Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 42


Hôm nayHôm nay : 595

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16488

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4048752

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa bệnh thuỷ đậu, bệnh sởi trẻ em bằng phụ phẩm của cây lúa

Thứ bảy - 17/08/2019 07:59
Đầu mùa đông năm 1972, sau khi từ chiến trường B trở về miền Bắc, tôi được đến nghỉ tại Viện Điều dưỡng Ba Vì (nơi dành riêng cho chúng tôi, những người đã qua nhiều lần khám chữa bệnh ở các bệnh viện).
Một hôm, tuy trời đã sang đông, nhưng khí hậu còn rất oi ả, khó chịu, ông Th., quản trị trưởng của Viện đến gặp tôi.  Ông nói: “Thằng con nhỏ nhà tôi được gần hai năm tuổi, mấy hôm nay cháu bị sốt.   Người cháu nóng hầm hập suốt cả ngày lẫn đêm.  Cháu không chịu cho bế, đụng vào người cháu là nó lại khóc toáng lên.  Chân tay, mình mẩy cháu mọng căng, lác đác có những mụn nước chìm dưới da, xung quanh là quầng đỏ.   Hôm cháu mới sốt, cô y sỹ ở nhà trẻ phát hiện thấy cháu có mụn, cô đã cho cháu uống thuốc kháng sinh.   Cháu không những không đỡ, mà sốt và đau lại càng tăng hơn.  Cháu phải nghỉ ở nhà để gia đình chăm sóc cho cháu.”  Ông nói xong liền mời tôi sang xem giúp bệnh cho con ông.
Nhà ông Th. ở bên ngoài khuôn viên của Viện Điều dưỡng.  Ra khỏi cổng viện, chúng tôi rẽ về phía tay phải, đi theo đường liên xã.   Cách cổng Viện chừng 300 mét, phía bên kia đường là lối vào nhà ông.   Hai bên ven đường và lối vào nhà ông đều có hàng cây bạch đàn cao vút.   Nhà ông quản trị trưởng làm bằng tre nứa, mái lợp lá cọ (lá kè).   Xung quanh có vườn cây bạch đàn xanh tốt.  Phía trước, bên ngoài vườn bạch đàn là nương sắn, gia đình ông vỡ hoang đồi sỏi, tăng gia sản xuất thêm.   Sau lưng nhà ông có vườn đồi thoai thoải xuống tới bờ ruộng lúa đã gặt.   Ruộng khô, đất nứt nẻ, trơ ra những gốc rạ theo hàng lối cấy chăng dây rất thẳng hàng.  
Khi tôi vào đến nhà, không khách sáo, ông đưa tôi thẳng tới giường cháu bé nằm.    Xem xét tình trạng toàn thân và cụ thể các mụn nước trên người cháu, tôi biết đây là bệnh thuỷ đậu.   Tôi hỏi thêm ông: “Ở nhà trẻ, nơi ông gửi cháu, ông thấy có nhiều cháu bị sốt như thế này không?”    Ông nói: “Cũng có mấy cháu bị sốt phải nghỉ học đấy.”   Tôi nói để ông được biết: “Thuỷ đậu là một bệnh lây, lại không được dùng thuốc kháng sinh.   Cháu nhà ông đây do y sỹ cho dùng thuốc kháng sinh, mụn không mọc thấu ra ngoài da được, bị hãm lại ở dưới mặt da.   Do đó cơ và da của cháu cương lên đau đớn.”  Con gái lớn ông, chừng hơn mười tuổi đang ngồi cạnh em, quạt cho em, chăm chú nghe tôi và bố cháu nói.  Tới đây, cô bé cũng xin góp chuyện.   Cô nói: “Bố ơi, ban nãy bà B. trong xóm vào nhà ta chơi, sau khi thăm em, bà cũng nói em bị bệnh thuỷ đậu đấy bố ạ.”   Tôi quay sang nói với cháu gái: “Cháu để bố cháu quạt cho em, cháu hãy xuống ruộng (tôi vừa nói vừa chỉ ra cửa sổ, cánh cửa bằng phên nứa đã được chống lên cho thoáng), nhổ lấy mười gốc rạ đem về đây, chú bầy cách làm thuốc chữa bệnh cho em cháu.”    Cháu gái mở tròn mắt nhìn tôi rồi nhìn sang bố cháu, ý chừng là chờ đợi xem bố có nói gì chăng.   Ông Th. nói với con gái: “Con đưa quạt cho bố, con mau đi xuống ruộng, nhổ đúng mười gốc rạ lên, đập cho rụng đất đi rồi đem về đây cho bố.”   Cháu bé hai tay đưa chiếc quạt nan cho bố, vội chạy ra khỏi nhà.   Lát sau cháu bé về, với 10 gốc rạ để trong chiếc rổ, đặt rổ xuống nền nhà.   Tôi ngồi xuống, đổ đám gốc rạ ra, tay tôi cầm gốc rạ lên, xé ra từng cọng, đập lại cho đất khô bám quanh rễ lúa rụng hết đi.   Đập xong tôi xếp cọng rạ vào rổ.   Cháu bé cũng ngồi xuống, nhìn tôi làm và bắt chước làm theo nên việc cũng nhanh chóng hơn.   Đúng lúc đó thì bà Th. đi làm cỏ nương sắn cũng vừa về đến nhà.   Tôi nói với bà Th. : “Bác đem ngay đám gốc rạ này bỏ lên chảo, sao cho cháy sém rồi hạ thổ, úp chảo lên đậy kín lại.”    Bà Th. vốn đã biết tôi có nghề thuốc Nam.   Nay thấy chồng mình ngồi bên cháu bé cùng tôi, lại được ông giục thêm: “Bà làm ngay theo chú dặn đi.”   Bà vội vàng bê rổ gốc rạ xuống bếp.   Tôi ngồi dặn dò ông thêm: “Khi bà nhà sao thuốc, hạ thổ xong, ông nói với bà đem ra giếng, rửa sạch đất cát đi.   Sau đó cho vào soong, đổ nước ngập thuốc, đun kỹ, chắt nước vào chai, cho cháu uống suốt chiều, tối và đêm nay cho hết số thuốc nước ấy.”   Ông Th. nói với tôi: “Chú cứ yên tâm, tôi sẽ làm đúng như chú dặn.”    Tôi chào mọi người rồi ra về.   Ông chỉ tiễn tôi ra đến giữa sân rồi quay lại vào bếp.
Đầu giờ làm việc sáng hôm sau, ông Th. vào Viện làm việc.   Ông chưa vào khu nhà văn phòng ngay, ông đi thẳng xuống dãy nhà tôi ở.   Gặp tôi, ông hồ hởi nói : “Đêm qua cháu đã giảm sốt, sáng nay chân tay cháu mềm hơn, cháu cho tôi xoa, sờ vào người cháu.   Tôi nhìn các nốt mụn nước của cháu đã thấy nổi phồng cao hơn mặt da, quầng đỏ xung quanh đã nhạt màu hơn.”   Tôi nói với ông: “Ông vẫn phải làm thuốc cho cháu uống đủ ba ngày.    Ngoài ra, ông phải lấy một ít thuốc sau khi sao sém và hạ thổ để riêng, đem số thuốc ấy đốt thành tro.   Tro thuốc đó đem nghiền nát, gói riêng, dùng để rắc lên những mụn bị vỡ chảy nước ra.   Tro thuốc sẽ hút khô nước, tạo thành vảy che đậy cho mụn tránh bị nhiễm trùng làm độc.”    Thế rồi, từ đó bệnh cháu khỏi dần.   Tôi đã nhắc ông Th.: “Theo dân gian truyền khẩu, bệnh thủy đậu, phổng rạ, sau khi khỏi, phải lấy cỏ chân vịt (áp chích thảo), rửa sạch, nấu nước tắm cho cháu, sẽ không để lại di chứng về sau.”

Có anh em đã hỏi tôi : “Bệnh này có giống bệnh đậu mùa không?”  Tôi giải thích như sau :
“Sách Đông y nhi khoa viết :
“Thủy đậu còn gọi là thủy hoa.  Do độc tố của bệnh truyền nhiễm bào chẩn cấp tính gây ra, bệnh ưa phát ở hai mùa đông, xuân.   Trẻ em từ 1 đến 4 tuổi rất thường mắc.   Bệnh này bởi phong nhiệt độc từ mũi, miệng hít vào, xâm phạm vào phế, phát ra ở da thịt, cơ biểu.   Bệnh tình rất nông, chủ yếu là ở phần vệ, phần khí, rất ít xuất hiện chứng hậu ở doanh, huyết.
Chứng trạng chủ yếu:
    1- Trong vòng 1 - 2 tuần lễ, có tiếp xúc với người bệnh thủy đậu, da dẻ xuất hiện mụn bọc nước trong như giọt sương, chung quanh có quầng đỏ màu phấn hồng, có làm ngứa gãi.   Bào chẩn chia nhau mọc ra, mất đi, hoặc kèm phát sốt và viêm nhiễm đường hô hấp trên...”
“ 2 - Quan sát bào chẩn đúng là hình tròn hay hình tùy viên, có hay không có hố lõm hình lỗ rốn, quầng đỏ xung quanh nông hay sâu ra sao, có hay không có mâm rễ, mọc ra mất đi không đều nhau, mức độ phát sốt nặng hay nhẹ, dựa vào đó để phân biệt thủy đậu  với đậu mùa (thiên hoa), trứng cá (thiên bào).
Đậu mùa (thiên hoa) : Nhất định là sau khi phát sốt ba, bốn ngày mới thấy điểm, có các quá trình thấu chẩn, nổi căng lên, chảy nước sền sệt, kết vảy.   Chính giữa bào chẩn có hố lõm hiện rõ hình lỗ rốn, mọc ra, bay đi mất không đều nhau, chứng trạng toàn thân nặng. 
Trứng cá (thiên bào) : Thường thấy ở mùa hạ, thu.  Nói chung không phát sốt, bào chẩn lớn, không có mâm rễ, không có quầng đỏ, bọc da rất nông.
  3 - Chú ý vòm mồm và hầu họng có hay không có bào chẩn, có thể phân biệt nặng hay nhẹ của thuỷ đậu.
  4 - Nếu thấy sốt cao, sợ hãi, vật vã không yên, cần chú ý các chứng kèm hợp với bệnh này.
Biện chứng thí trị :
Nguyên tắc trị bệnh này nói chung : Lấy thấu biểu, thanh nhiệt, giải độc làm chủ.  Dựa vào bệnh tình nặng nhẹ mà phân biệt xử lý.
Chứng nhẹ : Hạt điểm thủy đậu rất thưa; sáng sạch như hạt sương, thuần cả hệ bọc nước.  Bốn xung quanh hơi hồng, nói chung phát sốt nhẹ, hoặc không sốt, hoặc hơi có ho hắng nhẹ và chảy nước mũi.  Ăn uống và tinh thần như thường.  Tà đó biểu hiện ở vệ, khí.
Phép chữa : Sơ phong, thanh nhiệt, giải biểu...”
Chứng nặng : Hình mụn độc to và dầy, sắc tím tối, chất trong vẩn đục, sền sệt, mâm rễ hiện rõ, xung quanh có quầng đỏ thẫm.  Kèm có sốt cao, phiền khát, mặt đỏ, môi hồng. Miệng má mọc mụn bọc, lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, tà đó đã vào phần khí, doanh.
Phép chữa : Thanh khí, lương doanh, giải độc...”

Có người lại hỏi : “Chữa thủy đậu bằng gốc rạ, sao vàng, hạ thổ, sắc nước uống, tôi không thấy sách nào nói đến cả?”    Xin thưa, bài thuốc này tôi học được ở anh Năm (quê anh ở Quảng Nam, một vùng quê có truyền thống giỏi dùng thuốc Nam bằng cây cỏ), anh là cán bộ ban Kinh tài huyện Đơn Dương, từ những ngày tôi công tác ở địa bàn (năm 1968) cùng anh.   Anh còn dặn tôi : “Vào những thời điểm không tìm được gốc rạ, ta có thể lấy rơm khô trong đụn rơm dành cho trâu bò ăn.  Hoặc có thể rút rạ ở mái lợp xuống dùng cũng được.”

Từ khi về Hà Nội, tôi đã mách cho nhiều gia đình có con nhỏ lên sởi, hoặc thủy đậu, hãy mua một chiếc chổi rơm, đem về bỏ dây lạt buộc, lấy rơm băm nhỏ.   Sao vàng hạ thổ, rửa sạch.   Chia làm ba phần.   Mỗi ngày dùng một phần, cho vào sắc nước thành thuốc nước cho trẻ uống hết trong ngày.   Sau ba ngày uống thuốc, trẻ mọc sởi ra rất đều, rồi bay dần, không để lại di chứng (chạy hậu) cho trẻ.

Xin giới thiệu để các bậc ông bà, cha mẹ và đồng nghiệp lưu ý.  Khi cần đến hãy sử dụng cho con cháu mình được mau khỏi bệnh và an toàn.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ