Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 6


Hôm nayHôm nay : 1133

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 17026

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4049290

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa chứng co thắt cơ tròn gây ra bí đại, tiểu tiện

Thứ năm - 11/07/2019 16:01

     Thời gian tôi công tác ở căn cứ huyện Đơn Dương, có lần tôi được mời đi cấp cứu cho bác sỹ Dân.  Ông là hiệu trưởng trường đào tạo y sỹ cấp tốc.  Trường này do hai tỉnh Bình Thuận và Tuyên Đức ( tỉnh Lâm Đồng) cùng tổ chức.  Ông bị chứng bí tiểu tiện (Đông y gọi là chứng long bí, hoặc chứng niệu trữ  lưu).
     Trường của ông được đặt ở một vùng rừng le (le là một loại tre trúc, cây nhỏ và thấp, mọc thưa), giữa hai tỉnh giáp nhau.  Khí hậu nơi này rất nóng nực và hiếm nước.  Sau khoảng thời gian hai giờ đồng hồ đi đường rừng, tôi tới nơi lúc ấy chừng 13 giờ.
     Phần vì vừa đi đường mệt và nóng, phần nữa, khung cảnh tại chỗ càng làm tăng cảm giác oi ả, khó chịu.  Bầu trời thì xanh ngắt, không gợn chút bóng mây, dưới đất thì những khóm le lưa thưa, lá đã vàng úa.  Đá nhỏ và sỏi khô lăn lạo xạo dưới mỗi bước chân đi. Rải rác đây đó, trên thân những cây le đã được buộc vào đó cành cây thân gỗ nhỏ, dài và thẳng, làm thành dàn che lán ở.  Nhưng những tấm tăng bằng ni lông lợp mái đã được gấp gọn, xếp vào ba lô, đặt trên gía đỡ bằng ba cây cọc buộc chéo chân nhau.
     Người dẫn đường đưa tôi tới gặp ông bác sỹ hiệu trưởng, ông hiện đang là người bệnh.  Ông đón tiếp tôi trong một tư thế đặc biệt của bệnh này.  Ông đứng trụ bằng chân phải, co đùi và đầu gối chân trái. Bàn chân ông để gác lên một chiếc ghế dài được ghép bằng bốn thân cây nhỏ và thẳng.  Bên cạnh là một cái bàn có khung bằng thân cây gỗ.  Mặt bàn thì được ghép bằng những thanh tre chẻ đã vót cạnh, buộc ken bằng những sợi dây mây.  Bàn khá chắc và cũng đẹp mắt.  Hai cánh tay ông giơ lên, bám vào một cành cây buộc ngang (thời ấy, chúng tôi thường gọi nó là cây nóc tăng).  Toàn thân ông buông thõng xuống, nhưng lưng ông thì khom lại.  Ông nói với tôi bằng giọng khẩn khoản : “Anh Sửu cứu tôi với!. Tôi bị co thắt cơ tròn, bí tiểu tiện từ sáng hôm nay, bàng quang đang căng đau lắm, có nguy cơ sắp vỡ.”  Ông tiếp : “Tôi bị sốt rét, cách đây hai hôm đã có cơn co thắt cơ hoành rất khó chịu.  Tôi cho anh em y sỹ tiêm thuốc giãn cơ thì thấy đỡ được.  Hôm nay mắc chứng này, tôi lại cho anh em tiêm nhưng không hiệu quả.”
     Tôi tiến hành châm cho ông ngay, châm những bài chữa chứng  long bí.  Cứ sau khi châm năm phút, nếu không thấy hiệu quả, tôi lại thay bài khác.  Lần lượt như thế, tôi đã dùng hết các bài trong số sách tôi mang theo, nhưng vẫn chưa tiểu tiện được.  Tôi có nói với ông bác sỹ về việc dùng ống cao su để thông, ông nói, hiện nay ở đây không có.  Thấy tôi bắt đầu lúng túng, ông lại nói với như cầu khẩn : “Anh hãy cố gắng tìm thêm để giúp tôi.”  Tôi chuyển sang mở sách Du huyệt học để tìm, hy vọng ở tác dụng tại chỗ, lân cận, và tạng phủ bên trong tương ứng của các huyệt lẻ vùng bụng dưới.  Khi đọc đến đoạn sách nói về huyệt Khúc cốt, thấy sách ghi rằng : “Khúc cốt, Hội âm, chữa chứng cơ tròn co thắt gây ra bí đại, tiểu tiện.”  Tôi mừng lắm, nhưng cũng chưa dám nói gì với ông.  Tôi chỉ lẳng lặng châm một kim vào huyệt Khúc cốt.  Sau đó tôi ngồi xuống, nhờ một y sinh của trường, căng hai quả mông ông bác sỹ, để tôi dễ châm vào huyệt Hội âm. Châm xong kim, hai  tay tôi, một trên, một dưới, vê xoay cả hai kim cùng lúc.  Chừng vài phút sau, bỗng nghe ông bác sỹ hô lên một tiếng : “Lui”, rất ngắn gọn.  Thì ra ông xua đuổi một y sinh đứng trước ông để xem tôi châm và vê kim, kế đó là ông đã tiểu tiện ra được.
     Tôi chợt nhớ ra điều cần nhắc người bệnh, mặc dù ông đã là bác sỹ, nhưng chính ông là người trong cuộc, sợ ông vui mừng quá đỗi mà quên mất chăng, nên tôi nói với ông : “Ông phải giữ lại một ít nước tiểu, không được tè hết ra đâu.” Ông như người bừng tỉnh :  “Ô chút xíu nữa tôi cũng quên mất đấy.”
     Rồi ông quay sang nói với đám y sinh : “Các cậu nên nhớ điều này, sau khi bí tiểu, bàng quang quá căng, nếu để người bệnh cho ra hết nước tiểu, sẽ gây nên cơn co bàng quang cấp.  Có khi vỡ bàng quang mà đi tiểu ra máu ngay, giải quyết hậu quả ấy phiền toái lắm đấy.”
 
   Nếu ai đó đọc đến đoạn này, lại được nhìn thấy nét mặt ông bác sỹ mừng rỡ như thế nào, mới có thể thấy hết giá trị đáng quý của phép chữa bệnh bằng Châm cứu Đông y một cách thật lòng.
     Tôi đâu có ngờ rằng, chính chuyến đi cấp cứu gian khổ ấy đã cho tôi một vốn nghề không dễ gì có được.  Nhờ nó mà sau này tôi đã chữa cho nhiều người mắc chứng tương tự.  Trong đó có một cụ ông là anh họ bác sỹ Phan.  Ông bác sỹ này làm việc ở khoa phổi bệnh viện Bạch  Mai.  Cụ già bị u xơ tuyến tiền liệt mà bí tiểu tiện. Rồi đến một sản phụ bị rách tầng sinh môn, phải khâu nhiều mũi. Do bị viêm chỗ rách, cơ tròn bị kích thích, gây co thắt mà bí tiểu tiện.  Tất cả đều được thông tiểu, sau khi tôi tiến hành châm chữa như trên.

     Có một anh bác sỹ trẻ, sau khi học đến bài này, gặp bệnh nhân như thế, anh châm cũng hiệu quả ngay.  Trên đường về nhà, anh đã vào quán tự thưởng cho mình được phép uống một cốc bia.
     Khi anh kể lại với tôi, tôi thấy nét mặt anh sung sướng như việc đó vừa mới sảy ra xong.  Tôi cũng thấy vui lây.
  
    Nghĩ tới tương lai của môn châm cứu, muốn cho phép chữa bệnh bằng châm cứu phát triển trong xã hội, phải dựa vào lớp người hăng hái như anh bác sỹ trẻ nọ, tôi đã phân tích phương huyệt để anh hiểu sâu hơn. Dân gian  đã nói : “ Có tích mới dịch ra tuồng.”    Tôi nói :
     “ Hai huyệt Khúc cốt, Hội âm, đều nằm trên mạch Nhâm. Huyệt Khúc cốt, vị trí ở phía dưới của bụng dưới. Bên trong bụng, tương ứng với huyệt là phủ  bàng quang. Trong tác dụng chủ trị của huyệt , có ghi :” Dái dầm, khó đái;...viêm bàng quang...”    Huyệt Hội âm, vị trí ở giữa tiền âm và hậu âm, giữa hai bộ máy bài tiết phân và nước tiểu.  Trong tác dụng chủ trị có ghi :
“...viêm âm đạo, viêm niệu đạo; đau dương vật...; viêm tuyến tiền liệt ;...mọi thứ bệnh trong âm bộ; tiền âm, hậu âm cùng dẫn đau, không thể đại, tiểu tiện được ;... cửa mình sưng đau... “
     Tôi nói tiếp với anh : “Cuốn du huyệt thường dùng do tôi soạn, dựa trên phần Cách tìm đúng huyệt ở sách Châm cứu đại thành, có bổ sung thêm nhiều tư liệu chủ trị ở nhiều sách khác, các lớp học ở đây đều đã được tôi cho sao in đầy đủ.  Các anh nên tranh thủ đọc kỹ, khi cần đến, biết chỗ mà tra cứu.” Anh nói :” Vâng, em sẽ cố gắng.”



Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ