Chữa chứng đàn bà đảo kinh

Chữa chứng đàn bà đảo kinh
Đàn bà đảo kinh là một bệnh ít người mắc phải.  
     Có lẽ, chỉ vì người  bệnh không tự biết mình bị bệnh này.    Cũng có thể, khi bệnh nhân đi khám chứng chảy máu mũi, hoặc chứng khạc nôn ra máu, thầy thuốc đều chẩn đoán và cho theo dõi bệnh phổi, bệnh mũi, họng... Thầy thuốc đã không nghĩ tới, đó là một bệnh thuộc về phụ khoa.  Cho nên  cách chữa chưa đúng, để người bệnh phải mang bệnh kéo dài.  
      Trong hơn 40 năm làm nghề chữa bệnh, có một lần tôi đã gặp bệnh này.   Đó là vào năm 1986, từ bấy đến nay, tôi chưa gặp bệnh nhân nào như thế nữa.   Tuy vậy, tôi thấy cũng cần ghi lại hình thái của bệnh, phưong huyệt tôi đã chữa khỏi bệnh đó, mong để nhiều người cùng biết, và sẽ có nhiều người được chữa đúng bệnh của mình.
      Mùa hè năm 1986, anh H. H. B. vừa tốt nghiệp Đại học ở Hà Nội,   trong thời gian chờ xin việc, anh đến học lớp Đông y châm cứu khoá 1, do tôi hướng dẫn.   Anh học đến đâu, đã thực hành chữa bệnh cho người thân và bạn bè đến đấy.   Một lần gặp bệnh khó, anh đã chữa năm, bảy ngày, nhưng bệnh không chuyển, anh đến tìm tôi, nhờ tôi chữa giúp.
    Từ nhà anh ở khu tập thể Ng. h. Đống Đa, phố Nam Đồng (nay là phố Nguyễn Lương Bằng), anh đưa tôi đến nhà bệnh nhân.   Nhà bệnh nhân có nghề buôn bán và sửa chữa đồng hồ, cửa hàng ở mặt phố, gần đối diện với ngõ vào nhà anh.
    Bệnh nhân là một bà khoảng trên 40 tuổi, vóc dáng còn khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào.   Thoạt nhìn thấy bà, ít ai nghĩ rằng bà là người bệnh.    Bà kể với tôi : “Em bị bệnh này ngót hai chục năm rồi, em luôn có hai bộ hồ sơ bệnh án, một ở Viện chống lao Trung ương theo dõi, một nữa ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.   Mỗi khi em bị khạc nôn ra máu, chảy máu mũi, em lại đến khám ở Viện chống lao.  Về bệnh phụ nữ, em bị mất kinh từ sau khi em sinh cháu thứ hai.  Trong thời gian gần 20 năm nay, lâu lâu em lại phải đi khám phụ khoa, chỉ vì sợ bị lỡ kế hoạch, hoặc có bệnh hiểm nghèo gì đó ở bên trong.   Nhưng tất cả những lần khám ấy, họ đều nói bộ máy sinh sản của em bình thường.”    Nghe bà kể xong, tôi hỏi thêm : “Bà có thấy những lần bà bị ra máu ở mũi, miệng ấy, chúng đều có khoảng cách thời gian tương đối giống nhau hay không?”   Bà nói: “Có ạ.”
      Tôi biết chắc chắn bệnh bà là chứng “đảo kinh”, nhưng tôi đã không nói cho bà biết nhận định này.
      Tôi tiến hành châm cho bà các huyệt sau :  Thượng tinh, Cách du, Xích trạch, Nghinh hương, Tỳ du.   Dùng tổng hợp các thủ pháp : Từ tật, niệm chuyển, đề sáp, cửu lục và khai bế.   Làm phép tả lão âm số (36 x 3 = 108).   Châm được 10 ngày, tôi cho bệnh nhân nghỉ cách liệu trình.   Nghỉ mới được 5 ngày, bệnh nhân thấy hành kinh trở lại.   Từ đó tôi ngừng hẳn châm.   Hai tháng sau, bệnh nhân hành kinh rất đều kỳ, không bị ra máu mũi, máu miệng nữa.    Người con trai lớn của bà đã nhờ anh Bình, đưa cậu đến nhà tôi ở Hào Nam.   Cậu nói : “Mẹ cháu biếu bác một cái đồng hồ báo thức để bàn, do nhà cháu lắp ráp.”   Chiếc đồng hồ đó vỏ Việt Nam, máy Liên Xô.   Thời ấy, loại đồng hồ này rất được dân Hà Nội ưa chuộng.
       Bệnh của bà chủ hiệu đồng hồ, đúng như sách Đông y mô tả : “Đảo kinh, là đàn bà không có hành kinh, mà định kỳ phát sinh chảy máu mũi, hoặc thổ huyết.”
       Ý nghĩa của phương huyệt tôi đã dùng chữa thành công ca bệnh kể trên như sau : Thượng tinh, Nghinh hương là hai huyệt thanh nhiệt ở đường mũi, rất có hiệu trong chữa bệnh Tỵ nục huyết (chảy máu mũi).   Cách du, Xích trạch có tác dụng thanh huyết nhiệt ở phế, ở thượng tiêu.   Công năng của tỳ chủ thăng đề, tả tỳ du để giảm bớt công năng thăng đề của tỳ, điều chỉnh công năng thống nhiếp huyết dịch của tỳ, làm cho huyết thuận tùng kinh mạch.    Tổng hợp lực của toàn phương : Dứt xuất huyết ở mũi, miệng; điều huyết dịch đi theo kinh mạch, do đó kinh nguyệt được trở lại bình thường.
      Ngày xưa, nho gia chê đàn bà khó dạy, nên họ nói : “Phụ nhân nan hoá”.   Ngày nay, Đông y cho rằng : Bệnh đàn bà khó biết, cho nên có thể nói: “Phụ nhân bệnh nan tri”.
       Mong đồng nghiệp trẻ cần phải đọc sách, phải ghi chép, tổng kết thực tế, để làm tốt hai chữ “Lương y” như xã hội đã giao phó cho chúng ta.




Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009