Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 11


Hôm nayHôm nay : 1839

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 19080

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4051344

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa chứng đau bụng dưới, nghi viêm cơ đáy chậu

Chủ nhật - 28/07/2019 15:44
Một buổi sáng cuối mùa xuân năm 1993, tôi vừa quét nhà, rửa mặt xong, liền nghe thấy tiếng chân bước nhanh, vội, nặng bình bịch, rẽ vào ngõ nhà tôi.   Thì ra đó là anh Ng. H. H. đến.  Anh bồng con gái trên tay, bước vào.

     Đặt cháu xuống giường xong, anh H. kể: “Thưa thầy, khoảng hơn ba giờ sáng nay, cháu kêu đau ở vùng bụng dưới, bên phải, gần rãnh bụng, háng.   Em thử sờ tay vào nơi cháu chỉ, cháu vội đẩy tay em ra.   Nhìn chân phải cháu không duỗi thẳng ra được, em lại nghĩ đến có thể là cháu bị viêm ruột thừa cấp tính.   Em vội sang nhà ông bác sỹ bên cạnh, đánh thức ông dậy, mời ông sang thăm khám cho cháu.   Ông không nề hà, vội vàng chuẩn bị đồ nghề.   Chỉ mấy phút sau ông đã có mặt ở nhà em.   Ông làm mọi động tác thăm khám, và ông đã loại trừ dần các dấu hiệu ít điển hình.   Cuối cùng, sau gần một giờ đồng hồ, ông nói với em: “Tôi nghi đây là chứng viêm cơ đáy chậu nhiều hơn.”       Em hỏi lại ông:   “Thưa bác sỹ, bệnh này cách chữa có phiền toái lắm không ạ?”   Ông nói: “Nếu đúng là viêm cơ đáy chậu, theo tôi biết, hiện nay người ta thường dùng đến cách chiếu xạ để chữa.”   Nghe ông nói đến đấy, em cảm thấy sợ.   Em nghĩ, cháu là con gái, mới gần bốn tuổi, nơi đau lại ở gần vùng phần phụ, nếu phải chiếu xạ, e sẽ ảnh hưởng tới tương lai của cháu.   Sau khi tạ ơn ông bác sỹ, em xin phép đưa cháu đi bệnh viện ngay.   Thực ra, lúc này em đã nghĩ đến việc nhờ thầy, nên em gọi xe xích lô chở em và cháu đến đây.”  Tôi ngồi xuống cạnh cháu, bảo cháu thử duỗi thẳng chân phải ra.   Cháu đã cố gắng duỗi chân, nhưng không duỗi được.   Cháu nói: “Duỗi thẳng chân ra đau lắm ông ạ.”   Tôi lại bảo cháu co cả hai chân lên làm cho bụng mềm ra.   Tôi sờ tay vào vùng đau của cháu, thấy bụng cháu mềm.   ấn hơi nặng tay thì thấy một bó cơ từ trong mào chậu trước trên, kéo dài tới đáy chậu, hơi co cứng hơn  (có lẽ là cạnh trong cơ thắt lưng và cơ hình lê), lúc này cháu mới kêu đau.
     Tôi lấy kim ra, sát trùng xong, tôi châm vào giữa bó cơ ấy.   Nơi tôi châm kim là giữa mào chậu trước và huyệt Quan nguyên trên đường mạch nhâm, cũng chính là vị trí của huyệt Thủy đạo.   Châm sâu được khoảng hơn một thốn, tôi làm thủ pháp vê tả 36 lần, ngừng mấy giây tôi lại vê tiếp như thế.   Sau ba nhịp vê thì tôi rút kim ra.   Tôi nói với cháu: “Cháu thử duỗi chân phải thẳng ra.”   Cháu từ từ duỗi thẳng ra được mà không thấy đau.   Tôi lại đỡ cháu ngồi dậy.   Cháu ngồi lên cũng không thấy đau.   Tôi nói với cháu: “Cháu hãy thử đứng lên.”   Cháu chống hai tay xuống giường rồi từ từ đứng thẳng lên được, không thấy đau nữa.

     Lúc này H. hỏi tôi: “Thưa thầy, thầy chẩn đoán là bệnh gì ạ?”   Tôi nói với H.: “Nếu ta loại trừ được chứng viêm, nghĩa là không thấy sốt, mạch không nhanh, chỉ thấy mạch ở xích bộ huyền, sáp, là thuộc chứng đau sán khí (một tên chung của nhiều loại đau co rút trong vùng bụng dưới).”   Tôi nói tiếp: “Bây giờ H. đưa cháu về nghỉ, chiều nay châm thêm cho cháu lần nữa, rồi theo dõi.   Nếu có vấn đề gì nghi ngại, Hải đến đây cho tôi biết.”  
    H. nói: “Thưa thầy, vợ chồng em mới có một cháu, em có thể châm chữa cho người khác được, nhưng không dám châm cho cháu.   Vả lại, vợ em vừa nhát, vừa thương con, rất sợ nghe tiếng con khóc, không bao giờ cho em động kim vào người cháu.   Nếu cháu còn đau nữa, em sẽ đưa cháu đến nhờ thầy.”   Tôi nói với Hải: “Chẳng cần phải thế đâu.  Nếu H. sợ châm cho cháu, hãy lên phố Lãn Ông mua 50 gram Quất hạch, đem về sao vàng, hạ thổ, chia làm ba ngày, sắc nước cho cháu uống cũng được.”  
      Nghe tôi nói xong, H. nhắc con gái khoanh tay lại chào tôi, sau đó H. xin phép tôi đua con gái về.  
      Chừng một tuần sau, H. đến thăm tôi và nói: “Em đưa cháu về đến nhà, cháu đã tỉnh táo.   Em đi mua Quất hạch về.   Tuy cháu không còn đau nữa, nhưng em vẫn sắc thuốc cho cháu uống đủ ba ngày.   Nay thì yên tâm rồi.   Ông, bà nội cháu và mẹ cháu mừng lắm.”  
    Tôi nói với H.: “Việc loại trừ chứng viêm ruột thừa, chúng ta đã nhờ ở công khám và theo dõi khá lâu của ông bác sỹ.   Chúng ta chỉ còn hướng về chứng đau do co thắt cơ, nên mới giải quyết được nhanh như thế.   Chắc chắn H. không thể nào quên được lần xử lý này?”   H. cười và nói:
“ Vâng ạ.”  

     Tôi giải thích thêm cho H. về phương huyệt độc vị vừa châm có hiệu ở ca bệnh này như sau: “Lý luận Đông y cho rằng  “Sán khí” là chứng thuộc kinh can, can chủ cân, cân (gân) gây ra co thắt.   Vùng đau ở bụng dưới, bụng dưới thuộc thận chủ quản.   Huyệt Thủy đạo, tuy ở trên kinh vị, nhưng tác dụng đặc hiệu của nó là chữa các chứng bệnh của thận, bệnh của đường nước (Thuỷ đạo là đường nước).   Huyệt lại ở trên chính bó cơ co rút, nên còn thêm giá trị điều chỉnh tại chỗ.   Quất hạch là loại thuốc giáng khí, tán kết, khoan trung; vị khổ; tính vi ôn.   Thuốc này có tác dụng chữa đau sán khí, viêm tuyến vú, làm cho lui sữa.
      Với loại cơn đau như ca bệnh này, ta có thể dùng một trong hai cách đó đều được.   Có điều là, dùng cách châm kim, kết quả nhanh chóng hơn.”


Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ