Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 11


Hôm nayHôm nay : 1126

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 18367

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4050631

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa chứng đột ngột đau nửa đầu trái, sụp mi trái

Thứ năm - 01/08/2019 06:14
Những ngày mùa hè năm Ất dậu vừa qua, khí hậu Hà Nội oi bức dữ dội. Buổi chiều đến trong nhà tôi ở, nhiệt kế treo tường đã hiện số 37oC, do nóng, mệt, tôi chỉ tiếp khách các buổi sáng, buổi chiều nghỉ việc.   Ngày 16 - 5 - 2005, một người quen đến bấm chuông, tôi mở cửa ra, thấy chị H. và hai người nữ đi theo.
     Chị H. nói với tôi: “Cháu xin lỗi ông, đến cửa đây thấy ông dán thông báo, không làm việc buổi chiều.  Nhưng vì cô bé này đau đớn quá, xin ông xem cấp cứu giúp.”
    Tôi mời mọi người vào nhà.  Người chị trong số hai người nữ đi theo chị H. nói với tôi: “Thưa thầy, hôm 1- 5 em V. của cháu đây, đột nhiên thấy nửa đầu trái đau dữ dội, mắt trái sụp mi xuống, không thể nào hé mở được.  Gia đình đã đưa em đến Viện Mắt Trung ương khám.   Bác sỹ khám xong cho rằng không phải chứng thiên đầu thống, vì không thấy nhãn áp tăng.   Họ cho chuyển viện sang Khoa thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai.  Tại đây, em cháu được cấp tốc chọc hút tuỷ sống để làm xét nghiệm.   Kết quả xét nghiệm là âm tính.   Em cháu lại được chuyển đến khoa chẩn đoán hình ảnh, em được chụp cộng hưởng từ ở não.   Kết quả tìm thấy có u ở tuyến yên to 0,7cm.    Hội đồng chẩn đoán cho rằng: U tuyến yên rất nhỏ, lại không ảnh hưởng gì đến thần kinh khu vực mắt.  Cuối cùng, các bác sỹ nghi em cháu bị viêm tắc tĩnh mạch xoang hang. Chỉ định cho em cháu điều trị bằng tiêm thuốc kháng sinh.  Từ đó đến nay, chưa thanh toán tiền nằm viện, chỉ là tiền thăm khám và mua thuốc, gia đình cháu đã phải chi gần chục triệu đồng, nhưng bệnh em cháu không thấy giảm.   Đầu em cháu vẫn đau, mí mắt vẫn không hé mở được tí nào.   Gia đình cháu đang không biết tính sao, thì may quá gặp chị H. đến chơi.   Chị gợi ý, nên đến viện đón em về, để chị đưa em cháu đến gặp ông, nhờ ông khám giúp cho.” Chị H. cũng nói thêm vào: “Phải đợi hết giờ theo dõi của viện, em nó mới trốn về được.  Vì vậy, chúng cháu đến đây muộn, mong ông thông cảm cho.”
     Nhận thấy đây là một bệnh lạ, tôi đồng ý và tiến hành đo kinh lạc bằng máy đo nhiệt độ kết nối với máy vi tính.   Qua phần mềm chẩn bệnh, kết quả cho thấy bệnh nhân có khí thịnh, huyết hư, bệnh đốt sống cổ và sung huyết não.
     Tôi tiến hành châm ngay theo các nhóm huyệt kinh nghiệm điều trị triệu chứng như sau:
- Đau nửa đầu trái (Châm bên trái): Đầu duy, Khúc mấn, Chi câu.
- Sụp mi: Châm các huyệt bên bệnh: Phong trì, Đầu duy (Đầu duy,đã châm trong nhóm trên), Dương bạch, Thái dương, Thượng minh.
- Điểm ấn đau tại chỗ: Mục song.
     Trong các huyệt kể trên, huyệt Thượng minh không làm thủ pháp, khi tiến kim đủ độ sâu, liền đó là từ từ rút kim, kịp thời bịt lỗ kim và ấn day nhè nhẹ 200 lần, đề phòng xuất huyết tĩnh mạch thành hốc mắt.  Các huyệt còn lại đều làm thủ pháp tổng hợp 4 loại: Từ tật, niệm chuyển, cửu lục, khai bế, (vì da đầu, mặt mỏng, châm nghiêng kim, không làm thủ pháp đề sáp). Đều làm tả pháp (36 x 3 = 108). Châm xong rút kim ngay, không lưu kim. Khi hoàn tất việc rút kim, bệnh nhân đã thấy dứt cơn đau dữ dội, chỉ còn ê ẩm đau nhẹ.
     Ngày hôm sau, bệnh nhân đến vào cuối giờ buổi sáng. Tiến hành châm chữa xong, bệnh nhân cố rướn nâng mí mắt, đã thấy mắt mở hé được một khoảng nhỏ.
    Từ đó đến thứ sáu, sau năm lần châm, đầu không thấy đau trở lại nhiều như lần trước, mắt trái đã mở được như bình thường.  Duy đầu vẫn còn ê ẩm đau nhẹ.
     Cứ sau một ngày chữa, hôm sau bệnh nhân đến lại có nét mặt tươi tỉnh hơn.  Mọi người đều thấy rõ điều này và chúc mừng cô bé đã gặp may mắn.
    Sau ba tuần lễ, 15 buổi châm, thấy bệnh nhân đã nhanh nhẹn, tươi tỉnh, tôi khuyên gia đình cho em nghỉ châm, tiếp tục theo học cho khỏi lưu ban một năm.
    Ngày cuối đợt châm ấy, bà mẹ bệnh nhân đến thay mặt gia đình, cảm ơn tôi.  Bà cứ băn khoăn về nguyên nhân gây bệnh và bệnh danh của con bà.   Bà gợi ý hỏi tôi, theo tôi chuẩn đoán bệnh của con bà thế nào mà lại chữa nhanh khỏi được như thế.  Liệu chừng bệnh của con bà còn có thể tái phát được không?
    Tôi không trả lời vào những gợi ý của bà, mà hỏi lại bà: “Chị V. có hay tắm đêm không thưa bà?”   Bà vội nói, thưa thầy: “Cháu chỉ chuyên tắm gọi về đêm thôi ạ.  Mấy hôm nóng vừa qua, khi cháu tắm gội xong lại đắp luôn khăn tắm còn ướt lên đầu cho mát.”  Tôi nói với bà rằng ngày xưa các cụ đã thấy tác hại của tắm gội đầu về đêm nên đã đặt ra câu chuyện để răn đe như sau: Thời nhà Trần trong số tướng giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, có người tên là Phạm Nhan. Tên này học được pháp thuật yêu quái, bị quân ta bắt được đem chém. Ta chém rụng đầu này, nó lại mọc ra đầu khác. Thấy vậy, dân làng quanh núi Dược Sơn vùng Vạn Kiếp đã hiến kế, dùng thuốc ở địa phương sẵn có, bôi lên lưỡi gươm. Bấy giờ chém, đầu giặc mới đứt hẳn. Thể theo nguyện vọng đề nghị của tướng giặc, quan quân đã chặt tên giặc ra làm ba phần. Một phần đem lên rừng băm nhỏ rải khắp núi đồi. Một phần đem về đồng bằng băm nhỏ đốt thành tro, rải khắp các vùng. Phần còn lại băm nhỏ thả xuống sông ngòi, hồ ao. Nào ngờ mảnh vụn xác giặc ở rừng đã biến thành những con vắt. Ơ đồng bằng, tro tàn xác giặc biến thành những con muỗi. Dưới nước, mảnh vụn xác giặc biến thành những con đỉa. Cả ba loại này đều tìm hút máu hại người. Riêng hồn ma Phạm Nhan, ban đêm nó đi khắp xóm làng, tìm đàn bà con gái tắm gội để nhập vào. Nó sống bằng máu người và gây bệnh.
    Thủa tôi còn nhỏ cũng được nghe các bà già dạy con gái chuyện này, nên ít thấy có người dám tắm đêm.
     Nghe xong câu chuyện tôi kể, bà nói: “Em về sẽ viết chữ cấm tắm gội ban đêm, dán tại cửa nhà tắm, nhằm để nhắc nhở cả nhà. Cảm ơn thầy đã chữa giúp cháu, lại còn chỉ cho cháu cách phòng bệnh lâu dài. Gia đình muốn xin thầy cho cháu đơn thuốc để cho cháu uống thêm. Nếu có điều gì cần đến thầy, xin thầy sẵn sàng giúp cho gia đình em.”
     Tôi đã cho bà đơn thuốc ghi bài “Tả quy ẩm” để bệnh nhân khắc phục di hại của việc tuỷ sống bị rút làm xét nghiệm.
     Từ đó chị V. đã đi học đều, bệnh không còn ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của chị nữa.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ