Chữa chứng viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới

Chữa chứng viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới
Bệnh nhân viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới đến nhờ tôi chữa vào ngày 1 / 3 / 2002.    Vì là loại bệnh lần đầu tiên tôi nhận chữa, nên tôi đã hỏi kỹ bệnh nhân về triệu chứng, những nơi đã đi khám chữa và kết quả ở những lần khám chữa đó.
     Đây là tóm tắt lời kể của bệnh nhân: “Cháu tên là N. T. N - 27 tuổi. Cháu ở phố Q.N, phường N.C, quận T.X. Nghề nghiệp của cháu là giáo viên. Do cháu bị chứng kinh nguyệt không đều, khi đi khám bệnh, các bác sỹ đã cho cháu điều trị bằng thuốc nội tiết tố. Cháu uống kéo dài đến tháng thứ 7, thì phát hiện đau chân.  Chân trái cháu đi nhiều thì sưng lên, đau đớn. Đêm nằm phải gác cao chân mới chịu nổi. Nếu đi nhiều thì phải cuốn băng thun để hạn chế máu dồn xuống, chân mới bớt sưng đau.

    Khi mới phát hiện đau đớn, cháu đã đi khám ở mấy bệnh viện, nhưng đều không tìm ra được bệnh của cháu. Có người khuyên cháu nên vào thành phố Hồ Chí Minh, hy vọng khám chữa tốt hơn. Cháu đã nghe theo, đến khám tại bệnh viện Chợ Rẫy. Viện này cũng không tìm ra bệnh. Khi cháu trở về Hà Nội, lại có người khuyên gia đình cháu hãy cho cháu đến bệnh viện Việt Pháp để chữa. Gia đình cháu đành phải bòn nhặt để cháu được vào bệnh viện này. Tại đây, mỗi ngày nằm viện, giá tiền phòng và khám là một triệu bảy trăm ngàn đồng. Cháu phải nằm chờ, vì các bác sỹ người Pháp còn đưa bệnh phẩm của cháu về nước Pháp phân tích.  Sau hai tuần lễ, khi có kết luận, họ nói rằng bệnh của cháu là hậu quả của việc dùng thuốc nội tiết (một loại thuốc tránh thai) kéo dài, tác dụng phụ của thuốc gây ra biến đổi thành phần huyết dịch làm thành.”
    Nghe chị kể đến đây, tôi nhớ lại có một tài liệu đã viết về bệnh này như sau: “Tắc tĩnh mạch chậu đùi (tĩnh mạch sâu), còn gọi là “sưng đùi trắng đau đớn.” Bệnh do huyết ứ vướng ở lạc mạch, đường về của doanh huyết bị vướng, nước tân thấm tràn ra ngoài mạch, tụ lại làm thấp, thấm lưu ở chi dưới mà thành.”
     Nguyên nhân và diễn biến bệnh như sau:
    “1 - Bệnh thường phát ở đàn bà sau khi đẻ.  Cũng có thấy ở người mắc tai nạn bị gẫy xương mu, và sau khi bị mổ ổ bụng.  Bệnh thường thấy ở chi dưới bên trái.
     2 - Toàn chi dưới sưng căng, màu sắc da không thay đổi, cũng đôi khi có thể xuất hiện màu tím bầm, khi đứng lâu thì rất rõ rệt.
     3 - Cạnh trong đùi và bắp chân có đau đớn nhè nhẹ, ấn vào thì đau hơn.
     4 - Máu đông trong mạch, khi rơi ra, tiến vào mạch máu ở phổi, có thể gây nên mạch máu ở phổi co giật và tắc nghẽn.  Nếu bệnh nhân thấy đau ngực, thở dồn, ho ra máu, sắc mặt xanh tím, mạch đập nhanh mà yếu, huyết áp tụt xuống thấp, là bệnh tình nghiêm trọng và rất nhanh tử vong.”
     Theo lời kể của chị N. tôi lại có thêm một tài liệu bổ sung vào nguyên nhân bệnh, đó là do dùng thuốc tránh thai nội tiết tố kéo dài.

     Nhưng theo những tài liệu chuyên sâu về viêm tắc mạch máu. Nguyên nhân bệnh có thể khác nhau, nhưng đều phải thông qua tác động vào cơ chế sinh huyết.   Lượng tiểu cầu trong máu tăng cao, hình thành khối máu đông, bám vào thành mạch, gây ra cản trở lưu thông máu, làm biến dạng thành mạch.
     Chị N. nói tiếp: “Họ điều trị cho cháu bằng một loại biệt dược, bệnh có dừng lại, có giảm bớt.  Nhưng do hoàn cảnh kinh tế gia đình không đủ cho cháu nằm viện lâu dài, bố mẹ cháu xin cho cháu ra viện.  Bệnh viện tiếp tục cấp thuốc cho cháu điều trị tại nhà, định kỳ cháu phải đến bệnh viện khám lại.   Cháu uống thuốc đến tháng thứ 8, bác sỹ khám lại và nói với cháu rằng: “Bệnh chưa khỏi, nhưng lượng thuốc tồn dư trong người đã quá ngưỡng, không được uống tiếp nữa.  Hãy chờ một thời gian, sau đó mới được dùng loại thuốc khác thay thế.”  Đến lúc này gia đình cháu rất hoang mang.  Đang trong cảnh ngộ ấy, có người giới thiệu, cháu đã đến gặp một ông thầy chữa bệnh bằng thuốc bắc. Nghe đồn rằng, ông có thể chữa được bệnh của cháu.  Ông thấy đã bắt mạch và bốc thuốc cho cháu, mỗi thang thuốc ông lấy 50 nghìn đồng.  Cháu uống tới 15 thang thuốc của ông, mà không thấy bệnh chuyển biến, nay cháu đã dừng lấy thuốc của ông thầy ấy.  May mà gặp bạn giới thiệu, cháu đến xin bác chữa, bác lại nhận lời giúp cháu.”

      Sau khi đo nhiệt độ kinh lạc ở bệnh nhân N., tôi quyết định dùng phương huyệt kinh nghiệm của tiền nhân, mà không theo số đo kinh lạc để lập phương huyệt mới.   Phương này, theo sách mô tả, sẽ đạt được các yêu cầu: “Hoá ứ, thông lạc, lợi thấp”, lại gồm những huyệt rất thường dùng là: Trung quản, Nội quan, Túc tam lý, Tam âm giao.  Tôi châm theo đúng thứ tự trước sau của huyệt.  Các huyệt Nội quan, Túc tam lý, Tam âm giao, châm cả hai bên. Thủ pháp làm tổng hợp 4 loại: Từ tật, khai bế, niệm chuyển, đề sáp, cửu lục, theo tả pháp (36 x 3 = 108).   Mỗi ngày một lần châm. 
      Theo dõi diễn biến kết quả châm, tôi đã ghi lại được như sau:
      Ngày 02, 03 là thứ bảy và chủ nhật nghỉ châm, vì tôi bận dạy học, ngày 04, 05, 06 châm tiếp.  Bệnh nhân đến châm cho biết:
- Đêm 06 - 3 đã không còn đau, có thể nằm nghiêng, không phải gác cao chân.
- Đến ngày 07, 08 không đau, bỏ nẹp thun quấn chân.
- Sáng 09 trời lạnh, chân hơi nặng.
- Ngày 10 không đau.
- Đêm 11 có đau, vì trưa 11 nhà làm cỗ đãi khách, đã ăn món chim quay, măng nấu, quả soài.
- Ngày 12 nghỉ châm vì nhà có khách.
- Các ngày 13, 14, 15 đi châm đều.
  -  Ngày 18 tháng 3, trời trở gió mùa, đêm ngủ không đau chân.  Nhưng lúc trên đường đi đến nhà thầy, thấy chân bị đau. Hôm đó sau khi châm theo phương chính, tôi gia thêm châm bổ hai huyệt Thái khê, Côn luân.
       Ngày 19 bệnh nhân đến châm kể lại: “Sau buổi châm hôm qua về, cháu hoàn toàn không đau đớn nữa.” Suốt từ đó đến tháng 9 năm 2002, chị N. vừa đến tôi châm chữa bệnh, vừa đi dạy học.  Chị còn phải học thêm nghiệp vụ và ngoại ngữ.  Vì hoàn cảnh riêng, đến cuối tháng 9, chị đến xin phép tôi nghỉ châm, vì chị có việc phải đi nước ngoài.  Chị đem lễ đến tạ ơn tôi đã chữa bệnh cho chị.  Sau đó chị đề nghị tôi hướng dẫn cách tự phòng bệnh cho chị khi chị ở xa xứ.  Tôi nói: “Chị cần tìm mua một máy châm xung điện cầm tay, chạy bằng pin”. Khi chị mua được máy, tôi vẽ hình có vị trí huyệt tôi đã châm, chỉ cách cho chị thao tác máy, tự điều chỉnh cường độ kích thích cho phù hợp với sức chịu của mình.

     Trong thời gian tôi châm chữa cho chị N., do thấy phép châm cứu chữa bệnh này có hiệu quả.  Chị N.có ý định nhờ tôi nhận chữa cho nhiều người cùng mắc bệnh như chị.  Chị đề xuất với tôi ý nghĩ của mình.  Tôi không đồng ý, và giải thích cho chị như sau: “Tôi cũng biết nỗi khổ của những người mắc bệnh khó, khi đi chữa ở vài, ba nơi không khỏi, họ rất hoang mang, mất niềm tin ở y học.  Lợi dụng lòng khát khao của bệnh nhân, không ít người đã làm thuốc giả để lừa gạt, hứa hẹn, khiến cho người ta tiền mất, tật mang.  Tôi nay đã nghỉ hưu, chỉ tiếc công phu, kinh nghiệm gần 40 năm của mình, nếu bỏ qua thì quên lú đi mất.  Nhưng nếu tôi nhận chữa bệnh khó đó, thì ai dám tin mình.  Cho nên chỉ còn cách yên thân lúc tuổi già mà vẫn có ích, đó là dạy lại cho lớp trẻ, những ai còn thành tâm yêu mến, dốc lòng gìn giữ tinh hoa y học cổ truyền.  Nếu mọi người nghe lời chị, đều tìm đến tôi, nhờ tôi chữa bệnh, chẳng những hơi sức tôi không  đủ đáp ứng mọi người, lại tránh sao được tiếng đồn có hại. Kinh nghiệm ở đời đã được thấy quá nhiều. Chữa được bệnh lạ, tất sẽ là việc lạ.  Đã là việc lạ, tất sẽ được coi là việc khác thường, khó tin. Lúc đó, tôi chẳng những không được yên thân, mà tấm lòng mong muốn được sống vui, sống khoẻ, sống có ích của tôi đâu còn cơ hội để biến thành hiện thực hàng ngày.

     Những điều mong mỏi của tôi, tôi vẫn đang thực hiện. Một trong số đó là tôi viết lại truyện này rất trung thực.  Ai được tôi chữa khỏi chứng bệnh gì, chỉ nên một người đó biết đã là đủ rồi.  Ai học được bài chữa này, chữa khỏi cho nhiều người bệnh, là tôi mừng, là tôi còn có ích.


Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009