Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » A

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 14


Hôm nayHôm nay : 1650

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 18891

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4051155

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa bệnh viêm âm đạo do nấm

Thứ bảy - 10/08/2019 14:32
      Tháng 8 năm 1976, cô Ng. T. T., người làng Hữu Định, xã Quang Minh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Hà Bắc cũ (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) đưa người bạn gái cùng xã, tên là Th. đến nhà tôi, nhờ tôi chữa bệnh.
      Việc đầu tiên tôi phải hỏi hai cô về điều kiện ăn ở của họ: “Các cô đã nhờ được nơi ăn ở chưa?”  Cô T. nói: “Chúng em ở nhà chị Tư, trong tập thể Đ. s., khu tập thể V. Ch..   Nhà chị ấy cũng chật chội, nhưng có bác hàng xóm cùng cơ quan chị ấy, bác cho chúng em ngủ nhờ bên nhà bác, chúng em cũng thoải mái anh ạ.”
     Thấy cô T. nói thế, tôi tạm yên tâm nhận chữa bệnh cho hai cô.
     Cô T. bị bệnh đau lưng, một bệnh mà phần lớn người lao động thường mắc phải.   Bệnh này cũng dễ chữa.   Sau khi chữa khỏi, chủ yếu là phải hướng dẫn người bệnh cách phòng tránh.  Chỉ cho họ những tư thế, động tác gây tổn hại đến đĩa đệm cột sống, giây chằng cột sống, để họ lao động được tốt, sức khoẻ được ổn định lâu dài.
     Riêng bệnh của cô Th. là một loại bệnh khó, nên tôi ghi lại để đồng nghiệp tham khảo.
     Cô Th. kể về bệnh của mình như sau: “Em bị bệnh này đã mấy tháng rồi.   Lúc đầu, em thấy ra nhiều khí hư, ngứa ngáy, rất khó chịu. Em đi khám phụ khoa tại Bệnh viện huyện Hiệp Hòa, ở phố Thắng, người ta cho em dùng thuốc rửa ngoài và thuốc kháng sinh đặt vào trong âm đạo hàng ngày.   Chữa như thế chừng hai tháng, bệnh không thấy đỡ, các bác sỹ cho em chuyển sang Khoa Đông y.   Các cô ở Khoa Đông y cho em rửa bằng nước tỏi, lại lấy bông tẩm nước tỏi, đặt sâu vào trong âm đạo, mỗi ngày một lần.   Chữa bằng nước tỏi được một tuần lễ, không những bệnh không đỡ, em lại thấy bị nóng rát hơn, nên em xin về để tìm cách chữa bằng thuốc Nam.   Em gặp chị T., chị ấy sang bàn với gia đình chồng em, cho em đi cùng chị xuống đây, nhờ anh chữa cho em, nhân thể, chị cũng đi chữa bệnh đau lưng của chị ấy.
     Cô T. và cô Th. tuy đều đã có chồng, nhưng tuổi của hai cô chỉ mới chừng trên hoặc dưới đôi mươi, nên tôi phải nói với hai cô: “Cô T; còn nhớ chứ, khi tôi sơ tán ở thôn Hữu Định, mỗi khi chữa bệnh cho phụ nữ, nhất thiết phải có mặt của một người nữ là người nhà hoặc bạn của bệnh nhân.   Về đây cũng cần giữ nguyên tắc ấy, bởi vì tôi chỉ chữa bệnh ngoài giờ, lại ở nhà riêng, phải lo tránh những điều phiền nhiễu.   Nếu bệnh của cô T; có khỏi nhanh hơn cô Th., cô T. vẫn phải chờ tôi chữa cho cô Th. khỏi, hai chị em mới được cùng về.”  Hai cô chấp nhận lời tôi nói.   Sau đó, tôi chuẩn bị khám cho cô Th.
      Xin nói qua về bệnh học phụ khoa Đông y, ở bài  “Chứng viêm âm đạo do nấm”, sách viết như sau :
     “Ở âm đạo phụ nữ chảy ra vật bài tiết sắc trắng, sắc vàng, hoặc trắng lẫn vàng, liên miên không dứt, hoặc lượng nhiều dầm dề, gọi là “khí hư” (đới hạ).   Bệnh do mạch đới mất ước (hạn chế), nhâm mạch không cố (không chắc), thấp trọc rót xuống mà thành.   Bao gồm các loại chứng viêm, hoặc chứng ung thư bộ máy sinh dục.
  *Đặc điểm chủ yếu của các loại khí hư :
1 - Chú ý quan sát màu sắc của khí hư : Chất lỏng hay đậm đặc, lượng nhiều hay ít, có hay không có mùi hôi.   Cần phân biệt với người phụ nữ có một ít vật bài tiết từ âm đạo sắc trắng, hoặc sắc vàng nhạt; ở thời gian tuổi trẻ, trước và sau lúc hành kinh, thời gian giữa chu kỳ hành kinh hoặc thời gian mang thai, vật bài tiết hơi tăng nhiều, đó là hiện tượng bình thường.
2  - Khí hư sắc vàng hoặc xanh như dạng bóng bọt, lượng nhiều, có mùi hôi, kiêm có ngứa trong âm đạo và ngoài âm đạo, hoặc thấy đau nhói, cần nghĩ đến viêm âm đạo do trùng roi.   Có thể phải kiểm tra âm đạo và làm hoá nghiệm chất khí hư.
3  - Khí hư ra sắc như sữa trắng, như bã đậu, lượng nhiều, có thấy ngứa vùng ngoài âm đạo và trong âm đạo, hoặc thấy đau nhói, cần nghĩ đến viêm âm đạo do nấm.   Có thể làm kiểm tra âm đạo và làm hoá nghiệm chất khí hư.
4  - Khí hư lại hồng (huyết tính), phải nghĩ đến viêm cổ tử cung, cổ tử cung có pô líp.    Có thể làm kiểm tra cổ tử cung.
5  - Khí hư lẫn trắng, đỏ (huyết tính), hoặc như dạng mủ, có mùi hôi lạ, cần loại trừ ung thư cổ tử cung, bằng cách sinh thiết kiểm tra...”

      Khi khám lâm sàng cho cô Th., tôi thấy bệnh cô rất điển hình của chứng viêm âm đạo do nấm.   Thoạt vừa nhìn đã thấy, từ phía trong môi nhỏ, đến phía ngoài môi lớn, da đều đỏ tươi như màu đỏ của chiếc lá bàng sắp rụng.    Chất bã đậu to, nhỏ như cỡ hạt tấm, rải rác khắp nơi chốn trong vùng da đỏ tươi ấy.   Chứng viêm âm đạo do nấm này thuộc về bệnh  “khí hư thấp nhiệt chứng.”
      Trước khi tiến hành châm chữa cho cô Th., tôi giải thích một nguyên nhân tự mình gây ra bệnh, đó là những chị em hay mặc đồ lót ẩm ướt.   Người phụ nữ nông thôn, khi phơi đồ lót, chị em thường phơi vào chỗ kín đáo, bị che khuất.   Do không được ánh nắng sấy khô, quần áo còn ẩm đã được đem cất đi hoặc mặc vào người, ẩm mốc làm cho loài nấm phát triển, gây bệnh.   Vì vậy, muốn chữa khỏi dứt bênh này, ngay trong khi chữa bệnh, người bênh phải đem đồ lót vừa thay ra, giặt sạch bằng xà phòng, sau đó đem luộc kỹ trong nước đun sôi chừng 15-20 phút, phơi thật khô rồi mới đựơc dùng lại.   Về mùa mưa, quần áo phơi không được khô thật, cần phải hơ sấy trên lửa cho thật khô mới được đem dùng.

      Phương huyệt tôi châm là: Đới mạch, Khí hải, Tam âm giao.  Đây là nhóm huyệt chữa chứng khí hư rất hiệu quả.   Thêm vào hai huyệt chữa thấp nhiệt là: Tỳ du, Âm lăng tuyền.   Chứng ngứa gãi, đau nhói vùng âm hộ, âm đạo, tôi lấy huyệt Hội âm.
     Dùng thủ pháp tổng hợp 5 loại: Từ tật, niệm chuyển, đề sáp, cửu lục và khai bế.   Đều làm bổ pháp, lão dương số (27 x 3 = 81).

    Ngay sau buổi châm lần đầu, đêm về bệnh nhân thấy chứng ngứa gãi, đau nhói đã giảm được quá nửa.   Sau ba lần châm, chứng ngứa gãi, đau nhói dứt hẳn, sắc da không còn màu đỏ, đã trở lại gần như da bình thường.   Chất bã đậu cũng còn lại rất ít.   Châm cho bệnh nhân được đến lần thứ 7, cô T. nói với tôi: “Th. nó hết gạo rồi anh ạ, bệnh nó cũng khỏi rồi.  Sáng mai chúng em xin phép về.  Gặt lúa mùa xong, nếu chúng em còn có bệnh gì, chúng em lại xuống nhờ anh chữa tiếp cho.   Chúng em đi chữa bệnh cũng phụ thuộc vào thời vụ anh ạ.   Vả lại, kinh tế cũng có hạn, chẳng đi xa nhà được lâu đâu. May mà chúng em còn được ở nhờ nhà người làng đang làm việc ở Hà Nội, lại được anh chữa giúp.   Nếu chúng em phải thuê nhà trọ hoặc phải mua thuốc ngoại nữa, làm sao chúng em dám đi chữa bệnh.   Đành phải mang bệnh mãi thôi.   Em nói thế, anh đừng cười chúng em nhé.”   Chúng tôi cùng nhìn nhau cười vui vẻ.   Tôi nhờ cô T. chuyển lời thăm hỏi gia đình ông Ng., chủ nhà nơi tôi ở nhờ, và thăm hỏi bà con trong thôn Hữu Định.   Hồi chiến tranh chống Mỹ, cơ quan tôi đã sơ tán về ở đó suốt mấy năm trời.

      Những năm 78 - 81, tôi dạy học ở Khoa Điêu khắc, trường Đại học Mỹ Thuật.   Có cô sinh viên ngành Đ. K. đến nhờ tôi chữa bệnh này.   Cô kể với tôi: “Em đã đi khám phụ khoa, họ cho em đặt thuốc kháng sinh hàng ngày.   Nhưng em hay phải bỏ dở dang vì những đợt đi công tác xa Hà Nội.   Chị bác sỹ điều trị cho em đã nói với em, bệnh này phải đặt kháng sinh hàng ngày, thật đều đặn, liên tục trong 2 năm liền, mới hy vọng khỏi bệnh.   Nếu bỏ cách ngày nào không đặt kháng sinh, thời gian hai năm liên tục ấy phải bắt đầu tính từ ngày đặt lại thuốc.”  Cô sinh viên này cũng đã được tôi chữa khỏi, mặc dù cô được chữa có số ít ngày, cô cũng không được chữa liên tục.
   
      Rất nhiều bác sỹ nữ đã dùng bài này của tôi chữa cho bệnh nhân của họ, họ đều giúp cho chị em khỏi bệnh cả.





Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ