Chữa bệnh viêm kết mạc hột

Chữa bệnh viêm kết mạc hột

    Anh Ng. T. S. là một quân nhân trẻ, anh đến nhà tôi học lớp Đông y - Châm cứu Khoá 8, vào năm 1989.   Khi đó, anh đang là sinh viên năm thứ 6, Học viện Quân y.   Anh đã có lòng say mê tìm hiểu sâu sắc lý luận cơ bản, lại hăng hái thực hành ứng dụng những kinh nghiệm hay của cổ nhân.
     Mùa hè năm 1990, anh S. đưa một người em gái đến nhờ tôi chữa bệnh.   Anh nói với tôi: “ Thưa thầy, cô bé này là em họ cháu.  Em bị bệnh viêm kết mạc hột, đã chữa ở bệnh viện địa phương lâu ngày không khỏi.   Khi cháu về thăm quê, gia đình nhờ cháu đưa lên Hà Nội, tìm nơi chữa cho em.   Cháu nghĩ, phải đến nhờ thầy thôi.”   Tôi nói với anh S.: “Cháu nhận chữa cho em cháu đi.  Tôi sẽ châm thử cho S. xem một lần.   Số huyệt chữa bệnh này ít, huyệt lại dễ lấy.  Thủ pháp thì tôi sẽ vừa làm vừa giải thích, S. có thể nắm được ngay, chẳng khó khăn gì nhiều đâu.”   S. trình bầy: “Cháu đang ở vào giai đoạn kết thúc khoá học, nên cháu rất bận.   Em cháu còn lại ít ngày nữa thôi, nếu khỏi bệnh mắt, em cháu sẽ được đi lao động ở Tiệp Khắc.   Nếu mắt không khỏi, em cháu bị loại, sẽ bỏ phí một tiêu chuẩn ưu tiên cho con liệt sỹ.  Vì vậy, cháu hy vọng, với kinh nghiệm và tay nghề của thầy, thầy có thể giúp cho em cháu và gia đình được toại nguyện.”   Nghe S. nói hoàn cảnh cần cấp như trên, tôi đã nhận lời S., chữa cho cô bé này.
     Tôi hỏi cô bé về tình hình bệnh, cô kể bệnh của mình như sau : “Cháu bị bệnh này đã lâu.   Ban đầu, cháu thấy trong mắt cháu như có cát bụi.  Mắt cháu nhặm, ngứa, rất khó chịu. Mí mắt cháu cũng sưng lên.   Cháu đi khám bệnh, các bác sỹ bảo cháu bị bệnh đau mắt hột.   Cháu đã đến chữa ở khoa mắt, bệnh viện Việt Trì.  Thời gian cháu chữa ở đây lâu dài đến nỗi, cháu đã thân quen với cô bác sỹ chủ nhiệm khoa mắt như người nhà.   Cô bác sỹ ấy cũng thương cháu lắm.   Khi cháu có tiêu chuẩn được đi lao động ở nước ngoài, ban tuyển chọn khám sức khoẻ cho cháu, họ nói: “Các chỉ tiêu sức khoẻ, cháu đều đạt yêu cầu, chỉ riêng mắt là có bệnh.”   Người ta bảo cháu phải chữa khỏi mắt mới được đi.   Cháu nhờ cô chủ nhiệm khoa mắt tìm mọi cách để chữa cho cháu.   Cô nói: “Cô luôn mong muốn chữa khỏi bệnh cho cháu.  Cháu thấy đấy, có loại thuốc mới nhất, tốt nhất về đến khoa, là cô đã dùng cho cháu rồi.  Lần này có loại thuốc mới của Pháp vừa về, cô cho cháu dùng, nếu không khỏi được, cô cũng đành bó tay thôi.”  Thế rồi, thuốc mới ấy cũng không chữa khỏi được bệnh của cháu.  Cháu nghe anh cháu nói, thầy đã đi chiến trường B trở về.   Bố cháu cũng đi bộ đội, nhưng bố cháu đã hy sinh.   Ai cũng nói với cháu: “ Cháu được tiêu chuẩn đi nước ngoài lao động, đúng là nhờ ơn bố cháu phù hộ cho cháu đấy.”   Cháu mong thầy cố gắng chữa giúp cháu khỏi bệnh, để cháu được đi đợt này.   Cháu sợ rằng, nếu có sự gì thay đổi, cháu không được đi nữa thì cháu tiếc lắm bác ạ.”
     Thấy cô bé giãi bầy như thế, tôi nói với cô: “Bác sẽ cố gắng giúp cháu.”

     Trước khi châm chữa, tôi xem lại sách, ở phần Nhãn khoa, thấy sách ghi: “Bệnh này dân gian thường gọi là “bệnh đau mắt hột.”   Là một loại bệnh mạn tính ở kết mạc, có tính lây lan.   Nếu không tích cực phòng chữa, có thể xảy ra kèm theo các chứng khác.   Bệnh nghiêm trọng có thể bị mù loà.   Bệnh này thuộc phạm trù “mụn hạt tiêu” (tiêu sang), “mụn hạt giẻ” (lật sang), “rèm che buông” (thuỳ liêm chướng), “màng huyết bọc con ngươi” (huyết ế bào tinh) của Đông y.   Thuộc về tỳ kinh thấp nhiệt, dẫn đến khí huyết ứ trệ ở mắt mà thành.
      Diễn biến của bệnh:
1- Mới đầu, có thể không thấy cảm giác đặc thù, hoặc vẫn có phát ngứa các mức khác nhau.   Có cảm giác dị vật vào mắt, chảy nước mắt, có một ít nhử mắt.  Sau khi có sảy ra chứng kết hợp, các chứng trạng đã kể trên sẽ nặng hơn.
2 - Kết mạc mí trên sung huyết, nét huyết quản mơ hồ, lại có những bọc lọc (mụn hạt giẻ), những núm vú (mụn hạt tiêu) tồn tại.  Thời gian sau có thể xuất hiện các vết sẹo màu trắng.   Lại mọc huyết quản mới dạng rèm buông trên giác mạc (thuỳ liêm chướng), dần dần đi xâm phạm vào giữa  giác mạc.
3 - Thời gian cuối có thể sinh ra lông quặm.   Nghiêm trọng là giác mạc có màng huyết quản che, (huyết ế bào tinh), loét giác mạc.

    Để tiện kiểm tra rộng rãi, chữa rộng rãi, người ta chia bệnh mắt hột ra làm hai kỳ, lấy xuất hiện vết sẹo làm ranh giới.
* Mắt hột độ I : là thời kỳ tiến triển, chưa có sẹo.
* Mắt hột độ II : là thời kỳ đi xuống, đã có vết sẹo.
- Diện tích chưa qua 1/3 kết mạc mí mắt là : ( + ).
- Diện tích vượt qua 1/3 kết mạc mí mắt là : ( + + ).
Cho nên trong hồ sơ chẩn trị, ghi chép phân biệt như sau :
    Mắt hột I “ + ” ; Mắt hột I “ ++ ”.
    Mắt hột II “ + ” ; Mắt hột II “ ++ ”.

      Tôi tiến hành chữa cho cô bé đó như sau:
      Dùng hào kim, tôi châm theo phương kinh nghiệm của người xưa, gồm các huyệt: Phong trì, Tán trúc, Thái dương, Hợp cốc.   Tôi chọn thủ pháp tổng hợp, lấy 4 loại: Từ tật, niệm chuyển, cửu lục, khai bế.   Đều làm tả pháp, lão âm số (36 x 3 = 108).   Tôi châm cho cháu được 10 lần thì bệnh đã khỏi. 
     Sau khi S. hoàn thành bài thi tốt nghiệp, anh đến thăm tôi, anh rất vui và nói: “Em cháu về đến nhà, đi khám sức khoẻ lần cuối, cô đã được chọn đi nước ngoài đợt đó.”   Anh S. đã chuyển lời cám ơn của gia đình tới tôi.   Anh thân mật nói với tôi: “Cháu nghĩ là, chỉ có đến nhờ thầy mới có thể giải quyết được, thế mà đúng thật.”
    
      Thưa các đồng nghiệp, phương huyệt dùng vào chữa ca bệnh viêm kết mạc hột tôi vừa kể trên đây, tôi còn dùng vào chữa nhiều ca bệnh viêm kết mạc cấp tính, viêm kết mạc mạn tính, bệnh mụn chắp mắt, đều khỏi cả.   Xin các đồng nghiệp cứ làm thử, sẽ thấy nghiệm ngay.  Có điều cần nhớ là, nên làm đúng thủ pháp như tôi đã làm.





Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009