Trang nhất » Chi hội HC » Tài liệu tra cứu » Bài thuốc

CHI HỘI ĐÔNG Y HC

Tin tổng hợp

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 13


Hôm nayHôm nay : 1709

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 18950

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4051214

ĐẶC KHU-CƠ TRỊ LIỆU

Thư viện HC

THUỐC HÒA

Thứ bảy - 14/12/2019 02:42
Thuốc hòa là loại thuốc điều chỉnh hoạt động của con người giải trừ bệnh tật là một trong 8 phương pháp theo nguyên tắc chữa bệnh, tà ở biểu thì cho phát hãn, ở lý thì cho công hạ, bệnh thiếu dương mà tà nửa ở biểu nửa ở lý, không thể phát hãn cũng không thể công hạ, do đó phải dùng cách hòa. Phương pháp hòa ngoài hòa giải bệnh thiếu dương ra còn phù chính đạt tà, điều chỉnh khí huyết, điều chỉnh mối quan hệ nội tạng. Chương này lấy các phương thuốc hòa giải thiếu dương điều chỉnh vị tràng, điều hòa can tỳ, điều hòa vinh vệ quy nạp thành thuốc hòa. Một vài phương thuốc điều hòa can tỳ như Tứ nghịch tán, Tiêu giao tán tuy cũng thuộc phạm vi thuốc hòa nhưng tác dụng chủ yếu của nó là sơ can lý khí nên sẽ giới thiệu ở chương thuốc lý khí.
1. Cách hòa giải thiếu dương:
Chữa chứng thiếu dương thuộc bệnh ngoại cảm nhiệt, chứng thiếu dương là một loại hình khác với chứng thái dương và dương minh là chứng nửa ở biểu nửa ở lý, tức là chứng nửa ở biểu có “hàn nhiệt vãng lai”, tà chưa rời khỏi biểu, lại có chứng nửa ở lý biểu hiện. Vùng ngực đầy, không muốn ăn uống, tâm phiền, muốn nôn, miệng đắng, họng khô, tà ảnh hưởng đến đờm phủ. Cách điều trị chỉ có dùng thuốc hòa giải hòa lý để thấu tà, mới đạt được điều nói trong “Thương hàn luận” là “vị khí được hòa, tự nhiên hãn xuất mà giải”.
Cách này thường dùng Sài hồ, Hoàng cầm, Bán hạ, bài Sài hồ thang là phương thuốc tiêu biểu về cách chữa này.
2. Cách điều hòa vị tràng:
Dùng chữa các chứng chức năng của tràng vị không ăn nhập với nhau, hàn nhiệt xen kẽ, thăng giáng không ấn định nên buồn bực dưới vùng tim, phiền nhiệt dâng lên nôn mửa đau bụng hoặc bụng sôi tiết tả. Cách chữa dùng tân khai khổ giáng, hàn nhiệt cùng dùng điều chỉnh chức năng của tràng vị thường dùng các vị Hoàng liên, Bán hạ, Quế chi, Can khương. Bán hạ tả tâm thang. Hoàng liên thang là phương thuốc tiêu biểu về mặt này.
3. Cách điều hòa can tì:
Là chữa can tỳ không điều hòa, tình chí tức uất, ngực buồn không thư thái, hông đau, bụng đau, bụng tả. Thường dùng các vị Sài hồ hoặc Bạch thược và Bạch truật, Phục linh, Cam thảo tạo thành bài thuốc để sơ tiết can khí, điều lý tỳ vị. Thống tả yêu phương thuộc loại phương thuốc này.
4. Cách điều hòa vinh vệ:
Do ngoại cảm phong tà dẫn đến vinh vệ bất hòa, có lúc rét có lúc nóng hoặc nóng ít tự ra mồ hôi. Trong trường hợp này không thể chuyên cho phát hãn khử tà mà điều hòa vinh vệ là việc phải làm ngay. Quế chi thang là phương thuốc tiêu biểu về mặt này.


TIỂU SÀI HỒ THANG
Trích « Thương hàn luận »
Thành phần:

1. Sài hồ 8-16 gam
2. Bán hạ 8-12 gam
3. Cam thảo (nướng) 4-8 gam
4. Đại táo 4-6 quả

5. Hoàng cầm 6-12 gam
6. Nhân sâm 12-16 gam
7. Sinh khương 2-4 lát


Cách dùng: Ngày dùng 1 thang, đun sắc chia 2 lần uống.
Công dụng: Hòa giải thiếu dương, phù chính khử tà.
Chữa chứng bệnh: Chứng thiếu dương, hàn nhiệt vãng lai, vùng ngực đầy tức, không muốn ăn uống, tâm phiền nôn mửa, miệng đắng họng khô, mắt mờ, rêu lưỡi mỏng trắng hoặc vàng nhờn, mạch huyền.
Giải bài thuốc: Sài hồ sờ tà giải nhiệt lại có thể giải uất kết ở vùng ngực mà giải phiền muộn. Hoàng cầm thanh nhiệt ở gan mật, hai vị hợp dùng là thuốc chủ để hòa giải thiếu dương, trị hàn nhiệt vãng  lai, vùng ngực đầy tức, miệng đắng họng khô, Sinh khương, Bán hạ hòa vị giáng nghịch, trị tâm phiền muốn nôn, không muốn ăn uống, Nhân sâm, Cam thảo, Sinh khương, Đại táo phù chính hòa chung, giúp Sài hồ, Hoàng cầm đạt tà.
Bài này trừ hòa giải thiếu dương ra, còn có thể chữa phụ nữ sau khi sinh đẻ phát sốt nhiệt vào túi huyết, bệnh sốt rét, bệnh sốt đỡ rồi bị sốt lại.
Cách gia giảm: Nếu bị cả thái dương biểu chứng, đốt xương đau nhức, có thể phối hợp dùng cả bài Quế chi thang, nếu đại tiện bí kết mà nhiệt bên trong chưa thịnh, có thể gia Mang tiêu (tức Sài hồ gia Mang tiêu thang), nếu bị sốt rét, có thể gia Thường sơn sao rượu, Thảo quả nướng, nếu bị thấp đờm có thể gia Hậu phác, Thương truật, nếu bị cả chứng ngực buồn mỏ ác đau, thấp nhiệt cản trở bên trong có thể gia Chỉ xác, Kiết cánh hoặc Hoàng liên, Qua lâu (kết hợp với Tiểu hãm hung thang pháp) là thích hợp nhất, có thể bỏ Nhân sâm, Cam thảo, Đại táo. Ngoài ra còn có người dùng bài tiểu Sài hồ thang hợp với bài Tuyền phúc đại giả thang gia giảm một thăng một giáng chữa bệnh mang thai ác trở đạt hiệu quả tương đối tốt.



ĐẠI SÀI HỒ THANG
(Phụ: Thanh di thang)

Vị thuốc:  « Thương hàn luận »
1. Sài hồ 8-16 gam 5. Hoàng cầm 6-12 gam
2. Bán hạ 8-12 gam 6. Thược dược 8-12 gam
3. Chỉ thực 8-12 gam 7. Đại hoàng 6-12 gam
4. Sinh khương 3-5 lát 8. Đại táo 4-6 quả

Cách dùng: Ngày dùng một thang, đem sắc chia 2 lần uống.
Công dụng: Hòa giải thiếu dương, tả hạ nhiệt kết.
Chữa chứng bệnh: Thiếu dương chứa giải, nhiệt lý đã thịnh, hàn nhiệt thường vãng lai, ngực buồn bị nôn, bị uất mà phiền, bụng ngực chướng tức đại tiện không giải, hoặc đi mà không thông sướng, miệng đắng, râu vàng, mạch huyền mạnh.
Giải bài thuốc: Bài này là Tiểu sài hồ thang bỏ Nhân sâm, Cam thảo gia Đại hoàng, Chỉ thực, Thược dược mà thành, kết hợp giữa hòa giải và hoãn hạ, có tác dụng sơ giải, hòa lý, tiết nhiệt, tiêu đạo. Sài hồ, Hoàng cầm chữa chứng thiếu dương, như hàn nhiệt vãng lai, vòm ngực đầy tức, Đại hoàng, Chỉ thực chữa chứng dương minh như lý nhiệt uất kết, bụng ngực chướng đầy, đại tiện không thông. Thược dược hòa lý, giỏi trị đau bụng, phối thêm Hoàng cầm có thể chữa hạ lợi nhiệt tính. Ngoài ra Sinh khương phối hợp với Bán hạ có thể ngừng nôn, phối hợp với Đại táo có thể hòa vinh vệ. Tóm lại phương thuốc này chữa cả 2 bệnh thiếu dương và dương minh, dùng cả hòa giải và công hạ.
Cách gia giảm: Những năm gần đây dùng bài này chữa viêm túi mật, sỏi mật, lúc dùng tùy chứng bệnh mà gia giảm, nếu ngực buồn, cơ bắp không lợi thì gia Uất kim, Thanh bì, Mộc hương, nếu bị hoàng đản gia Nhân trần, Sơn chi tử. Lồng ngực đau gia Xuyên luyện tử, Tuyền phúc hoa, nếu bị sỏi gia Kim tiền thảo, Hải kim sa, Kê nội kim.

Phụ phương:

Thanh di thang:
Là phương thuốc kinh nghiệm của bệnh viện Nam Khai - Thiên Tân. Gồm các vị:

1. Sài hồ 20 gam
2. Hoàng cầm 12 gam
3. Hồ hoàng liên 12 gam
4. Bạch thược 20 gam

5. Mộc hương 12 gam
6. Diên hồ sách 12 gam
7. Sinh đại hoàng 20 gam (cho vào sau)
8. Mang tiêu 12 gam (uống thông)

Thuộc cách biến hóa gia giảm của Đại sài hồ thang, có tác dụng sơ can lý khí, thanh nhiệt tả hỏa, thông tiện.
Chữa các chứng viêm niêm mạc cấp tính như can uất khí trệ (bụng đau từng cơn hoặc đau xoắn lại, biểu hiện chứng thiếu dương, rêu lưỡi mỏng trắng hoặc hơi vàng, mạch nhỏ yếu hoặc khẩn), tỳ vị thực nhiệt (bụng đầy ấn vào đau, miệng khát đại tiện bí, tiểu tiện rát và đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, dày nhờn hoặc táo, mạch hồng sác) người mắc bệnh nhẹ ngày dùng một thang khoảng 300 gam, đun sắc chia 2 lần uống. Người mắc bệnh vừa hoặc nặng, ngày dùng hai thang, chia 4 lần uống, bệnh cấp tính sau khi được hoãn giải từ từ hoặc lúc đi tả ngày 2-3 lần, phải giảm bớt vị thuốc và liều lượng, đường ruột có được thông thuận không, có quan hệ nhất định đến hiệu quả điều trị. Nói chung mỗi ngày giữ được đi đại tiện 2-3 lần là vừa, nhiều quá thì tổn thương chính khí. Đau nhói cấp tính giảm nhẹ hoặc sau khi đường ruột đã thông cần giảm Đại hoàng, Mang tiêu và gia thêm thuốc kiện tỳ hòa vị như Trần bì, Khấu nhân, Tiêu lục khúc, Tiêu mạch nha, Tiêu sơn tra. Người mang thai lượng thuốc công hạ nên giảm bớt.






Thành phần:

BÁN HẠ TẢ TÂM THANG
« Thương hàn luận »

1. Bán hạ 6-12 gam
2. Hoàng cầm 6-12 gam
3. Can khương 4-6 gam
4. Nhân sâm (hoặc Đảng sâm) 8-16 gam

5. Cam thảo (nướng) 4-8 gam
6. Hoàng liên 4-6 gam
7. Đại táo 4-6 quả


Cách dùng: Ngày dùng một thang, đun sắc chia 2 lần uống.
Công dụng: Hòa vị giáng nghịch, khai bế tán đầy.
Chữa chứng bệnh: Chức năng tràng vị rối loạn, hàn nhiệt kết lại với nhau, dưới vùng tim đầy cứng nhưng không cảm thấy đau, bụng sôi hạ lợi, buồn nôn, không thích ăn uống, rêu lưỡi nhờn mà hơi vàng.
Giải bài thuốc: Bài này là Tiểu sài hồ thang bỏ Sài hồ, Sinh khương mà thêm Hoàng liên, Can khương, có tác dụng hóa thấp nhiệt, hòa tràng vị là cách chữa vừa tân khai khổ giáng, hàn an tịnh dụng, bổ tả kiêm thi. Chữa các chứng thấp nhiệt lưu ở trung tiêu, tràng vị tiêu hóa thất thường, hàn nhiệt xen kẽ, hư thực đều có.
Bán hạ, Can khương tân ôn có tác dụng tán hàn, hóa ẩm, Hoàng cầm, Hoàng liên khổ hàn có tác dụng tiết nhiệt, táo thấp, dùng cả vị tân và khổ, có giáng nghịch, ngừng nôn, tiêu đầy Nhân sâm, Cam thảo, Đại táo, ích khí hòa trung khiến hàn nhiệt đều điều hòa, tràng vị hòa, thăng giáng bình thường thì đầy cứng, nôn mửa, hạ lợi đều được giải.
Cách gia giảm: Bài này nếu bớt can thường dùng Sinh khương thì gọi là Sinh khương tả tâm thang, gia Sinh khương để tán thủy khí, thai nôn mửa. Bài này tăng thêm lượng Cam thảo tả tâm thang, tăng thêm Cam thảo mục đích để bổ ích trung khí, chữa trị khí hư nhược, khí kết thành đầy hơi, cách chữa cơ bản giống bài thuốc này.

Ngày nay dùng Can khương 12 gam, Hoàng liên 1 gam, Hoàng cầm 8 gam, Cam thảo 6 gam, để chữa bệnh hoắc loạn thổ tả: Nếu người mắc chứng hàn nặng, Can khương tăng gấp đôi, người mắc chứng nhiệt nặng, Hoàng liên hoặc Hoàng cầm tăng gấp đôi, người bị nôn mửa nặng gia Bán hạ 3 gam, Sinh khương 12 gam, người bị tứ cho chi hàn lạnh nặng gia phụ tử 13-24 gam. Người đi tiểu tiện ít hoặc bế gia tướng quân can (tức Thiền thoái bỏ cẳng, cánh) 5 con, Thông thiên thảo 12 gam, người bị buồn bực nặng gia Sơn chi tử 12 gam, Đậu cổ 16 gam, chuyền gân gia Tàm sa 12 gam, Ý dĩ 40  gam, người bị đau bụng dữ dội gia Ngô thù 1 lạng, rêu lưỡi nhờn gia Hậu phác 26 gam, Thương truật 12 gam, tùy theo chứng bệnh mà gia giảm sẽ điều trị có kết quả, ý nghĩa bài thuốc tương tự như bài thuốc này.






Thành phần:

HOÀNG LIÊN THANG
« Thương hàn luận »

1. Hoàng liên 4-6 gam
2. Bán hạ 8-12 gam
3. Cam thảo (nướng) 4 gam
4. Can khương 4-8 gam

5. Quế chi (hoặc Nhục quế) 4-12 gam
6. Nhân sâm (hoặc đẳng sâm) 8-16 gam
7. Đại táo 4-6 quả


Cách dùng: Ngày dùng một thang, đun sắc chia 2 lần uống.
Công dụng: Điều chỉnh chức năng của tràng vị.
Chữa chứng bệnh: Lồng ngực phiền nhiệt, đầy hơi buồn bực, khí nghịch lên trên, buồn nôn, bụng
đau hoặc bụng sôi đi tả, rêu lưỡi trắng hoạt, mạch huyền.
Giải bài thuốc: Bài này là cách biến hóa của tiểu Sài hồ thang. Chủ trị chức năng tràng vị rối loạn, hàn nhiệt xen kẽ. Nhiệt thì ngực phiền nhiệt mà gây nôn, hàn thì bụng đau, bụng sôi mà đi tả. Bài thuốc dùng Hoàng liên thanh nhiệt, Can khương, Nhục quế ôn trung tán hàn, hàn ôn đều dùng, chủ trị các bệnh hàn nhiệt xen kẽ, phối hợp Hoàng liên và Can khương là để tân khai khổ giáng là thuốc chủ của bài thuốc này. Ngoài ra dùng Nhân sâm, Cam thảo, Đại táo ích khí hòa trung, hỗ trợ Hoàng liên, Can khương khử tà là cách chính đạt tà. Bán hạ hòa vị ngừng nôn, theo bệnh dùng thuốc, được dùng nhiều trong phương thuốc hòa dùng nhiều.


THỐNG TẢ YẾU PHƯƠNG
Trích « Cảnh nhạc toàn thư »
Thành phần:

1. Bạch truật (sao vàng hoàng thổ) 12 gam
2. Bạch thược (sao) 12 gam

3. Trần bì 8 gam
4. Phòng phong 8 gam


Cách dùng: Ngày dùng một thang, đun sắc chia 2 lần uống.
Công dụng: Sơ can kiện tỳ, chỉ thống chỉ tả.
Chữa chứng bệnh: Ruột sôi bụng đau, đại tiện đi tả, đi tả thì bụng đau, mỗi khi tình cảm xúc động thì phát lên, thông thường tích trệ ít, không có thực nhiệt hoặc hư hàn. Mạch huyền, rêu lưỡi mỏng trắng.
Giải bài thuốc: Chứng “thống tả” thường do gan ty bất hòa gây nên, bài này dùng Bạch truật kiện tỳ, Trần bì hòa vị lý khí để phù trợ, Bạch truật kiện tỳ, Trần bì hòa vị khí để phù trợ, Bạch Thược sơ can, Phòng phong tân lương ôn tán để phù trợ. 4 vị thuốc phối hợp chặt chẽ, điều hòa chức năng của gan tỳ, khí cơ hoạt bát, là bài thuốc chữa bệnh thống tả.





Thành phần:

QUẾ CHI THANG
« Thương hàn luận »

1. Quế chi 6-12 gam
2. Bạch thược 8-12 gam
3. Cam thảo (nướng) 4-8 gam

4. Sinh khương 2-4 lát
5. Đại táo 4-6 quả

Cách dùng: Ngày dùng 1 thang, đun sắc, chia 2 lần uống ấm sau khi uống xong một lúc, ăn một bát cháo nóng (hoặc nước sôi cũng được) để ra mồ hôi.
Công dụng: Giải cơ phát biểu, điều hòa dinh vệ.
Chữa chứng bệnh: Ngoại cảm phong tà, đầu đau phát sốt, mồ hôi ra nhiều, mũi tịt nhưng chảy nước mũi, nôn khan, miệng không khát, rêu lưỡi mỏng trắng mà hoạt nhuận, mạch phù hoãn hoặc phù nhược, vị dinh vệ bất hòa mà gây nên lúc lạnh lúc nóng, đổ mồ hôi sợ gió.
Giải bài thuốc: Quế chi giải cơ phát biểu, ôn thông kinh mạch phối hợp với Bạch thược có tác dụng liễm âm hòa dinh để hòa lý, vừa tán vừa thu, điều hòa dinh vệ khiến cho biểu tà được giải, lý khí được hòa, là thuốc chủ yếu của bài thuốc. Sinh khương tân ôn phát tán, giúp Quế chi giải biểu và khai vị, Đại táo cam hoãn giúp Thược dược hòa lý, Cam thảo cam hoàn hòa trung, lại điều hòa được các vị thuốc, Quế chi thang tuy là phương thuốc giải biểu nhưng phối hợp với thược dược là thuốc hòa âm, khác với phương thuốc chuyên cho phát hãn. Cho nên phương thuốc này ngoài việc trị biểu chứng ngoại cảm phong tà, còn có thể chữa các bệnh sau khi ốm, sau khi đẻ do dinh vệ bất hòa, lúc lạnh lúc nóng, tinh thần không phấn chấn, ăn uống giảm sút, mạch chậm có mồ hôi. Nếu thuộc chứng biểu thực không ra mồ hôi, hoặc thịnh nhiệt miệng khát mạch sác thì không nên dùng. Nhiệt thịnh dùng nhầm bài thuốc Quế chi thang, có lúc sẽ gây ra chảy máu mũi. Trong “Thương hàn luận” dùng bài thuốc này thường lấy mạch phù hoãn hoặc phù nhược làm thước đo, các nhà y học đời sau lấy “mạch hoãn tự hãm” làm yếu điểm để chọn bài thuốc này, trong khi lâm sàng lại quan sát thêm “rêu lưỡi trắng hoạt” thì việc ứng dụng bài thuốc này càng được xác định rõ.
Cách gia giảm: Bài này gia Phụ tử gọi là Quế chi gia phụ tử thang, chữa phát hãn quá nhiều, mồ hôi ra không ngừng, sợ gió, đi tiểu tiện khó, tứ chi co duỗi khó khăn. Bỏ Thược dược gia Phụ tử gọi là Quế chi phụ tử thang chữa đau phong thấp, tự ra mồ hôi, thân thể đau dữ dội, mạch phù không có sức.
Bài này gia Cát căn gọi là Quế chi gia cát căn thang chữa ngoại cảm phong tà, kinh mạch trở trệ, khiến tâm dịch không lưu thông đều, không nuôi dưỡng được cơ thể. Nếu không ra mồ hôi có thể gia Ma hoàng tức là Cát căn thang, chữa cả 2 bệnh thái dương, dương minh, bụng đi tả thuộc biểu chứng.
Bài này gia Hoàng cầm gọi là Dương đảm thang. Hiện nay dùng chữa cảm mạo phát nhiệt, hiệu quả tương đối tốt.
Bài này tăng thêm liều lượng Thược dược, lại thêm đường phèn, tức là Tiểu kiến trung thang, nguyên trị lý hư phúc thống. Còn có thể gia Hoàng kỳ, Đảng sâm, Đương quy đều là biến hóa phát triển của Tiểu kiến trung thang, ngày nay dùng chữa chứng tỳ vị hư hàn.


KẾT LUẬN
Thuốc hòa ở chương này gồm các phương thuốc hòa giải thiếu dương điều hòa tràng vị, điều hòa can tỳ, điều hòa dinh vệ Tiểu sài hồ thang là phương thuốc chủ để hòa giải thiếu dương, có tác dụng phù chính đạt tà, thích hợp với các chứng chính khi hư, hàn nhiệt vãng lai, vùng ngực đầy căng, nôn nao, không muốn ăn uống. Đại Sài hồ thang là cách vừa hòa vừa hạ.
Bán hạ tả tâm thang và Hoàng liên thang tân khai khổ giáng, dùng cho ôn và hàn, điều hòa chức năng của tràng vị, chủ trị hàn nhiệt xen kẽ, thăng giáng thất thường, nôn mửa, bụng đau, tiết tả.
Thống tả yếu phương điều hòa can tỳ, là phương thuốc chuyên trị thống tả.
Quế chi thang giải cơ phát hãn, điều hòa dinh vệ, thường dùng chữa phát nhiệt do gió độc, tự ra mồ hôi, mạch phù nhược thuộc phong “biểu hư” hoặc sau khi ốm, sau khi sinh đẻ dinh vệ không điều hòa, những người bệnh nói sau không phải mắc bệnh ngoại cảm nhưng thường dùng Quế chi thang, chúng tôi đặt Quế chi thang vào thuốc hòa, lý do là như thế.

Tác giả bài viết: Lê Văn Sửu

Nguồn tin: Trung-Y Phương Tễ Lâm Sàng Thủ Sách

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
.

Thông tin tại Website chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc và chữa bệnh phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ