Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 5


Hôm nayHôm nay : 689

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 13187

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4066830

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa chứng đau lưng, vẹo cột sống, do viêm khớp cùng chậu

Thứ năm - 25/07/2019 08:44
     Ông giáo sư Th. là cán bộ giảng dạy bộ môn dịch tễ, trường Đại học Y khoa Hà Nội. Nhà ông ở xóm bờ sông, sau Công ty trách nhiệm hữu hạn M. Ph., cách nhà tôi không xa.  Đúng khi ông đang bận rộn làm thủ tục đi công tác ở châu Phi, lại có người cháu ở Diễn Châu ra nhà ông, nhờ ông đưa đi khám, chữa bệnh.
      Ông sang nhà tôi vào lúc xế chiều.  Sau thủ tục chào, hỏi ngắn gọn, ông vào chuyện ngay.  Ông nói : “ Cháu tôi từ Diễn Châu, Nghệ An ra đây, hắn bị đau lưng (ông vừa nói vừa chỉ vào người đàn ông là cháu và vợ anh cùng đi theo ông) đã bảy tháng nay rồi.  Chữa ở nhà không khỏi, hắn ra đây nhờ tôi.  Ngay buổi chiều nay tôi đã đưa cháu đi chụp X. quang cột sống.  Xem phim tôi thấy cột sống hắn đã bị vẹo lệch đáng sợ.  Mặc dù biết bác không chữa bệnh buổi chiều, nhưng vì tôi quá bận và lo lắng cho cháu, nên đành phải sang nhờ bác xem giúp, và chờ xin ý kiến của bác.”  Nói xong ông rút tấm phim to từ trong bao giấy ra, đưa mời tôi xem.
     Theo kinh nghiệm của mình, tôi xem lướt qua tình trạng các mỏm gai, đĩa đệm, rồi xem kỹ vùng khớp cùng chậu.  Khi thấy ở  khớp cùng chậu có vấn đề, tôi giơ tấm phim lên, hướng về cửa ra vào. Tôi chỉ vào phim, nơi khớp nối xương cùng và xương chậu phía bên phải, tôi nói với ông giáo sư : “Mời ông xem đây, ở chỗ này ta thấy mất hẳn vết đen của khớp nối cùng chậu, do có đám sáng che đi.  Trong khi, vết đen của khớp cùng chậu bên trái lại còn nguyên vẹn và rõ nét.  Do khớp bên phải đau, chân phải không chịu lực, sức nặng phần trên cơ thể dồn lên chân trái.  Vì thế, thân người bệnh bị nghiêng về bên trái, cột sống cong theo về bên trái.   Khi nào khớp bên phải hết đau, chân phải chịu lực được như chân trái, xương chậu sẽ cân bằng.  Lúc đó cột sống củng thẳng trở lại.”
     Thấy ông im lặng nghe, nên tôi nói tiếp : “Ta có thể khám bệnh ở khớp cùng chậu bằng mắt thường quan sát, và bằng tay sờ nắn như sau :
    - Khi nhìn người bệnh ngồi lên mặt ghế, sẽ thấy người bệnh chỉ ngồi bằng một bên mông.  Vì nếu họ ngồi cân cả hai bên mông, hông của họ sẽ rất đau.   Đó là một biểu hiện điển hình.
    - Khi để bệnh nhân nằm sấp, ta sờ đối chiếu cùng lúc cả hai bên khớp cùng chậu, sẽ thấy bên có bệnh sưng to hơn.  Dùng tay ấn vào bên khớp có bệnh đó, bệnh nhân thấy rất đau, đau còn lan toả xuống chân.
    - Khi bệnh nhân nằm, nếu họ tự xoay trở tư thế, sẽ rất khó khăn, nhưng bệnh nhân còn chịu đựng được.  Nếu ta can thiệp vào việc này, bệnh nhân sẽ đau không thể chịu đựng nổi.”

     Khi nghe tôi dẫn giải đến đây, ông giáo sư có vẻ nóng lòng.  Ông vội nói với tôi : “Thôi, trăm sự nhờ bác.  Bác tìm mọi cách chữa giúp cháu.  Mong sao cháu tôi mau khỏi.   Hắn là lao động chính của gia đình.  Nhà làm nông nghiệp nên sức khoẻ đàn ông quan trọng lắm.  Đất Diễn Châu lại nghèo nhất trong tỉnh nghèo.”  Biết ông chẳng còn lòng dạ nào ở lại để xem tôi chữa cho cháu ông, nên tôi nói với ông : “Ông về lo chuẩn bị việc lớn cho kịp, tôi sẽ chữa cho cháu ông ngay.”   Khi ông giáo sư đã ra về, tôi nói để người bệnh lên giường, nằm theo tư thế nghiêng, bên phảỉơ trên.  Chân trái duỗi thẳng phía dưới, chân phải phía trên gấp đùi, co đầu gối.  Tôi thì ngồi ngay phía sau mông bệnh nhân theo tư thế riêng.  Tôi quỳ chống đầu gối bên phải, để mông ngồi lên gót chân phải, bàn chân phải thì chống lên, ngón chân bám về phía trước.  Chân trái tôi đưa chếch về phía trước bên trái.  Đầu gối trái gần vuông góc, nên bàn chân trái cũng vuông góc với ống chân.  Cánh tay trái tôi để sát mặt trước đùi trái, khuỷu tay co lại.  Bàn tay trái đè úp vào sau khớp cùng chậu bên phải của người bệnh.  Bàn tay phải của tôi bám úp vào đầu gối chân phải người bệnh.  Đến đây, tôi hơi ngả người về phía trước, dồn sức xuông cánh tay.  Khuỷu tay trái tôi tỳ vào mặt trước đùi trái.  Lúc này sức nặng toàn thân tôi phân vào ba nơi : Chân trái, đầu gối chân phải và bàn tay trái.  Sức mạnh toàn thân tôi được dồn vào bàn tay trái để đẩy ra.  Đồng thời bàn tay phải tôi vừa nâng cả chân phải người bệnh lên, vừa quay vừa kéo về phía tôi.
      Khớp cùng chậu người bệnh đã được tư thế ngồi và bàn tay trái của tôi cố định.  Đùi phải của họ lại được tay phải của tôi nâng, quay, kéo về.  Tôi quay ngược chiều kim đồng hồ năm vòng, rồi quay thuận lại năm vòng.  Lực quay, nâng, kéo về, được chuyền vào khớp cùng chậu, khớp cùng chậu sẽ bị đau dội lên và phát ra tiếng lục cục.  Đó là lúc khớp cùng chậu bị lệch được chấn động, lỏng ra, để sau đó dễ trở lại như cũ.  Phép làm này gọi là “chỉnh hợp bán thoát vị khớp cùng chậu.”
      Theo các tài liệu nói về chứng viêm khớp cùng chậu, nguyên nhân đều do tư thế chuyển động làm sai lệch khớp.  Từ lệch sinh viêm, muốn chữa viêm phải chữa lệch.   Rất nhiều trường hợp mới bị lệch, như bị xe đâm ngã, khi lên xuống xe đạp nam (loại xe có gióng ngang), bê vật nặng mà chân trụ lệch, khiêng vật nặng bước hụt... Sau khi được làm phép này kịp thời, người bệnh có thể đã thấy hết đau đớn, hoặc giảm đến mức gần như hết đau.   Cũng may mà bệnh nhân này vóc người nhỏ nhắn, với sức ở tuổi hơn sáu chục của tôi, tôi cũng còn quay nổi cái đùi của anh.  Có điều là tôi đã phải nghỉ tạm nửa chừng.  Một vài trường hợp bệnh nhân to béo, tôi chỉ đủ sức làm mẫu, quay cho họ một vài vòng, sau đó giao cho người nhà bệnh nhân làm tiếp, làm đủ số làn cần làm.
      Làm xong phép chỉnh hợp bán thoát vị khớp cùng chậu như vừa kể ở trên, tôi để người bệnh nằm sấp lại. Hai cánh tay họ mở rộng sang hai bên, khuỷu tay co lại.  Hai bàn tay vòng lên, chụm úp xuống.  Đầu người bệnh quay sang một bên, áp má xuống tay.  Gân cổ và cơ lưng thả lỏng để thuận lợi khi châm.  Các huyệt châm thì lấy phương huyệt chữa đau lưng : Bổ Thận du, Yêu nhỡn, Yêu dương quan, Uỷ trung, Thừa sơn.  Sau đó thêm các huyệt lân cận khớp đau : Thứ liêu, Bàng quang du.  Tại chỗ khớp đau, châm từ ba đến năm kim (chính giữa và xung quanh điểm đau).  Cuối cùng là châm Hoàn khiêu, Dương lăng tuyền, Tuyệt cốt.  Bệnh nhân đau đã lâu, đùi phải đã nhỏ hơn đùi trái, cho nên tôi châm thêm huyệt Bễ quan, làm thủ pháp bổ, để phục hồi cơ đùi đã bị teo nhỏ .
       Sáng hôm sau, bệnh nhân cùng vợ sang nhà tôi, anh nói : “Sáng sớm nay cháu dậy tập đi bộ, cháu đã đi được khoảng một cây số.  Đau đớn đã giảm nhiều cháu mới đi được như thế.  Cũng là cháu có cố gắng để đi thử nữa.”
      Sau ba lần châm trong ba ngày, tôi đều làm phép chỉnh hợp bán thoát vị trước khi châm.  Đến sáng hôm thứ tư, hai vợ chồng anh đến xin châm thêm một lần nữa, châm xong còn về quê ngay. Anh nói, anh đã khỏi.  Ông giáo sư cũng đi cùng anh chị.  Ông đã nói lời cám ơn tôi.  Ông nhắc nhở cháu mình, về nhà phải thực hiện kiêng khem đúng như thầy dặn.

      Nhớ lại khoảng năm 1990, một bệnh nhân nữ ở Đan Phượng bị đau khớp cùng chậu.   Chị đi nhờ người chú là giáo sư B. ở Viện Quân y 103 khám chữa.  Ông này đã khuyên chị rằng : “Phải về chung sống với bệnh tật, phải biết chấp nhận giới hạn của khoa học.”  Khi ông biết chị ra nhờ tôi chữa, ông tỏ vẻ nghi ngờ.  Ông luôn theo dõi kết quả chữa ở chị.  Mỗi thứ bảy về thăm nhà, ông đều tới gặp chị, hỏi chị cách tôi chữa và tình hình bệnh tật chị diễn biến tới đâu.
     Tôi đã chữa cho chị hết liệu trình thứ nhất (10 lần châm), nghỉ cách năm ngày.  Châm sang liệu trình thứ hai được bốn ngày, chị xin nghỉ châm.  Vì ngay ngày hôm sau, nhà chị xây hè, đổ bê tông mái hiên.  Chị nói với tôi : “Cháu đã khỏi rồi, nhưng rất muốn châm thêm cho khỏi dứt.  Nay nhà có việc phải nghỉ châm.  Cháu có lời thưa với bác : Khi xong việc nhà, nếu có đau lại, cháu  ra nhờ thì bác cố gắng giúp cháu nhé.”  Tôi nhận lời và dặn chị cần giữ gìn.   Sau đó chị khỏi thật (người làng chị ra chữa bệnh đã nói với tôi như thế).
      Chẳng biết ông chú chị đã nghĩ gì về việc này, và đã nói gì với ch, sau khi bệnh ở chị khỏi.  Thôi thì cũng chẳng cần biết điều đó làm gì.
     Cái điều cần biết sẽ là : Nếu người đọc truyện này, gặp người bệnh như thế này, ta chữa theo phép này.  Và xem kết quả ở người bệnh, ta rút thành kinh nghiệm của ta.   Thế là đủ.
    
       Phương huyệt chữa bệnh viêm khớp cùng chậu, cũng là phương huyệt chữa đau lưng ở các câu truyện số 19, 21 ở trên, có thêm vào 3 huyệt Bàng quang du, Thừa sơn, Bễ quan.   Nhưng cái khác biệt lớn nhất ở đây, chính là “động tác chỉnh hợp bán thoát vị khớp cùng chậu.”  Theo môn học giải phẫu xương, cơ người, xương con người có 3 loại : Xương không cố định, xương bán cố định, xưong cố định.  Xương chậu hông gồm nhiều mảng kết hợp lại, nhưng thuộc loại bán cố định. Vì thế, khi bị sai tư thế tự nhiên, khớp cùng chậu dịch chuyển lớn hơn giới hạn cho phép, sẽ sảy ra tổn thương các tổ chức gân chằng khớp, làm cho các tổ chức này bi viêm.  Khi các tổ chức này bị viêm, lại đã làm cho khớp cùng chậu không trở lại như cũ được, gọi là bị bán thoát vị.  Nhiều trường hợp, sau khi khớp bị bán thoát vị quá lâu ngày, biến dạng thành khớp giả.  Lúc này, tại đây mọc ra những gân chằng khớp mới, cho phù hợp với dạng khớp mới.  Chữa trạng thái khớp giả, nhất định phải có sự can thiệp của ngoại khoa.   Động tác chỉnh hợp bán thoát vị này, tôi học từ môn Án ma liệu pháp.  Thấy có thể dùng vào bệnh viêm khớp cùng chậu, tôi đã kết hợp với châm kim để chữa.  Thành công thật là kỳ diệu,   Mong đồng nghiệp thử làm.





Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ