Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » T

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 8


Hôm nayHôm nay : 1168

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 13666

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4067309

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa bệnh nhiệt tả

Thứ sáu - 16/08/2019 20:56
Tôi không nhớ nổi ngày mùa thu ấy thuộc năm nào, nhưng là ở thủa sinh thời của cố nghệ sỹ điêu khắc quân đội M. Đ..   Bởi vì, lúc đó ông đi làm hoạ sỹ chính cho bộ phim: “Đòn trừng phạt cuối cùng”, của đạo diễn điện ảnh Bạch Diệp vừa xong.   Về nhà nghỉ chưa bao lâu, ông đã ghé lại thăm tôi và cho tôi quà xứ Huế.
      Gặp tôi, ông không kể về quá trình đi quay phim ra sao, nhưng ông lại kể ngay với tôi về chuyện ông bị đau bụng trên đèo Ngang lịch sử.   Ông nói: “Ngày đoàn làm phim lên đường là vào giữa mùa hè.   Đồ nghề của đoàn mang theo khá nhiều và lủng củng.  Tôi cũng như các thành viên khác của đoàn, phải chia nhau ngồi trên xe tải hiệu Giải Phóng do Trung Quốc sản xuất để trông coi, bảo vệ tài sản chung...”
      Ngày ấy đất nước ta vừa thống nhất, xã hội chưa mở ra cơ chế thị trường, nhưng những quán ăn ven dọc các quốc lộ đã mọc lên nhiều hơn, nhằm phục vụ khách đi đường.   Tôi cũng có nhiều lần đi công tác trên các trục lộ ven biển, như, đường đi từ Hải Phòng đến Quảng Ninh, từ Thanh Hoá đến Quảng Bình... Món canh thông dụng mùa hè ở các quán ăn đều có là: “Canh cá nấu dưa chua.”   Món này ngon miệng, đưa cơm, được khách hàng rất ưa dùng.   Nhưng cũng chính món ăn đó lại là nguyên nhân đã gây ra nhiều vụ đau bụng, tháo dạ cho khách đường xa.   Bản thân ông M. Đ. cũng là một nạn nhân của món canh đó.
     Ông kể :“Trước khi qua đèo Ngang, đoàn làm phim chúng tôi nghỉ ăn cơm ở một quán ven đường.   Thấy món đặc sản “Canh cá nấu dưa chua” có vẻ ngon miệng, mọi người đều gọi món này.   Cơm nước, nghỉ ngơi xong, đoàn xe tiếp tục hành trình.    Khi xe tôi ngồi, leo lên tới một đoạn đường đèo có độ dốc khá lớn, lại vào vòng cua liên tục, xe phải đi số nhỏ, tiếng máy xe nổ to như gầm lên.   Cánh cửa ca bin và hòm xiểng xếp trên xe cũng rung lên,   hợp tấu cùng tiếng máy xe và gió ngàn ào ào thổi, làm cho tai tôi không phân biệt nổi loại âm hưởng ấy gây cho mình vui hay khó chịu nữa.   Đúng lúc ấy, bụng tôi quặn lên, đau như dao cắt ruột, kèm theo là buồn đi đại tiện.   Tôi ngồi trên ghế dài, cạnh bên phải thành xe, lại sát bên cửa ca bin.   Tôi ngoái đầu, cố gọi thật to, nhưng lái xe không nghe thấy tiếng tôi.   Bí quá, tôi với lấy một khúc gỗ ngắn đang lăn lóc dưới thùng xe, tôi đưa lên đập mạnh liên tiếp vào nóc ca bin, đúng chỗ phía trên đầu cậu lái xe.   Cậu lái xe không hiểu chuyện gì đã sảy ra, vội lánh xe sát vào vệ đường rồi từ từ dừng xe lại.   Chỉ đợi có thế, tôi vội ngoắc ba lô vào một bên vai, leo qua thành xe, bám vào tấm gỗ thành xe rồi thả người xuống đất.   Chân vừa chạm đất, tôi đã vội vã cắm đầu chạy biến vào rừng, chẳng kịp nói với mọi người câu nào.   Vừa chạy tôi vừa cởi dây thắt lưng.   Tới chỗ có nhiều bụi cây che khuất, tôi vội vàng ngồi xuống giải quyết nỗi khổ.    Phân bắn toé ra như súng phun nước.   Hậu môn tôi nóng rát khó chịu, bụng vẫn còn quặn đau.   Tôi vội bỏ ba lô xuống, móc túi cạnh ba lô, lấy ra hộp kim và nhánh tỏi.   Tôi sát trùng kim, châm vào hai huyệt Hợp cốc, Ngoại quan, lần lượt vê kim theo tả pháp, vê liên tục từ huyệt này sang huyệt khác, vê trở đi, trở lại nhiều lần.   Bụng tôi từ đó cũng theo thời gian vê kim mà giảm đau dần dần.    Khi thấy bụng yên hẳn, cảm giác không cần ngồi thêm nữa, tôi thu dọn gọn gàng đồ đạc, tư trang và đi trở lại xe.   Ra khỏi bụi cây, tôi nhìn thấy mọi người trong đoàn đều đang ngơ ngác nhìn về phía mình.   Lúc này tôi thấy chân mình mỏi rã rời, không thể bước nhanh được.   Về tới mép đường, mọi người hỏi tôi lý do có việc bất ngờ này, tôi kể rõ đầu đuôi cho mọi người cùng nghe.    Ai cũng an ủi tôi và nói: May mà M. Đ. còn về được với đoàn.   Chậm ít phút nữa, chúng tôi phải truy lùng, tìm kiếm cho ra nhẽ.    Cả đoàn cùng cười, cùng nhau tháo chèn bánh xe rồi lên xe, tiếp tục hành trình.”

      Ông M. Đ. nói tiếp: “Ngày trước có lần anh nói với tôi, hai huyệt Hợp cốc, Ngoại quan chữa chứng nhiệt tả.   Hôm ấy tôi bị, tôi mới biết đặc điểm của chứng nhiệt tả là thế nào.   Tôi cũng lại được tự mình chứng nghiệm tác dụng của hai huyệt Hợp cốc, Ngoại quan với bệnh đó.”
      Nhân đấy, tôi nói với ông về bệnh nhiệt tả như sau :
      “Sách Đông y Nội khoa viết : Bệnh nhiệt tả thuộc phạm trù “ẩu thổ”, “tiết tả” trong Đông y.  Y học hiện đại gọi là “Viêm đường ruột cấp tính.”
      “Nguyên nhân và bệnh lý :
      “Bệnh này thường do tỳ vị hư nhược, ăn uống không hạn chế, ăn phải thức ăn sống lạnh và không sạch sẽ.   Hoặc do bị cảm thử thấp, đưa đến vị mất hoà giáng, tỳ mất vận hoá.   Nhân đó mà dẫn đến nôn mửa và tháo dạ.  Nếu nôn mửa không dứt, hao âm, thương dương, có thể xuất hiện chứng hư thoát.
     “Biện chứng luận trị :
“- Thấp nhiệt hình : Dấy bệnh nhanh chóng, nôn mửa rất đều đều, vật nôn ra chua hôi, phân như nước, sắc vàng, mùi hôi.  Khi đại tiện, phân rót mạnh xuống như bị ép phun ra, hậu môn nóng như lửa đốt.   Có thể có phát sốt, miệng khát, tâm phiền, vùng bụng đau như vắt ruột, nước tiểu ít mà đỏ.   Rêu lưỡi vàng trơn, mạch huyền, sác.
“- Phép chữa : Thanh nhiệt lợi thấp...
“- Hàn thấp hình : Nôn mửa, tháo dạ, phân như nước, không hôi lắm.    Mình nặng, chân tay mỏi, ngực bụng căng bứt rứt.   Tứ chi không ấm, nước tiểu ít.   Lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng trơn,    mạch nhu hoãn.
Phép chữa: Tán hàn, táo thấp, phương hương hoá thấp...
“- Hư hàn hình : Nôn mửa nhiều lần, đều đều, bụng đau, sắc mặt trắng bủng, ra mồ hôi, chân tay lạnh.   Thường có chuột rút bắp chân.    Miệng không khát, nước tiểu trong.   Chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch vi tế hoặc trầm trì.
“- Phép chữa : Ôn trung tán hàn...”

     Tôi nói thêm với ông M. Đ.: “Bệnh ông bị hôm đó thuộc về thấp nhiệt hình.   Cũng may mà ông còn thiếu chứng nôn mửa, nếu không, ông sẽ mỏi mệt hơn nhiều.”
    Ông M. Đ. hỏi tôi: “Bài châm đó ít huyệt, sao lại tác dụng mạnh, dứt được bệnh nhanh như thế?”
     Tôi nói: “Hợp cốc là nguyên huyệt của kinh Thủ dương minh đại trường.   Nguyên huyệt là huyệt trở về gốc từ trong tạng phủ.  Tác động vào Hợp cốc, tức là ta đã tác động vào phủ đại trường.  Ngoài đó ra, Hợp cốc còn là một trong ba huyệt hạ nhiệt toàn thân rất mạnh (Đại chuỳ, Hợp cốc, Khúc trì).   Ngoại quan: nghĩa chữ là “cửa ải của ngoại tà”, “có quan hệ với ngoại tà.”   Nó còn là lạc huyệt của kinh Tam tiêu.   Lạc là đường nối thông vào phủ Tam tiêu và nối với kinh Tâm bào.   Bệnh nhiệt tả là do thấp nhiệt hạ chú (thấp nhiệt rót xuống) phủ Đại trường.  Đại trường thuộc hạ tiêu, cho nên khi phối hợp hai huyệt Hợp cốc với Ngoại quan, làm thành tác dụng khử ngoại tà thấp nhiệt ở hạ tiêu và phủ Đại trường.   Do đó, nhanh chóng khôi phục lại công năng bình thường của hạ tiêu và phủ Đại trường, làm cho dứt bệnh nhiệt tả.


      Ngày nay, nơi đâu cũng có quán cơm bình dân, tuy nó đem lại nhiều tiện lợi cho người lao động, học sinh, sinh viên, nhưng ở đó cũng ẩn chứa nhiều mầm bệnh.   Yếu tố không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, chính là nguyên nhân gây ra bệnh tật cho thực khách.   Mùa hè, thức ăn chế biến sẵn để quá lâu, sẽ gây biến chất, làm cho tạp khuẩn phát triển.   Đứng đầu trong thức ăn mau hỏng, vẫn là món canh cá nấu dưa chua.   Xin mọi người hãy nên cảnh giác với món ăn này.
     Nếu chẳng may, có ai đó bị bệnh nhiệt tả, không kể do thức ăn là loại gì, hãy kịp thời lấy hai huyệt Hợp cốc, Ngoại quan, châm theo tả pháp mà cấp cứu.   Người bệnh có thể được thoát khỏi hiểm nguy một cách nhanh chóng, dễ dàng .


Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ