Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » X

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 12


Hôm nayHôm nay : 921

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16814

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4049078

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa chứng xuất huyết đoạn trên đường tiêu hoá

Chủ nhật - 28/07/2019 07:06
    Khoảng mùa thu năm 1988, hôm đó cô Ng. T. V., là hàng xóm, cùng dãy nhà tạm, của bộ văn hoá, trong khu tập thể Hào Nam của tôi mấy năm trước đây, cô đến gặp tôi..  Cô nhờ tôi đi chữa bệnh cho người em họ của cô. Cô kể với tôi: “Em vừa đi thăm cậu em họ bị đưa vào Bệnh viện Đống Đa cấp cứu. Cậu ấy nằm viện đã ba ngày mà chưa đỡ. Mợ ấy kể với em rằng: Họ chẩn đoán bệnh của cậu ấy là bệnh xuất huyết đoạn trên đường tiêu hoá.”
     Tôi nói với cô V.: “Tôi làm sao dám vào chữa bệnh cho người đang nằm ở bệnh viện.”  Cô nài nỉ tôi: “Anh cứ vào xem bệnh giúp em, nếu anh thấy có thể chữa được, em bàn với nhà cậu ấy đem về, nhờ anh chữa giúp.”  Tôi sực nhớ ra, có một học viên khoá hai lớp Đông y, châm cứu do tôi dậy, là Ng. T. H., hiện là kỹ thuật viên xét nghiệm của bệnh viện đó.  Tôi liền nói “Tôi sẽ đi với cô đến bệnh viện, nếu nhờ được em H. nhận giúp, tôi sẽ hướng dẫn cụ thể để em H. chữa thì tiện hơn.”  Sau đó, tôi cùng đi với cô Vân.
     Tới nơi, cô Vân dẫn tôi vào phòng nằm khoa tiêu hoá. Tôi ngồi lại với người bệnh, còn cô V. đi tìm y tá H.. Lát sau em H. tới, khi đã xem xét bệnh nhân, H. nói với tôi: “Em chưa chữa trường hợp nào như thế này. Nếu cách chữa của thầy đơn giản, thầy chỉ kỹ thì em có thể giúp được. Nhưng chỉ là em làm thêm ngoài giờ thôi.” Cô V. mừng lắm, cô nói: với y tá H.:“Em nhận giúp thì may mắn cho gia đình quá, thầy Sửu đi đến đây cũng không tiện mà.”
     Tôi chuẩn bị ngải cứu, kim châm rồi nói với em H.: “Bệnh nhân mất huyết đã quá nhiều, da nhợt nhạt, móng tay, móng chân xanh tím lại, sức yếu không thể ngồi dậy được lâu. Trước hết là phải cầm máu ngay, để bệnh nhân không bị mệt hơn, kèm theo là trị nguyên nhân bệnh. Tôi lấy ngải cứu làm thành mồi nhỏ chừng bằng hạt ngô. Để mồi ngải lên hai huyệt Ẩn bạch và Đại đôn, phía sau gốc móng ngón chân cái hơn một phân thốn (khoảng 3 đến 4 ly mét), từ đó lại sang cạnh trong và cạnh ngoài mỗi bên hơn một phân thốn. Cạnh trong là Ẩn bạch, cạnh ngoài (về phía ngón hai chân) là Đại đôn. Sau khi dùng hương hơ trên chóp mồi ngải cho bén lửa, tôi ngồi đợi cho điểm cháy xuống đến 2/3 chiều cao mồi ngải, bệnh nhân thấy nóng nhiều thì gắp bỏ mồi ngải ra một cái ống sữa bò, dùng làm đồ đựng tàn. Kế đó, đặt mồi ngải khác vào chỗ huyệt, cứu tiếp. Mỗi huyệt tôi cứu đủ năm mồi. Cả hai ngón chân cái là 4 huyệt, 4  x  5  = 20 mồi. Trong khi cứu ngải, tôi nhắc lại bài đã học với em H. : “Chắc em còn nhớ, Đông y cho rằng: “Can tàng huyết, tỳ chủ thống huyết, can và tỳ cùng nhau giữ cho huyết đi trong mạch. Can tàng huyết gồm cả chứa máu ở gan và giữ cho thành mạch chắc. Tỳ thống nhiếp huyết dịch, chính là điều chỉnh đủ số tiểu cầu để cầm máu. Đại đôn ở kinh can, Ẩn bạch ở kinh tỳ, cùng cứu ngải đã tăng cường công năng tàng huyết và nhiếp huyết, cho nên cặp huyệt này thường dùng cho tất cả các trường hợp có chứng xuất huyết.” Còn về nơi xuất huyết là đoạn trên đường tiêu hoá, các sách đã có rất nhiều phương huyệt chữa hiệu quả. Nhưng tôi chọn hai huyệt Đại lăng và Khích môn. Tôi nói với em H. : “Hai huyệt này vốn dùng để chữa chứng nôn mửa ra máu, nó có tác dụng chủ yếu là đã chữa chứng viêm dạ dày, lại chữa chứng tâm hoả vượng. Xuất huyết dạ dày là bước phát triển của viêm loét dạ dày. Theo tổng kết nhiều số đo kinh lạc: Những trường hợp xuất huyết dạ dày đều có số đo tâm bào nhiệt cao. Hai huyệt Đại lăng, Khích môn, một là nguyên huyệt, một là khích huyệt của kinh tâm bào, nên có tác dụng mạnh với tâm bào.” Nói với em H. xong, tôi châm theo thứ tự: Đại lăng, Khích môn, đều làm tả pháp, kết hợp các thủ pháp: Từ tật, niệm chuyển, cửu lục, khai bế.
     Em H. thấy số huyệt tôi dùng ít, dễ thao tác, nên đã nhận lời chữa giúp em cô V.
     Buổi chiều một hôm, sau khi tôi đến bệnh viện bốn ngày. Cô V. đến nhà tôi, cô nói: “Em vừa đến thăm cậu em, vợ chồng nó đã làm xong thủ tục xuất viện.  Cậu mợ ấy gửi lời nhờ em cảm ơn anh, lại muốn xin anh cái đơn thuốc để uống tiếp cho dứt bệnh.” Tôi ghi cho cô ấy tờ đơn, lên phố Lãn Ông mua 100g Bạch cập, thuê họ tán thành bột mịn.  Mỗi ngày uống 10 g bột thuốc ấy.  Tôi nói với cô V. : “Bạch cập vị khổ (đắng), tính bình, có công dụng chỉ huyết, liễm phế, sinh cơ, thu khẩu.  Dùng vào chữa viêm loét dạ dày tá tràng cũng rất tốt.” Cô V. vui vẻ cầm đơn thuốc, cảm ơn tôi rồi ra về.      

    Một tuần lễ sau, tôi có gặp lại y tá H., em kể với tôi rằng: “Sau lần thầy chữa làm mẫu đó, theo lời thầy dặn: “Bệnh cấp tính, ngày chữa nhiều lần”, buổi tối hôm ấy em cứu và châm cho bệnh nhân lần nữa.  Ngày thứ hai và ngày thứ ba, mỗi ngày em cứu và châm hai lần.  Em chỉ chữa khi đã hết giờ làm việc cơ quan.  Hôm sau nữa, thấy bệnh nhân đã tỉnh táo, đại tiện không còn phân đen dẻo như keo sơn, bác sỹ điều trị cho xuống phòng em làm xét nghiệm máu.  Em rất ngạc nhiên, tiểu cầu đã tăng lên mức bình thường, hồng cầu cũng tăng vọt lên. Theo kết quả xét nghiệm đó, bác sỹ đã cho truyền dịch. Và ngay chiều hôm đó bệnh nhân đã được xuất viện.”
     Tôi hỏi em H. : “Em làm thêm ngoài giờ như thế, khi bệnh nhân được ra viện, họ có bồi dưỡng gì cho em không ?”
     Em H. bùi ngùi: “Gia đình bệnh nhân đưa cho em một cân cam Vinh, gọi là để bồi dưỡng em.”  Tôi cũng ái ngại và động viên em: “Mình làm việc là vì nghề nghiệp mà.  Ngay như tôi với cô V. chỉ là hàng xóm, người bệnh lại là em họ cô.  Khi cô nhờ, tôi đã phải bỏ thời gian làm việc ở nhà, tự đi bằng xe đạp đến viện, mang theo kim châm, ngải cứu đến chữa cho bệnh nhân.  Xong việc, cô V. cũng chỉ có lời cám ơn, lại còn xin thêm đơn thuốc nữa.  Em ạ, chúng ta đang sống trong thời đại mà đạo đức xã hội khuyên toàn dân nên “Mình vì mọi người”, để hy vọng “Mọi người vì mình” mà.” Chúng ta đều là lá rách cả, lá rách đùm lẫn lá rách. Có lá lành nào chịu đùm lá rách đâu.

     Nay mới cách ngày đó non hai chục năm, nghĩ lại mới thấy thương nhũng người chăm chỉ học hành, có công phu đèn sách vất vả mà vẫn phải sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn. Nếu cứ phải “Mình vì mọi người”, theo kiểu khẩu hiệu, không phân biệt giữa lao động kiếm sống với công việc nhân đạo, từ thiện, sẽ không thiếu gì kẻ lợi dụng khẩu hiệu đó để bắt người khác hầu hạ mình.  May mà cơ chế thị trường đã mở ra, giá trị lao động của chất xám đã được đánh giá đúng.  Nếu chậm hơn nữa, chắc hẳn chúng ta sẽ còn phải chìm đắm trong sự nghèo đói truyền kiếp, không có cơ hội vươn lên ngang với bạn bè năm châu, bốn biển quanh ta.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ