Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » S

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 6


Hôm nayHôm nay : 1291

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 17184

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4049448

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa chứng chân tay run rẩy do sốt rét kéo dài

Thứ sáu - 05/07/2019 03:36
      Cũng tại trạm xá huyện Đơn Dương trong rừng này, vào một buổi chiều, tôi thấy hai anh quân giải phóng đi bên nhau, họ vào khu đón tiếp của trạm.  Một anh đeo hai cái ba lô, cái ở trước ngực, cái ở sau lưng.  Trên vai anh khoác một khẩu súng A.K.  Anh kia hai tay chống hai gậy, rê bước chân chậm chạp, dáng người gầy yếu, xanh xao.
     Đợi sau khi giao, nhận bệnh binh xong, tôi đến gần để xem cuộc khám chẩn đoán nhập viện của bác sỹ Mạnh.  Khi thấy ông ngừng tay, tôi hỏi ông về kết quả khám vừa rồi. Ông nói với tôi : “Cậu Kiểm này là quân ở huyện nhà, do bị sốt rét, suy nhược mà bị yếu gân, cơ, gây ra run rẩy.”
    Tôi lại hỏi ông về hướng điều trị, ông cũng giảng giải cho tôi rằng : “Phải điều trị bằng thuốc chống sốt rét, đồng thời, tiêm thuốc trợ sức, bồi dưỡng bằng ăn uống.”  Ông ngồi lặng đi một lát, ông lại bùi ngùi nói với tôi : “Như ông biết đấy, thuốc chống sốt rét, ta chỉ có Ki na cờ rin. Còn như trợ sức, bổ gân, cần có B1, Sít tờ rích nin.  Những thứ này ở đây không có.  Ăn uống thì thương binh, bệnh binh nặng, sẽ được ăn cơm gạo trắng, không độn. Thực phẩm chủ yếu bây giờ chỉ có mắm, muối, bột ngọt và rau rừng.  Lâu lâu, khi có hàng hoá của ban kinh tài cấp, anh chị em y tá vào buôn đổi gà, lợn về ăn dần.  Sức khoẻ của bệnh binh này có được hồi phục nhanh hay chậm, nhờ ở dứt cơn sốt nhanh hay chậm, nhờ ở khả năng tự hồi phục của chính bản thân mà thôi.”
    Nghe ông nói xong, tôi đề nghị với ông : “Bệnh sốt rét thì các ông cứ chữa theo Tây y, tôi xin trợ giúp phần cắt cơn run rẩy bằng châm cứu.”  Được ông bác sỹ Mạnh đồng ý, mỗi ngày tôi châm cho bệnh binh Kiểm một lần, châm vào hai huyệt Hợp cốc, Thái xung.  Tôi châm cả hai bên, vê kim theo phép bổ, và  lưu kim.

     Thật là không ngờ, kết quả lại nhanh như thế.  Chỉ sau 4 ngày, bệnh binh đã bỏ gậy chống, tự đi buông dè dặt từng bước. Kiểm cũng đã tự mình ăn cơm, không cần có người giúp đỡ nữa. Ngày mới nhập viện, đến bữa, phải có người xúc cơm cho Kiểm ăn, vì tay Kiểm run, không bưng được bát.
Tác dụng của hai huyệt chính là cộng hưởng nhau, hai huyệt lại dùng cả hai bên, thành bốn huyệt, nên có tên là “ Tứ quan huyệt.” Trong đó huyệt Hợp cốc, tuy tác dụng chủ yếu nhằm vào các bệnh ở vùng đầu mặt,bệnh dị ứng, bệnh tăng thân nhiệt, nhưng nổi bật hẳn lên vẫn là tác động về thần kinh. Huyệt Thái xung, tuy tác dụng chủ yếu là chữa các bệnh của gan, của huyết, nhưng chúng ta cũng không thể quên được tác dụng của nó tới những quan khiếu, những thể chất do gan chủ quản, đó là gân (can chủ cân = gân).

      Cảm động nhất là, sau khi bác sỹ Mạnh giảng giải bệnh tình của Kiểm, ông nói qua về tiềm năng kinh tế của trạm cho tôi nghe, một số thương binh, bệnh binh khác cũng nghe thấy.  Họ là những thương binh, bệnh binh nhẹ hơn, hoặc đang chờ xuất viện.  Anh em đã bàn nhau, hàng ngày họ ra suối bắt cua, cá đem về.  Họ cùng nhau chế biến cua, cá đó thành thức ăn ngon lành, và họ giành phần ưu tiên cho Kiểm.  Tình nghĩa đồng đội ở chiến trường với nhau tự nhiên vốn thế.

     Tôi thoáng nghĩ tới một ý, có khi chính tình cảm đó đã quyện vào cây kim của tôi, góp phần làm tăng thêm sức kỳ diệu của Tứ quan huyệt mà tôi đã dùng để chữa thành công ca bệnh kể trên.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ