I.THỦ THÁI ÂM PHẾ KINH

I.THỦ THÁI ÂM PHẾ KINH
I.THỦ THÁI ÂM PHẾ KINH
( Khí huyệt của Phế đi dọc qua phần âm nhiều ở tay)
Thủ Thái âm phế kinh chủ trị:
“Nội Kinh” nói rằng: Phế là chức vụ phó tướng, chủ về tiết xuất. Phế là gốc của khí, là chỗ chứa phách, hóa ở lông, xung ở da, là Thái âm trong Dương, thông với khí mùa thu.
Phương Tây màu trắng, thông vào với phế, khai khiếu ở mũi, tàng tinh với phế, làm bệnh ở lưng trên. Vị là cay, loại là kim, súc là ngựa, ứng với bốn mùa. Trên trời thấy sao Thái bạch , đã biết là bệnh ở da lông, âm là Thương, số là 9, mùi là tanh, dịch là nước mũi.
Phương Tây sinh táo, táo sinh kim, kinh sinh cay, cay sinh phế, phế sinh da lông, da lông sinh thận. Phế chủ mũi, ở trời là táo, ở đất là kim, ở người là da lông, ở tạng là phế, ở tiếng là khóc, ở biến động là ho, ở chí là buồn. Lo buồn hại phế, vui thắng buồn, nóng hại da lông, lạnh thắng nóng, cay hại da lông, đắng thắng cay.
Thủ Thái âm phế kinh huyệt (Y học nhập môn):
- Thủ Thái âm phế có 11 huyệt: Trung phủ, Vân môn, Thiên phủ, Hiệp bạch, Xích trạch, Khổng tối, Liệt khuyết, Kinh cừ, Thái uyên, Ngư tế, Thiếu thương  (cả hai bên là 22 huyệt).
- Kinh này bắt đầu ở Trung phủ, kết thúc ở Thiếu Thương. Lấy Thiếu thương, Ngư tế, Thái uyên, Kinh cừ, Xích trạch làm Tỉnh, Vinh, Du, Kinh, Hợp.
- Mạch khởi ở Trung tiêu, có nhánh nối xuống Đại trường, lại theo miệng dạ dày lên cách, thuộc vào phế. Từ hệ phế đi ra dưới nách, theo cạnh trong bắp vai, đi ở trước thiếu âm tâm, xuống giữa khuỷu tay theo cánh tay trên xuống cạnh xương quay, vào thốn khẩu, lên mô cái theo bờ mô cái ra đến đầu ngón tay cái. Nhánh của nó từ huyệt Liệt khuyết sau cổ tay, ra thẳng đến cạnh trong ngón tay trỏ, ra đầu ngón giao với Thủ  dương minh. Nhiều khí ít huyết, giờ Dần trú ở đó.
-Tạng của Tân kim, mạch chiếm chỗ thốn bộ bên phải.
Đạo dẫn bản kinh:
Phế là cái hoa che đậy ngũ tạng, tiếng nói từ đó mà ra, da dẻ dựa vào đó mà ẩm ướt. Người ta chỉ có nội thương thất tình, ngoại cảm lục dâm mà hô hấp ra vào không định, phế kim do đó mà không sạch, cho nên muốn thanh kim tất trước hết phải đều nhịp thở, đều nhịp thở thì nạn động chẳng sinh, mà tâm hỏa tự yên. Một là an tâm ở dưới mức thấp (cơ thấp an tâm), hai là khoan trong thân mình, ba là nghĩ về khí thông lỗ chân lông ra vào, thông dụng không trở ngại, mà chú ý làm cho hơi thở nhè nhẹ, đó là cách thở đúng. Cái thở bắt đầu từ tâm, tâm tĩnh thì khí đều, từng hơi thở đều quay về gốc, đó là mẹ của kim đan.
“Tâm ấn kinh” nói rằng: “Hồi phong hỗn hợp, bách nhật thông linh”.
“Nội kinh” nói rằng: “Thu tam nguyệt, tỉ vị dung bình, thiên khí dĩ cấp, địa khí dĩ minh, tảo ngọa tảo khởi, vu kê cụ nóng, sử chí an ninh, dĩ hoãn thu hình, thâu liễm thần khí, sử thu khí bình...” nghĩa là ba tháng mùa thu ,đó là nói chung một cách đều đặn, khí trời thì cấp, khí đất thì sáng, đi ngủ sớm, thức dậy sớm, như con gà vui đều, để cho khí an ninh, hình thái mùa thu giãn ra, thần khí thu liễm vào, làm cho khí mùa thu yên ổn”. Không ngoài chí đã làm cho phế khí sạch, ngược lại thì hại phế.  Nếu như đã quá ăn quả dưa, nên lợi nhẹ một đợt, thở yên hai ngày, lấy rau muống trắng nấu cháo bỏ thêm thận con dê, ăn vào lúc đói để bổ, nếu như không có thận dê lấy thận con lợn thay thế uống thêm thuốc bổ. Vào mùa thu nếu ấm chân mát đầu, đó là lúc mà khí được thanh thừa và cơ thể thu liễm. Từ ngày Hạ chí trở đi, âm khí vượng dần, những chiếu, vạt áo mỏng thì bồi dày thêm. Hoặc mùa hạ đã thương thử, đến mùa thu phát thành sốt rét mà ho, dương lên âm xuống tranh nhau làm hàn, dương xuống âm lên tranh nhau làm nhiệt, hàn nhiệt tranh nhau đều làm cho phế bị bệnh. Nếu như hai mạch thiếu dương hơi huyền, tức là mùa hạ ăn thức ăn sống, lạnh, tích trệ lưu ở trong, đến mùa thu làm biến thành chứng lỵ. Nếu như mùa thu mà mạch ở Túc dương minh, thái âm hơi huyền, nhu mà tụ, là mạch ngược với mùa, sợ bệnh sẽ nguy ngập, nếu như gặp mạch mùa thu như sợi lông, phép chữa xem ở sau và trước.
Sách “Tố Vấn” nói: “Thu thương vu thấp, đông sinh khái thấu, thuần dương quy không”, nghĩa là mùa thu thương thấp, mùa đông sinh ho hắng, thuần dương quay về khoảng trống.
“Một pháp” nói: “Đi, ở, nằm, ngồi thường ngậm miệng, thở ra hít vào điều hòa nhịp thở, yên tiếng nói, cam tân, ngọc dịch xuống họng đều đều, không lúc nào phổi không nhuận, làm cho tà hỏa giáng xuống mà thanh phế kim vậy”.
CÁCH TÌM ĐÚNG HUYỆT:
1.TRUNG PHỦ: 中府(Huyệt Mộ; Nơi chứa giữ vật chất bên trong; có tên là Ưng du)
- Vị trí : Cạnh ngoài, phía trên của vách trước lồng ngực, trên vú 3 xương sườn, cách đường giữa ngực là 6 thốn, từ huyệt Vân môn xuống là 1 thốn, là phế mộ, chỗ hội của hai mạch Thủ Túc thái âm.
- Cách lấy huyệt : Cho 2 tay chéo ra phía sau lưng thì thấy ở dưới đầu ngoài xương đòn hiện ra một hố lõm tam giác (chính giữa hố lõm là huyệt Vân môn) từ chính giữa hố lõm đó xuống theo đường rãnh giữa cơ tam giác vai và lồng ngực là 1 thốn, nằm trên khe sườn 1 - 2.
Cách thứ 2 : Từ đầu vú (chỉ dùng đo ở nam giới) đo ra ngoài 2 thốn rồi từ đó thẳng lên 3 khe sườn (tức là khe liên sườn 1 - 2).
- Cách châm cứu : Châm đứng kim, sâu 3 - 5 phân thốn. Châm dưới da về hướng trên và bên ngoài sâu 1 - 2 thốn. Cứu 3 - 5 mồi, hơ 5 - 10 phút.
- Chủ trị : Ho hắng, hen, tức ngực, đau bả vai, viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, bụng chướng, sưng ở tứ chi, ăn không xuống, nôn mửa, đảm nhiệt nôn ngược lên, ho nhổ nước bọt, nước mũi đục, bị gió ra mồi hôi, da đau mặt sưng, bướu cổ, tràng nhạc.
- Tác dụng phối hợp : với Thiếu xung trị đau ngực ; với Đại chùy trị viêm phổi, giãn phế quản xuất huyết ; với Nội quan trị cánh tay mát lạnh ; với Phế du, Khổng tối trị viêm phế quản mạn tính ; với Kết hạch điểm, Phế nhiệt huyệt, Phế du trị lao phổi.
2.VÂN MÔN: 雲門(Cửa của tiếng nói)
- Vị trí: Dưới xương đòn, từ giữa ngực ra 6 thốn, giữa hố lõm tam giác, ở dưới huyệt Cự cốt, từ huyệt Khí hộ ra 2 thốn.
- Cách châm cứu: Châm chếch lên trên và ra ngoài sau 0,5 - 1 thốn, cứu  3 - 7 mồi, hơ 5 - 15 phút.
- Chủ trị: Ho hắng, hen xuyễn, đau ngực, ngực buồn bằn, viêm quanh khớp vai, thương hàn tứ chi nóng không dứt, đau khắp sườn và lưng trên, hầu bại, tràng nhạc.
- CHÚ Ý: CẤM CHÂM SÂU, sợ bách thần tán.
3.THIÊN PHỦ  天府 (Nơi chứa giữ vật chất của trời)
- Vị trí: Đầu nếp gấp nách xuống 3 thốn, cạnh ngoài cơ nhị đầu, co khuỷu tay thì từ khuỷu tay lên 5 thốn.
- Cách lấy huyệt: Chấm mực vào đầu mũi, giơ tay lên, cánh tay chấm vào đầu mũi, nơi đụng có dấu là huyệt.
- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 1- 2 thốn, CẤM CỨU.
- Chủ trị: Hen xuyễn, mũi chảy máu cam, khái huyết, hầu họng sưng đau, khuỷu cánh tay đau, trúng phong tà, chảy nước mắt, hay quên, phi thi ác thuyên (một chứng thi quyết), nói lời của quỷ, sốt rét nóng lạnh, mắt hoa, nhìn gần mờ mờ, tràng nhạc.
4.HIỆP BẠCH  俠白(Màu trắng hòa hiệp)
-Vị trí: Cạnh trước và ngoài xương cánh tay, từ huyệt Thiên phủ xuống 1 thốn.
-Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 1 - 2 thốn, cứu 3 - 5 mồi, hơ  10 -15 phút.
-Chủ trị: Ho hắng, thở gấp, ngực đau, cạnh trong cánh tay đau, đau tim, ngắn hơi, nôn khan ngược lên.
5.XÍCH TRẠCH:  尺澤(Cái ao ở xương xích (xương trụ); huyệt Hợp Thủy)
-Vị trí: Ở nếp gấp trước khuỷu tay, cạnh ngoài gân lớn của cơ nhị đầu cánh tay, giữa chỗ lõm khe gân xương, chỗ mạch Thủ thái âm đi vào ,là Hợp Thủy. Phế thực thì tả ở đó
-Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 3 - 5 phân, cứu 5 mồi, hơ 5 phút. CẤM CHÂM SÂU chếch vào giữa khuỷu. Khêu nặn máu xung quanh có thể chữa được viêm dạ dày, ruột.
-Chủ trị: Cảm mạo, ho hắng, hen, khái huyết, phát sốt nóng, ho gà, chướng tức ngực, đau ngực, đau khuỷu và cánh tay, viêm mạc lồng ngực, hầu họng sưng đau, đan độc, ra mồ hôi; trúng gió, đi đái nhiều lần, hay hắt hơi, buồn khóc, nóng rét phong bại, bắp tay cánh tay co rút, bàn tay không nâng lên được, khí lên buồn nôn, miệng khô, ho nhổ nước bọt đục, sốt rét lâu ngày, tứ chi bạo thũng, tim đau cánh tay lạnh, ngắn hơi, phế giãn rộng ra, thắt lưng cột sống cứng đau, trẻ em mạn kinh phong.
-Tác dụng phối hợp: với Đại chùy thấu Kết hạch điểm, Hoa cái thấu toàn cơ, trị lao phổi; với Ủy trung dùng kim 3 cạnh chích nặn máu trị đan độc; với Khúc trì trị khuỷu tay co đau; với Thiếu trạch trị tim buồn bẳn.
6.KHỔNG TỐI: 孔最(Chỗ tổng quát về các lỗ; huyệt Khích)
- Vị trí: Ở cạnh cẳng tay phía ngón cái (cạnh quay), từ cổ tay lên 7 thốn
- Cách châm cứu: Châm đứng kim, sâu 0,5 - 1 thốn, cứu 3 - 7 mồi, hơ 5 - 10 phút
-Chủ trị: Ho hắng, hen, khái huyết, ngón tay cứng đơ không co duỗi được, viêm phổi, viêm amiđan, bệnh nhiệt mồ hôi không ra, mất tiếng, họng sưng, đầu đau.
-Tác dụng phối hợp: với Thiên đột, Phế du trị ho hen; với Khúc trì, Phế du trị khái huyết; với Đại chùy, Phế du trị sưng phổi, với Khúc trạch, Phế du trị nhổ bọt ra máu.
7.LIỆT KHUYẾT:  列缺(Chỗ còn thiếu ở hàng ngũ; huyệt Lạc với Thủ Dương Minh Đại Trường, huyệt tổng vùng cổ gáy, huyệt giao hội với Nhâm mạch)
-Vị trí: Ở sau cổ tay, phía ngón cái, cạnh ngoài mặt trước xương quay, cổ tay lên 1,5 thốn.
-Cách lấy huyệt: Người bệnh mở ngón tay cái và trỏ cả 2 bàn tay giao nhau cho ngón trỏ qua mô cái phía lòng bàn tay, đầu ngón trỏ kia đặt lên mô cao đầu xương quay, chỗ đầu ngón trỏ ấn vào xương quay là huyệt, chỗ đó bờ xương hơi lõm xuống.
-Cách châm cứu: Châm chếch lên, sâu 3 - 5 phân, cứu 3 - 7 mồi, hơ 5 phút.
-Chủ trị: Cảm mạo, ho hắng, đau đầu, đau răng, gáy cổ cứng đau, hầu họng sưng đau, mồm miệng méo lệch, người già đái nhiều, bán thân bất toại, phong chẩn, đái ra máu, tứ chi bạo sưng, cổ tay không có sức, lòng bàn tay nóng, miệng ngậm không mở, sốt rét nóng lạnh, nôn ra nước bọt, hay cười, môi miệng trề ra, hay quên, đái ra tinh, đau dương vật, nước đái nóng, động kinh mắt nhìn lơ láo, mặt mắt và tứ chi sưng, vai bại, ngực và lưng trên rét run, ít hơi không đủ để thở, thi quyết (thân cứng đơ).
“Tố Vấn” nói rằng: Thực thì bàn tay rời ra, lòng bàn tay nóng, tả ở đó; Hư thì không đủ thở, thì đái nhiều lần mà rơi rớt, bổ ở đó. Đi thẳng gọi là kinh, đi ngang gọi là lạc, nhánh của Thủ thái âm phế từ sau cổ tay ra thẳng theo cạnh trong ngón trỏ đến đầu chót, là nhánh nối từ Liệt khuyết đến huyệt Dương khê bên kinh Dương minh. Người ta có trường hợp cả 3 bộ mạch thốn, quan, xích không thấy mà thấy mạch từ Liệt khuyết đến Dương khê, thường gọi là “phản quan mạch”. Mạch đó hư mà lạc mạch đầy, “Thiên Kinh Dực” gọi là Dương mạch nghịch, ngược lại to gấp ba lần ở thốn khâu.
-Tác dụng phối hợp: với Hậu khê chữa đau đầu gáy; với Chiếu hải chữa ho hen; với Dương khê, Áp thống điểm trị viêm kiến tiêu kiểu hẹp tắc (kiến tiêu là gân đầu cơ)
8.KINH CỪ: 經渠( Cái rãnh trên đường dọc; huyệt Kinh, Kim)
-Vị trí: Phía trong ụ lồi xương quay, lằn cổ tay lên 1 thốn, giữa chỗ lõm ở động mạch, chỗ mạch phế đi là Kinh, Kim.
-Cách châm cứu: Châm đứng hoặc chếch sâu 0,5- 1 thốn, tránh động mạch, CẤM CỨU.
-Chủ trị: Ho hắng, hen xuyễn, ngực đau, cổ tay đau, sốt rét nóng lạnh, ngực và lưng trên đều cấp, ngực tức giãn ra, hầu bại, giữa bàn tay nóng, thương hàn, bệnh nhiệt mồ hôi không ra, đau tim nôn mửa, viêm khí quản.
9.THÁI UYÊN: 太淵(Chỗ rất sâu; có tên là Thái tuyền, Ti đường tổ húy;huyệt Hội của mạch, huyệt Nguyên, huyệt Du, Thổ)
- Vị trí: Ở chỗ lõm sau mô cái trên lằn cổ tay, chỗ có động mạch đập. “Nội kinh” nói: Mạch hội Thái uyên, chỗ phế mạch trú là Du, Thổ, phế hư bổ ở đó.
- Cách châm cứu: Châm dứng kim sâu 2 – 3 phân, cứu 1 – 3 mồi, hơ 3 – 5 phút.
- Chủ trị: Hen, hầu họng sưng, đau ngực, chứng mất mạch, ho hắng, mất ngủ, viêm phế quản, ho gà, cảm mạo, lao phổi, tật bệnh ở ổ khớp và tổ chức phần mềm quanh khớp cổ tay, đau đầu, đau răng, đau mắt sinh màng, ho ra máu, cổ tay đau đớn không có sức, hay ựa, nôn ra đồ ăn uống, bứt rứt không nằm được, phế giãn trương ra.
-Tác dụng phối hợp: với Nội quan trị đau ngực, tim đập quá nhanh; với Liệt khuyết trị ho hắng phong đàm; với Nội quan, Tứ phùng trị ho gà; với Ngư tế trị họng khô.Ngoài ra còn trị mắt đỏ đau, làm nóng làm rét, đau dẫn vào trong hố đòn, giữa lòng bàn tay nóng, hay ngáp, vai và lưng trên lạnh đau, sặc khí ngược lên, đau tim tắc mạch, rét run, họng khô, nói nhảm, miệng giãn ra, nước tiểu biến màu, tự nhiên rớt nước đái ra không có giờ giấc.
10.NGƯ TẾ: 魚際(Bờ cạnh con cá; huyệt Huỳnh, Hỏa)
-Vị trí: Trên mô cái, phía trong khớp ngón cái và đốt bàn số 1.
-Cách lấy huyệt: Để lòng bàn tay ngửa lên, từ lòng bàn tay ra cạnh ngoài xương bàn ngón 1 kẻ một đường, chia làm 4 đoạn thì huyệt ở cách cạnh ngoài 1 phần, cách tâm 3 phần, chỗ mạch phế lưu là Vinh, Hỏa
- Cách châm cứu: Châm sâu 3 - 5 phân, cứu 3 mồi, hơ 5 phút (ĐẠI THÀNH– CẤM CỨU)
- Chủ trị: Phát sốt, ho hắng, đau sườn ngực, đau hầu, viêm amidan, mất tiếng không nói được, hen, ho ra máu, trẻ em cam tích, bệnh rượu, sợ gió lạnh, hư nhiệt, trên lưỡi màu vàng, mình nóng đầu đau, ựa, thương hàn mồ hôi không ra, lưng trên đau không thở được, khuỷu tay co, cả chi tức, trong họng khô, rét run hàm khua lập cập, đái ra máu, nôn ra máu, tim bại buồn sợ, sưng nhọt ở vú.
Đông Viên nói rằng: “Vị khí trôi xuống ở dưới, khí ngũ tạng đều loạn. Tại ở phế lấy Ngư tế ở thủ thái âm và túc thiếu âm du huyệt “Thái khê”.
- Tác dụng phối hợp: với Dịch môn trị đau hầu; với Cự cốt, Xích trạch trị lạc huyết.
11.THIẾU THƯƠNG: 少商(Buồn rầu ít; huyệt Tỉnh, Mộc)
- Vị trí: Ở cạnh trong gốc móng ngón tay cái (cạnh quay), cách gốc móng tay ra hơn 1 phân, bên ngoài gốc móng, chìm trong da. Chỗ mạch phế ra là Tỉnh, Mộc. Nếu chích máu ở đó tiết nhiệt ở mọi tạng.
- Cách châm cứu: Mũi kim hơi hướng về phía trên, châm chếch sâu 1 phân, nói chung thường dùng kim 3 cạnh chích nặn máu, cứu 3 - 7 mồi, hơ 1 - 3 phút.
- Chủ trị: Chủ trị mũi chảy máu cam, nôn ọe, ho hắng, phát sốt, cấp tính đau mắt đỏ, ho gà, chứng giản, đột nhiên choáng quay cuồng, hầu họng sưng đau, viêm amidan, sưng quai bị, cảm mạo, viêm phổi, trúng gió, trẻ em rối loạn tiêu hóa, tinh thần phân liệt, tim buồn bẳn, muốn ựa, đau tức dưới tim, mồ hôi ra mà lạnh, sốt rét lâu ngày rét run, bụng đầy, nhổ bọt vặt, môi khô đòi uống, ăn không xuống, giãn ra, bàn tay co, ngón tay đau, lòng bàn tay nóng, rét run hàm khua lập cập, trong hầu kêu.
Sách về châm đời Đường có Thành Quân Xước tự nhiên hàm sưng to như cái thăng, trong hầu bế tắc, một hạt nước cũng không lọt xuống đã 3 ngày, Châu Quyền lấy kim 3 cạnh đâm vào huyệt này hơi ra tí máu khỏi ngay. Tả tạng nhiệt vậy.
-Tác dụng phối hợp: Chích Thiếu thương nặn máu phối hợp với Hợp cốc trị viêm amidan cấp tính; với Khúc trạch trị huyết hư, miệng khát; với Thiên Đột, Hợp cốc trị hầu họng sưng đau; với Thương dương chích nặn máu trị hầu họng sưng đau.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Danh từ Huyệt vị châm cứu