Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » G

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 4


Hôm nayHôm nay : 2162

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 19403

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4051667

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa cơn đau quặn gan

Thứ sáu - 28/06/2019 21:39
Sau mỗi bữa cơm trưa hàng ngày, chúng tôi thường nghe đài, hoặc đọc sách.  Đôi lúc lại đem quần áo ra vá những chỗ mới rách, do cành cây ngáng đường, hoặc mắc phải gai.  Rất ít khi chúng tôi dám ngủ ngày.  Vì kinh nghiệm của những người đã ở rừng nhiều năm cho biết, ai quen ngủ ngày thì người đó dễ mắc bệnh sốt rét.  Phần nữa, vì bọn biệt kích Phun rô thường đi cắt (đi tắt) ngang rừng, chúng đi từng tốp nhỏ, bất ngờ tập kích vào các cơ quan hậu cứ của ta.  Chúng gây thiệt hại chớp nhoáng, rồi rút trốn vào rừng.  Cho nên ở hậu cứ cũng đầy ắp không khí mặt trận.
     Hôm ấy ở cơ quan tỉnh ủy có cuộc họp về y tế.  Bác sỹ Nguyễn Quang Đạm, trưởng ban dân y tỉnh, và hai y sỹ vừa ở mặt trận tiền phương cùng về họp. Họp xong, họ được mời đến gặp các anh trong ban thường vụ tỉnh uỷ.  Thật là không may cho các anh, khi cuộc gặp mặt đang được tiến hành, thì em Hoàn nhỏ (chả là cơ quan chỉ có em là nữ nhỏ tuổi nhất nên mọi người gọi thế cho thêm thân thương) đột nhiên lên cơn đau bụng quằn quại.  Lập tức hai y sỹ ở trong cơ quan cùng với bác sỹ, hai y sỹ là khách, dưới sự điều khiển của bác sỹ Đạm, trưởng ban dân y tỉnh, cùng nhau hợp sức lại để chẩn trị .
     Chẳng biết các vị đã chẩn là bệnh gì và cách chữa ra sao, nhưng đến 13  giờ vẫn chưa cắt được cơn đau cho người bệnh..
    Thấy không đành lòng, tôi liền chủ động đến gặp bác sỹ Đạm, xin phép tham gia chữa cho em Hoàn.  Khi đến chỗ lán em Hoàn ở, tôi thấy bác sỹ thì đang đi lại đăm chiêu ngoài cửa lán, người bệnh thì nằm còng queo trên tấm sạp ken bằng cành cây nhỏ, có lót lá tranh cho êm.  Tôi lên tiếng chào ông và thưa ngay ý định của tôi.  Ông bắt tay tôi và hỏi một cách ngắn gọn : “Anh định chữa bằng biện pháp gì?”.  Tôi trả lời ông rằng : “Tôi sẽ châm cứu.”  Ông cười nhưng cũng không hẳn là cười, rồi nói tiếp một cách rất là tự nhiên như tự đáy lòng ông vốn nghĩ thế : “Được đấy, châm cứu vô thưởng, vô phạt mà.”  Tôi nghe ông nói thế, trong lòng rất lấy làm khó chịu.  Nhưng khi nghĩ đến ông vốn là người lịch lãm, thận trọng, nên ý tứ trong câu của ông vừa nói, có lẽ là do ông nhận thức rằng, châm cứu không có tác dụng phụ.  Không như những bài thuốc dân gian chưa qua kiểm định, đã gây bao phiền toái.  Ngành y tế đã từng phải xử lý hậu quả do những lang băm vô trách nhiệm gây ra, nên ông đã nói như thế.   Để tránh sự sơ hở trước ông bác sỹ về việc tự mình xin đến chữa bệnh, và cũng để tỏ vẻ cầu thị, tôi đã xin ông cho biết chẩn đoán của ông về chứng bệnh này.  Ông cũng nói với tôi rất kín kẽ và rõ ràng : “Chúng tôi nghi đây là cơn đau quặn gan.  Nhưng do trong tay chúng tôi không có thuốc đặc hiệu, tôi đã cho dùng tới bốn loại thuốc giảm đau khác nhau, tới giờ vẫn chưa cắt được cơn.”  Liền đó, khi nhìn thấy trong tay tôi cầm quyển sách chữ Hán cổ, ông lại nói với tôi : “Anh thử xem trong sách đó có thấy nói về cách chữa đau bụng do gan hay không?.” Tôi cũng nói ngay : “Có ạ.”  Tiếp theo là : “Tôi sẽ chữa theo chẩn đoán của các anh.”
     Tôi bắt đầu châm, bệnh nhân trong tình trạng thần chí mơ màng của cơn choáng, do đã đau đớn kéo dài.  Cùng lúc đó ông bác sỹ đưa ngón tay vào bắt mạch, tay kia ông giơ đồng hồ ra xem.
    Ba huyệt tôi châm là : Khí hải, Thái xung, Nội đình.  Châm xong tôi lưu kim, kích thích tả pháp, lần lượt và liên tục.  Chừng khoảng gần hai chục phút sau, khi thấy bệnh nhân không còn cơn quặn đau nữa, hơi thở đã đều đều, tôi quay sang ông bác sỹ, có ý chờ lời đánh giá của ông về hiện trạng người bệnh.  Ông đang chăm chú bắt lại mạch và nhìn đồng hồ.   Lát sau việc bắt mạch đã xong, ông ngẩng lên nói với tôi : “Tốt lắm rồi, khi bắt đầu châm, mạch đập 120 lần / phút, bây giờ còn 90 lần /  phút, như thế là cơn đau đã giảm nhiều rôì đó.”
     Khi đã rút kim ra xong, tôi và ông bác sỹ ngồi lại, chúng tôi vừa chuyện trò, vừa để theo dõi thêm bệnh nhân .
     Lúc này, nhìn lại bệnh nhân, tôi thấy cứ khoảng chừng năm phút bệnh nhân trở mình một lần, hơi thở cũng mạnh hơn lên một chút, rất điển hình chứng đau bụng do gan.  Tôi chợt nhớ lại, theo sách Bệnh học Nội khoa mô tả chứng trạng cơn đau đau quặn gan.  Cơn đau quặn gan, thực chất là đau do sỏi bùn trong ống dẫn mật gây ra.  Nơi đau từ hạ sườn phải, co rút theo cơ thẳng bụng, xuống đến dưới mé bên phải hố chậu, chân phải duỗi thẳng thấy khó khăn (Đông y gọi chứng đau này thuộc về “đau sán khí”).  Cách 5 phút làm cơn một lần.
    Tôi tự phán đoán thầm trong ý rằng, cơn đau tuy đã dứt, nhưng do đau đớn kéo dài, tập quán nhu động ruột vẫn còn.  Tôi lấy kim châm thêm hai huyệt Thiên khu và Túc tam lý, nhằm nhanh chóng ổn định nhu động ruột.  Quả nhiên từ đó bệnh nhân nằm yên, thở đều, chìm sâu vào giấc ngủ bù sau cơn đau đớn kéo dài vừa dứt.

   Tôi đứng lên chào ông bác sỹ ra về, trong lòng mừng vui vì sự thành công của cuộc trình diễn châm kim chữa bệnh, có sự chứng kiến của bác sỹ trưởng ban dân y tỉnh (tương đương chức Giám đốc Sở y tế hiện nay), và còn mừng vui vì câu nói của ông lúc chia tay tôi.  Ông nói : “Thấy anh làm việc châm cứu là tôi tin tưởng ngay, vì anh có sách chữ Hán cổ của các cụ.”

Thưa các bạn, để có được câu nói của ông bác sỹ lúc chia tay tôi hôm ấy, chính là nhờ kết qủa việc tôi dùng kim châm, cắt được cơn đau quặn gan cho bệnh nhân, mà trước đó ông bác sỹ và đồng nghiệp của ông dùng thuốc đã không làm được. Như lúc vừa thấy tôi đến, ông đã thanh minh với tôi, ý tứ hàm chứa trong đó, chỉ là vì hoàn cảnh khó khăn của chiến trường, mọi thứ thuốc men đều thiếu thốn.  Nhưng giả thử, cuộc tham gia điều trị của tôi không thành công, hẳn lúc đó, ông sẽ coi những cuốn sách chữ Hán cổ tôi mang theo ấy, ông sẽ coi nó chẳng có ích gì.  May mắn thay, cuộc châm chữa đã tốt.  Từ đó, tôi lại suy nghĩ về công phu đọc sách của mình. Không những sách đã giúp tôi khi chữa bệnh, tôi lại còn được đánh giá bằng sự tin tưởng của ông. Tôi vẫn thường nghĩ, chẳng riêng gì việc làm của tôi, mà bất cứ ai, làm bất cứ việc gì ở đời, nếu có công học hành cẩn thận, chăm chỉ một cách bài bản, hệ thống, chắc chắn cũng sẽ được người đời tin tưởng, cũng sẽ thu được kết quả có ích.

     Nay nói về kinh nghiệm chữa cơn đau quặn gan này, tôi xin nói thêm cơ chế phương huyệt, điều mà ngày gặp ông bác sỹ Đạm ấy, tôi đã không có điều kiện nói với ông.   Cơ chế đó là, do tác dụng hợp thành từ mỗi huyệt vị trong phương như sau : Huyệt Khí hải – Chủ trị :…sán khí ở bụng dưới;…các loại bệnh khí lâu ngày không khỏi;…bẩy thứ sán khí ở tiểu trường, bàng quang, thận,…âm chứng co dịch hoàn;… Huyệt Thái xung – Chủ trị :…hai dịch hoàn co lên;…tiểu trường sán khí;… Huyệt Nội đình – Chủ trị : …đau bụng;…dau sa ruột;… Huyệt Thiên khu – Chủ trị : Đau bụng; trướng bụng; sôi ruột, ỉa chảy, lỵ, táo bón,…liệt ruột;…bí đại tiện;…trường sán;… Huyệt Túc tam lý – Chủ trị :Bệnh đường ruột;…đau bụng, lỵ, tiêu hoá kém; ỉa chảy; táo bón;…
      Tổng hợp tác dụng của số huyệt kể trên, có thể cắt cơn đau quặn gan nhanh chóng. Thật đúng như ông bác sỹ đã nói với tôi : “…vì anh (tức là tôi) có sách chữ Hán cổ của các cụ”.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ