Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » T

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 6


Hôm nayHôm nay : 973

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16866

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4049130

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa bệnh đàn bà hành kinh tắm đêm, suốt cao, mê sảng. (Nhiệt nhập huyết thất, huyết biến vi tà).

Thứ bảy - 17/08/2019 21:29

     Tháng 5 năm 1992, mới vào đầu mùa hè, nhưng trời đã rất nóng.Thời đó, tôi  còn  ở  khu tập thể Uỷ ban Thống nhất, làng  Hào Nam, trong một căn phòng nhỏ, tường xây, mái lợp ngói.  Nhưng do nhà không có trần nên nóng càng dữ dội hơn.   Một hôm, ông bạn đồng nghiệp Ph.V.Th. đến thăm tôi, nhân đó ông hỏi tôi về một ca  bệnh ông đang chữa nhưng chưa thành công. Ông Th. nói: “Thưa thầy, em có một ca bệnh khó, bệnh nhân là cháu gái em.  Cháu bị cảm nặng, sốt rất cao, có nói mê sảng.  Em cho rằng tà đã vào đến khí phần và doanh phần,  nên đã cho cháu uống Thanh doanh thang gia giảm trọng tễ, nhưng  bệnh  của
cháu không chuyển.   Em muốn xin thầy góp ý cho.”
       Tôi hỏi ông Th.: “Ông cho tôi biết, cháu ông năm nay bao  nhiêu tuổi, làm nghề gì.”   Ông Th. đáp: “Cháu em hơn hai  mươi  tuổi, nhà cháu làm nông nghiệp.”    Tôi hỏi tiếp: “Theo ông  biết, đàn  bà  con, gái ở quê ông có tập quán tắm đêm hay không?”     Ông  Th.  nói : “Thưa thầy, chẳng riêng  ở  quê  em, bất cứ  gia  đình  nào  làm nông nghiệp, công việc ngày mùa rất vất vả. Nhất  là  lúc thu
hoạch vụ lúa chiêm này, chỉ có thể tắm  giặt  trước  khi  đi  ngủ,  cũng là lúc đêm đã khuya lắm rồi”. Nghe thấy thế, tôi dặn ông :“Ông hãy về hỏi lại cháu gái ông, có thể lần cảm nặng này cũng là thời  gian đến tháng kinh của cháu.”    Ông vội  thốt  lên : “Có  thế mà em cũng quên mất, khi xem mạch, chẩn bệnh cho cháu, em đã quên không hỏi phần này.”
       Hôm  sau  ông tới, ông  nói  với  tôi : “Đúng  là  như   thầy  dự  đoán, cháu đang hành kinh, bị cảm thì kinh bị bế lại.”   Tôi   nói kỹ hơn với  ông : “Đây là bệnh ở phần khí  và  phần  doanh,  nhưng  vì  tà  nhiệt  quá  thịnh, thừa cơ đến tháng  kinh, tà  nhiệt  nhập  huyết  thất, gây ra sốt càng cao và mê sảng.   Chứng không còn đơn thuần là nhiệt
nhập tâm bào nữa.   Ông  nên  chuyển  phương, hãy cho  cháu  ông uống  bài  “Huyết phủ trục ứ thang” để trục huyết ứ ra, bệnh sẽ khỏi.”
Ba hôm sau đó, ông đến thăm tôi và báo  lại : “Cháu uống hết thang “Huyết phủ trục ứ”, quả nhiên cháu  ra được nhiều huyết  cục, cháu giảm sốt, hết  mê  sảng.      Em lại cho  uống  tiếp  bài Thanh doanh thang, đến hôm nay bệnh cháu đã khỏi.”   Ông ngồi chuyện trò cùng tôi khá lâu và thoải mái.   Một lúc sau, ông tâm sự : “Em làm nghề Đông y đã 15 năm rồi, nay mới gặp  trường hợp này, khó quá.”    Tôi nói động viên ông : “Ta chưa gặp mặt bệnh nào đó,
làm sao ta có được kinh nghiệm.   Lần này ông trải qua, mới gọi là có kinh nghiệm chứ.  Tiện đây, tôi nhắc lại những nguyên tắc chính mà người thầy Đông y luôn phải vận dụng khi chẩn bệnh:
       *Người bệnh là trẻ nhỏ, phải hỏi về ăn uống, đại tiểu tiện.
       *Người bệnh là thanh niên, trẻ, khoẻ, phải hỏi về ngoại cảm.
       *Người bệnh là phụ nữ, phải hỏi về kinh nguyệt, khí hư.
       *Với người già phải xét về bệnh mạn tính, suy yếu.
      Ca bệnh vừa qua, tuổi trẻ, nhưng là nữ, ông xét về ngoại cảm là đúng, nhưng còn thiếu hỏi về kinh nguyệt, khí hư.   Chắc chắn lần gặp những ca bệnh là nữ sau này, ông không thể quên được điều này.”  Ông Th. cười vui vẻ.
       Nhân đây, tôi cũng chép lại bài “Huyết phủ trục ứ thang”, nếu ai gặp bệnh nhân như ca bệnh vừa kể ở trên, đã có sẵn để  dùng ngay, đỡ công lục tìm sách vở.
       Huyết phủ trục ứ thang - (Sách gốc “Y lâm cải thác”).

      Đương quy  -  3 đồng cân,         Sinh địa -  3 đồng cân,
      Đào nhân   -  4 đồng cân,         Hồng hoa - 3 đồng cân,
     Chỉ xác      -  2 đồng cân,        Xích thược - 2 đồng cân,
     Sài hồ       -  1 đồng cân,          Cam thảo - 1 đồng cân,
     Cát cánh  -  1,5 đồng cân,    Xuyên khung 1,5 đồng cân,
                        Ngưu tất   -  3 đồng cân.

       Phương này là  hợp dùng  hai  phương : “Đào  hồng  tứ  vật thang”, và “Tứ  nghịch thang”, lại thêm Cát cánh, Ngưu tất.

       Đào  hồng  tứ  vật  thang, hoạt huyết, hành ứ.     Tứ  nghịch thang, sơ can lý khí. Gia  Cát  cánh,  khai  khí  ở  ngực  cách, Ngưu tất, dẫn huyết ứ đi xuống. Một thăng, một giáng, phối hợp thành phương, có thể trị chung các chứng khí trệ, huyết ứ. Cho nên gọi là “trục ứ”.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ