Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 10


Hôm nayHôm nay : 1348

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 17980

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4050244

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa bệnh sốt bại liệt trẻ em

Thứ năm - 01/08/2019 06:27
Năm 1978, tôi được Bộ Văn hoá điều động từ Cục Mỹ thuật về trường Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội, làm giảng viên ở Khoa Điêu khắc. Thời gian nghỉ hè và nghỉ tết chúng tôi được nghỉ theo sinh viên nên có thoải mái hơn cán bộ hành chính, cơ quan.

     Đợt nghỉ tết, đón xuân Kỷ Mùi năm ấy, tôi có một kỷ niệm đáng nhớ về nhiều mặt. Thời đó, việc đi lại từ Hà Nội về quê tôi ở huyện Hải Hậu, tỉnh Hà Nam Ninh rất khó khăn.  Ngày thường đã rất hiếm ô tô khách đường dài, lại phải đi làm hai chặng.   Chặng đường thứ nhất, từ bến xe Kim Liên về đến bến xe ở đầu phố Năng Tĩnh thành phố Nam Định.  Tại đây, lại phải xếp hàng mua vé xe Nam Định về Hải Hậu, là chặng thứ hai.  Ngày tết, xe chở khách càng hiếm hơn, nghành giao thông phải điều thêm xe tải (loại xe chở hàng hoá), kê thêm ghế gỗ băng dài để chở người.   Đó là do cán bộ, học sinh, sinh viên nghỉ về quê ăn tết quá đông, nên đành phải thu xếp như thế.  Cho nên, tôi quyết định đi về quê ăn tết bằng xe đạp.
      Đi về quê ăn tết bằng xe đạp, tuy có vất vả, mệt nhọc, nhưng bù lại cũng có nhiều cái thú vị trong lòng.  Thứ nhất, mình làm chủ được thời gian, không phải thấp thỏm chờ đợi, chen lấn lúc mua vé xe ở hai bến xe ô tô khách.  Thứ hai là, có thể thoải mái chở trên xe đạp mọi thứ hàng tết được mua phân phối theo tem phiếu.  Hàng tết này được sản xuất chính hiệu tại Hà Nội, hoặc đặc sản các nơi ưu tiên cung cấp cho Hà Nội.  Nào là thuốc lá Thăng Long bao bạc, chè Hồng Đào ướp hương nhài thơm phức, rồi đến bóng bì, hạt tiêu, lá dong... Tất cả đều là loại tốt, tươi, hiếm có ở quê nhà.  Ba là, trên suốt dọc đường đi, qua các vùng quê, các chợ búa ven đường, tôi được nhìn thấy cảnh đông đúc tấp nập.  Người nào cũng hớn hở, vui tươi, đi mua sắm những thứ hàng mình ưa thích để đón mừng xuân mới.  Ba cái thú vị tôi vừa kể ra trên đây, nó bù đắp phần nào cho những ngày tôi sống trong sự căng thẳng, ác liệt của chiến trường B. năm xưa...
      Việc đáng nhớ nữa là, tất cả số ngày nghỉ tết của tôi năm ấy, tôi được mời đi chữa bênh sốt bại liệt cho một cháu bé trong cùng phố tôi ở, cách nhà tôi chừng hơn 300 mét.

      Khi tôi vừa về tới nơi, dừng xe đạp tại cửa nhà mình, đang tháo dây cao su chằng ba lô ra, chưa kịp chuyển hàng và dắt xe vào nhà, đã thấy bà H. gái (quê tôi hay gọi tên các bà bằng tên của chồng) đi tới.  Bà đứng ngay ở ngoài đường, trước cửa nhà để nói chuyện với tôi.  Bà nói: “Em thoáng nhìn thấy bác đạp xe về qua nhà em, em phải chạy xuống thưa chuyện với bác ngay. Thằng cháu trai nhà em sinh năm 1973, vừa bằng tuổi cháu trai nhà bác. Cháu bị bệnh sốt, có tê liệt từ cổ trở xuống đã mấy hôm. Ngày hôm qua, gia đình cho cháu ra bệnh viện huyện Hải Hậu để khám chữa. Các bác sỹ khám qua loa xong, họ nói: “Cháu không phải là sốt bại liệt. Gia đình cứ đưa cháu về, nấu nước xông và đánh cảm cho cháu.  Sau tết, đưa cháu ra đây, chúng tôi sẽ nhận khám và điều trị cho cháu. Từ lúc về nhà đến nay, cháu luôn kêu đau đớn, không ngủ được, lại lười ăn nữa.  Chúng em thay nhau, sao lá ngải tươi cho nóng lên để chườm khắp người cho cháu.  Nhưng cháu vẫn không đỡ đau đớn chút nào.   Mời bác lên xem, chữa giúp cho cháu ngay, tết nhất đến nơi rồi, khổ quá bác ạ.”
     Tôi nói với bà: “Bà cứ về trước, tôi sẽ lên sau.” Tôi quay lại, dắt xe đạp vào nhà, con gái lớn của tôi cũng giúp tôi mang ba lô, hàng tết vào, nên mọi việc cũng nhanh gọn.  Tôi vừa rửa mặt mũi, tay chân, vừa nhẩm tính: Có thể phải dùng đến phép “Linh quy phi đằng.” Tôi mở ba lô, mang theo kim châm và quyển sách “Châm cứu đại thành” (của ông Dương Kế Châu, nguyên văn sách bằng chữ Trung Quốc) mang theo.
                  Nhà ông H. cũng sát mặt đường phố Đông Biên.  Nền nhà ông hơi cao, phải bước qua một bậc thềm trước nền nhà mới tới cửa vào nhà. Chiều chưa tối hẳn mà cửa chính đã đóng gần hết, chỉ còn một cánh nhỏ hé mở, như đang chờ đợi tôi.  Khi tôi bước chân lên bậc thềm, tôi đã nghe thấy tiếng chân vội vàng đi về phía cửa. Khi tôi lên tới cửa, cũng là lúc ông H. mở cửa.  Ông chào tôi và mời tôi vào nhà.  Ông nhanh chóng né sang một bên, nhường lối để tôi vào. Rồi vội vàng, ông khép kín cửa lại.  Tôi nhìn vào chiếc giường kê ở góc nhà phía trong, cửa màn đã được vén lên, cháu bé đắp chăn nằm một mình ở đó.  Góc nhà phía ngoài, cách cửa ra vào không xa, một chiếc bếp dầu đang cháy, những ngọn lửa nhỏ màu xanh.  Trên bếp là một chiếc lưỡi cầy bằng gang kiểu cổ. Gần bếp là một chồng lá nón màu trắng đã được vuốt phẳng ra. Chị con gái lớn của ông ngồi cạnh bếp, tay cầm nắm giẻ cũ khá lớn, chị dang trải lá nón ra, vuốt trên lưỡi cày nóng cho phẳng.  Nhà ông bà có nghề khâu nón lá mà.  Ông đưa tôi đến giường cháu bé, kéo tấm chăn đắp trên người cháu ra, ông kể bệnh tình của cháu với tôi. Ông nói: “Hiện nay cháu bớt sốt rồi, từ cổ trở lên còn cử động được, tinh thần cháu tỉnh táo.  Riêng từ vai trở xuống, hai cánh tay, thân mình và chân thì không có chút sức lực nào. Đụng vào người cháu thì cháu kêu lên đau đớn.  Để cháu nằm một mình thì cháu kêu nhức mỏi.  Khi phải nâng cháu lên để vệ sinh cho cháu, tôi cảm thấy cứ như bê một bọc nước mềm nhũn.” Ông đưa tay sờ vào bàn chân cháu và nói: “Các ngón tay, ngón chân cháu không cử động được.”
                  Nghe ông kể bệnh đến đây, tôi thấy, về cơ bản giống như ở sách đã mô tả chứng bại liệt trẻ em.
                  Sách viết rằng:
                 “Chứng bại liệt trẻ em còn gọi là viêm chất xám tủy sống.” Là bệnh lây lan.  Viêm chất xám tủy sống lây lan qua đường tiêu hoá, dẫn đến truyền nhiễm hệ thống thần kinh.  Bốn mùa đều có thể mắc bệnh.  Nhưng ở mùa hạ, mùa thu, thường phát bệnh nhiều nhất.  Trẻ em từ một đến năm tuổi hay mắc phải bệnh này.
           
                 Đông y cho rằng: Do phong tà thấp nhiệt lấn vào phế vị, úng trở kinh lạc, khí huyết vận hành bất lợi.  Quá lắm thì hãm ở trong tâm, can. Bệnh lâu ngày thì gân, xương, cơ, bắp, không được nuôi dưỡng, can thận hư tổn, mà thành bại liệt. Học thuật Tây y trước đây xem di chứng sau sốt bại liệt là “ không thể chữa được.” Ngày nay do tiến bộ của khoa học, đã có tiêm phòng đầy đủ.  Bệnh này ở nước ta, về cơ bản, đã được thanh toán.   Nhưng vào những năm thập kỷ 70, thế kỷ trước, nước ta còn nhiều vùng và nhiều cháu bị mắc bệnh này.
                 Diễn biến của bệnh:
                 - Trẻ em đã có tiếp xúc với người bệnh, hoặc trong vùng có bệnh lưu hành. Trước hết thấy chứng phát sốt, đầu đau, nhiều mồ hôi, nôn mửa.  Liền theo thấy buồn ngủ, cơ bắp đau đớn. Sau đó hạ sốt, phát sinh tay, chân tê liệt.
                 - Sau khi tê liệt, ý thức vẫn rõ ràng, tiếng nói như thường, tê liệt hiện rõ tính chất lỏng lẻo. Nơi nơi không nhất định. Phản xạ đầu gối sau bại liệt mất đi, phần lớn cảm giác còn giữ được.
                 - Thời gian bại liệt, phải chú ý theo dõi sát sao hiện tượng thở hít khó khăn, tình huống co giật và tinh thần sắc mặt, để kịp thời phát hiện tê bại hô hấp, là chứng hậu sớm của tê bại tuỷ sống.
                  Theo học thuyết kinh lạc, bệnh này không còn khu trú ở từng đường kinh, nó đã hoành hành ở cả 8 mạch kỳ kinh.  Vì vậy, tôi quyết định chữa theo “ Linh quy phi đằng pháp.”  
          
      Lúc đó là 16 giờ 50 ngày 28 tháng chạp năm Mậu Ngọ, lịch can chi là ngày Quý tỵ, giờ Canh thân. Huyệt mở là Chiếu hải. Tôi lấy kim nhỏ, sát trùng và châm theo thủ pháp tổng hợp 4 loại: Từ tật, niệm chuyển, cửu lục và khai bế. Làm thủ pháp bổ (27x3=81 ).
                  Châm xong, tôi nói với ông Hiệu, tôi về nhà để ăn cơm với gia đình. Sang cuối giờ Tân dậu, tôi đến châm cho cháu ở huyệt Ngoại quan.
                 Ngày 29 tết, tức ngày Giáp ngọ, tôi đến châm cho bệnh nhân và mang theo bảng ghi huyệt mở theo giờ như sau:
                - Giờ Bính dần, tôi chưa đến được nên bỏ qua.
                - Giờ Đinh mão, tôi đến châm cho cháu huyệt Chiếu hải.
    - Giờ Mậu thìn, tôi vẽ huyệt Liệt khuyết trên cổ tay cháu, đưa mồi ngải, hướng dẫn cách cứu để ông Hiệu cứu cho con ông.
    - Giờ Kỷ tỵ, ông bố cứu cho con ở huyệt Ngoại quan (tôi đã vẽ sẵn ở sau cổ tay cháu).
     - Giờ Canh ngọ, tôi đến châm cho cháu ở huyệt Hậu khê.
     - Giờ Tân mùi, ông bố cứu cho con ở huyệt Chiếu hải
     - Giờ Nhâm thân, tôi đến châm cho cháu ở huyệt Ngoại quan.
     - Giờ Quý dậu, ông bố cứu cho con ở huyệt Thân mạch.
        Trong buổi chiều hôm 29 tết này, ông H. khoe với tôi: “Đêm qua, sau hai lần châm và mấy lần cứu, cháu đã ngủ yên được khá lâu. Ngày hôm nay, có lúc cháu cũng ngủ được. Cháu khoe với tôi, cháu thấy đã bớt đau đớn trong người. Ông cầm vào bàn chân cháu và nói: “Con thử cử động ngón chân cho ông xem.” Tôi nhìn thấy ngón chân cháu đã nhúc nhích được chút ít. Ông bố mừng lắm. Nét mặt cháu cũng tươi lên hưởng ứng nỗi vui mừng của bố cháu.
                 Các ngày sau đó, kể cả ngày tết, mỗi ngày tôi đều đến ba lần vào ba giờ: Mão, Ngọ, Thân để châm cho cháu. Các giờ còn lại trong ngày, từ giờ Dần đến giờ Dậu, bố cháu theo lịch và hình vẽ ở người cháu để cứu cho cháu.
                 Chiều mồng 3 tết, tôi đến châm cho cháu lần cuối, bởi vì ngày mồng 4 tháng giêng, tôi đã phải đi Hà Nội.  Hôm đó, cả nhà ông H. rất vui vì cháu bé đã ngồi dậy được. Tuy cháu chưa đi lại, và làm các động tác sinh hoạt cá nhân được, nhưng tay chân cháu đã có những cử động tốt hơn, và ăn ngủ cũng tốt hơn.
                Để yên tâm, tôi lập một bảng lịch giờ huyệt mở cho mười ngày tiếp theo. Tôi khuyên ông H. đi tìm người y tá ở huyện Hải Hậu, anh này biết châm cứu, ông nhờ anh đến châm giúp cho con ông liên tục theo ngày,giờ và huyệt ghi trong tờ lịch ấy.
                 Hè năm 1979, tôi có việc lớn ở gia đình.  Khi về đến  nhà, tôi được biết cháu trai con ông H. đã khỏi bệnh, không để lại di chứng nhỏ nào. Đợt chữa bệnh này tuy vất vả, nhưng lại là kỷ niệm đáng nhớ trong dịp tết năm đó.
           
      Nhận thấy rõ giá trị ứng dụng của phép thời châm “Linh quy phi đằng,” năm 1990, tôi đã viết một bài nghiên cứu nhan đề là: “Bàn về phép Linh quy phi đằng.” Tạp chí “Công trình nghiên cứu y học quân sự”, tập 2-1990, Học viện quân y xuất bản, đã đăng toàn bộ bài nghiên cứu này, từ trang 31 đến trang 39.
                 Năm 1991, cuốn lịch “Tân mùi y thư nhật dụng” (cuốn sách tôi viết chung với cụ Nguyễn Thiên Quyến, chủ tịch Thành hội y học cổ truyền Hà Nội), được công bố. Trong sách này, cả ba phép thời châm: “Linh quy phi đằng”, “Tý ngọ lưu chú”, và “Thập nhị kinh bệnh tỉnh, huỳnh, du, kinh, hợp, bổ hư, tả thực” đã được tôi đưa cụ thể vào 12 giờ trong từng ngày. Tính từ ngày 1 tháng giêng năm Tân mùi (15/2/1991) đến ngày 30 tháng chạp năm Tân mùi (3/1/1992) để các lương y tiện dùng.
    Giữa năm 1991, bác sỹ Ch. Q. Tr., chủ nhiệm khoa đông y Viện 103, đến mời tôi giới thiệu cả ba phép thời châm khác nhau:  “Linh quy phi đằng”, “Tý ngọ lưu chú”, “Thập nhị kinh bệnh tỉnh, huỳnh, du, kinh, hợp, bổ hư tả thực”, trước toàn thể cán bộ điều trị của khoa, cùng với số bác sỹ Cu Ba đang theo học tại Học viện quân y.
     Cho đến nay, việc ứng dụng cách châm theo phép“Linh quy phi đằng” cũng còn nhiều người phân vân. Tôi viết lại chuyện này như một ví dụ cụ thể, để đồng nghiệp yên tâm vận dụng. Nhưng tiện đây, tôi xin giới thiệu tóm tắt đặc điểm cấu thành và tính chất ứng dụng của từng phép thời châm đó như sau:

      Phép “Thập nhị kinh bệnh tỉnh, huỳnh, du, kinh, hợp bổ hư, tả thực” là phép bổ, tả theo khí thịnh, suy của mỗi đường kinh.  Theo đúng giờ tuần hành của đường kinh, là khí của đường kinh đó thịnh, dùng thủ pháp tả, lấy huyệt trong ngũ du của đường kinh đó, mang hành là con của hành đường kinh..  Khi vừa hết giờ tuần hành của đường kinh, là lúc khí của đường kinh đó đã suy, dùng phép bổ, lấy huyệt trong ngũ du của đường kinh đó, mang hành là mẹ của hành đường kinh, dùng thủ pháp bổ.  Đây là phép bổ, tả mẫu, tử, vận dụng vào tương ứng giữa 12 giờ địa chi và hoạt động công năng của 12 tạng, phủ trong ngày.
  Thập nhị kinh nạp Địa chi ca :
Phế Dần, Đại Mão, Vị Thìn cung.
                                 Tỳ Tỵ, Tâm Ngọ, Tiểu Mùi trung.
       Thân Bàng, Dậu Thận, Tâm bào Tuất.
  Hợi Tiêu, Tý Đảm, Sửu Can thông.
    Tác dụng của phép thời châm  “Thập nhị kinh bệnh...” đúng như ý nghĩa tên gọi của nó đã chỉ rõ : “Chữa bệnh ở 12 kinh” theo giờ địa chi và huyệt mở trên đường kinh tương ứng.

*Phép “Tý, ngọ lưu chú” giải thích : Tý, ngọ là từ ngữ dùng thay của âm, dương. Tý là dương khởi.  Ngọ là âm khởi. Tý ngọ lưu chú là âm dương chảy rót.  Phép này dùng tương ứng âm, dương :Theo ngày dương, giờ dương, kinh dương; ngày âm, giờ âm, kinh âm.  Lại theo ngũ hành của thiên can ở ngày, giờ, tương ứng với ngũ hành của tạng phủ, tương ứng với ngũ hành của ngũ du huyệt.  Phép này lợi dụng giờ huyệt mở của đường kinh để tiếp nhận khí âm, dương của vũ trụ chảy rót vào tiếp sức cho khí của các đường kinh lạc và tạng phủ. 
Thập nhị kinh nạp Thiên can ca:
                                 Giáp Đảm, Ất Can, Bính Tiểu trường.
                                 Đinh tâm,Mậu Vị, Kỷ Tỳ hương.
                                 Canh thuộc Đại trường, Tân thuộc Phế.
                                 Nhâm thuộc Bàng quang, Qúy Thận tàng.
                                 Tam tiêu diệc hướng Nhâm trung ký.
                                Bào lạc đồng quy Thận Qúy phương.
      Phép này dùng khí âm dương của 10 thiên can ở 10 ngày, 10 giờ,   trong khi cơ thể người lại có 12.  Do vậy, Tam tiêu phải gửi vào ngày Nhâm, giờ Nhâm; Tâm bào phải gửi vào ngày Qúy, giờ Qúy.
    Tác dụng của phép thời châm “Tý ngọ lưu chú” cũng đúng như ý nghĩa tên gọi của nó đã nói rõ : “Âm dương chảy rót”.  Đem khí âm dương vũ trụ chảy rót vào cho khí âm dương trong cơ thể con người, thông qua các huyệt mở ở các đường kinh lạc.

   *  Phép “Linh quy phi đằng” giải thích : Linh quy phi đằng là Rùa thiêng bay lượn.  Rùa thiêng, mượn ý Lạc thư trên lưng rùa ở sông Lạc dương, có chín con số linh thiêng, bí ẩn.  Bay lượn, mượn ý chín con số trong lạc thư biến hoá, thay đổi. Đây là phép sử dụng khí âm dương của vũ trụ trong cửu cung ở ngày, giờ theo 10 thiên can và 12 địa chi, tương ứng với khí âm dương trong 8 mạch kỳ kinh, tương ứng với 8 quái của dịch học.     
    Những bảng số của ngày can chi, giờ can chi dùng trong phép tính của Linh quy phi đằng :
Bát pháp trục nhật can chi ca.
Giáp, kỷ, thìn, tuất, sửu, mùi, thập.
Ất, canh, thân, dậu, cửu vi kỳ.
Đinh, nhâm, dần, mão, bát thành số.
Mậu, qúy, tỵ, ngọ, thất tương nghi.
Trục nhật can chi, tất đắc tri.
Bát pháp lâm thời can chi ca.
Giáp, kỷ, tý, ngọ, cửu nghi (hợp) dụng.
Ất, canh, sửu, mùi, bát vô nghi (ngờ).
Bính, tân, dần, thân, thất tác số.
Đinh, nhâm, mão, dậu, lục thuận tri.
Mậu, qúy, Thìn, tuất, các hữu ngũ.
Tỵ, hợi đơn gia tứ. Cộng tề.
Dương nhật trừ cửu, âm trừ lục... Bất cập linh dư huyệt hạ suy.  
    Cách tính tìm số: Kỳ pháp như giáp, bính, mậu , canh, nhâm vi dương nhật; ất, đinh, kỷ, tân, qúy vi âm nhật. Dĩ nhật, thời, can, chi toán kế hà số
Dương nhật trừ cửu, âm trừ lục... thừa hạ nhuợc vu.  Đồng phối quái số nhật, thời, đắc hà quái, tắc tri hà huyệt khai hĩ.

    Tương ứng giữa số, cung quái, huyyệt đại biểu của tám mạch kỳ kinh:
Bát pháp ca.
Khảm nhất quan Thân mạch.
Chiếu hải Khôn, nhị, ngũ.
Chấn tam thuộc Ngoại quan.
Tốn tứ Lâm khấp số.
Càn lục thị Công tôn.
Đoài thất Hậu khê phủ.
Cấn bát hệ Nội quan.
Ly cửu Liệt khuyết chủ.
       
      Tám huyệt đại biểu thông với tám mạch và chủ trị :
Bát pháp giao hội bát mạch.
Công tôn nhị huyệt, phụ, thông Xung mạch;
Nội quan nhị huyệt, mẫu, thông Âm duy mạch.  Hợp vu tâm, hung, vị.
                         Hậu khê nhị huyệt, phu, thông Đốc mạch;
Thân mạch nhị huyệt, thê, thông Dương kiểu mạch.  Hợp vu mục nội giại, hạng cảnh, nhĩ, kiên bác, tiểu trường, bàng quang. 
                        Lâm khấp nhị huyệt, nam, thông Đới mạch;
Ngoại quan nhị huyệt, nữ, thông Dương duy mạch. Hợp vu mục nhuệ giai, nhĩ hậu, giáp, hạng, kiên. 
                          Liệt khuyết nhị huyệt, chủ, thông Nhâm mạch; 
Chiếu hải nhị huyệt, khách, thông âm kiểu mạch.  Hợp vu phế hệ, yết hầu, hung cách.

   Đặc điểm cấu thành của từng phép thời châm kể trên, có nguồn gốc thời sinh học rất khác nhau và mức độ phức tạp khác nhau, do đó tác dụng chủ trị cũng rất khác nhau.  Nhưng khi vận dụng điều trị lại rất đơn giản.  Chỉ cần ta nắm đúng loại bệnh, chọn đúng phương pháp, xem đúng ngày giờ  theo lịch can chi, tra bảng đã tính sẵn tìm đúng huyệt mở, thủ pháp thao tác châm kim bổ, tả phù hợp, là sẽ thu được hiệu qủa trị liệu. (Xem các bảng giờ huyệt mở theo ba phương pháp thời châm trong sách “Cẩm nang chẩn trị Đông y – Dùng thuốc & Châm cứu.”  Chúc đồng nghiệp thành công.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ