Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Trị liệu bằng Đông Y » C

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 5


Hôm nayHôm nay : 945

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16838

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4049102

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

Chữa cơn co thắt khí quản

Thứ tư - 17/07/2019 18:42
Cùng nằm ở phòng điều trị với tôi, có một cán bộ người Liên khu 5 đến để chờ kiểm tra lại.  Anh đã điều trị ngoại trú ở cơ quan đủ thời gian quy định.

     Vào một buổi chiều thứ bẩy, ngày đầu của tiết lập đông, trời trở gió mùa rất lạnh.  Anh cán bộ nọ lên cơn khó thở, nằm ôm ngực vật vã.  Ông y sỹ già trực phiên hôm đó cùng các nhân viên y tế phải vội vã tiến hành cấp cứu.  Họ lôi bình ô xy, hệ thống dây dẫn, lọ nước lọc hơi, đưa đến giường người bệnh.  Sau khi họ làm xong những việc treo, buộc lọ nước, và cho ống hơi vào mũi anh bệnh nhân, mọi người đã tản đi.  Chỉ còn lại ông y sỹ già đứng chăm chú nhìn anh.  Thỉnh thoảng ông lại liếc nhìn những bóng bọt sủi trong chai nước treo trên cọc mắc màn.
     Tôi được chứng kiến sự việc từ lúc mới sảy ra.  Đợi khá lâu không thấy bệnh nhân tỉnh lại, tôi lo lắng tiến đến gần để quan sát kỹ hơn. Thấy tôi đến gần và thận trọng quan sát, ông y sỹ già bình thản hỏi tôi : “Anh là người nhà bệnh nhân à?.”  Tôi không ngờ ông lại lơ đễnh đến nỗi không nhận ra bộ quần áo bệnh nhân tôi đang mặc.  Tôi không trả lời câu hỏi của ông, mà đã hỏi lại ông :
“ Bác cho phép tôi châm cứu để giải cơn co thắt này được không, thưa bác ?.”  Ông nói : “Đồng ý, nhưng anh không được tháo ống thở ô xy ra.”  Tôi đáp lại lời ông mà lòng mừng rỡ : “Thưa vâng.”
    Tôi lấy ngay hộp kim trong túi ra, kịp thời dùng bông cồn sát trùng kim.  Tôi luồn tay cầm kim vào trong ngực áo người bệnh, nơi hai cánh tay gò chặt lại.   Dùng ngón tay để tìm huyệt Chiên trung, châm kim vào.  Sau đó là châm kim hai huyệt Kỳ môn ở hai bên, tôi cũng phải dò dẫm mà châm như thế.  Châm xong ba kim, tôi lần lượt vê mạnh từng kim, vê từ kim này sang kim khác, không ngừng nghỉ.  Chừng dăm, bảy phút sau khi châm và vê kim, người bệnh trở mình, nằm ngửa lại, buông lỏng hai cánh tay, bàn tay.  Anh thở ra một hơi thật dài, và hít hơi lại cũng thật mạnh.  Sau đó anh thở ra nhẹ hơn, rồi dần dần thở hít đều đều.  Mắt anh mở ra ngơ ngác.   Lúc này ông y sỹ già đã cúi xuống gỡ băng dán, rút ống chụp hơi trên mặt người bệnh.  Tôi rút kim xong, người bệnh liền ngồi dậy.   Anh giơ hai tay ra trước, ra bên, rồi anh co lại, duỗi ra liền mấy lần.   Anh làm như thế, ý chừng là để giải nốt cái mỏi ở cơ tay, sau thời gian bị co quắp kéo dài.   Anh quay sang phía tôi, chìa hai tay ra xin bắt tay tôi và nói lời cảm ơn.  Ông y sỹ già thì lặng lẽ thu dọn ống, lọ, và bình hơi đưa về chỗ cũ.

      Sự việc ấy đã diễn ra êm ả, trật tự, giống như sự vắng vẻ của những buổi chiều thứ bẩy ở bệnh viện này vốn là thế.   Chỉ có tôi là mãi mãi không thể nào quên được tác dụng của huyệt Chiên trung và hai huyệt Kỳ môn mà thôi.
    Khi tôi làm mọi việc cho bệnh nhân, trong phòng chỉ còn lại số ít bệnh nhân gia đình ở xa.  Anh D.(bệnh binh), nguyên là sinh viên y khoa Hà Nội cũng là một trong số đó.   Do tay tôi thao tác châm kim bên trong lớp áo bệnh nhân, D. không biết được tôi đã châm những huyệt gì.   Cho nên, khi công việc kết thúc tốt đẹp, D. đến gặp tôi hỏi để được biết rõ.  Tôi nói lại phương huyệt và phân tích cho D. nghe. 
      Chứng co thắt khí quản là một rối loạn can xi cục bộ vùng khí quản.  Bệnh do chức năng của phế tạng và can tạng có những biến đổi khác thường. Chữa chứng này, phải dùng các huyệt có tác dụng hoãn giải gân cơ tại chỗ.  Phương đã chọn hai huyệt Chiên trung, Kỳ môn.  Huyệt Chiên trung còn gọi là Đản trung, là Mộ huyệt của Tâm bào.   Huyệt ở trên mạch nhâm, nơi giữa hai đầu núm vú trước ngực.  Tạng phủ bên trong tương ứng với huyệt, có tâm và phế. Chủ trị của huyệt, sách “Nạn kinh” viết : Khí hội ở Chiên trung.  “Nạn kinh sớ”viết : Bệnh khí chữa ở đó.  Duy huyệt học viết : Chủ trị :...hen suyễn;... hen phế quản;...Khí lên ngắn hơi;...trong ngực như tắc...  Huyệt Kỳ môn, còn gọi là Mộ huỵệt của tạng can. Vị trí của huyệt trên kinh can, ở phía dưới vú, khe liên sườn 6-7, cách đường giữa ngực 3,5 thốn. Bên trong lồng ngực, tương ứng với huyệt vị bên phải, là tạng can.  Can chủ cân (gân). Tát cả màng dai bao các tổ chức trong cơ thể đều là chất gân, do đó, việc co, giãn ở màng dai, gân cơ, đều do gan chi phối.  Chủ trị của huyệt Kỳ môn có chỗ viết :... Suyễn to không thể nằm yên;...trong ngực đau không thể chịu nỗi...
     Tôi nói thêm với D., muốn lấy huyệt đúng, khi mắt không thể nhìn thấy huyệt, như trường hợp vừa sảy ra, ta phải thật hiểu môn giải phẫu cơ thể người.  Cảm giác bàn tay dựa theo cấu tạo xương, cơ, sẽ giúp ta tìm chính xác vị trí của huyệt.     Trong đêm đánh đồn Mờ loọng ở huyện Đơn Dương, khi chúng tôi tiếp cận hàng rào, gần lô cốt có hầm ngầm của quân địch, một chiến sỹ cạnh tôi bất ngờ trúng gió.  Tôi đã kịp thời lấy kim mang theo, tìm đúng những huyệt cần thiết để châm. Chiến sỹ đó đã được cứu sống, trong hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm, trước giờ súng nổ của trận công kiên ác liệt.  Thành công đó cũng chính là nhờ môn học giải phẫu xương, cơ người, tôi học được ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, từ những năm trước khi tôi đi chiến trường B.  Nhìn  thấy D. ngồi nghe tôi nói rất chăm chú, làm sống lại trong tôi ký ức thời trên ghế nhà trường của tôi.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Những kỷ niệm chữa bệnh bằng đông y, NXBYH,2009

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ