Chữa chứng co thắt bàng quang cấp

Chữa chứng co thắt bàng quang cấp
Những ngày cuối đông 1983, khí trời giá lạnh. Tuy đã nghỉ hưu tại Trường Đại Học Mỹ Thuật được hơn hai năm, nhưng tôi vẫn ở trong căn nhà tạm của cục Mỹ thuật cấp cho.
     Phòng tôi ở là một nửa gian nhà, diện tích rộng mười hai mét vuông.  Có người nói: “Ông ở một mình, thuộc hộ độc thân, nhà như thế là rộng rãi rồi.”   Bốn phía vách và cột, kèo, đòn tay đỡ mái nhà đều làm bằng tre. Mái nhà lợp bằng những tấm phên nhỏ, đan bằng nứa, xếp đè nhiều lớp lên nhau.  Vách nhà được trát vôi trộn với rơm lúa băm nhỏ (hồi ấy người ta gọi thứ hỗn hợp chất trát vách này bằng cái tên Tây khá mỹ miều: Chất “toóc xi”). Khi các gia đình sắp về nhận nhà ở, cơ quan đã thuê thợ đến nối mái dài xuống, chống thêm cột, làm thêm vách, thành ra chúng tôi có thêm diện tích phụ. Khu phụ rộng chừng khoảng bốn mét vuông. Tôi dùng khu này làm nơi đặt bếp. Bếp liền trước nhà.  Thuật phong thuỷ gọi bố cục này là “ táo tiền, phòng hậu.” Do mái nhà chính vốn đã thấp, nay nối dài xuống qua khu phụ, nên đuôi mái càng thấp hơn. Nơi trước cửa ra vào nhà tôi, đuôi mái chỉ ngang mi mắt người cao trung bình đứng thẳng.  Do vậy, bất kể là ai, khi vào nhà tôi, họ đều phải cúi đầu, khom lưng xuống mới vào được. Trẻ nhỏ thì chúng ra vào dễ dàng. Có anh bạn, khi đến thăm tôi đã nói vui rằng: “Nhà anh ở thật là sang, giống như nhà của trạng Quỳnh.   Nếu vua có đến cầu hiền cũng phải khom lưng, cúi đầu hành lễ.”
    Một hôm, có vị khách đến thăm tôi vào đúng ngày nóng nực nhất của mùa hè. Ông nhìn các vách tường hai bên và phía sau, rồi ông nhẹ nhàng khuyên tôi: “Anh nên mở thêm cửa sổ ở các phía này cho thoáng mát.” Tôi phải thưa để ông rõ: “Sau các bức tường vách đó, lại là phòng ở của các gia đình hàng xóm.  Tôi đã nghĩ đến mở thêm cửa sổ xuống đất, nhưng lại sợ kẻ trộm đào nghạch vào nhà, nên lại thôi.” Ông khách chợt hiểu ra, ông cười rú lên rồi nói: “Anh hài hước quá đấy.”
    Cũng phải kể thêm về lối rẽ vào nhà tôi.   Hai nhà hàng xóm bên cạnh và nhà hàng xóm phía sau, họ đều đi lại theo lối khác. Riêng lối vào nhà tôi lại có thể đi từ hai phía đầu nhà tới. Khách phải đi trên hàng gạch vỉa, là bờ của một cái rãnh thoát nước lộ thiên. Hàng gạch này cách cửa ra vào nhà tôi 30 phân Tây. Rãnh rộng khoảng 20 phân. Bờ rãnh bên kia chính là bức tường sau của dãy nhà xây bán kiên cố, thuộc khu tập thể Bộ Ngoại Giao. Nhiều khi đang đi trên hàng gạch vỉa, chẳng may trượt chân là thọc ngay cả giày dép xuống rãnh nước bẩn ấy. Nếu khách đi theo lối này, vào lúc trời mưa, nước từ mái ngói nhà xây rơi xuống đuôi mái của nhà tôi, nước sẽ bắn tung toé lên, làm ướt cả mặt của khách.
    Nơi ở của tôi như thế đó. Nhưng cũng từ nơi đây, tôi đã có duyên được đón tiếp Giáo sư Tô Như Khuê. Ông tìm đến giao cho tôi nhiệm vụ tham gia đề tài khoa học cấp nhà nước do ông phụ trách. Thỉnh thoảng cũng những vị khách sang trọng của xã hội, họ đã quên cả sự cách biệt giầu nghèo, họ tới tìm tôi khi họ có việc càn đến tôi.  Diều đó cũng an ủi tôi  nhiều, giúp tôi yên phận sống và làm việc.
     Trong căn nhà âm u, nóng, ẩm, tưởng như khó ở nổi ấy. Thượng đế đã ban cho tôi một thứ ánh sáng tâm linh.  Tôi có thể nhìn ra cội nguồn của các quy luật thời sinh, là nhờ bởi thứ ánh sáng đó.  Bản thảo bộ sách  “Nguyên lý thời sinh học cổ Phương Đông” đã ra đời trong hoàn cảnh như thế (sách này đến năm 1996, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin Hà Nội đã in và phát hành rộng rãi ngoài xã hội.  Do yêu cầu của độc giả, năm 2000, sách đã tái bản bản). Thượng đế lại cho tôi sức nhớ trong đầu. Mỗi khi gặp người nhờ tôi chữa bệnh khó, những điều tôi đã đọc được ở các sách lại hiện ra, sách đã chỉ cho tôi cách chữa loại bệnh khó đó.
     Ví dụ như hôm ấy, khi trời vừa sáng đủ nhìn rõ mặt người, một cháu gái hàng xóm chừng hơn mười tuổi, cháu đến trước cửa gọi tôi, nhờ tôi sang nhà cháu chữa bệnh cho cô cháu. Tôi theo cháu đi vòng qua đầu dãy nhà trước mặt, tới một căn phòng có tường sau áp trước cửa nhà tôi. Người bệnh cũng là chủ căn hộ. Cô ten là Ph., tuổi chừng ngót tứ tuần. Cô là kế mẫu của cháu gái vừa tìm tôi và đưa tôi tới đây.   Cô và bố cháu đều làm việc ở Bộ Ngoại giao. Hiện bố cháu đang  công tác ở nước ngoài.
    Khi bước vào phòng, tôi ngửi thấy sực nức mùi dầu cao con hổ. Chừng năm bảy bà hàng xóm, kẻ đứng, người ngồi quanh giường cô nằm. Một bà trong số đó nhường cho tôi chiếc ghế đẩu gần giường.  Tôi cảm ơn bà và ngồi xuống, tiến hành thăm khám.  Cô kể về bệnh tình của mình như sau: “Sáng nay em thức sớm, nhưng vì trời lạnh nên nằm nán lại. Đến lúc em thấy khó chịu quá, em mới phải dậy. Khi dậy, em vội vàng ra khỏi nhà, đi tiểu tiện ngay. Đi tiểu xong, vừa vào đến nhà là em đau vùng bụng dưới dữ dội. Em nằm vật ra giường. Cháu thấy thế sợ quá, liền chạy sang hàng xóm, nhờ các bác tới xem giùm.    Người đem theo dầu cao thì xoa nắn, người thì đi tìm túi chườm, đắp lên bụng cho em. Nhưng em vẫn thấy đau lắm !”   Tôi nhấc túi chườm ở bụng ra, chạm tay nhè nhẹ vào nơi đặt túi chườm, từ từ ấn thăm dò. Bụng cô tuy thấy rất nóng, nhưng vẫn mềm, có lẽ do túi chườm gây nóng. Ấn sâu hơn vẫn không thấy bụng căng. Chỉ có cảm giác phía dưới cơ thẳng bụng có co cứng từng nhịp. Tôi dự đoán là chứng co thắt bàng quang cấp, do nín tiểu quá lâu. Khi đi tiểu lại xả hết, không giữ lại một ít, gây ra mất nhiệt đột ngột, làm co thắt mạnh ở bàng quang. Tôi lấy kim ra châm  vào huyệt Trung cực, sâu chừng hơn một thốn, làm thủ pháp tả tổng hợp (từ tật, khai bế, niệm chuyển, đề sáp, cửu lục) lão âm số (36 x 3 = 108), kích thích mạnh, sau đó rút kim ngay. Tôi lại nói để cô nằm sấp xuống. Tôi châm ở huyệt Ủy trung cả hai bên, làm thủ pháp như trên. Châm xong, tôi nói để cô nằm thẳng lại nghỉ ngơi. Tôi vừa theo dõi bệnh nhân vừa nói để các bà hàng xóm yên tâm về bệnh tình của cô, và cũng là để họ biết cách đề phòng bệnh này. Tôi vừa nói dứt câu truyện, quay lại tôi hỏi cô: “Cô thấy trong người thế nào?” Cô nói: “Em đỡ hẳn cơn đau mạnh rồi, chỉ còn âm ỉ đau nhẹ theo nhịp thưa thớt, bác ạ.”  Tôi châm thêm huyệt Thiên khu cả hai bên và huyệt Khí hải, vê tả nhè nhẹ rồi rút kim.
     Sực nhớ đến rá gạo tôi đã vo, chưa đổ vào soong, còn đậy sơ sài để kịp lấy kim mang theo sang đây. Tôi nói với cô: “Cô nằm nghỉ tiếp, tôi về thổi nồi cơm. Chừng nửa giờ nữa, tôi sẽ sang xem lại bệnh cho cô.” Thời ấy, chúng tôi nấu ăn bằng bếp dầu hoả.  Cơm cạn nước rồi, vẫn phải để bếp nhỏ lửa, chờ cơm chín hẳn mới tắt bếp được. Cơm chín, tôi sang thăm lại người bệnh. Tôi đến cửa, thấy cả nhà vắng vẻ, chỉ có cháu gái ra và nói với tôi: “Thưa bác, cô cháu đi lên cơ quan xin nghỉ việc rồi ạ.”  Tôi hỏi cháu:
“Cô cháu đi bằng phương tiện gì ?” Cháu gái nói: “Cô cháu tự đi bằng xe đạp ạ.” Tôi gật đầu, chào cháu rồi quay về nhà, kip ăn bữa cơm còn nóng dẻo.
     Cũng phải kể thêm về hoàn cảnh ăn, ở của chúng tôi thời bấy giờ. Bởi đó cũng là một nguyên nhân làm cho nhiều người mắc chứng bệnh này. Khu tập thể chúng tôi gồm chín dãy nhà xây bán kiên cố, và hai dãy nhà tạm bằng tre, nứa, lá. Nhà xây, vốn là nơi tập thể, ở tạm, của cán bộ Miền Nam chuẩn bị đi B, thuộc Uỷ ban Thống nhất quản lý. Nay đã chuyển cho Bộ Ngoại giao. Nhà tạm là khu tập thể cán bộ nghành văn hoá. Mỗi phòng thuộc số nhà xây này rộng chừng hai chục mét vuông. Trước cả dãy nhà có hành lang rộng, dùng làm lối đi chung, cũng là hiên che mưa nắng.  Hiên có hàng cột đỡ chắc chắn. Trong phòng và hiên đều lát gạch men  bóng loáng. Trước hàng hiên chừng nửa mét là một dãy nhà thấp, nhỏ, ngăn chia theo từng phòng, phân cho các hộ làm bếp gia đình.
     Nhưng tất cả, họ cũng như chúng tôi, các gia đình đều không có công trình vệ sinh tự hoại, khép kín. Cứ ba dãy nhà có một khoảng trống, được xây, ngăn làm nơi tiểu tiện chung. Toàn khu tập thể rộng hàng vạn mét vuông, tính gộp số dân Ngoại giao, Văn hoá, kể cả già, trẻ, có lẽ tới gần một nghìn con người. Thế mà nhà vệ sinh công cộng theo kiểu đặt thùng (thuộc công ty vệ sinh quản lý) chỉ có mười ngăn.  Ngày hè, người ta không phải nín nhịn vì ngại lạnh, cũng phải nín nhịn vì chờ đợi trong những giờ cao điểm. Gia đình nghèo như những cán bộ Văn hoá; gia đình khá giả như những cán bộ Ngoại giao, đều chịu chung cảnh ngộ éo le ấy. Nhà có con nhỏ thf sắm bô men, bô nhựa. Các cháu ngồi bô xong, người lớn đem bô đến nhà vệ sinh công cộng đổ vào thùng.  Mhiều khi vì vội, họ đổ tung toé ra chung quanh cái bể nổi chứa nước cạnh đó. Có người, sau khi đổ bô, họ cò nhúng cả bô vào bể nước để tráng, làm cho trong bể nước có cả phân và giấy bẩn nổi lều bều.  Ruồi nhặng, dòi bọ, không lúc nào không có. Thật là cảnh tương ô uế đáng sợ.
     Ngày nay, nhà nào, nơi nào cũng có công trình vệ sinh tự hoại, khép kín. Loại bệnh này ta cũng ít gặp hơn xưa. Vì thế hỏi đã mấy người trong lớp trẻ tuổi biết được rằng, mới trước đây hơn hai chục năm, chúng tôi đã phải ăn, ở như thế đó. 


      Khi dậy học viên nề chứng bệnh này, ngoài việc nêu diễn biến của bệnh, nguyên nhân và cách chữa, tôi còn phải nêu ý nghĩa phương huyệt.  Huyệt Trung cực, là loại Mộ của phủ Bàng quang, có tác dụng chữa các chứng cấp tính vùng bàng quang.  Uỷ trung, là loại Hợp trong ngũ du huyệt trên kinh Bàng quang, dùng vào chữa bệnh tạng phủ phối với kinh đó.  Huyệt Thiên khu, nằm trên cơ thẳng bụng, có tác dụng hoãn giải co cứng cơ đó, lại có tác dụng điều hoà nhu động bên trong ổ bụng.  Huyệt Khí hải, tác dụng điều hoà khí cơ, khí hoà thì đau cũng dứt.

       Nhân nói về bệnh, phải nói về hoàn cảnh gây bệnh. Tôi viết hơi dài dòng, là muốn gửi gắm sự tôn trọng khách quan lịch sử một thời.
              Mong người đọc hiểu cho.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009