Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » S

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 2


Hôm nayHôm nay : 1425

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 13923

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4067566

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa chứng sót nhau

Thứ sáu - 05/07/2019 03:49
     Khoảng mùa hè năm 1968, tôi được lệnh về huyện Lạc Dương công tác.  Từ căn cứ của Tỉnh uỷ ở rừng sâu huyện Đức Trọng (nay vùng này thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), tôi theo giao liên trèo qua đỉnh Hòn Bù, đi men gần xưởng chén Nhật Bản, vượt qua đoạn quốc lộ Đà Lạt đi Bảo Lộc, rồi sang vùng tam giác Lạc Dương.
     Đến cơ quan Huyện uỷ Lạc Dương, tôi được nghỉ lại vài hôm để nhận đồ cung cấp cá nhân, và chờ chuyến giao liên đưa về nơi công tác.  Đêm đầu tiên, chúng tôi vượt ngang đoạn lộ Đà Lạt đi Cầu Đất, vượt sông Đạ Nhim, đi về phía tây huyện Bác Ái của tỉnh Ninh Thuận.
     Buôn tôi đến là buôn Con Ó, ở đây có cán bộ người Kinh tên là Ái, mọi người thường gọi ông là ông Ái già.  Ông công tác ở đây từ ngày mới thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Việt  Nam.  Ông quê ở Quảng Nam, nhưng ông nói tiếng dân tộc Kờ Ho rất giỏi.  Cùng  công tác ở đây với ông, có cô y sỹ Minh, người ấp Xuân Sơn, huyện Lạc Dương.  Cô còn rất trẻ, là chị cả trong một gia đình đông con, cô và bẩy em nữa.  Cô hăng hái công tác cách mạng, chịu đựng được mọi khó khăn, cùng ăn, cùng ở với đồng bào, vận động  đồng bào giữ vệ sinh, phòng bệnh.  Cô không ở một nơi cố định.  Cô đi lưu động qua các buôn lẻ để làm nhiệm vụ.
     Một hôm, có người dân tộc từ buôn Y, cách xa buôn tôi ở chừng một giờ đi đường núi, họ đem đến cho tôi lá thư cô Minh viết tay. Thư kể về một sản phụ vừa sinh con, bị sót nhau.  Cô mời tôi đến giúp cô xử lý.  Tôi vội vàng theo người dẫn đường đi ngay.  Khi tới nơi, tôi trèo lên cầu thang, vào căn nhà sàn cất dưới gốc cây trong rừng già.  Cô Minh mời tôi ngồi xong, cô lôi ở góc sàn ra một gói lá, bên cạnh cô là chiếc võng sản phụ nằm.  Người sản phụ đang ôm con, đắp chiếc chăn đơn kín mít.  Cô mở gói lá ra, tay cô chỉ vào bánh nhau trong gói lá, cô nói : “Anh xem này, đoạn nhau bị rách còn sót ở trong, có lẽ dài chừng 10 cm.”  Nói xong cô đậy lá lại, ý chừng là để đợi phần nhau sót ra được đủ, cô mới cho đem đi chôn lấp.
    Tôi lập tức lấy ngải nhung trong túi ba lô ra, nặn đủ năm mồi. Tôi
đặt một mồi ngải vào huyệt Độc âm ở nếp gấp đốt, dưới gầm ngón thứ hai, chân phải của sản phụ.  Tôi đốt lửa lần lượt từng mồi, khi lửa cháy   hết hai phần ba chiều cao mồi ngải thì bỏ đi.  Đốt đủ năm mồi xong, tôi và cô y sỹ Minh ngồi nói chuyện và chờ đợi.  Chẳng bao lâu, người sản phụ trở mình và nói điều gì đó, tôi nghe không rõ, nhưng thấy cô Minh  đến ngay với sản phụ.  Cô đưa tay vào trong tấm chăn che người sản phụ, lấy ra một vật.  Sau đó cô lại kéo gói lá dưới sàn, mở ra, đặt vật đó vào, rồi cô gọi tôi lại xem.  Cô nói : “ Chỗ nhau sót đó đã ra đủ rồi anh ạ, lạ quá hì.”…

     Sau đợt tổng tấn công thứ hai năm Mậu thân, tôi được tin cô Minh đã hy sinh trên đường đi công tác trong vùng địch chiếm. Tôi bùi ngùi thương tiếc một người y sỹ trẻ, cô mới theo cách mạng chưa lâu, nhưng đã tận tụy với đồng bào dân tộc Kờ Ho của tỉnh nhà.  Cô Minh ơi! Nếu ngày thống nhất đất nước mà cô còn được đi học, cô sẽ còn được biết thêm nhiều về môn  chữa bệnh bằng cách châm cứu, không chỉ biết riêng một huyệt Độc âm chữa chứng sót nhau mà thôi đâu. 
     Cũng từ khi tôi rời buôn Con Ó, trở về tỉnh công tác, và cho tới ngày nay, tôi không có được tin tức gì về ông Ái. Nhưng trong lòng tôi luôn kính nể người cán bộ già ấy.  Ông đã thương dân ở đây lắm.  Ông cũng thương tôi như anh cả thương em, trong những ngày gian khổ và ác liệt năm Mậu Thân không thể nào quên.
     Tôi cũng luôn nhớ đến mẹ Tiên, cha Pham, ông bà là dân trong buôn.  Họ luôn tin tưởng Mặt trận, nghe theo lời cán bộ mặt trận, họ cắm chông, làm bẫy, chống giặc vào buôn làng, đi dân công tải vũ khí về cho bộ đội, giúp đỡ cán bộ hoàn thành nhiệm vụ của mình, trong số đó, tôi là người được dân buôn làng giúp đỡ nhiều hơn cả.


Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ