Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » M

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 5


Hôm nayHôm nay : 1118

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 13616

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4067259

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa chứng mù về đêm do teo thần kinh thị giác

Chủ nhật - 28/07/2019 03:22
      Vào khoảng những năm 1982 - 1983, tôi rất ít khi đi ra khỏi nhà.  Cả ngày, tôi đều dành thời giờ cho việc đọc sách và nấu ăn.  Tuy vậy, tôi cũng không thể nào dứt khỏi các quan hệ thân quen. Thỉnh thoảng vẫn có người tới nhờ tôi chữa bệnh.

      Một hôm, tôi đang ngồi xem lại tập đề cương bản thảo cuốn “Nguyên lý thời sinh học cổ Phương Đông ” (cuốn sách này tới năm 1996 mới xuất bản lần đầu), bỗng có một ông cụ đến gặp tôi.  Đi theo cụ là một người con gái. Tôi ở trong nhà tối mờ, nhìn ra ngoài sáng qua hai lần cửa (cửa gian nhà chính và cửa gian hiên tự làm thêm), cho nên đã nhận ra người quen rất nhanh. Cụ tên là X., cụ ở làng Đại, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây.  Tôi vội vàng xếp gọn sách vở quanh nơi ngồi, đứng lên mời khách vào nhà.
     Sau tuần trà mạn, để đi thẳng vào nội dung câu truyện, cụ chỉ người con gái đi cùng, nói với tôi : “Con gái tôi tên là H., lấy chồng người cùng làng.  Cháu vừa sinh con được hai tháng thì đột nhiên mắt cháu bị mờ.  Bên nhà chồng, mượn cớ là không có người chăm sóc cả mẹ và con cháu, họ đã dắt cả hai sang nhà tôi.  Họ nói, nhờ gia đình tôi chăm sóc, chạy chữa giúp.  Thế rồi, họ bỏ mẹ con cháu ở lại.  Họ đứng dậy ra về.  Từ đó đến nay, họ chẳng đoái hoài, hỏi han gì tới mẹ con cháu nữa.  Vợ chồng  tôi, một là xã viên già của hợp tác xã nông nghiệp, một là cán bộ quèn, lương hưu rất ít.  Nay gặp cảnh thông gia bất nhân, nhưng vì bệnh lại rơi vào con mình, cháu mình, nên chúng tôi đành phải nhận vậy.   Trong lòng tôi ngày đêm lo lắng không yên.  Tôi phải đèo cháu bằng xe đạp ra bệnh Viện mắt Hà Nội.  Họ khám xong, hẹn cuối tuần đến lấy kết quả.  Hôm nay mới là thứ hai, đến cuối tuần còn những năm, sáu ngày nữa.  Tôi nghĩ, nếu bệnh này không được chữa kịp thời, sợ đến cuối tuần, sẽ không cứu nổi đôi mắt con tôi.  Tôi đến đây nhờ bác, không kịp báo trước để bác cho ngày hẹn gặp, mong bác hết sức thông cảm.” 
     Nói đến đây, nước mắt cụ chảy ra giàn giụa.  Cụ ngậm ngùi nói tiếp : “ Cháu thì còn trẻ, con nó lại còn nhỏ quá.  Nếu cháu bị mù thật, thì suốt cuộc đời còn dài dằng dặc của cháu sẽ phải sống trong tối tăm.  Vợ chồng tôi, những ngày sống cuối đời, sẽ luôn phải day dứt, khổ sở.  Mà nếu được chết, chắc gì vợ chồng tôi đã nhắm mắt nổi.  Chỉ  thương mẹ, con cháu không còn biết nương tựa vào ai?.  Đôi dòng nước mắt ông già cứ từ từ lăn ra.  Hai gò má nhăn nheo của cụ như đã in dấu vết của bao nỗi khó nhọc,vất vả.   Cả cuộc đời của cụ đã lăn lóc, vật lộn với đói nghèo, tận tuỵ với công việc xã hội.
     Giọt nước mắt của cụ cũng trong veo như tấm lòng trong sáng vốn có ở cụ.  Nhưng khi nó còn ở trong người cụ, ai mà thấy được. Chỉ đến khi sự bế tắc ập đến cuộc đời cụ, đã bắt buộc nó phải trào ra qua khoé mắt cụ, lăn trên gò má cụ, ta mới biết được lúc này cụ đang khổ quá.
    Tôi cũng ở trong cảnh vừa về hưu, đôi lúc thoáng qua trong đầu tôi đã có ý nghĩ rằng : Chẳng may điều gì đó sảy ra với mình, không biết rồi mình sẽ xoay xở ra sao?.  Nhưng, vì cái điều gì đó chưa đến, cho nên mọi ý nghĩ cứ mơ mơ, hồ hồ trong tôi.  Hôm nay, ngồi trước ông cụ và con gái cụ, trước một sự thật rõ nét, cứ như nó đang sảy ra với mình.  Nó buộc mình phải tìm ra lối thoát cho mình. 
     Thế rồi tôi lại tự nghĩ, có thể mình đã được may mắn hơn ông cụ.  Bởi vì bao năm đèn sách, lo học cách chữa bệnh cho người, tôi vẫn luôn tâm niệm, phải tìm mọi cách chữa cho bệnh mau khỏi.  Để rồi, nếu chẳng may chính mình, hoặc người thân của mình mắc phải bệnh đó, mình đã biết được cách chữa. (Sau này tôi đã nói với nhiều đồng nghiệp và môn sinh rằng, chính nhờ có những ý nghĩ này ở trong tôi, nó đã giúp tôi đi tói những thành công).

     Tôi hỏi kỹ chứng bệnh của chị, chị kể : “Cháu thấy là : Ban ngày sức nhìn giảm, nhiều khi nhìn vật, nhìn người chỉ là những vệt sáng, vệt mờ.  Đêm đến thì hoàn toàn không nhìn thấy gì, bất kể là ở nơi đèn sáng, hay trong xó tối.”  Khi quan sát mắt chị, tôi thấy mắt vẫn như thường, riêng đồng tử giãn to. Tôi sơ bộ chẩn đoán đây là bệnh nguyên phát tính teo thần kinh thị, dân gian gọi là bệnh quáng gà, Đông y gọi là bệnh thanh manh.

     Tuy tôi đã nhiều lần chữa được bệnh này, nhưng trước sự lo lắng của ông cụ, tôi đã thận trọng nói với cụ : “Xin cụ hãy tin ở tôi, nếu tôi không nhầm lẫn điều gì, có thể đến ngày bệnh viên hẹn ra nhận kết quả khám, cũng là lúc bệnh của chị đã có thể khỏi.”  
    Tôi không biết rằng câu nói của tôi có đủ để ông cụ tin hay không, nhưng khi thấy tôi đã khám kỹ, lại mở sách để soát lại lời dạy của cổ nhân, hình như cụ bớt lo lắng hơn.
    Theo lời dặn trong sách về phần nhãn khoa, bệnh này sử dụng phương huyệt : Tình minh, Cầu hậu, Tý nhu.   Nhưng ở chị có đặc điểm mới sinh con nhỏ, gia đình chồng lại thiếu quan tâm (theo chị nghĩ, chỉ vì chị đã sinh con gái), nên tôi đã gia thêm các huyệt: Phong trì, Can du, Thận du, hy vọng kết quả sẽ nhanh hơn. Thủ pháp ở các huyệt, tôi làm như sau : Tình minh và Cầu hậu, châm theo đúng phép cố định tròng mắt.  Châm kim vào sau khi đã nhắc bệnh nhân liếc tròng mắt ra phía ngoài (nếu châm Tình minh), liếc tròng mắt ngước lên (nếu châm Cầu hậu).  Khi châm không vê kim, không nâng ấn.  Khi rút kim thì kịp thời ấn day lỗ kim từ một đến hai phút.  Đề phòng xuất huyết thành võng mạc, gây ra màu đen quanh hốc mắt.  Các huyệt còn lại là Phong trì, Can du, Thận du, Tý nhu, đều châm bổ pháp.
     Châm xong, tôi dặn dò cụ nên cho chị ăn kiêng.  Đó là những thứ, nếu ăn vào sẽ kích thích có hại cho sức khoẻ và kết quả châm. Như thịt bò, thịt gà, các thứ có vị chua.  Gia đình nên khắc phục khó khăn, đưa chị đến châm đều hàng ngày.

     Ngày hôm sau (thứ ba), em trai chị chở chị đến.  Vừa bước vào nhà, chị đã vui mừng kể với tôi : “ Tối hôm qua, cháu cho con cháu bú, dưới ánh sáng đèn điện, cháu nhìn mọi thứ đã có vẻ hơi rõ hơn.  Cháu thử nhìn lên mái nhà thì thấy khá rõ hình dáng của những cây tre mái.”
     Sang ngày thứ tư, chị đã nhìn thấy mọi vật rõ hơn, sức nhìn tốt dần.  Sau lần châm thứ bốn, (tức ngày thứ năm), chị đã tự đi xe đạp từ Đan Phượng xuống nhà tôi.  Và thật là may mắn, sáng hôm thứ bảy, ông cụ đưa chị đến Viện mắt để lấy kết quả khám.  Họ cho đơn thuốc, vừa có thuốc tiêm, vừa có thuốc uống.  Nhưng do cụ vẫn còn nhớ lời tôi dặn cụ : “Khi lấy kết quả và đơn thuốc, xin cụ đưa về cho tôi xem, đừng mua thuốc vội.”   Cũng có lẽ còn vì mắt con gái cụ đã nhìn thấy bình thường, đúng như tôi dự đoán buổi đầu, cho nên cụ nói với con gái cụ : “Chẳng cần phải dùng thuốc nữa, càng đỡ tốn tiền.”
    Từ Viện mắt, cụ và con gái đi về nhà tôi, đưa cho tôi xem kết quả khám soi đáy mắt.  Đó là một tờ giấy in sẵn hai hình vòng tròn, có nhiều đường chia từ tâm vòng tròn ra.  Trên các vòng tròn ấy có một đường vẽ loằng ngoằng khép kín, nhìn giống hệt như một mạng lưới nhện chăng.  Dưới cùng là lời kết luận : “Đáy võng mạc thu hẹp, thị lực giảm sút nhiều.”

     Theo lời chị H. tả lại, chị đã nhìn rõ mọi thứ ở cả ban ngày và ban đêm khi có ánh sáng đèn.  Tôi xem xét lại mắt chị, thấy hai đồng tử mắt trở lại bình thường, không còn giãn to như trước.  Tôi nói với ông cụ : “ Thưa cụ, như thế là mắt chị đã khỏi bệnh rồi, đúng như tôi nói hôm khám cho chị.  Trong trường hợp này tôi không có gì nhầm lẫn.  Từ nay chị có thể yên tâm làm ăn, chú ý giữ gìn sức khoẻ.  Chi đừng lo lắng nhiều, bệnh có thể ổn định được.”
    Thấy tôi nói thế, ông cụ vội tiếp lời: “Thưa bác, đúng là mắt của cháu đã nhìn thấy như thường.  Nhưng vì bệnh cháu rất nặng, mà lại bớt đi rất nhanh, tôi e rằng, nếu ngừng chữa ngay, bệnh  có thể sẽ tái phát.  Lúc ấy lại khó khăn cho gia đình tôi nhiều hơn.  Vì vậy tôi xin bác tiếp tục chữa cho cháu, đến khi chắc chắn là bênh cháu khỏi thật.  Gia đình tôi tuy có khó khăn đến mấy, vẫn phải cố gắng theo đuổi việc chữa cho cháu.” 
     Nghe xong yêu cầu của ông cụ, tôi đành phải chấp nhận việc chữa tiếp, nhưng tôi đưa ra một phương án khác.  Tức là, từ nay, cứ cách một ngày, chị xuống đây chữa một lần, bởi vì chị còn phải chăm con nhỏ.  Hơn nữa, chi đi nhiều ngày đường xa, cũng hại sức khoẻ chị.  Phương án tôi đưa ra, được ông cụ và chị H. chấp thuận ngay. Tôi tiếp tục châm chữa cho chị được 6 lần nữa. Cách ngày tôi châm một lần.  Khi thấy thị lực của chị đã ổn định, tôi phải nói với chị theo cách riêng rằng : “Chị nên về thưa với cụ ông và gia đình, đến đây bệnh đã khỏi, không nên đi châm nữa.  Chị cần nghỉ ngơi cho thật ổn định.  Nếu chị còn đi, tôi e rằng, nắng nôi, mưa gió, sẽ nhiễm vào, gây ra bệnh khác cho chị, chị và cháu sẽ khó khăn hơn nhiều đấy.”   Từ đó chị mới nghỉ hẳn, không đến châm nữa.

    Cũng xin kể thêm để ai đó đọc truyện này được rõ, thời ấy tôi chỉ chữa bệnh cho những người quen biết.  Khi bệnh khỏi, cũng tuỳ theo mỗi người, mỗi cảnh, mà họ tỏ lòng quý mến tôi theo cách riêng.  Có người cho tôi ít gạo nếp, đậu xanh của nhà làm ra, để tôi thổi xôi cúng rằm, cúng đầu tháng.  Có người thì nhân trận mưa rào đầu mùa hạ, ông ta đi cất vó được mấy con cá ngon, đem nướng chín, mang đến cho tôi.  Có người là cán bộ đương chức, khi đi công tác qua vùng Hải Dương về, lại cho tôi đặc sản bánh đậu xanh. Có bà rất sòng phẳng, nói toạc ra : “Thôi thì, theo mỗi lần tôi châm ở bệnh viện phải trả hai hào.  Tôi châm ở anh được chín lần, nhưng tôi cứ gửi anh hai đồng chẵn để anh mua gì tuỳ ý cho tiện.”

    Sau khi chữa cho chị H. khỏi mờ mắt cũng không lâu, tôi có việc phải lên làng Đại.  Tôi đến thăm nhà ông bà Q..  Nghe tin tôi lên, cụ X. đến hẹn với ông bà Q. ngay, bữa trưa cụ mời cơm tôi tại nhà cụ.  Ông bà Q. là hàng con cháu cụ, nên phải nghe theo ý cụ.  Mặt khác, cụ X. biết tôi chữa được các bệnh, là do ông bà Q. giới thiệu.  Vì vậy ông bà Q. cũng muốn để cụ có lời cám ơn tôi đã chữa cho con cụ khỏi bệnh.  Như thế, câu truyện mới được gọi là có đầu, có cuối.
     Trong mâm cơm bữa đó, chỉ có ba người : Cụ X., ông Q. và tôi.  Cụ cảm động, bùi ngùi nói với tôi : “Tôi chưa thấy ai chữa bệnh như bác.  Trường hợp của cháu H. đây, dẫu rằng gia đình tôi có phải bán nhà, bán đất đi để thuốc men cho cháu được khỏi, chúng tôi cũng phải làm.  Đằng này lai khác, khi bác nhận chữa bênh cho cháu, bác chẳng đòi hỏi gì. Tiền thuốc cũng không phải ứng ra.  Tôi đang định thu xếp xuống tạ ơn bác.   May mắn dịp này bác lên chơi với ông bà Q., tôi được tin đến mời bác. Bác bớt chút thời gian đến đây với gia đình chúng tôi là quý lắm rồi, tôi không biết nói gì hơn nữa.  Mong bác thông cảm tấm lòng của chúng tôi.”

    Tôi chợt nhớ ra từ lúc tôi đến nhà cụ, tôi chưa nhìn thấy chi H. và con chị, tôi lên tiếng hỏi cụ về chị.  Cụ bỗng trào hai hàng nước mắt và nói : “A quên, tôi chưa kịp báo cáo với bác : Khi cháu H. khỏi bệnh, bên nhà chồng cháu đã sang đón mẹ con cháu về. Cũng với lý do nhà bận công việc cần có cháu ngay, để trông coi, giúp đỡ họ.  Họ không được một lời hỏi xem quá trình chạy chữa cho cháu ra sao.  Nhưng thôi, cháu đã khỏi bệnh, về đoàn tụ với gia đình chồng là điều rất may mắn cho chúng tôi.  Chúng tôi mừng không sao kể hết.  Cứ như gia đình vừa qua một cơn ác  mộng, mặc dù đó là một sự thật hoàn toàn.”  Nét mặt cụ đến đây giãn ra, những giọt nước mắt vẫn còn vương trên gò má cụ.  Nhưng đó là giọt nước mắt của buồn vui lẫn lộn trong lòng.

     Cụ rót thêm rượu vào chén của ông Q. và tôi, rồi cụ lên tiếng gọi cụ bà trong nhà ra để cám ơn tôi.  Đúng là đã có sự chuẩn bị trước.  Cụ bà ra, mang theo một cái khay cổ bằng gỗ, trên khay là một gói mỏng và rộng, gói bằng tờ báo còn phẳng phiu.  Trên gói lại có một phong bì mới, không đề chữ, đã dán kín.  Cụ bà đặt khay trên cạnh bàn và nói lời cảm ơn, sau đó bà cụ đi vào nhà trong.  Ông cụ thấy chúng tôi đã dừng bữa, cụ mời hai người sang bàn bên uống nước.  Lúc này ông cụ mới nói rõ rằng : “Cháu H. nhà tôi khỏi được bệnh, vợ chồng tôi không biết tính công thầy thế nào.  Bởi việc thầy làm, là việc bằng tâm đức của thầy.  Vậy nên, vợ chồng tôi chỉ sửa soạn chút ít, gọi là, gửi bác để bác mua thêm sách vở.   Còn đây là bộ quần áo ta, bằng lụa tơ tằm, tôi được thưởng năm cuối cùng công tác ở xưởng ươm tơ của huyện, nay đem biếu bác làm vật kỷ niệm.”  Tôi chưa kịp lên tiếng thì ông Quất đã nói thêm vào : “Ông bà Xuý đây có lòng kính nể bác, không dám nói đến việc trả công bác.  Chỉ biết nhớ ơn bác.  Còn đây là chút quà biếu để bày tỏ tấm lòng.  Mong bác vui vẻ nhận, cho ông bà cháu đây được yên lòng.”
    Tôi không biết trong phong bì kia số tiền là bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ, dù ít hay nhiều cũng là tiền.  Mà tiền lúc này quý lắm.  Lương tháng dạy đại học của tôi trước lúc nghỉ hưu cũng chỉ được một trăm đồng chẵn.  Tôi chợt nghĩ về gia đình cụ rằng : Để có được một trăm đồng thôi, hai ông bà già này đã phải làm lụng thế nào?.  Nếu trong phong bì kia không phải là một trăm, mà là nhiều trăm đồng, thì sự vất vả kia sẽ phải tăng lên không biết bao nhiêu lần. Tôi không thể đang tâm nhận số tiền đó được.  Tôi đã nói với ông cụ : “Cụ công tác cơ quan đến lúc hết tuổi cống hiến. Tôi tuy nghỉ hưu sớm, nhưng đó là nhờ có tham gia hai cuộc kháng chiến.  Cái khó khăn chung của xã hội thì cụ cũng như tôi đều đã phải trải qua.  Nhưng khó khăn riêng của từng nhà, lại thuộc vào số phận may, rủi.  Khi sự rủi ro đổ ập xuống nhà nào đó, nếu không có được sự đùm bọc tình người của họ hàng, làng xóm, bạn bè thân thiết, nhất định khó có thể vượt qua nổi.  Và những người đã giúp đỡ, có khi nào lại mặc cả trước nạn nhân rằng, họ phải được trả công ra sao?  Do vậy, không kể là làm nghề gì, đó chỉ là quan hệ đổi công xã hội.  Nhưng cứu nguy lại thuộc tình người.  Quan hệ giữa tôi và gia đình đây là thông qua gia đình ông Quất, như ông Quất đã nói : “Vì cây dây leo mà.”
     Câu truyện qua lại một hồi lâu, cuối cùng tôi cũng phải nhận bộ quần áo lụa để hai cụ được vui.  Cái phong bì, tôi biếu lại,để hai cụ dưỡng già.      Bộ quần áo hai cụ tặng đến nay tôi không còn giữ được nữa, nhưng đôi mắt của chị Hằng từ đó vẫn tinh tường.  Đấy chính là phần thưởng cao nhất mà tôi nhận được.                         
    
    Câu truyện có thật này, sảy ra đúng như tôi vừa kể trên đây.  Nhưng chắc gì, những người đọc qua truyện này, họ cũng sẽ tin ngay lời tôi.  Dù đó là những phương kinh nghiệm nhiều đời, đã được viết thành sách.  Tôi đã làm theo sách mà có hiệu qủa.  Chỉ vì, khi kể lại truyện, tôi không nói đến  sách, họ cũng không được nhìn thấy tôi làm. Vì vậy, tuy câu truyện đã dài, tôi cũng xin trích sách vở, giải rõ tác dụng của phương huyệt.    Huyệt Tình minh, còn gọi là Tinh minh (sáng tròng con mắt) trên kinh bàng quang. Vị trí ở đầu khoé mắt phía trong. Chủ trị :... mù về đêm và các loại bệnh mắt;... viêm thần kinh thị giác; teo thần kinh thị giác; viêm võng mạc nhìn...  Huyệt Cầu hậu (phía sau cầu mắt) là kinh ngoại kỳ huyệt.  Chủ trị :...viêm thần kinh thị giác ; teo thần kinh thị giác ; biến dạng sắc tố võng mạc...  Huyệt Tý nhu, trên kinh đại trường, chủ trị :... bệnh mắt...  Huyệt Phong trì, trên kinh đảm.  Chủ trị :... bệnh mắt;... mắt nhìn không rõ... Huyệt Can du, trên kinh bàng quang, là bối du huyệt của tạng can.  Chủ trị : ...bệnh mắt;...  Huyệt Thận du, trên kinh bàng quang, là bối du huyệt của tạng thận.  Chủ trị :... mắt nhìn mờ mờ...  Trong bệnh ngũ quan, biện chứng về bệnh mắt, có thuyết ngũ luân(năm vòng tròn), là : Nhục luân, huyết luân, khí luân, phong luân, thủy luân.  Trong đó: Phong luân :Tròng đen (bao quát giác mạc, hậu phòng, mống mắt) thuộc can.  Can chủ phong, cho nên gọi là phong luân.  Thuỷ luân : Lỗ đồng tử (tức là đồng thần.  Bao quát tổ chức phía sau của lỗ đồng tử. Như thấu kính thể, thủy tinh thể, cầu củng mạc, thị võng mạc và thị thần kinh) thuộc thận.  Thận chủ thủy, cho nên gọi là thủy luân.   Đến đây, đã là nói có sách, chỉ còn vế mách chưa có chứng.    Với các thầy thuốc, xin hãy ứng dụng để tự tìm lấy chứng.  Còn với độc giả nói chung, xin hãy chờ đợi, khi nào được trông thấy các thầy thuốc chữa bệnh có hiệu quả, lúc ấy niềm tin sẽ trọn vẹn, và cũng không phải là đã muộn mằn gì.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ