Chữa chứng bong gân bàn chân

Chữa chứng bong gân bàn chân
Thời gian tôi mới ra Bắc để chữa bệnh, tôi được gửi sang Viện chống lao trung ương để điều trị bệnh phổi.  Tại đây tôi gặp một chiến sỹ quân giải phóng, tên anh là D..   Anh quê ở Hải Phòng, là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Y khoa Hà Nội.  Anh đã tình nguyện vào chiến trường B chống Mỹ, nay anh cũng được chữa bệnh tại đây.   Anh còn rất trẻ, tuy anh đã mang trong người cả bệnh phổi lẫn bênh sốt rét rừng, lá lách sưng to, nhưng những buổi chiều không lên cơn sốt, anh vẫn ra sân cùng chơi bóng chuyền với mọi người.

      Một hôm, sau lần nhảy lên đập bóng qua lưới, khi tiếp đất, bàn chân phải anh đạp lên một mẩu gạch củ đậu.  Bị mất thăng bằng, khiến anh loạng choạng ngồi xuống.  Có người vội chạy đi gọi y sỹ trực đến.  Sau khi đã xem xét kỹ, y sỹ kết luận là anh bị bong gân ở bàn chân.   Y sỹ nói tiếp, sẽ đưa anh đi bó bột để cố định lại.   Y sỹ vừa nói xong, lại chỉ vào một ông cán bộ to béo đứng xem đánh bóng gần đó và nói : “Ông T. kia là Cục phó Cục xăng dầu, hôm thứ năm tuần trước, ông cũng bị bong gân ở chân, do được đưa đi bó bột kịp thời, đến nay chân đau của ông đã gần khỏi rồi đó.”  Tôi và D. nhìn theo hướng tay chỉ của ông y sỹ, thấy chân ông Cục phó ấy to xù một màu trắng.  Bước chân ông đi cà nhắc.  Chẳng hiểu vì vướng bột bó, hay chân ông còn đau, ông đang đi chầm chậm đến chỗ chúng tôi.
      Nghe y sỹ nói, lại nhìn thấy chân ông cục phó nọ, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ, nhận chữa cho D. bằng châm cứu.  Tôi đã nói với D. và ông y sỹ rằng, sẽ không phải đi bó bột, để chúng tôi tự chữa lấy cho nhau.  Tôi dìu D. về phòng.  Ông Cục phó nọ tò mò đi theo sau chúng tôi.  Tôi cũng chẳng cần để ý đến việc đi theo của ông.
     Ông cục phó ngồi xem tôi làm việc một cách rất chăm chú.  Tôi sát trùng kim vào nơi huyệt Túc lâm khấp bên chân đau.  Châm kim xong, tôi vê bổ 81 lần.  Cuối cùng là tôi bó ngải nhung vào đốc kim một mồi, mồi ngải to bằng hạt táo chua, tôi châm lửa đốt.  Khi mồi ngải đã cháy hết, không còn màu hồng của than, tôi lấy mảnh giấy hứng dưới kim và gạt cho tàn tro rơi đi.  Tôi lại bó vào đốc kim mồi ngải thứ hai, đốt lửa.  Trong khi chờ mồi thứ hai cháy, tôi nói với D. :“Cậu nên nhớ, đây là kinh nghiệm gia truyền nhà tôi đã bẩy đời, mà đời tôi là đời thứ nhất.  Tất cả các trường hợp bong gân, va đập tụ máu, không rách da, dù bất cứ ở đâu, ta cũng có thể chữa được.  Chỉ cần châm tả một huyệt tại chỗ, hoặc lân cận nơi bong gân, tụ máu, đồng thời ôn châm ở huyệt Túc lâm khấp từ một đến hai mồi ngải (không được đốt đến ba mồi).  Qua một đêm ngủ, ngày hôm sau đau đớn giảm hẳn, máu tụ cũng tan mất.  Nếu bong gân ở chân như D., thì huyệt tại chỗ cũng chính là huyệt Túc lâm khấp, không cần châm thêm huyệt nào khác nữa.”  Tôi vừa nói dứt câu, ông Cục phó đã vỗ nhẹ vào vai tôi mà nói : “Cậu nói đùa mà cứ như thật.”  Tôi cũng chẳng để ý đến câu nói đó của ông, lặng lẽ rút kim, sát trùng,  ấn day nhè nhẹ vào huyệt dăm bảy lần là xong.
     Chiều hôm sau, D. đã cùng mọi người ra sân, nhưng chỉ để xem.  D. chưa dám tham gia đánh bóng.  Ông Cục phó theo dõi D, thấy D. đi lại thoải mái, không hề tỏ ra đau đớn, ông có vẻ thèm muốn được như D..  Ông bước đến gần tôi, nói với tôi, nửa như ông hối tiếc, nửa lại như ông oán trách tôi : “Này, sao hôm chân tớ bị bong gân, cậu không chữa giúp tớ, để tớ phải đi bó bột, đến nay chân tớ vẫn chưa hết đau.   Tớ đi, lại, thấy chân vướng bận khó chịu quá.”  Tôi bỗng thấy câu hỏi của ông có gì đó lạ quá.  Tuy tôi không dám buột miệng để cười ông, nhưng tôi đã không nén nổi giọng châm biếm khi nói với ông : “Ông nghĩ hơi đơn giản hơn tôi nghĩ đấy!.  Nhà nước đã có chế độ ưu tiên cho cán bộ cao cấp.  Cách tôi chữa bệnh cho D. chỉ là cách chữa của những người cấp thấp trong xã hội dành cho nhau.  Nếu tôi dám mạo muội đến xin chữa cho ông, trong lúc ông chưa biết tôi là ai, liệu chừng ông có rộng lòng bỏ qua cho sự mạo muội của tôi?  Và, thưa ông, liệu những người có trách nhiệm chăm lo sức khoẻ cho ông, bảo vệ cán bộ cao cấp như ông, họ có để cho tôi được yên, khi tôi làm cái việc mà ông cho là có lợi cho ông ấy hay không?.”
     Nét mặt ông lúc này trông mới thật sự khác lạ với nét mặt của chinh ông, khi ông bắt đầu nói chuyện với tôi ở ngày hôm qua.   Nét mặt khác lạ ấy, hẳn là những ai nghe xong chuyện tôi vừa kể, họ đều có thể hình dung ra.  Tôi thấy chẳng cần tả thêm, e sẽ là  thừa.

   Nhiều võ sư trẻ đến học châm cứu ở tôi, khi ứng dụng phương huyệt này chữa cho võ sinh bị chấn thương khi luyện tập, kết qủa chữa cũng rất tốt.  Họ đều muốn tôi nói rõ cơ chế tác dụng của phương huyệt.   Tôi thường kể cho họ nghe câu truyện về con gấu và mật gấu.   Kinh nghiệm dân gian cho rằng : Khi con gâu tìm được tổ ong trên cây, gấu ăn no mật thi bị say, nó rơi xuống đất.  Ngườì thợ săn lúc này dến trói chắc bốn chân gấu lại.  Chờ cho gấu tinh hẳn mới mổ bụng lấy mật.  Họ cho rằng, khi gấu rơi xuống đất bị đau, mật của gấu đã chảy đi khắp cơ thể để tiêu sưng, giảm đau. Nếu mổ gấu ra ngay sau khi gấu vừa rơi, túi mật gấu chỉ có nước trong, chất lượng mật gấu rất kém.  Phép chữa chấn thương, sưng đau ở người, bằng cách bôi xoa mật gấu rồi nắn bóp, có nguồn gốc từ câu truyện này mà ra.  Mật của con người, ngoài công năng trợ giúp cho tiêu hoá, nó còn có công năng bảo đảm cho mọi hoạt động của dương khí trong cơ thể được cân bằng, trung chính, có công năng sát trùng, bảo vệ nguyên khí.  Nó cùng tân dịch đi khắp nơi giữa da dẻ và cơ bắp, nên nó là thành phần chủ yếu của vệ khí.  Tính chất chống ứ, tiêu sưng của nó có nhưng kém hơn mật của gấu.  Gặp khi bị chấn thương, huyết ứ tụ lại làm sưng, đau.  Ta ôn châm vào huyệt Túc lâm khấp trên kinh đảm, loại du, hành mộc, mà du cũng như nguyên. Tức là ta đã kích thích vào phủ đảm của người bệnh, làm cho mật tăng sản chất tiêu sưng, giảm đau, dẫn thẳng đến nơi nó phải đến. Trong trường hợp bong gân ở bàn chân, càng đúng với tác dụng chủ trị của huyệt Túc lâm khấp đã ghi trong du huyệt học : mu bàn chân thấp sưng đau;...bại khắp mọi nơi; nơi đau không nhất định...
     Kinh đảm có hai huyệt lâm khấp, huyệt này ở chân, nên có thêm chữ túc, để phân biệt với huyệt lâm khấp ở đầu.  Lâm khấp có nghĩa là gặp khi có nước mắt.  Đầu lâm khấp chủ trị bệnh mắt có nước mắt, là bệnh tắc tuyến lệ.   Túc lâm khấp lại chủ trị chứng đau chảy nước mắt.
       Hiểu càng thấu đáo về huyệt, càng giúp cho ta yêu mến và dùng hiệu qủa hơn môn châm cứu kỳ lạ, nhưng không phải là thần bí này.


Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009