi lại tôi: “Này M. Đ. !  Có đau lắm không đấy?”   Tôi nói: “Không đau bằng tiêm thuốc đâu.”  Tôi lấy ra một cây hào kim nhỏ xíu, thân kim dài 2 thốn.   Sát trùng kim và huyệt Ngoại quan xong, tôi tiến kim thấu tới phía trong của huyệt Nội quan, chưa gây thủng da ở huyệt Nội quan.   Cổ tay của Đ.C. nhỏ nhắn như tay phụ nữ, cho nên, độ sâu của kim hai thốn cũng rất vừa.  Theo lời anh đã nói, tôi ướm chừng từ 3/3 đến 2/3 độ sâu, tiến hành làm thủ pháp vừa nâng ấn kim, vừa vê kim tả pháp ở độ sâu này 36 lần.  Hết số đếm đó, tôi lùi kim ở độ sâu 2/3 đến 1/3, lại làm nâng ấn kim, vê kim tả pháp 36 lần tiếp theo.  Hết số đếm đó, tôi lùi kim lên ở độ sâu 1/3 cuối cùng đến dưới da, tiến hành làm nâng ấn kim, vê kim tả pháp ở độ sâu này cũng đủ 36 lần.   Hết số đếm đó, tôi lắc khích lỗ kim rồi rút kim.   Kim ra khỏi huyệt, tôi không bịt lỗ kim ngay.  Đợi chừng 2-3 giây sau, tôi bịt lỗ kim và sát trùng.  Châm xong tay trái, tôi chuyển sang châm  tay phải.  Châm chữa xong, Đ.C. với tay lấy lọ trà, pha ấm trà mới , mời mọi người cùng uống.   Tuần trà mới chưa tàn, Đ.C. đã thốt lên: “Ơ khá thật, bây giờ mình thấy không còn ớn lạnh và sợ gió lùa nữa.   Cảm giác về cái nóng nực của khí trời rõ rệt lắm.”  
      P.X. là người hay châm chọc M. Đ., lúc này anh nhìn M. Đ. cười khẩy một cái, rồi nói: “Cậu ấy uống nước trà nóng vào, cảm thấy nó thế đấy.”   Đ.C. liền nổi cáu nói: “Mình ốm cả tuần nay, có bao giờ thấy được cảm giác này đâu.  Mặc dù mấy ngày qua, ngày nào chúng mình chẳng hội trà, bàn bạc chuyện phiếm. P.X. nên bỏ cái thói châm chọc M. Đ. ấy đi, để có ngày còn nhờ đến cây kim tay trái đó đấy.”
     Ông M. Đ. kể tiếp với tôi: “Sau đó Đ.C. khoẻ dần rồi khỏi hẳn.”

     Tôi và ông M. Đ. uống nước xong, ông hỏi tôi: “Tên của phép châm này gọi là thấu thiên lương, người xưa dùng để chữa các chứng thực nhiệt, tà hoả thịnh.   Nay dùng vào chữa chứng bán biểu bán lý, có ớn lạnh, sợ gió, cũng rất hiệu quả là tại sao?”   Tôi nói: “Theo Lục kinh biện chứng, ngoại tà gây bệnh, thoạt đầu là lấn vào Thái dương kinh.  Thời gian tà ở Thái dương kinh thường rất ngắn, sau đó lấn sâu vào Thiếu dương kinh và Dương minh kinh, gây ra sốt cao dữ dội.   Có khi trong cơn sốt, người bệnh kèm theo mê sảng.  Nhưng trong nhiều trường hợp, tà vào tới Thiếu dương kinh thì dừng lại ở đó, gây ra chứng bán biểu bán lý kéo dài. 
     Ta châm Ngoại quan thấu Nội quan, làm đề sáp tả pháp, tức là nâng kim lên mạnh, ấn kim xuống nhẹ,  có ý nhằm lôi tà nhiệt ra ngoài, nâng chính khí bị lấn ép ở sâu lên, giúp cho sức đuổi tà khí mạnh hơn.   Chia độ sâu ra làm ba bậc để làm thủ pháp, tức là đuổi tà khí ra đến đâu, củng cố ngay chính khí thay vào đó.   Thiếu dương kinh gồm Thiếu dương tam tiêu và Thiếu dương đảm, lấy huyệt Ngoại Quan trên kinh Thủ thiếu dương tam tiêu làm chủ huyệt, vì cùng là thiếu dương kinh; Ngoại quan, nghĩa chữ là “cửa ải của ngoại tà”,“có quan hệ với ngoại tà”, do đó hiệu quả chữa rất mạnh.”

    Ngày nay mỗi khi nhớ tới cố nghệ sỹ M. Đ., tôi không thể quên được câu truyện ông đã kể, nên tôi viết lại để mọi người cùng xem. 

      Từ ngày cơ chế thị trường mở ra, dân ta có nhiều người mắc phải bệnh này.  Đó là do máy điều hoà nhiệt độ được lắp đặt ở khắp mọi nơi, từ phòng làm việc, đến phòng ngủ, xe chở khách chất lượng cao.   Do nhiệt độ trong, ngoài nơi đặt máy điều hoà nhiệt độ có sự chênh lệch nhau quá cao.  Khi người ta ra vào những nơi ấy, sức thích nghi không đáp ứng kịp biến đổi đột ngột của hoàn cảnh, cho nên họ bị bệnh này.   Chúng ta đều có thể dùng phép thấu thiên lương, châm trên huyệt Ngoại quan thấu huyệt Nội quan để chữa, hiệu quả đều tốt cả.




Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009