Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » C

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 10


Hôm nayHôm nay : 1715

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 18956

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4051220

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa chứng chân tay co quắp do rối loạn can xi huyết

Thứ tư - 17/07/2019 07:30
Một buổi sớm mùa đông, ở thôn Hữu Định, xã Quang Minh, huyện Hiệp Hoà, nơi trường Cao đẳng Mỹ thuật của tôi sơ tán   Đây là vùng trung du, , đất pha sỏi đá ong, khí trời rất giá lạnh. Tuy trời không mưa nhưng sương buông dày đặc quanh nhà.
      Chúng tôi vừa mới ngủ dậy, đang quét dọn vệ sinh sân, ngõ, chưa kịp rửa mặt, đánh răng, đã có người đến gọi tôi đi cấp cứu.   Khi nhìn ra cổng tôi thấy một sinh viên nữ đứng đợi để đưa tôi đi.  Tôi vội rửa tay chân, súc miệng qua loa, vội lấy đồ châm cứu và theo cô sinh viên đến nhà dân nơi các cô ở nhờ.
      Tôi được đưa vào một căn buồng nhỏ, tối om.  Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu hoả, kiểu Hoa Kỳ, làm bằng sắt tây vỏ đồ hộp phế thải,  tôi nhìn thấy khoảng chừng dăm, sáu chị em đứng vây quanh một người bệnh.  Họ đang thay nhau kéo hai cẳng tay đã co cứng, bàn tay người bênh thì nắm chặt.   Mùi dầu cao con hổ sực nức khắp nơi.  Thấy tôi vào, chị em xung quanh người bệnh đã tản ra.   Lúc này tôi mới nhìn rõ người bệnh là chị Thanh, sinh viên năm thứ nhất khoa hội hoạ.  Một chị nói với tôi : “ Nhà chị Thanh ở gần phố Thắng, chiều thứ bảy nào chị cũng về thăm, chiều chủ nhật chị lại tới trường.   Tối hôm qua nhà chị có việc cần, chị đã ở lại.  Thế là, sáng nay chị phải đi rất sớm để đến kịp buổi học.  Chị đi đường bị lạnh, lại phải gắng sức đạp xe leo dốc, vừa đến đây là chị bị co quắp như thế này.  Chúng em đã thay nhau bôi dầu, xoa nắn và kéo gỡ, lại bảo nhau đi tìm anh và sang phòng y tế nhà trường mời y sỹ.  May mà anh đến ngay, nhờ anh xem dùm chúng em.”
      Tôi vừa nghe kể, vừa lấy kim ra chuẩn bị châm, vừa dự trù phương huyệt.   Đầu tiên tôi châm bát tà ở hai tay, châm bát phong ở hai chân, lưu kim và lần lượt vê kích thích tả pháp.   Vê hết hai vòng lượt, chưa thấy cơn co quắp được hoãn giải, tôi lập tức rút hết kim ra.  Tôi đổi sang dùng tứ quan huyệt, châm ở hai Hợp cốc, hai Thái xung.  Tôi dùng cả hai tay, vừa vê, vừa nâng ấn liên tục, chẳng nghĩ đến đếm số nữa.   Nhưng khi vê được chừng năm bảy phút, tôi thấy đôi chân bệnh nhân từ đang duỗi thẳng bàn, ngón, co rút cơ dép, đầu gối cũng duỗi thẳng cứng, bỗng nhiên mềm ra, co đầu gối lại. Cổ chân, bàn chân, ngón chân trở lại bình thường. Đồng thời khuỷu tay duỗi ra, ngón tay cũng buông lỏng ra, không nắm chặt nữa.   Tôi rút kim và nói với chị em xoa bóp tay chân cho bệnh nhân đỡ mỏi, bởi cơ bắp bị co rút  kéo dài gây ra.
      Về sau này, khi đọc sách tôi mới biết rằng chứng co quắp đó là do rối loạn can xi huyết gây ra.
      Đang lúc mọi người thở phào nhẹ nhõm, đã qua những phút căng thẳng tinh thần.   Họ nói, cười vui vẻ với nhau.   Bỗng nhiên họ im bặt.  Thì ra y sỹ cơ quan đã tới.   Ông đứng bên ngoài cửa buồng, hai tay bám hai bên mép khung cửa.   Ông rùa cổ, thò đầu vào nhòm ngó mọi người và nói : “  Buồng này sao mà hôi thế!.   Lớp cử người theo tôi lên phòng y tế, lấy giấy giới thiệu về đưa bệnh nhân đi bệnh viện Hiệp Hoà.”  Nói xong, ông quay ra đi ngay.   Tôi đoán chừng là mọi chứng trạng ở người bệnh vừa sảy ra, ông chưa cần biết, ông đợi người trong lớp lên kể để ông ghi vào giấy giới thiệu cho chính xác. Còn như việc cứu chữa chứng đó, ông cho rằng thuộc phạm vi nhiệm vụ của bệnh viện huyện.

      Thấy thái độ của ông y sỹ như trên, vả lại bệnh của chị Thanh cũng đã hoãn giải, chị Thanh cùng với chị em gần như đồng thời nói với tôi : “Không đi bệnh viện nữa, ở nhà để học.  Nếu có gì cần, chúng em lại nhờ anh Sửu giúp đỡ.”
     Tôi không những mừng vì kết quả của phép châm kim chữa bệnh, mà còn mừng vì mọi người đã có sự tin cậy ở tinh thần Đông y trong cuộc sống hàng ngày.

   Nay nói thêm về tứ quan huyệt. Tứ quan là 4 cửa ải, 4 mối quan hệ. Chủ trị của huyệt Hợp cốc, Thái xung, tôi đã giới thiệu một số mặt ở tong bài số
8- Chữa bệnh chân tay run rẩy do sốt rét kéo dài.  Khi kết hợp 2 Hợp cốc, 2 Thái xung thành tứ quan huyệt, tác dụng chủ trị là điều khí huyết, hoà âm dương, trấn tĩnh, kéo huyết áp xuống, dùng để chữa trẻ em kinh phong, tinh thần thất thường...   Theo nhiều số liệu khảo sát. so sánh, tôi nhận thấy những biến đổi can xi huyết đều có quan hệ hữu cơ với biến đổi chức năng gan, và tương ứng với biến đổi nhiệt độ tỉnh huyệt đường kinh can.  Tên của huyệt là Thái xung, tự nó đã nói rõ tác dụng chữa chứng can khí xông lên mạnh mẽ. Can chủ cân (gân), Thái xung là loại du của kinh can, du cũng như nguyên, tác dụng thẳng vào bản tạng, bản phủ.  Lại thêm tác dụng chủ trị của Hợp cốc chữa cảm mạo,... ngón tay tê cứng ;... Do đó, tứ quan huyệt hoãn giải nhanh chóng cơn co quắp tay, chân do rối loạn can xi huyết là có cơ sở sinh lý như đã nêu trên.


Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ